Món ăn mát dạ
Vào những ngày nóng bức, cần chọn những món ăn vừa ngon miệng vừa thanh nhiệt cơ thể.
Đầu tiên phải kể đến món cháo cá lóc ăn với rau đắng. Món cháo có nhiệm vụ bù nước cho cơ thể, còn rau đắng lại đóng vai trò giải nhiệt cho não vì chúng có chứa các saponin tăng cường tuần hoàn não. Rau đắng còn được dân gian dùng khi bị lở miệng, nóng trong người. Y học cổ truyền dùng rau đắng để trợ tim, động kinh. Cùng vị đắng và mát như rau đắng còn có cải bẹ xanh - ngoài nấu canh với cá lóc, cá rô, người ta còn cuốn bánh xèo, bánh khọt… rau cải bẹ xanh rất mát, vừa có công dụng giải nhiệt, vừa chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp kéo dài tuổi thanh xuân.
Món canh khổ qua nhồi thịt, có tính hàn, giúp làm mát cơ thể sau khi ăn
Món canh khổ qua nhồi thịt, có tính hàn, giúp làm mát cơ thể sau khi ăn. Khổ qua, nếu dùng thường xuyên, không những tiêu trừ mụn nhọt, giúp làn da mịn màng mà còn điều hòa lượng đường trong máu. Theo lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM thì khổ qua có chứa chất tương đương insulin giúp ổn định đường huyết. Khổ qua còn dùng để xào trứng, xào tỏi, nhồi cá thác lác chiên, ăn sống với chà bông hoặc nấu lẩu cá thác lác.
Người không thể ăn rau vị đắng hãy chọn món canh rau tập tàng, mỗi thứ rau là một vị thuốc quý. Nồi canh rau tập tàng thường có vài loại như: rau dền xanh, rau dền đỏ (hỗ trợ tiêu hóa), tần ô (trị ho, nhức đầu) mồng tơi (hạ nhiệt, lợi tiểu), rau lang (nhuận trường)... Có gia đình còn cho thêm rau cải ngọt, nấm… Canh cua rau đay, mướp cũng là món cần ghi vào danh sách món mát ngày hè. Các canh cua nấu rau mồng tơi, canh đậu nấu thịt nạc, hẹ… vừa mát vừa ngon.
Trong các món làm mát cơ thể còn có rau muống luộc chấm nước mắm nhĩ, ớt đỏ
Trong các món làm mát cơ thể còn có rau muống luộc chấm nước mắm nhĩ, ớt đỏ. Nước rau muống luộc thì nặn chanh hoặc cho cà chua vào làm canh ăn với tôm kho, thịt kho.
Để mát lòng mát dạ, nhiều người nội trợ còn dùng đậu xanh. Đậu xanh cũng có tính hàn, giải độc. Khi trong miệng nổi nhọt, người nóng bức, táo bón, nên ăn ly chè đậu xanh, vị ngọt vừa (nếu giải nhiệt mà ăn ngọt quá thì sinh nhiệt, tính mát bị giảm). Lượng chất xơ trong vỏ đậu xanh cùng các sinh tố, khoáng chất sẽ “giải tỏa” cho hệ thống đường ruột. Đậu xanh còn được cho vào các món như cháo đậu xanh, nui sao đậu xanh, cháo bồ câu nấu với đậu xanh. Tuy nhiên cần lưu ý không đãi vỏ đậu xanh nếu muốn mát… ruột. Đậu xanh còn được dùng làm giá. Giá được ăn sống hoặc trụng trong các món phở, hủ tiếu, bánh xèo… ăn vừa mát vừa có nhiều sinh tố A, E, C, giúp da mịn đẹp, tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài công dụng mát bổ, giá đậu còn tốt cho phụ nữ nhờ có chất isoflavon giúp trẻ hóa. Nếu muốn ăn thêm giá trong bữa cơm gia đình thì nên làm món giá xào gan, giá xào huyết…
Bên cạnh món ăn, còn có các loại nước uống như: bột sắn dây có tác dụng làm mát bao tử, giải độc; nước ép củ sen (củ sen rửa sạch, xắt nhỏ ép lấy nước) uống với đường hoặc muối tùy thích cũng có công dụng giải nhiệt cấp thời.
Theo Cát Tường
PNO
PNO