Bí quyết chọn thực phẩm Tết ngon
Măng khô, mộc nhĩ, giò, miến... là những thức không thể thiếu trong dịp Tết của nhiều nhà. Dưới đây là kinh nghiệm của cô Vương Thị Thắng (nguyên trưởng khoa chế biến món ăn, trường Cao đẳng du lịch Hà Nội) giúp chị em chọn đồ ngon
Thịt lợn, thịt bò
Thịt lợn khỏe mạnh sờ dính tay, có tính đàn hồi, khô, màu hồng nhạt đến không sẫm, săn chắc, không nhũn nhão hay rỉ dịch, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi hôi.
Thịt lợn kém chất lượng hoặc lợn bệnh, lợn chết có màu đỏ bầm, nhão, cắt sâu vào sẽ có máu (do heo chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể). Nếu heo chết đã lâu, thịt heo bị phân hủy sẽ có mùi hôi, lớp bì tím bầm.
Cũng giống như thịt lợn, thịt trâu, bò khỏe mạnh có độ đàn hồi tốt, đường cắt mặt thịt khô ráo, hơi rít, không nhũn nhão, không rỉ dịch... Thịt trâu, bò ngon có màu đỏ tươi đến đỏ thẫm (tùy vùng, miền và tháng tuổi con vật), mỡ bò màu vàng nhạt, mỡ trâu trắng đục, sợi cơ trâu to hơn bò.
Riêng với gà, hiện nay các bà nội trợ dễ nhầm gà mía và gà ta: Gà mía thường to hơn gà ta, dày thịt, thịt dai và cứng hơn.
Nếu mua gà đã làm sẵn các bà nội trợ sẽ rất khó nhận biết gà ngon hay không bởi hiện này các chủ hàng thường bôi màu, bơm nước cho da gà căng, vàng bóng, trông rất đẹp mắt.
Khi mua gà sống, cần chọn con lông mượt, béo, da căng, phẳng đều, không có lỗ hay bị tật, miếng đệm (ở giữa chân gà) hoặc đoạn xương cụt mềm là gà non, ngon.
Giò
Cây giò ngon phải chắc tay, nếu cắt ra bề mặt màu hồng, có những lỗ lấm tấm (đó là do thịt dẻo, tươi tạo nên), ăn giòn, thơm. Những cây giò cắt ra màu trắng, mịn thường không ngon, có thể do người làm pha chế thêm thức khác hoặc dùng thịt nuôi công nghiệp.
Mộc nhĩ
Khi lựa mộc nhĩ, bạn nên chọn loại cánh to, dày thì ăn sẽ ngon, giòn hơn. Không nên chọn loại mộc nhĩ xù xì, màu đen vì loại này chỉ cần ngâm vào nước ấm đã bị nhũn.
Mộc nhĩ cần ngâm nước lạnh và rửa đi rửa lại nhiều lần bằng nước lạnh. Nếu cần dùng nhanh bạn cũng có thể ngâm mộc nhĩ qua nước ấm nhưng trước đó phải ngâm rửa bằng nước lạnh đã, nếu không mộc nhĩ sẽ có mùi hôi.
Nấm hương
Nấm hương rừng cánh mỏng, nhìn xơ rách nhưng mùi rất thơm, ăn ngon. Nấm có búp nhỏ thường non, búp to thì già hơn.
Hiện nay, các loại nấm bán trên thị trường chủ yếu là nấm trồng. Loại nấm ngon thường có màu vàng nâu (nấm phơi được nắng) chân nhỏ và ngắn.
Cũng như mộc nhĩ, nấm hương cần ngâm và rửa bằng nước lạnh nhiều lần trước khi chế biến.
Miến dong
Miến ngon có màu trắng ngà, trong suốt, sợi miến săn. Các bà nội trợ không nên chọn miến màu trắng đục vì loại này thường không dai và nhanh nát.
Miến nên ngâm nước lạnh, sau đó trước khi dùng chần qua bằng nước sôi rồi ai ăn sẽ thả vào từng bát và rưới nước dùng sau, không nên nấu nhiều một lần bởi miến rất nhanh trương nở, nhũn, ăn không ngon.
Măng khô
Đây là món khoái khẩu của nhiều người tuy giá trị dinh dưỡng không cao.
Măng khô có nhiều loại: măng củ (măng lưỡi lợn), măng giang, măng vầu, măng nứa... Các bà nội trợ nên chọn mua măng non, có màu hanh vàng, măng càng để lâu màu càng sẫm. Miếng măng ngắn, búp to sẽ ngon hơn. Nếu chọn măng giang, măng vầu bạn nên tìm loại dày mình, khoảng cách giữa các đốt ngắn, bẹ bên ngoài mỏng.
Trước Tết mấy hôm, bạn nên ngâm măng vào nước lạnh (ngày thay nước 2-3 lần), lúc nào sắp chế biến thì luộc qua măng (cho vào khi nước lạnh). Với măng lưỡi lợn, sau khi luộc cần ép hết nước rồi mới đem nấu để măng ngấm gia vị và có độ giòn, dai.
Bóng bì
Nên chọn bì thăn, lưng, nở phồng đều, sạch lông, trước khi nấu ngâm 1 giờ trở lại nếu không sẽ bị nhũn.
Theo Vnexpress