Mỗi năm (đến hay chưa đến) hè, (dù buồn hay không buồn), tôi lại phải đi ăn ốc. Những năm làm việc tại Hà Nội, khi về Sài Gòn, về nhà quăng mớ hành lý xong, chỉ chờ trời tối, dứt khoát tôi phải hú mấy đứa bạn thân đi ăn ốc.
Ai là dân Nam Bộ, chắc chắn sẽ rất hiểu tôi. Dân Bắc Kỳ có khi phải ngạc nhiên: ốc thì có gì hứng thú đến thế? Xin thưa, ấy là vì ốc Sài Gòn có thể gọi là một bản hợp xướng quyết liệt về màu sắc, mùi vị và chất liệu.
Tôi cũng thương nhớ những đêm mùa đông rét mướt xứ Bắc, co ro lội bộ ghé một hàng ốc nóng trên phố Hàng Bột, cầm chiếc gai chanh khêu từng con ốc hấp thơm lừng mùi lá chanh lá sả... Tôi đã chia tay Hà Nội bằng một đêm như thế.
Nhưng ốc Sài Gòn mới thật là “thú đau thương” của tôi, nếu so về độ nồng nàn thì sẽ giống như đem so tình yêu một người bạn đời tri âm tri kỷ với một thoáng xao lòng vậy!
Chao ơi, ốc Sài Gòn! Mớ ốc len xào dừa chen chúc trong lớp nước cốt dừa sanh sánh, rắc vài lát ớt đỏ tươi, một nhúm rau răm xanh ngắt xắt nhuyễn rắc lên mặt. Vừa béo, vừa mềm, vừa giòn! Mọi giác quan rung dậy từ khi cầm miếng chanh mọng nước vắt vô chén muối tiêu, có nhúm ớt xay đỏ rực. Viết đến đây, dù mới đi ăn ốc về mà miệng tôi vẫn tứa đầy nước bọt. Ôi cái chén... muối, vừa mằn mặn, vừa ngòn ngọt, vừa cay nồng ớt, vừa cay đằm tiêu, vừa thoáng một chút rùng mình của vị chanh vườn, thật là vô vàn… kích động! Hèn chi có người trong khi chờ ốc, lấy muỗng chấm muối mút suông như một sự khởi động đầy kích thích cho sự kiện chính sẽ diễn ra ngay sau đó.
Người đầu tiên dạy tôi ăn ốc len nói, hãy tưởng như đang hôn một em bé. Bây giờ, khi đã có thâm niên ăn ốc len, tôi có thể nói lời dạy bảo kia hoàn toàn tầm bậy (ai hôn một em bé mà… rút ruột rút gan ra vậy chứ? Hoạ ma cà rồng!) nhưng nếu cảm khoái khi ngắm và ăn một con ốc len có thể được so với cảm khoái của một nụ hôn (dù là hôn em bé) thì có thể nói, ốc len đã đạt vào hàng mỹ vị vậy!
Nếu không thích béo, bạn có thể khai vị bằng nghêu. Nghêu hấp sả trong âu đất hoặc xoong nhôm nhỏ, sao cũng được, miễn giữ nóng và đựng được nước hấp. Con nghêu tách vỏ trắng ngần, cái mùi thơm phiêu lưu của con nghêu tươi rói còn thoáng bùn đất quyện với ớt cay và sả thơm nồng bốc lên nhức cả phổi. Hít hà một hơi, húp vô một muỗng nước, mồ hôi chảy ra và cái đám ưu phiền lè lẹ chuồn đâu mất tiêu.
Thường người ta dọn kèm nghêu với chén nước mắm. Ngắm chén nước mắm có thể đoán được công lực chế biến của quán đã tới “thành” thứ mấy. Chén nước mắm vàng quẹo có ớt đỏ tươi nhưng không được đỏ ngầu những ớt, lại phải điểm thêm vài hột ớt vàng lấm chấm mới bắt mắt. Chấm con nghêu, giọt nước mắm phải quện đặc, nhỏ xuống từ từ chứ không chảy roong roỏng, mới là nước mắm ăn ốc. Muốn được vậy phải công phu: đường phải thắng lên cho kẹo mới pha vào mắm để nước mắm keo lại, ớt phải lựa trái tươi không bầm giập, không bị thẹo, mắm không được đục.
