Chợ ngon trên phá Tam Giang.
Có mặt từ lâu đời, nhưng ngôi chợ họp tan này (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) vẫn không có tên chính thức trong bản liệt kê các chợ trong tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Giới khoa học đã thống kê sự có mặt của các loài thuỷ sản trên vùng đầm phá này gồm 17 bộ, 188 họ, 132 loài. Pha trộn trên một số vùng còn có sự ngụ cư hay vãng lai của nhiều loài cá nước mặn và nước ngọt.
Cái tên chợ Bến Tàu cũng chỉ có dân vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai gọi và biết, vì tôm cá đánh bắt được trên vùng đầm phá về chợ này bằng ghe thuyền phải ghé vào một cầu tàu để đem hàng lên chợ bán. Thương lái từ xa đến thì tự gọi đây là chợ Chùa, vì chợ họp ngay dưới chân núi, trước cổng chùa Tuý Vân, một ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi, được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1618 – 1687). Ngôi chùa nằm cách kinh thành Huế 45km này có sắc phong quốc tự của vua Thiệu Trị và núi Tuý Vân là một thắng cảnh của Thừa Thiên – Huế: giữa dải đất hẹp, bên ngoài là biển Đông, bên trong là đầm Cầu Hai đột ngột mọc lên ngọn núi hình rùa. Lên tới đỉnh núi ta sẽ được phóng tầm mắt bao quát cả vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; cửa Tư Hiền, núi Linh Thái phía nam và biển Đông bên ngoài.
Lần đầu tôi đến đây vào buổi trưa vắng lặng. Quán nhỏ của bà Tâm vừa bán giải khát vừa bán cá khô, mắm ve (làm từ con cá nục ve), mắm nêm… gọi ly càphê đá cũng không có. Bà Tâm nói ban ngày chẳng mấy người đến đây để mà bán, nhưng nếu đến sau nửa đêm thì đồ ăn thức uống muốn gì cũng có, từ phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An cho đến hủ tíu Sài Gòn.
Từ đây, những món ngon của đầm phá vào các quán trên quốc lộ 1A gần thị trấn Phú Lộc.
Quả thật về đêm, ngôi chợ này là một khung cảnh khác hẳn. Bắt đầu từ 2 giờ sáng, các chủ nò trên vùng đầm phá đã lục tục mang tôm cá về chợ. Khoảng 3 giờ thì các thuyền đánh cá tấp nập đổ về đậu ken kín bến Cầu Tàu, cá tôm còn tươi ròng, nhảy xoi xói, bơi lội chen chúc trong các thùng, các bể chứa. Nhìn bảng số xe thì thấy phần lớn là khách hàng đến từ Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, cả Hà Nội và Sài Gòn, toàn các đô thị, các trung tâm du lịch lớn.
Chợ chỉ bán cá tôm của vùng đầm phá. Có thể nói, đây là ngôi chợ phong phú bậc nhất về các loại cá tôm nước lợ của nước ta. Vùng đầm phá Tam Giang (gọi chung cho cả bốn vùng đầm phá liên hoàn là Cầu Hai, Hà Trung – Thuỷ Tú, Đầm Sam và Tam Giang) có diện tích rộng đến 21.620ha, dài 68km, nằm chắn hết mặt tiền giáp biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế, là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tất cả các con sông của tỉnh Thừa Thiên – Huế và nam Quảng Trị đều đổ hết vào vùng đầm phá này. Hệ đầm phá nối thông với biển qua hai cửa Thuận An và Tư Hiền. Độ sâu phổ biến toàn vùng đầm phá chỉ từ 2 – 4m. Vì thế, có thể nói, đây là mỏ cá nước lợ lớn nhất nước ta.
Cá ở đầm phá Tam Giang không có các loại cá lớn như ngoài biển hay các sông lớn như sông Cửu Long, sông Hồng, nhưng cực kỳ đa dạng, phong phú. Có đến vài chục loài có tên trong thực đơn đặc sản của các nhà hàng, các khu du lịch sang trọng như dìa, nâu, côi, đối, hanh, mú, hồng, kình, chẻm, căng, ông, lệch cú… Hơn một nửa diện tích của vùng đầm phá này phủ xanh thảm thực vật đáy nước cùng hàng trăm loài thực vật phù du, hàng chục loài động vật phù du là nguồn thức ăn phong phú tạo nên hương vị đặc sắc riêng có cho nhiều loài tôm, cua, cá. Ví như con cua gạch ở đầm Cầu Hai, chỉ lớn chừng hai phần con cua gạch Cà Mau, nhưng luôn chắc đầy quanh năm, vỏ mỏng tang, càng cua có thể bóp vỡ bằng tay, gạch đỏ như son, quánh lại thành từng khối nhỏ sau khi nấu chín và khi nhắm nháp ta lại nghe thoảng mùi thơm giống như mùi cốm hay cỏ non.
Sau đêm biển, chủ nò trở về bán tôm cá ở chợ.
Hầu hết các món ngon đầm phá được bán ở chợ Cầu Tàu này giá cả rẻ hơn ở Đà Nẵng hay TP.HCM từ phần ba đến một nửa. Nhưng cái đặc biệt là không có của ngon con lạ nào của đầm phá được chế biến và bán ở chợ này. Bà Tâm chủ quán nói rằng các sản vật ở chợ là món ngon, món lạ với khách xa chứ dân đầm phá này bán mấy thứ đó ai mà ăn, ngày nào họ cũng đánh bắt được nên thấy là ngán rồi!
Nếu muốn thưởng thức mùi vị món ngon đầm phá ngay trên vùng đầm phá, bạn phải vòng trở lại quốc lộ 1A gần thị trấn Phú Lộc để vào các quán như Gái Đẳng, Dũng Tư… Các tên quán ở đây đều do họ ghép tên vợ với tên chồng mà thành, như Gái Đẳng là quán của chị Gái và anh Đẳng. Nhưng nhìn chung cách chế biến đặc sản ở các quán này cũng nghiêng về khẩu vị “toàn quốc”, vì phần lớn phục vụ cho khách trên đường thiên lý Bắc – Nam. Muốn được ăn ngon theo cách chế biến “hoành tráng” của dân đầm phá, nghĩa là cá tôm đều để nguyên con dù có lớn đến 3 – 4kg, bạn phải chịu khó đi ngược về phía bắc phá Tam Giang, đến bến đò Cồn Tộc thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Ở đây, có quán Hiền của cô Hiền xinh đẹp. Trước khi chọn món ăn bạn có thể xem qua một vòng các loại tôm, cua, cá, trìa… vừa bắt lên từ đầm còn nhởn nhơ bơi lội trong các bể chứa. Bạn chỉ con nào thì chưa đầy mười phút sau, con đó đã hiện diện trên bàn ăn.
T
heo SGTT