Mứt tết miền Nam
Làm mứt Tết, quan trọng nhất là bạn được “hưởng” không khí đầm ấm khi cả nhà bận rộn với những món mứt đủ màu đủ vị để đón xuân.
Mứt gừng dẻo:
Đây là loại mứt Tết truyền thống. Để làm món mứt này, phải chọn gừng non, nếu gừng già, mứt rất cay và nhiều xơ. Gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi nhỏ. Cho gừng vào ngâm với nước lạnh, vắt ít nước cốt chanh để gừng không bị đen, xả lại bằng nước lạnh. Nấu sôi ít phèn chua, cho gừng vào trụng sơ, xả nước lạnh rồi để ráo. Vắt chanh vào gừng rồi cho đường, trộn đều, để ngấm. Đem gừng lên bếp sên với lửa nhỏ và đảo đều đến khi đường kéo sợi. Để nguội, rắc thêm đậu phộng rang và mè rang vào trộn đều, cho mứt vào lọ kín.
Mứt mãng cầu:
Mứt mãng cầu có vị chua nhẹ rất dễ ăn. Chọn trái mãng cầu dai chín cây, trái to và dày cơm. Bóc bỏ vỏ, rửa sạch để ráo và tách bỏ hạt. Ngâm mãng cầu với đường đến khi đường thấm hoàn toàn. Cho mãng cầu vào chảo, bắc lên bếp sên, để lửa liu riu, khi sên nhớ đảo đều tay để mãng cầu không dính chảo và đường không bị cháy khét. Sên đến khi thấy “nặng tay” và mứt ráo, rắc vani vào và đảo lại cho đều, nhấc xuống, múc ra mâm đem phơi nắng cho mứt trong. Đem gói mứt trong giấy bóng kính, cất vào lọ để ăn dần.
Mứt vỏ cam:
Nên chọn vỏ cam vàng để mứt có màu đẹp mắt. Cắt vỏ cam thành miếng dài với bề ngang đừng nhỏ quá. Bỏ vỏ cam vào nồi nước, đem nấu sôi rồi hạ lửa nhỏ để ra bớt chất đắng, khoảng năm phút thì đổ ra rổ, xả lại bằng nước lạnh, nếu vẫn còn đắng thì có thể luộc hai-ba lần. Pha ít muối với nước rồi cho vỏ cam vào ngâm qua đêm, vớt ra để ráo. Tiếp tục ngâm vỏ cam với đường và mật ong qua đêm, thỉnh thoảng đảo cho vỏ cam thấm đều đường. Đổ thêm ít nước lạnh và nước cốt cam vào vỏ cam đã ngâm rồi bắc lên bếp sên với lửa liu riu đến khi mứt trong. Có thể cho thêm nước khi sên, đừng để cạn, vỏ cam sẽ cứng, mất ngon. Vớt vỏ cam trải lên khay có khe để nước đường chảy xuống, đến khi vỏ cam khô hẳn là được. Phần nước đường cho vào lọ cất để làm nước uống rất ngon.
Mứt dừa dẻo:
Dừa lựa trái vừa rám, không quá già mà cũng không quá non. Tách cơm dừa, gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài rồi cắt sợi. Sợi dừa phải hơi dày, khi sên mứt xong mới dẻo. Rửa sạch, chần sơ qua nước nóng cho bớt dầu rồi để ráo. Ướp dừa với đường, nếu thích thêm mùi lá dứa, ướp với nước cốt lá dứa để qua đêm. Khi dừa thấm đường, cho vào chảo to, bắc lên bếp sên với lửa liu riu. Sên đến khi nước đường hơi keo lại thì đảo liên tục, nếu không mứt dễ bị cháy. Khi đường kết tinh, bám đều vào dừa thì cho vani vào, đảo nhanh tay rồi nhấc xuống, trải ra mâm, phơi một nắng, xếp vào lọ.
Mứt chuối khô:
Dùng chuối khô đã ép miếng đem cắt sợi. Gừng non gọt vỏ rửa sạch, cũng cắt sợi nhuyễn. Cùi dừa khô bào mỏng. Đậu phộng và mè rang vàng, bóc vỏ đậu. Dùng chảo thắng nước đường. Khi đường hơi kẹo, vắt chanh vào rồi cho dừa vào xào tới lúc dừa trong, vớt dừa ra, cho chuối khô vào xào, bỏ gừng vào trộn đều, cho dừa đã xào và đậu phộng, mè rang vào đảo lại là xong.
Mứt chùm ruột:
Chùm ruột chọn trái to, không bị hư giập, bỏ cuống, đem ngâm nước muối khoảng hai giờ. Cho chùm ruột vào giữa hai tấm thớt, ép nhẹ cho ra bớt nước chua và chùm ruột mềm rồi đem xả nước lạnh lại cho sạch. Giữ lại một ít nước chùm ruột để sên mứt. Sau đó, trụng sơ chùm ruột rồi đem ngâm lại nước lạnh. Trộn đường vào chùm ruột, đem phơi nắng cho tan đường, thêm ít nước vào chùm ruột rồi cho lên bếp sên, nhớ đậy nắp cho mứt có màu. Khi đường gần tới, cho thạch cao phi vào, đảo lại cho thật đều, nhấc xuống để nguội. Trong lúc sên đừng đảo nhiều quá, chùm ruột sẽ bị nát, không ngon.
NHÃ VĂN (PNO)