Gỏi nham Gò Công.
Món nham là món ăn chơi, món khai vị, lai rai với rượu chát trắng, vài cái bánh phồng tôm cũng đủ làm ông say “quắt cần câu”.
Nham là đặc sản của Gò Công, so với bộ đặc sản nổi danh Lục Tỉnh Nam Kỳ xưa nay không đâu bằng. Hương vị của nham độc đáo, kỹ thuật chế biến kết hợp ngọt mặn chua cay từ chất liệu thiên nhiên.
Nguyên liệu:
- Rau diếp cá (vị chủ lực)
- Dưa leo
- Cà rốt bào sợi
- Chuối chát
- Khế chua
- Chất đạm gồm thịt cua (cua luộc, gỡ thịt và gạch cua); thịt ba rọi hoặc thịt gà (luộc chín thái sợi).
- Nước mắm, đường, nước cốt chanh, hạt nêm, tiêu, tỏi, ớt.
Cách làm:
- Thịt cua dù đã chín cũng phải xào lại cho thơm. Cho chảo nóng, thêm một ít dầu ăn để phi thơm tỏi, cho tiếp cua vào, thêm hạt nêm, đường, ớt đảo nhanh tay.
- Cho rau diếp cá vào thố, vò cho hơi dập (không vò nát như rau ngót). Cho tiếp dưa leo, cà rốt, chuối chát và khế. Cho thịt vào.
- Làm gia vị trộn gỏi: nấu nước mắm và đường với tỷ lệ 1 bát nước mắm, 2 bát đường. Khi đường tan tắt bếp, không để nước mắm sôi (hỗn hợp nước mắm đường để nguội có thể dùng quanh năm). Nếu làm món chay thì pha theo tỷ lệ 1 chén rưỡi nước tương và 2 chén đường. Cho nước mắm đường ra chén, thêm một ít nước cốt chanh (không cho nhiều vì khế đã chua).
- Lấy một ít rau diếp cá, khế và chuối băm nhuyễn. Cho thêm ớt bằm và ít tỏi, tiêu vào thố. Rưới nước trộn gỏi lên hỗn hợp trong thố. Trộn đều.
- Dùng với bánh tráng nướng.
- Ngoài ra, bạn có thể đổi món với rau diếp cá bằng cách trộn rau sống, nhai tươi, hoặc xay để uống. Rau diếp cá có thể ăn sống, nhai, trộn gỏi hoặc xay uống.
Bài & ảnh: Du Miên(ihay)