Cá cơm lăn bột chiên giòn
Cá cơm có thân dài cỡ 3 – 4 cm, chủ yếu sống ở môi trường nước mặn.
Thức ăn chính của cá cơm là các phiêu sinh vật, rong rêu. Tùy theo hình dáng và màu sắc của chúng, người ta phân biệt cá cơm thành nhiều loại như: sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, cơm lép, sọc phấn….Loại sọc tiêu và cơm than thường được dùng để làm nước mắm.
Cá cơm thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa (cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch) ở các vùng biển miền Trung (Quảng Nam), miền Nam (Phú Quốc- Rạch Giá), và đây là thời vụ ngư dân ra biển đánh bắt cá cơm. Nhìn những con cá cơm da bóng nhẫy, lấp lánh ánh bạc nhảy xoi xói trên thuyền trông thật bắt mắt.
Theo các nhà khoa học, cá cơm có nhiều đạm, vitamin và khoáng chất…; là thực phẩm bổ dưỡng để chế biến nhiều món ăn ngon như: kho tiêu, kho sả ớt, làm khô, làm gỏi (gỏi xoài trộn khô cá cơm), nước mắm (nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nam Ô… vang danh trong và ngoài nước), làm mắm (mắm chua, mắm nêm... Nhưng có một món phổ biến được nhiều người ưa thích, đó là: cá cơm lăn bột chiên giòn.
Lựa cá cơm còn tươi trong, cắt đầu, đuôi, hớt bỏ một ít phần bụng, rửa sạch để ráo. Trước tiên, ướp sơ gia vị (muối, tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm), đổ cá vào rổ đem phơi nắng khoảng 30 phút cho da cá hơi se lại. Tiếp đến, cho cá vào tô, ướp gia vị lần nữa (như lần đầu) và thêm một chút mật ong (bí quyết) cho cá có màu sắc hấp dẫn và mùi thơm đặc trưng, chờ vài phút cho cá ngấm. Cuối cùng, đổ cá ra thau nhỏ và dùng rây - đổ bột mì xuống. Sau khi đổ bột mì, lắc nhẹ thau để bột mì phủ đều một lớp mỏng bên ngoài cá.
Bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn ngập chảo. Chờ dầu thật sôi, bớt lửa và gắp từng con cá đã lăn bột cho vào chảo chiên giòn. Chờ đến khi bột chín (có màu vàng), vớt cá ra đĩa có lót sẵn lớp giấy thấm dầu.
Cá cơm lăn bột chiên giòn là món khai vị hấp dẫn.
Theo Hữu Tưởng (PNO)