Mùi kiệu chua
Sáng nay đi chợ thấy hàng rau đã bán nhiều kiệu mới, tôi lại bâng khuâng nhớ dáng khòm khòm của ngoại năm xưa...
Hồi xưa lâu lắc lắm rồi, nhà tôi còn ở tận miệt Bến Tre. Ba má làm ruộng, chỉ có bà ngoại ở nhà coi sóc chị em tôi.
Không biết ngoại trồng kiệu từ hồi nảo hồi nao mà đến gần tết, cỡ ngày ngắt lá mai, ngoại cũng ngắt kiệu gánh về. Ngoại đem kiệu ngâm tro, rồi mang ra nia tre phơi nắng. Nhà tôi không giàu có gì, nhưng mấy cái nong cái nia thì không thiếu. Ngày thường, dùng nong nia để sàng sảy gạo, Tết thì phơi bánh tráng, kẹo mứt... Kiệu ngâm qua đêm rồi, ngoại bảo mang ra sân phơi cho được nắng. Cái sân phơi lúa nhà quê như một tài sản nho nhỏ của mấy đứa bé nghèo, vừa là chỗ để chơi lò cò, ô quan, banh đũa... Vừa là nơi để phơi gạo thóc... Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng có cái sân to.
Kiệu phơi xong rồi ngoại kêu hết sắp nhỏ trong nhà phụ ngoại cắt kiệu. Vì ngoại hay bị đau lưng, ngồi lâu người tê mỏi khó chịu. Chúng tôi láu táu cắt kiệu cho nhanh nên thường bị ngoại rầy. Ngoại chỉ cách cắt sao cho vừa sát chân kiệu, không để rễ còn dài, cũng không được cắt phạm vô củ khiến kiệu úng... Tẩn mẩn ngồi ngoài sân phơi cùng cắt kiệu, bà kể cháu nghe chuyện ngày xửa ngày xưa dưới ánh trăng, bên ngọn đèn dầu sao mà thương quá đỗi!
Hũ kiệu của ngoại không được trắng phau như kiệu ngoài chợ vì ngoại không ngâm phèn chua hay hàn the. Đường mía nhà làm cũng không trắng lắm. Nhưng giấm thì rất ngon vì ngoại tự nuôi. Ngoại thường cho giấm ăn chuối chín nên nó có vị chua thanh.
Hũ kiệu của ngoại ngon còn vì một thứ đặc sản nữa là tôm khô, do tự tay ngoại làm. Tôm khô của ngoại ngon lắm, vì tôm tép sẵn đó, ngoại phơi trên mái nhà để dành. Không như tôm khô bán ngoài chợ cứng còng, tôm khô của ngoại vừa mềm, vừa ngọt đậm đà. Mà ngoại giấu kỹ lắm, tụi tôi tìm khắp nhà để ăn vụng mà không thấy. Đến trưa ba mươi cúng ông bà, ngoại mới mang tôm khô ra, bỏ vô đĩa cùng với củ kiệu chua rồi rưới nước kiệu lên. Nhìn ngoại tẩn mẩn mần, đứa nào đứa nấy nuốt nước miếng, xúc vội tô cơm gạo thơm mới mà "lùa" ào ào...
Ngoại xa khuất rồi, tôm khô củ kiệu giờ bày bán đầy ngoài siêu thị, nhưng mỗi năm tôi vẫn tự tay làm cho đỡ nhớ, đỡ thèm... Dù con cái không còn hưởng ứng nồng nhiệt như tụi tôi hồi xưa, nhưng chỉ cần nghe mùi kiệu chua là tôi thấy ấm lòng như có ngoại ở bên, đang ân cần chỉ dạy chúng tôi để trở thành mẹ hiền, vợ đảm.
Nguyễn Thị Liên (PNO)