Mắm thái Châu Đốc
“Mắm Châu Đốc, Dốc Nam Vang”: Câu tục ngữ trên nói lên đặc sản của vùng biên giới Việt – Miên – Châu Đốc (An Giang).
Mắm thái Châu Đốc. Ảnh: TL internet
Mắm thái Châu Đốc là một món ăn truyền thống đã được thi sĩ Tản Đà tấm tắc khen ngợi trong dịp ghé làng Long Kiến thăm chủ bút Nguyễn Thành Út, con thầy cai tổng Hống, đã chiêu đãi thi nhân rất hậu hĩ món đặc sản truyền thống này. Tản Đà được ăn món mắm thái Châu Đốc khen ngon, sau làm hai câu thơ ca tụng những món ăn đặc biệt Việt Nam, có cà Nghệ An và mắm Châu Đốc. Tản Đà đã khen ngon, chắc chắn khó ai chê vào đâu được nữa.
Tôi còn nhớ hồi còn học ở trường Nam Tiểu học Bổ túc Châu Đốc, đâu vào khoảng năm 1952, có đội Túc cầu AJS ở Sài Gòn xuống đấu giao hữu tại vận động trường tỉnh Châu Đốc cùng đội tuyển của tỉnh. Sau khi đội AJS đấu thắng đội tuyển Châu Đốc, đội AJS đòi ban tổ chức cho thưởng thức món đặc sản truyền thống của quê hương Châu Đốc là món mắm thái, uống rượu Vĩnh Phong Long.
Còn nhà văn Đoàn Giỏi, gốc ở Tiền Giang, sau những tháng năm xa cách quê hương Nam bộ, lúc tập kết ở miền Bắc, nhớ tha thiết món mắm thái trứ danh đặc sản quê hương Nam bộ, đã ký thác qua tác phẩm Đất rừng phương Nam, nghe mà phát thèm. Ta thử nghe một đoạn ông rao hàng: “… Nam bộ, ai mà không biết ăn mắm. Từ những thị tứ đông đúc, đến các nơi hẻo lánh xa xôi, bất cứ chợ lớn chợ nhỏ nào cũng đều có bán mắm. Mà mắm trứ danh lừng lẫy từ xưa, nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh là mắm Châu Đốc – Long Xuyên đã thấy dậy lên trong tiềm thức, mùi thơm cực kỳ hấp dẫn của mắm. Nó khiến mồm mình ứa nước miếng ra, cảm thấy đói bụng, đồng thời cũng hiện ra theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm khiến lòng mình rưng rưng xao xuyến, lởn vởn hiện ra chung quanh món ăn thuần phác đậm đà, mang đặc tính tiêu biểu của mùi vị quê hương Nam bộ này…”.
Cá làm mắm thái, thường là cá lóc hoặc cá bông tuyển chọn con lớn, mập, rồi đập đầu cánh vảy, cạo vi, kỳ rồi rửa sạch đem ngâm với muối trong khạp độ 15 ngày, rồi dùng gạo lứt rang cho thật vàng, xay nhuyễn làm thính. Thắng đường thốt nốt cho có chỉ, chao vô mắm. Độ mươi, mười lăm ngày cho thấm, mắm vừa ăn, vớt cá đem ra chặt đầu, lóc xương, lột da, lấy thịt cá thái nhỏ cỡ chiếc đũa, rồi ướp đường, bột ngọt, nước mắm biển xăm xắp, trộn đu đủ mỏ vịt xắt nhuyễn từng sợi, vắt bỏ mũ phơi một ngày cho đu đủ dẻo, xong cho mắm vào khạp, rải thính đều hết, ém vô, đậy thật khít khao, đừng cho hơi gió lọt vô. Mắm thái nhận vô khạp, vô hũ độ một tuần lễ là ăn được, đừng để lâu mắm sẽ bị chua hoặc bị “trở gió”.
Trước hết cần phải có rau sống, khế chua, chuối chát, gừng lát, lá gừng, ớt để nguyên trái, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng hoặc dưa đầu heo. Thao tác tiếp theo là dùng bánh tráng cuốn, mắm, bún và các “vật tư” kể trên chấm với nước mắm Phú Quốc (làm với tỏi, ớt, chanh), tự động ai cuốn nấy ăn. Khi ăn cắn dậm thêm trái ớt, tép tỏi mới thấy “phê”!
Ngày nay mắm thái đã có mặt tại các nước châu Âu trong những bữa cơm gia đình của Việt kiều xa quê.
Trần Trọng Triết
(Trích từ tập Hương vị quê nhà, Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 1996)
(Trích từ tập Hương vị quê nhà, Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 1996)