Màu đỏ hạnh phúc dâng tới thần linh
Chính từ quan niệm về màu đỏ là màu hạnh phúc biểu trưng cho mặt trời, cho chất Dương trong vạn vật nên chẳng biết từ bao giờ, xôi gấc đã không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Trong những món ăn cổ truyền ngày Tết, hồ dễ có gia đình nào không làm món xôi gấc để mâm cơm chào đón tất niên rực thêm sắc đỏ.
Cũng như câu đối hồng điều xưa dán trên hàng cột, như tấm phong bao mừng tuổi óng ánh trang kim trên nền giấy đỏ, đĩa xôi gấc gần như một thành phần đương nhiên phải có của lễ vật người trần dâng tới thần linh, tổ tiên với nguyện ước vuông tròn.
Cùng khói hương thơm ngát lan tỏa từ trên bàn thờ xuống trong những khoảnh khắc chờ đón giao thừa, mâm cỗ cúng để tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời chiều ngày 23 tháng Chạp là khởi đầu cho những ngày bận rộn của các người nội trợ kéo dài cho tới tận Rằm tháng Giêng. Biết bao nhiêu việc phải lo toan khi càng gần tới cuối năm, thời gian càng như vội vã.
Sửa soạn lá dong, cân yến gạo nếp, đặt gói bánh chưng, đãi mớ đỗ xanh... trong trăm công nghìn việc có tên và không tên ấy, người phụ nữ tần tảo chẳng thể bỏ qua việc đi lựa những trái gấc đẹp nhất, ngon lành nhất giữa đông đúc chợ cuối năm.
Chắc hẳn chính từ quan niệm về màu đỏ là màu hạnh phúc, biểu trưng cho mặt trời, cho chất Dương trong vạn vật nên chẳng biết từ bao giờ, xôi gấc trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Cùng bánh chưng, giò chả, khoanh cá kho gừng và con gà trống mỏ ngậm bông hoa hồng, đĩa xôi gấc khi được đơm tròn đầy đặn dưới làn khói hương vờn nhẹ hẳn nhiên đã chứa đựng một sắc độ tâm linh nào đó, trở thành niềm tin cho những điều an lành sẽ đến trong tương lai.
Xôi cúng tất niên không thể quá khô, càng không thể nát
Cuộc sống của dân tộc vốn xuất phát từ cội rễ là nền văn minh lúa nước, những thức xôi hiện hữu khắp mọi nơi chốn, trở thành quá đỗi quen thuộc với các lứa tuổi. Chắc khó ai đong điếm nổi trên dải đất ven bờ biển Đông có bao nhiêu loại xôi, giản dị là xôi trắng, dễ làm là xôi đậu đen, đậu xanh, cầu kỳ là xôi dừa, xôi xéo, xôi cá kho... nhưng cũng khá thú vị là xôi gấc ít khi được dùng làm món ăn chơi. Cũng như bánh chưng tất nhiên ngày nào cũng có thể ra chợ mua về nhưng luôn gắn cùng hình ảnh ngày Tết.
Xôi gấc giờ đây được bày bán khắp nơi, từ đông qua hè, nhưng chắc chắn chỉ thơm ngần nhất vào những ngày cuối Chạp, khi cơn gió đông se sắt sắp nhường chỗ cho ánh dương quang ấm áp mùa xuân, khi hơi nóng của nồi lá mùi già bắt đầu lan lan mọi ngõ và đường phố rậm rịch bày bán vàng hương, hoa cảnh cùng trăm ngàn vật dụng đón Xuân.
Gấc chín nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả
Tùy theo thói quen hay tập quán mà rắc thêm đậu xanh hay dừa nạo
Ngắm đĩa xôi gấc óng ánh sắc đỏ, hạt nếp căng mọng tươm chút dầu, đôi khi còn lấp lánh phía trong lòng xôi những hạt gấc đen có răng đều tăm tắp, người ăn cũng nên nhớ đôi chút tới công sức của người tần tảo sớm hôm.
Để làm xôi gấc đúng cách cũng không có gì phức tạp, chỉ cần chọn mua quả gấc thật ngon, chín tới mức khi còn ở trên dàn cây, người hái mới động tay kéo xuống quả đã rời cành, nhưng chưa tới mức quá già để nứt vỏ. Điều này hình như cũng giống như mọi lẽ đời, niềm vui chỉ thật trọn vẹn khi biết đợi chờ và cũng đừng để lỡ.
Gấc chín bổ ra để nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả, bóp đều với rượu, sau đó trộn gạo nếp loại ngon, nguyên liệu chỉ đơn giản vậy thôi mà cũng là một bài học về nữ công gia chánh cho các thiếu nữ đang tuổi cập kê.
Xôi cúng tất niên không thể quá khô, càng không thể nát, nhưng làm sao để khi dỡ ra hạt nào hạt nấy phải ráo đều, thấm đủ màu đỏ bằng nhau và đủ kết dính để có thể đơm hình bông hoa đào xòe cánh trên lòng đĩa sứ. Trong nhiều gia đình lễ giáo xưa, khi dỡ xôi để đơm lên đĩa, toàn bộ phụ nữ trong nhà phải ngồi quạt trước mâm xôi đã trải đều trên lá chuối, cho tới khi ráo vừa đủ mới nhận được cái gật đầu ưng ý của bậc trưởng thượng.
Cầu kỳ là vậy, nhưng chắc cũng chưa thấm vào đâu so với các món ăn ngày Tết đượm màu sắc cổ xưa như canh mọc uyên ương ngũ vị, yến sào hấp đường phèn... mà ngày nay đại đa số đều chỉ còn biết tới qua sách vở.
Đĩa xôi gấc óng ánh sắc đỏ, hạt nếp căng mọng tươm chút dầu
Xôi gấc cố nhiên đã chứa đựng vị dẻo thơm của cánh đồng lúa nếp, có màu đỏ tươi tắn của ánh dương ngày mới, nhưng thêm vào đó, xôi gấc còn chứa đựng đủ vị bùi, béo, ngậy... rất đặc trưng của quả gấc. Tùy theo thói quen hay tập quán mà ở miền Nam, các bà nội trợ ưa rắc thêm sợi dừa nạo, người Bắc đôi khi trộn thêm đỗ xanh hoặc rắc đường... những loại phụ gia đó cố nhiên càng làm tăng thêm hương vị cho món ăn nhiều may mắn này.
Song thật ra, cũng như hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều đơn sơ nhất, xôi gấc nguyên bản chẳng cần tới dừa hay nước cốt dừa, không cần đường hoặc đỗ xanh mới có thể quyến rũ lòng người trong thời khắc đón Xuân. Bản thân xôi gấc, từ bao đời nay, đã là một hình ảnh biểu trưng cho hạnh phúc.
Theo Long Tuyên
Tạp chí Heritage
Tạp chí Heritage