B á n h N ổ C ổ T r u y ề n V à o V ụ T ế t
Cứ vào độ giáp Tết, những người làm nghề bánh nổ truyền thống ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) lại rộn ràng những tiếng gõ. Đó là tiếng búa đóng vào chày để làm ra những đòn bánh nổ truyền thống.
Bánh nổ thành phẩm
Những ngày đầu tháng Chạp, đặt chân tới làng nghề truyền thống Điền Trang thuộc xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), Quảng Ngãi đâu đâu cũng rền vang những tiếng gõ nhịp nhàng. Trong các ngôi nhà là những đòn bánh nổ trắng ngần vừa mới ra khuôn thơm phức mùi nếp bung chín hòa quyện cùng với mùi đường, vừng, gừng... như muốn mời gọi người mua bánh. Những tiếng gõ được phát ra từ lò bánh nghe thân thuộc như báo hiệu một mùa Xuân sẽ đầy ắp niềm vui, cái Tết Tân Sửu được ấm cúng hơn.
Bà Lê Thị Hồng (82 tuổi) cho biết, nghề làm bánh nổ xuất phát từ đời sống của ông cha xưa. Ngày ấy, cuộc sống gian khổ, thuở đầu bánh được làm gạo "mót", tức là những hạt lúa còn sót ngoài đồng sau khi thu hoạch được mót về, giã ra lấy gạo làm bánh. Sau đó, dư dã dần, dân mới lấy lúa nếp làm nguyên liệu chính để bánh ngon hơn.
Sau vào ngày đưa ông Táo về trời, ba ngày Tết, dân dùng bánh nổ đặt lên trang trọng ở những nơi như: Trang ông Táo, trang Ông, trang Bà để tưởng nhớ và cầu nguyện mùa màng được bội thu, ấm no cho gia đình. Và bánh nổ là sản vật truyền thống đặc của người dân trong làng vẫn còn gìn giữ đến ngày hôm nay.
Hiện tại, làng nghề còn khoảng 20 hộ gia đình, trong đó có khoảng 10 hộ vẫn còn lưu giữ được những kỹ thuật làm bánh nổ thủ công truyền thống từ thời xa xưa. Để làm ra một đòn bánh nổ thơm ngon, đạt chất lượng, tấc cả công đoạn đều được thực hiện thủ công. Người làm phải bỏ ra rất nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ cùng đôi bàn tay khéo léo để tạo ra một đòn bánh nổ.
Anh Nguyễn Hữu Phong là một trong những gia đình làm nghề này đã hơn 20 năm.Thời điểm này anh cùng 4 người thợ đang tất bật làm lụng phục vụ các đơn đặt hàng của khách. Anh Phong cho biết, để có nguyên liệu làm bánh người làm phải chuẩn bị từ mùa gặt trước.
"Mỗi năm, gia đình tôi xuống giống khoảng 4 sào nếp thơm Ba tháng. Sau khi thu hoạch, đêm phơi khô đến cận Tết lấy ra làm bánh. Trước khi làm bánh, nếp phải được phơi lại một lần nữa, phơi càng khô thì khi rang sẽ nổ càng giòn và hạt nếp bung càng đẹp. Nếp được rang trên bếp than hồng. Khi đủ độ nóng, vỏ trấu sẽ tự bung ra ngoài, chỉ còn lại những bống nếp trắng ngần, thơm ngát. Bống nếp được sàng sảy cho sạch trấu. Sau đó, người ta cho thêm nước đường thắng trộn với gừng, mè, vani quế. Một phần nguyên liệu như vậy người ta gọi là “bùm”.
Công đoạn cuối cùng là đóng bánh. Khuôn đóng bánh bằng gỗ hoặc thép chịu lực tốt. Mỗi lần đóng, “bùm” nếp trên được đổ ngang miệng khuôn, rồi dùng chày phía trên xuống bống cho lọt khuôn theo hưởng thẳng đúng, sau đó dùng búa để đóng ép "bùm lại.
Tiếp tục đổ “bùm”, đóng sao cho đón bánh cao gần miệng khuôn là được. Cuối cùng là người thợ đóng bánh phải thật khéo léo để rút đòn bánh ra khỏi khuôn.
Ông Đinh Duy Nam, (58 tuổi) ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung là một trong số ít người thợ đóng bánh còn lại ở làng, tâm sự : “Làm nghề này phải rất kiên nhẫn, chịu khó, từng cái một. Vì nó là sự kết tinh của nhiều nguyên liệu, mà để nó hòa nguyện vào nhau tạo thành một khối vuông thì lực cầm búa phải đủ khỏe và nhịp nhàng; đòn bánh ra khuôn đủ đẹp, thơm ngon thì mới bán được".
Do làm bằng thủ công nên những lát bánh thơm ngon là tâm huyết và đam mê của những người thợ lành nghề. Mỗi đòn bánh sẽ mất từ 10 đến 15 dùi đóng. Mỗi ngày đóng hàng trăm đòn bánh như vậy, thì người thợ đóng bánh không thể đếm xuể mình đã đóng bao nhiêu dùi, chỉ biết nghề này rất công phu và vất vả. Như ông Nam, mỗi ngày đi đóng bánh thuê như vậy cũng kiếm được từ 200-300 nghìn đồng. Lợi ích kinh tế không đáng là nhiêu. Nghề này lấy công làm lời", ông Nam nói vui.
Trước kia, bánh nổ làm đãi khách ngày Tết. Trên bàn thờ gia tiên ba ngày Tết cũng không thể thiếu món bánh này. Quà quê gửi đi muôn nơi của người Quảng, bên cạnh mạch nha, đường phổi, bao giờ cũng có một bánh nổ giòn thơm nghĩa tình. Ngày nay, dù có hàng trăm loại bánh ngon lạ, bánh nổ vẫn luôn được người dân trân quý như một sản vật đậm đà hương vị quê hương.
Trong dịp Tết, bình quân mỗi hộ làm nghề bánh nổ truyền thống ở Điền Trang làm từ 2- 3 tấn nếp, gia đình nào làm nhiều từ 3 tấn trở lên. Mỗi bì bánh nổ có giá từ 10 đến 20 nghìn đồng từng tùy loại khác nhau.
Chị Nguyện Thị Lượng, chủ cơ sở làm bánh nổ truyền thống tâm sự: “Dù ngày nay, có thể dùng máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề. Đây là một nét đẹp truyền thống của người dân thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung mỗi dịp Tết đến xuân về”.
Thủy Tiên/ Báo Quảng Ngãi