Nước hấp nghêu cũng là một thứ bí quyết. Nước phải hơi trắng, nhưng không được đục, không được tanh hay mặn. Muốn vậy nghêu phải tươi rói, không lộn nghêu chết. Nhai vài con nghêu vừa mềm vừa dai, dừng lại, húp một muỗng nước hấp vừa ngọt vừa thơm, vừa cay nồng vô tận đáy bao tử, ôi, “tôi yêu… ốc nước tôi, từ khi mới chào đời”.
Mắc tiền là ốc hương. Nướng, hấp, tuỳ. Hấp thì mình ốc săn hơn, vỏ sém vàng nhìn cũng bắt mắt hơn. Có người thích đầu ốc vì giòn nhưng hầu hết đều thích cái gan, khúc xoắn nâu bóng ở cuối con ốc vì nó béo ngậy, vị béo ngậy của đồ biển càng ăn càng ghiền, khác với béo của động vật ăn mấy miếng là ngán. Ốc hương dứt khoát phải chấm muối tiêu chanh ớt. Vị chua cay của muối khiến miếng gan béo đằm lại, vừa ăn vừa nhâm nhi, sảng khoái đến từng... centimét.
“Giai cấp” trung lưu ở với ai cũng được là ốc mỡ. Con ốc mập ú, cái đầu bằng đầu ngón tay cái giòn sần sật chấm một xí muối ớt chanh, chao! Ốc mỡ dễ tính, xào me, xào tỏi, xào bơ, xào satế đều ngon. Quán ốc nào ngon, tối về nhân viên rất khoẻ vì... chắc không cần rửa dĩa! Là vì cái nước xào ốc đó! Ui, miếng vỏ bánh mì giòn rụm, chấm vô cái thứ nước xào ốc sánh thơm lừng mùi tỏi và bơ, vừa béo ngậy, vừa mặn ngọt, ngon rụng cả lưỡi. Món này chắc chắn bác sĩ lắc đầu kê cho mấy đơn thuốc hạ áp, nhưng… kệ! (trẻ mới ăn được ốc chứ già răng đâu nữa mà nhai). Một cái kỳ quan nữa là ốc gạo. Món này, ngược hẳn với mấy thứ cầu kỳ xào nướng nhiều gia vị vừa kể, chỉ cần hấp lên chấm nước mắm. Nhưng trong cái giản dị tột cùng ấy lại chứa đựng những thứ cầu kỳ hết mức, mà là cái cầu kỳ không phô trương, giống như một cô con gái vừa quyến rũ vừa thông minh nên “tường đông ong bướm đi về mặc ai”, mặt hoa chỉ ngỏ cho người tri âm. Chỉ có những tay tổ ăn ốc mới có thể nhận biết cái mỹ vị bậc cao của món ăn này. Vì chỉ có ốc và nước mắm nên cả hai đều phải đạt tới bậc thượng thừa.
Không phải ngày nào cũng có ốc gạo mà ăn. Sau những thứ béo mặn của ốc mỡ, ốc hương, con ốc gạo mang lại một cái vị thật thanh tân, thật ruộng đồng. Phải lựa ngày nào, mùa nào con ốc mập, không có con lạo xạo trong bụng. Ốc tươi, khoẻ, mua về ngâm trong nước gạo và chút ớt để con ốc nhả hết chất dơ trong bụng ra, xả vài nước cho sạch, bỏ đói con ốc rồi mới đập lòng đỏ trứng lên trên. Lúc này con ốc đói meo, nhao nhao bò ra ăn hết trứng. Cứ vậy vài ngày, con ốc mập trắng, mày ốc đẩy ra tận miệng, lúc đó mới ăn.
Lúc buồn, tôi rủ bạn bè đi ăn ốc. Lúc vui, bạn bè rủ tôi đi ăn ốc. Không vui không buồn, muốn gặp nhau, tụi tôi rủ nhau đi ăn ốc. Một chai bia nhỏ lai rai, vị béo mặn của các thứ gia vị tuỳ tùng bị thứ nước mát lạnh vàng ánh cuốn đi mất sạch. Chỉ còn lại kình lực của con ốc nhỏ mang trên mình cả một quả núi, mang trong lòng cả một đại dương, cuộn lên trong từng thớ thịt.
Tác giả Vũ Hữu Định khi viết về một anh khách lạ (buồn quá, hổng biết làm gì, bèn) đi lên đi xuống trong phố núi xa lạ và lạnh lẽo (đầy sương) Pleiku, đã cho anh gặp một cô gái má đỏ môi hồng để mừng rỡ thốt lên “May mà có em”!
