Mùa ốc gạo Phú Đa tháng 5
Từ năm 2004 đến nay, thương hiệu “Ốc gạo Phú Đa” đã được khôi phục, bà con trong xã ai cũng nức lòng, khách du lịch đến tham quan và thưởng thức món ngày càng đông.
Ốc gạo là một trong những loài nhuyễn thể được phân bố rộng rãi trên các dòng sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu, nổi tiếng nhất là Tân Phong (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang),Vĩnh Bình (Bến Tre) … nhưng có lẽ nỗi tiếng nhất là ốc gạo Phú Đa trên dòng Cổ Chiên, thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Phú Đa là một trong những cồn được thiên nhiên hào phóng ban tăng cho một món quà quý giá mà hằng trăm hộ gia đình đã thừa hưởng từ gần nửa thế kỷ qua.
Các xã viên cào ốc gạo tại Phú Đa - Chợ Lách.
Theo các bậc lão nông thì con ốc gạo nơi đây đã có mặt từ lúc cồn Phú Đa mới nhú lên, nhiều nhất là từ năm 1960. Thuở ấy, bà con ở hai ấp Phú Đa và Phú Bình lúc đầu khai thác chỉ để ăn và đãi khách, lâu dần mới đưa ra chợ bán buôn và chẳng bao lâu thì tạo thành thương hiệu “Ốc gạo Phú Đa” nhờ thịt ngon, mập, béo hơn ốc các nơi khác.
Trước 1975, khoảng năm 1965, ốc nhiều vô số kể, nhưng muốn bắt phải lặn xuống tận đáy sông để cào hoặc xúc rất vất vả. Mãi cho đến năm 1978 sản lượng vẫn còn hằng trăm tấn mỗi năm. Nhưng sau đó, do mạnh ai nấy bắt khiến cho nguồn ốc cạn kiệt dần. Một số lại bỏ đi vì môi trường bị đe doạ.
May mắn thay, chỉ một vài năm sau ốc lại quay về, có lẽ Cổ Chiên là dòng sông “nước lành cát sạch” nên con ốc gạo không nỡ rời xa. Sau đó, lãnh đạo huyện Chợ Lách có quyết định bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên này, với việc Hợp tác xã Vĩnh Tiến ra đời năm 2004 nhằm quản lý chặt chẽ mặt nước sông và khai thác sao cho vừa có hiệu quả vừa bảo đảm tính bền vững.
Ông Trần Văn Tặng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Việt Tiến cho biết, từ ngày có hợp tác xã, các thành viên bắt đầu quý trọng món quà trời cho, ai cũng ra sức gìn giữ, bảo vệ nguồn giống và ứng xử tốt với môi trường. Do đó, đoạn sông có chiều dài 3km, rộng 500 mét với diện tích khoảng 150 ha mặt nước đã được khoanh vùng, trở thành chỗ cư trú an toàn cho con ốc gạo.
Theo đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang, ốc gạo Phú Đa khả năng có thể khai thác trung bình mỗi năm từ 24 đến 34 tấn.
Gỏi ốc gạo.
Nhiều thành viên trong Hợp tác xã cho biết từ năm 2004 đến nay, thương hiệu “Ốc gạo Phú Đa” đã được khôi phục, bà con trong xã ai cũng nức lòng, khách du lịch đến tham quan và thưởng thức món ngày càng đông.
Thông thường, ốc gạo bắt đầu lớn từ tháng ba, tháng tư và trưởng thành từ đầu tháng 5 âm lịch. Đặc tính sinh thái của loài này là khi nước chảy thì vùi mình vào đất, nước đứng thì bò ra kiếm ăn. Đây là thời điểm mưa đầu mùa, ốc mập, no tròn, thịt ngon, giòn và béo. Do đó, theo tục lệ, vào dịp Tết Đoan ngọ mùng 5/5, bà con ở những vùng có nhiều ốc gạo thường hay tổ chức đổ bánh xèo nhân ốc gạo hoăc nấu cháo ốc gạo, bánh cuốn ốc gạo để ăn mừng.
Vào thời điểm này, tại các vườn Du lịch Cồn Tân Lộc, huyện Thốt Nốt - Cần Thơ và vườn du lịch Ba Ngói ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình - Chợ Lách và nhiều quán ăn khác đã bắt đầu phục vụ các món đặc sản từ ốc gạo.
Nhiều đầu bếp khéo tay đã chế biến ốc gạo thành nhiều món ngon độc đáo, chẳng hạn như món gỏi bắp chuối chấm nước chấm chua cay, gỏi trộn bưởi và cơm dừa; ốc cháy mỡ tỏi; ốc lẩu mắm; ốc um nước dừa, ốc gạo tiềm thuốc bắc, ốc rang bơ, gõi cuốn ốc … Món nào cũng hảo hạng, ai ăn một lần sẽ nhớ đời.
Ốc gạo tiềm thuốc bắc.
Đáng tiếc, trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu và nguồn nước không thích hợp nên số lượng ốc đã giảm dần, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, đa số ốc đã bị vẹm đeo bám nên ốc không lớn và thịt không mập béo như trước kia. Hiện Hợp tác xã đang tích cực tìm cách khôi phục lại con ốc gạo cồn Phú Đa.
Bài và ảnh Thiên Lộc (VNExpress)