Bát phở 50 USD ở đảo quốc thiên đường Mauritius.
Giữa resort Verana Heritage trên đảo quốc Mauritius bên bờ Ấn Độ Dương có một mảnh vườn xinh xắn đầy rau trái Việt Nam: rau tía tô đỏ, cây ớt xanh, cành húng quế, có cả giàn mướp nho nhỏ.
Bếp trưởng Phạm Thông Văn đang làm việc tại nhà hàng của mình ở Mauritius.
Chủ nhân khu vườn là đầu bếp Phạm Thông Văn, người Việt duy nhất sống ở thiên đường du lịch này.
Nhờ mảnh vườn, Văn có thể làm một bát phở Việt bán với giá 50 USD. Một thực đơn gồm 3 món: phở, chả giò, chạo tôm, giá trọn gói 120 USD một khách. Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng này là một fan "cuồng" của món ăn Việt, cứ vài tuần lại sang bếp châu Á của Văn để được thưởng thức, dù vừa ăn vừa than thở "phở ngon nhưng mà đắt quá!".
Những lúc như thế, Văn vừa cười vừa lắc đầu: "Mày không thể tìm được ở đâu món ăn ngon như thế này, đúng không?".
Mauritius là hòn đảo nằm ở Đông Phi, cách Madagasca 900 km, trước đây là thuộc địa của Hà Lan, Pháp rồi Anh, hiện trở thành quốc đảo độc lập. Cái tên Mauritius gắn liền với những đồn điền mía trải dài, rặng san hô lớn thứ 3 thế giới bao quanh hòn đảo chặn các con sóng cách bờ 2 km tạo nên bãi biển phẳng lặng đẹp tuyệt.
Lịch sử đảo quốc suốt năm tháng thuộc địa cũng nổi tiếng với cuộc sống nô lệ. Thủ đô Port Louis chính là bến cảng trước đây các thương thuyền chở nô lệ từ khắp thế giới cập bến để tiếp nguyên liệu và buôn bán nô lệ. Vách núi cùng với đài tưởng niệm nô lệ ở phía Tây đảo quốc, ngày nay được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi đã chứng kiến cảnh nhiều người nô lệ leo lên vách núi nhảy xuống vực quyên sinh.
Hòn đảo ngày nay được mệnh danh là thiên đường du lịch với đa sắc tộc, từ Âu, Phi đến cộng đồng hơn 20.000 người Hoa, song bạn không thể tìm được một cư dân Việt Nam nào. Người Mauritius cũng chưa hề nghe đến cái tên Việt Nam cũng như định vị đất nước hình chữ S trên bản đồ thế giới. Cho đến giữa năm 2011, có một đầu bếp Việt khăn gói sang lập nghiệp ở Heritage resort.
Anh Văn với khu vườn rau Việt Nam tại Mauritius.
Phạm Thông Văn sinh năm 1982, khởi nghiệp từ năm 15 tuổi bằng cách đi phụ bếp. Chàng trai năm nay 30 tuổi nói rằng "tức lắm, người Việt Nam mình giỏi mà sao cứ phải đi làm công cho nước ngoài mãi". Với cách nghĩ này, Văn học và lớn dần, từ phụ bếp trở thành đầu bếp rồi bếp trưởng cho các khách sạn ở SG, sau đó xuất ngoại để làm cho các khách sạn lớn trên thế giới. Thấm thoắt đã 12 năm anh sống xa xứ, từng trải qua vị trí bếp trưởng châu Á ở các khách sạn tại Dubai, Arab Saudi, các nước vùng Caribe.
"Tôi tự đặt ra một quy định là chỉ làm việc ở mỗi nơi 2 năm, sau đó đến nơi khác để có điều kiện học hỏi nhiều hơn", Văn tâm sự. Anh kể đã phải chia tay mối tình ở Caribe suýt tiến tới hôn nhân để có thể đến Dubai làm việc vì "không muốn trói buộc đời mình".
Với Mauritius, anh nói: "Đây là một đảo quốc rất xa lạ với người Việt Nam dù ở gần đảo Réunion nơi lưu đày nhiều vị vua triều Nguyễn".
Để được sống ở vùng đất lạ này, Văn tự ứng cử vào vị trí bếp trưởng châu Á của Heritage resort và qua nhiều vòng sơ tuyển online đã giành được công việc với mức lương 3.700 euro mỗi tháng.
Fabien Lefébure, giám đốc truyền thông khu nghỉ dưỡng - golf Heritage kể: "Chúng tôi phải sang tận Việt Nam để mời Văn".
Nhiều năm không dùng tiếng Việt, Văn gần như "cứng" khi nói lại tiếng mẹ đẻ. Song món ăn Việt thì anh không thể quên mà còn sáng tạo ra nhiều cách biến tấu món Việt bằng nguyên liệu Tây. Ví dụ để làm chả giò (nem), không có bột gạo làm rế cuốn, anh dùng bột khoai mì (sắn). Không có nước mắm, Văn băm nhỏ tỏi ớt sốt dầu để làm nước chấm. Khách Tây ăn chả giò liên tục xin món nước chấm đặc biệt này.
Hành trang người đầu bếp mang theo khi xa Việt Nam là những loại hạt ớt, mướp, rau mùi các loại. Anh gieo hạt trên một góc vườn bên cạnh nhà hàng, ngay trên bãi biển Ấn Độ Dương. Rau xanh từ đó phát triển tươi tốt thành một mảnh vườn bình dị như ở giữa thôn quê Việt Nam.
"Tôi tự hào đã gieo hạt giống Việt Nam ở Mauritius, cho người nước ngoài hiểu được người Việt giỏi đến mức nào, món Việt ngon ra sao", bếp trưởng Văn nói.
Món cá hương Mauritius do anh Văn chế biến. Loại cá này giống cá hương của Việt Nam nhưng lớn hơn nhiều lần. Sáng thứ tư hàng tuần, ngư dân Mauritius mang cá tươi đến cho nhà hàng của anh Văn.
Món cá hương Mauritius do anh Văn chế biến. Loại cá này giống cá hương của Việt Nam nhưng lớn hơn nhiều lần. Sáng thứ tư hàng tuần, ngư dân Mauritius mang cá tươi đến cho nhà hàng của anh Văn.
Anh định tháng 9 năm nay hết hợp đồng tại Mauritius sẽ khăn gói sang Mỹ làm việc cho một nhà hàng casino. "Sau đó tôi sẽ về Việt Nam mở một nhà hàng thật to. Trong nhà hàng có cả trường dạy nấu ăn để giúp giới trẻ trong nước học cách làm món ăn Việt theo tiêu chuẩn cao cấp của châu Âu".
Theo VnExpress
Xem hình ảnh đẹp như mơ của đảo thiên đường Mauritius