Phở 14 ở Paris 13.
Paris hé ra cho tôi – kẻ lần đầu tiên diện kiến nó ngay tại sân bay Charles de Gaulle – một khung trời xám xịt và một xác thân lạnh 10 độ C. Vừa bước ra khỏi cửa arrival là trời đất nổi mưa phùn. Những lất phất mưa mỏng tang. Lúc đó khoảng 7 – 8 giờ sáng Paris, sớm hơn Việt Nam sáu tiếng.
Chuyến xe buýt chở đoàn du khách đến Paris 13, ăn sáng ở quán phở bánh cuốn 14 của người Tàu ngay góc đường Tolbiac và đại lộ Choisy. Trời vẫn mưa phất phơ. Lạnh.
Như đàn chim bước vào quán với những tiếng hót xa lạ, nhưng lại bắt gặp ngay sự đồng thanh tương ứng của một bà khách già ngồi sát vách bên hành lang thông ra sau bếp. Bà reo lên: “Việt Nam hả, tôi cũng Việt Nam”. Điều này chứng tỏ những thông tin tôi nghe trước khi đi sang đây từ trang mạng tripadvisor.com chuyên đánh giá các điểm đến du lịch, quán toàn người Tàu không là sai lệch – nhận xét của ông khách trẻ có nickname là andi_and_thao, người ở Ulm, Đức.
Quán sớm chỉ có mỗi bà cụ. Thức dậy sớm, ăn phở sáng, bà chẳng khác nào là lối sống Việt.
Khi ngồi yên vị ở một góc quán trước comptoir, ngay cửa vào, lòng tôi bỗng dưng ngớ ra khi dòng nhạc bolero chảy vào:
“Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng
Bao nhiêu kỷ niệm bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không
Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi
Ngày biệt ly chúng mình chưa nói hết câu tạ từ
Năm năm cách biệt năm năm mong chờ héo mòn tình nghĩa xưa
Nhắc đến thấy buồn tình kia ngăn đôi đường
Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương...”
Về lại Việt Nam, mò vào internet – theo phong cách “nếu mà không biết thì ta google” – mới hay đó là bài Nhật ký đời tôi của Thanh Sơn. Ăn phở nghe nhạc bolero ở một xứ cách quê nhà 13, 14 giờ bay, giữa một khí quyển lạnh lẽo, cây trơ nhánh gầy, tự nhiên thấy quê nhà hiển hiện đúng mực.
Một người bán trong quán nói: “Nguyên liệu ở đây hầu hết mua ở Việt Nam”. Một người bán khác nghe hỏi giả lơ bỏ đi vào sau quán. Đến khi nghe bình luận: “Bà này chắc ba Tàu”, mới vội vã lên tiếng bằng thứ tiếng Việt giọng lơ lớ, nhiều phát âm bị ngọng xác nhận gốc Tàu của bà.
Coi kỹ nguyên liệu như tương cay, tương ngọt, nước mắm, đều thấy là hàng Thái Lan do Tang Frères nhập vào Pháp. Người Việt đã đánh mất cơ hội bán hàng cho vô số quán phở như thế trên thế giới.
Có thể nói, vị phở của quán góc đường này ở một nơi xa lắc cội nguồn, do những người không thuần Việt sản xuất, là OK. Đậm mùi hoa hồi đặc trưng của phở Việt, dẫu rằng hoa hồi là vị thuốc Bắc (Tàu). Nước dùng không được trong, chắc do bán đắt không kịp vớt bọt. Người ta càng bắt gặp quê nhà Sài Gòn hơn khi nhìn thấy đĩa giá sống cùng ngò tàu tươi rói trong cái lạnh quắt quéo của xứ này, mùa này. Chỉ tiếc tô phở châu Âu quá cỡ thợ mộc và không có trẻ em dành cho những người thực như miêu.
Khi chuyến xe buýt buổi trưa chở chúng tôi đi ngang quán, thì nó khác hẳn với cái vắng sáng sớm, Tây xếp hàng chờ bàn dài từ cửa ra hết hành lang trước quán.
bài, ảnh: Ngữ Yên (SGTT)
*** Bà con ở bên Tây cho ý kiến, chứ bài này đăng từ trong nước nên không rõ thực hư.
Comment