Gỏi rong nho.
Nguyên liệu
Rong nho: 100g
Tôm sú: 150g
50g chả lụa, 2 trái dưa leo, 1 củ hành tây, 2 củ cà rốt, 5 củ hành tím. 50g đậu phộng, ½ quả ớt sừng, một ít rau răm, 2 thìa súp dầu ăn; Bánh phồng chiên ăn kèm
Nước trộn gỏi: 2 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê nước mắm, 1/3 chén nước lọc, 2 thìa cà phê nước cốt chanh, khuấy tan đều
Cách làm
- Rong nho ngâm trong nước sạch 15 phút cho rong nhả chất mặn
- Tôm sú rửa sạch, hấp chín, bóc vỏ, bỏ đầu, lấy chỉ đen trên lưng. Chả lụa cắt sợi
- Dưa leo rửa sạch, bỏ ruột, xắt sợi. Cà rốt, hành tây xắt sợi. Đậu phồng rang vàng, giã hơi giập. Rau răm nhặt bỏ lá úa, rửa sạch, xắt nhỏ. Ớt sừng xắt sợi
- Hành tím lột vỏ, bào mỏng. Làm nóng dầu ăn, cho hành tím vào phi vàng, tắt bếp
- Cho tôm, chả lụa, dưa leo, cà rốt, hành tây, rau răm vào một tô lớn, cho nước trộn gỏi vào trộn đều
- Dọn ra đĩa, cho rong nho lên trên, thêm hành phi, đậu phộng, ớt sừng, khi ăn trộn lần nữa, dùng kèm bánh phồng chiên.
Mách nhỏ
Khi trộn rong nho nên để vị chua ngọt vì rong đã có sẵn vị mặn. Trộn rong xong phải dùng ngay, để lâu rong nho sẽ bị ra nước, món gỏi sẽ mặn.
(Theo Món ngon Việt Nam)
Rong nho (Caulerpa lentillifera) là một loài thuộc họ Caulerpaceae, dùng làm rau rất bổ dưỡng. Người Anh gọi nó là trứng cá xanh (green caviar), người Nhật Bản gọi nó là nho biển (海ぶどう, umi-budō). Rong nho phân bố tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, Nhật Bản (xung quanh đảo Okinawa) và các đảo vùng Thái Bình Dương. Năm 2006 các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã tìm thấy loài này ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, với kích thước nhỏ hơn nhiều so với rong nho ở Philippines hay Nhật Bản.
Caulerpa lentillifera làm thực phẩm ở Đảo Okinawa
Hiện ở Việt nam đã trồng thành công loại rong nho có giống từ Nhật bản tại Đông hà, Hải Ninh, Hòn Khói, Tỉnh Khánh hòa