Tôi thì đoan chắc, nếu anh Định về Sài Gòn, một tối nhâm nhi cùng bạn bè trong một quán ốc ven bờ kè, chắc sẽ mừng rỡ hơn nữa mà đổi chữ “em” thành chữ… “ốc”!
THeo SGTT
Ai là dân Nam Bộ, chắc chắn sẽ rất hiểu tôi. Dân Bắc Kỳ có khi phải ngạc nhiên: ốc thì có gì hứng thú đến thế? Xin thưa, ấy là vì ốc Sài Gòn có thể gọi là một bản hợp xướng quyết liệt về màu sắc, mùi vị và chất liệu.
Tôi cũng thương nhớ những đêm mùa đông rét mướt xứ Bắc, co ro lội bộ ghé một hàng ốc nóng trên phố Hàng Bột, cầm chiếc gai chanh khêu từng con ốc hấp thơm lừng mùi lá chanh lá sả... Tôi đã chia tay Hà Nội bằng một đêm như thế.
Nhưng ốc Sài Gòn mới thật là “thú đau thương” của tôi, nếu so về độ nồng nàn thì sẽ giống như đem so tình yêu một người bạn đời tri âm tri kỷ với một thoáng xao lòng vậy!
Chao ơi, ốc Sài Gòn! Mớ ốc len xào dừa chen chúc trong lớp nước cốt dừa sanh sánh, rắc vài lát ớt đỏ tươi, một nhúm rau răm xanh ngắt xắt nhuyễn rắc lên mặt. Vừa béo, vừa mềm, vừa giòn! Mọi giác quan rung dậy từ khi cầm miếng chanh mọng nước vắt vô chén muối tiêu, có nhúm ớt xay đỏ rực. Viết đến đây, dù mới đi ăn ốc về mà miệng tôi vẫn tứa đầy nước bọt. Ôi cái chén... muối, vừa mằn mặn, vừa ngòn ngọt, vừa cay nồng ớt, vừa cay đằm tiêu, vừa thoáng một chút rùng mình của vị chanh vườn, thật là vô vàn… kích động! Hèn chi có người trong khi chờ ốc, lấy muỗng chấm muối mút suông như một sự khởi động đầy kích thích cho sự kiện chính sẽ diễn ra ngay sau đó.
Người đầu tiên dạy tôi ăn ốc len nói, hãy tưởng như đang hôn một em bé. Bây giờ, khi đã có thâm niên ăn ốc len, tôi có thể nói lời dạy bảo kia hoàn toàn tầm bậy (ai hôn một em bé mà… rút ruột rút gan ra vậy chứ? Hoạ ma cà rồng!) nhưng nếu cảm khoái khi ngắm và ăn một con ốc len có thể được so với cảm khoái của một nụ hôn (dù là hôn em bé) thì có thể nói, ốc len đã đạt vào hàng mỹ vị vậy!
Nếu không thích béo, bạn có thể khai vị bằng nghêu. Nghêu hấp sả trong âu đất hoặc xoong nhôm nhỏ, sao cũng được, miễn giữ nóng và đựng được nước hấp. Con nghêu tách vỏ trắng ngần, cái mùi thơm phiêu lưu của con nghêu tươi rói còn thoáng bùn đất quyện với ớt cay và sả thơm nồng bốc lên nhức cả phổi. Hít hà một hơi, húp vô một muỗng nước, mồ hôi chảy ra và cái đám ưu phiền lè lẹ chuồn đâu mất tiêu.
Thường người ta dọn kèm nghêu với chén nước mắm. Ngắm chén nước mắm có thể đoán được công lực chế biến của quán đã tới “thành” thứ mấy. Chén nước mắm vàng quẹo có ớt đỏ tươi nhưng không được đỏ ngầu những ớt, lại phải điểm thêm vài hột ớt vàng lấm chấm mới bắt mắt. Chấm con nghêu, giọt nước mắm phải quện đặc, nhỏ xuống từ từ chứ không chảy roong roỏng, mới là nước mắm ăn ốc. Muốn được vậy phải công phu: đường phải thắng lên cho kẹo mới pha vào mắm để nước mắm keo lại, ớt phải lựa trái tươi không bầm giập, không bị thẹo, mắm không được đục.
Nước hấp nghêu cũng là một thứ bí quyết. Nước phải hơi trắng, nhưng không được đục, không được tanh hay mặn. Muốn vậy nghêu phải tươi rói, không lộn nghêu chết. Nhai vài con nghêu vừa mềm vừa dai, dừng lại, húp một muỗng nước hấp vừa ngọt vừa thơm, vừa cay nồng vô tận đáy bao tử, ôi, “tôi yêu… ốc nước tôi, từ khi mới chào đời”.
