Bánh ống Sóc Trăng trong ký ức tuổi thơ
Quầy bánh ống dân dã
Mỗi lần về Sóc Trăng gặp người bán bánh ống ở chợ, tôi lại bồi hồi nhớ về khoảng đời tuổi thơ nghèo khó. Hồi đó, vì hoàn cảnh khó khăn, ba má tôi phải rời quê ra TP Sóc Trăng sinh sống. Ba tôi làm công nhân cho một xí nghiệp tư lương ba cọc ba đồng, má tôi một nách ba con, ở nhà làm công việc nội trợ. Kế nhà tôi là gia đình dì Năm, một gia đình người Khmer tốt bụng, buôn bán ngoài chợ. Cám cảnh hoàn cảnh gia đình tôi, dì có nhã ý “chỉ vẽ” cho má tôi cách làm món bánh ống bán để "có đồng ra đồng vào" - như lời dì nói. Má tôi vui lắm, về nói lại với ba tôi, sau vài phút suy nghĩ ông gật đầu đồng ý. Ngay hôm sau, má tôi tìm người quen vay tiền mua quang gánh và các đồ dùng để “ra nghề”. Hằng ngày, sau khi cơm nước buổi chiều, má lại lục đục dưới bếp chuẩn bị các nguyên liệu cho món bánh ống để kịp buổi chợ sớm. Bánh ống Sóc Trăng
Ổn định chỗ ngồi ngoài chợ, má sắp xếp mọi thứ xuống và bắt đầu nhóm cho than cháy bùng lên. Chờ cho nước sôi già mới lấy thau bột và bắt đầu đổ bánh. Má dùng phễu đặt trên miệng ống và lấy muỗng múc bột cho vào từng ống, ấn bột xuống cho dẽ dặt rồi đậy nắp thiếc lại chưng cách thủy. Chờ khoảng 5 phút thấy mùi thơm sực nức trong ống bốc lên tận mũi là bánh chín. Giở nắp thiếc ra, kéo nhẹ chiếc que lên lấy bánh ra, đặt bánh vào miếng lá chuối. Thuận tay, má rắc thêm vào đó một ít muối mè, xác dừa nạo trao cho khách là xong... TTO
Comment