Cháo trắng Sài Gòn, ngon lạ mà nhẹ nhàng.
Lang thang trên phố đêm ở Sài Gòn, gọi một tô cháo trắng, mùi lá dứa thơm ngào ngạt quyện cùng mùi cá cơm kho, chưa ăn đã thấy ấm lòng.
Ai từng lang thang ở Sài Gòn trong những đêm khuya mới cảm nhận được hết câu nói "Sài Gòn không có đêm". Thức khuya là thói quen lâu ngày của người Sài Gòn. Và cũng chính vì thế mà thói quen ăn đêm của người dân tại đây đã hình thành lúc nào cũng không biết.
Khi thành phố đã bắt đầu lên đèn, cũng là lúc các hàng quán phục vụ cho nhu cầu ăn đêm của người Sài Gòn mới bắt đầu dọn hàng cho một "ngày" mới. Có khá nhiều lựa chọn từ cơm, hủ tiếu, cháo cho đến các món ăn vặt đều không thiếu.
Ở Sài Gòn, chỉ cần bước ra vỉa hè là bạn đã có cho mình một quán ăn đêm, nhưng tìm cho mình một món nhẹ nhàng để ăn trước khi đi ngủ thì cháo trắng là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Cháo trắng mộc mạc, đơn giản, vừa đủ để bạn không đói, không gây khó chịu cho bạn trước khi ngủ.
Không biết có phải vì món cháo trắng, lành, dễ ăn hay vì bất cứ lý do gì mà nó được nhiều người ưa thích. Từ giới bình dân cho đến giới thượng lưu, từ anh giám đốc cho đến dân lao động nghèo, ai cũng có thể gọi cho mình một bát cháo trắng trong đêm khuya. Nhưng chẳng có khách nào lại chỉ ăn cháo trắng không cả! Bởi cùng với món bình dân ấy là vô vàn những thức ăn kèm, hấp dẫn mà vẫn... bình dân. Ăn tô cháo trắng chỉ vài nghìn đồng, khách miền Trung ưa mặn chọn dưa mắm hoặc trứng vịt muối, người miền Nam thích ngọt đã có lọ đường và đĩa cá cơm kho…
Bát cháo trắng ăn kèm với hột vịt muối và cá cơm kho.
Ngày xưa, cháo trắng chỉ ăn kèm với các món đơn giản như trứng vịt muối, cá cơm kho, dưa mắm. Ngày nay, các hàng cháo có rất nhiều món cho bạn lựa chọn, từ cá bống kho tiêu, cá cơm kho khô, cá lóc chà bông, thịt heo chà bông đến tép rang dừa, thịt rim, trứng vịt muối… mỗi đĩa nhỏ xíu phải mất năm, bảy nghìn tùy món.
Có rất nhiều món ăn kèm cho bạn lựa chọn.
Không có gì dễ bằng nấu cháo trắng, nhưng nấu cháo cho ngon lại là chuyện khác. Nước nhiều, gạo ít thì cháo lõng bõng, ngược lại thì cháo không đủ nước để nở đều. Lửa nấu cháo phải canh đủ lớn, lúc nước sôi bùng, hạt gạo được đẩy từ phía dưới đáy nồi lên trên rồi lại đi vòng trở xuống. Nhờ nước sôi bùng mà hạt gạo không bao giờ đụng đáy nồi. Nhìn bát cháo trắng nở bung ra trọn vẹn như những bông hoa trắng phau, bát cháo đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó là sự tỉ mỉ, chịu khó của người nấu.
Ở Sài Gòn, cháo trắng được bán ở một số con đường như Nguyễn Tri Phương, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), khu vực đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình)… những hàng quán này luôn đông khách cho dù là 2, 3h sáng.
Ăn khuya là thói quen của người dân Sài Gòn.
Đi ăn khuya không hẳn là vì giải quyết cho cái bụng đang đói, vì lỡ bữa cơm nhà mà đôi khi chỉ là cái cớ để cùng ngồi lại bên nhau tỉ tê chuyện gia đình, công việc. Sài Gòn ban ngày thường nóng, nhưng đêm lại se lạnh. Những quán ăn đêm của Sài Gòn chính là nơi người ta có thể đến để tìm chút hơi ấm ban đêm. Trong những buổi ăn này, câu chuyện thường ngày cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, tình cảm giữa người với người cũng bỗng chốc như gần nhau hơn.
Tiêu Phong (Theo ngoisao)