Mắc tiền là ốc hương. Nướng, hấp, tuỳ. Hấp thì mình ốc săn hơn, vỏ sém vàng nhìn cũng bắt mắt hơn. Có người thích đầu ốc vì giòn nhưng hầu hết đều thích cái gan, khúc xoắn nâu bóng ở cuối con ốc vì nó béo ngậy, vị béo ngậy của đồ biển càng ăn càng ghiền, khác với béo của động vật ăn mấy miếng là ngán. Ốc hương dứt khoát phải chấm muối tiêu chanh ớt. Vị chua cay của muối khiến miếng gan béo đằm lại, vừa ăn vừa nhâm nhi, sảng khoái đến từng... centimét.
“Giai cấp” trung lưu ở với ai cũng được là ốc mỡ. Con ốc mập ú, cái đầu bằng đầu ngón tay cái giòn sần sật chấm một xí muối ớt chanh, chao! Ốc mỡ dễ tính, xào me, xào tỏi, xào bơ, xào satế đều ngon. Quán ốc nào ngon, tối về nhân viên rất khoẻ vì... chắc không cần rửa dĩa! Là vì cái nước xào ốc đó! Ui, miếng vỏ bánh mì giòn rụm, chấm vô cái thứ nước xào ốc sánh thơm lừng mùi tỏi và bơ, vừa béo ngậy, vừa mặn ngọt, ngon rụng cả lưỡi. Món này chắc chắn bác sĩ lắc đầu kê cho mấy đơn thuốc hạ áp, nhưng… kệ! (trẻ mới ăn được ốc chứ già răng đâu nữa mà nhai). Một cái kỳ quan nữa là ốc gạo. Món này, ngược hẳn với mấy thứ cầu kỳ xào nướng nhiều gia vị vừa kể, chỉ cần hấp lên chấm nước mắm. Nhưng trong cái giản dị tột cùng ấy lại chứa đựng những thứ cầu kỳ hết mức, mà là cái cầu kỳ không phô trương, giống như một cô con gái vừa quyến rũ vừa thông minh nên “tường đông ong bướm đi về mặc ai”, mặt hoa chỉ ngỏ cho người tri âm. Chỉ có những tay tổ ăn ốc mới có thể nhận biết cái mỹ vị bậc cao của món ăn này. Vì chỉ có ốc và nước mắm nên cả hai đều phải đạt tới bậc thượng thừa.
Không phải ngày nào cũng có ốc gạo mà ăn. Sau những thứ béo mặn của ốc mỡ, ốc hương, con ốc gạo mang lại một cái vị thật thanh tân, thật ruộng đồng. Phải lựa ngày nào, mùa nào con ốc mập, không có con lạo xạo trong bụng. Ốc tươi, khoẻ, mua về ngâm trong nước gạo và chút ớt để con ốc nhả hết chất dơ trong bụng ra, xả vài nước cho sạch, bỏ đói con ốc rồi mới đập lòng đỏ trứng lên trên. Lúc này con ốc đói meo, nhao nhao bò ra ăn hết trứng. Cứ vậy vài ngày, con ốc mập trắng, mày ốc đẩy ra tận miệng, lúc đó mới ăn.
Lúc buồn, tôi rủ bạn bè đi ăn ốc. Lúc vui, bạn bè rủ tôi đi ăn ốc. Không vui không buồn, muốn gặp nhau, tụi tôi rủ nhau đi ăn ốc. Một chai bia nhỏ lai rai, vị béo mặn của các thứ gia vị tuỳ tùng bị thứ nước mát lạnh vàng ánh cuốn đi mất sạch. Chỉ còn lại kình lực của con ốc nhỏ mang trên mình cả một quả núi, mang trong lòng cả một đại dương, cuộn lên trong từng thớ thịt.
Tác giả Vũ Hữu Định khi viết về một anh khách lạ (buồn quá, hổng biết làm gì, bèn) đi lên đi xuống trong phố núi xa lạ và lạnh lẽo (đầy sương) Pleiku, đã cho anh gặp một cô gái má đỏ môi hồng để mừng rỡ thốt lên “May mà có em”!
Tôi thì đoan chắc, nếu anh Định về Sài Gòn, một tối nhâm nhi cùng bạn bè trong một quán ốc ven bờ kè, chắc sẽ mừng rỡ hơn nữa mà đổi chữ “em” thành chữ… “ốc”!
THeo SGTT
Comment