Về Bến Tre thưởng thức cơm nấu trong trái dừa
Cơm nấu trong trái dừa của người dân Bến Tre hao hao với cơm lam của đồng bào Tây Bắc.
Nếu như cơm lam nấu trong những ống tre với nước lọc, và chín bằng cách đốt trực tiếp trên lửa hồng, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài, thì cơm dừa chín bằng nước dừa và hấp trong nồi, nhờ thế mà hương thơm, vị ngọt kết đọng lại trong mỗi hạt cơm đậm đà hơn.
Vào vụ thu hoạch dừa người dân địa phương phải dùng thuyền để vận chuyển. Dừa trái khô, dừa trái nước được bán với giá khác nhau tùy theo nhu cầu làm kẹo, bánh, mứt, chè...
Món cơm nấu trong trái dừa là một trong nhiều món ăn dân dã thơm ngon mà người dân Bến Tre nghĩ ra vào mùa thu hoạch từ bao giờ chẳng rõ. Tôi có dịp về Bến Tre đúng mùa và may mắn được thưởng thức món cơm này ngay dưới vườn dừa cùng với những người dân.
Hình ảnh cây dừa đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Bến Tre. Dừa cũng đóng vai trò quan trọng đời sống văn hóa, ẩm thực của người dân nơi đây. Ở vùng đất này có hàng trăm các món ngon được người dân địa phương chế biến với nguyên liệu từ dừa như: kẹo, bánh, mứt, chè, gỏi, đến nấu cơm…
Cơm nấu trong trái dừa của người dân Bến Tre không khác với cơm lam của đồng bào Tây Bắc là mấy. Nếu như cơm lam nấu trong những ống tre với nước lọc, và chín bằng cách đốt trực tiếp trên lửa hồng, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Thì cơm dừa chín bằng nước dừa và hấp trong nồi, nhờ thế mà hương thơm, vị ngọt kết đọng lại trong mỗi hạt cơm đậm đà hơn.
Dừa dùng nấu cơm thường chọn là dừa xiêm, vỏ mỏng và nước ngọt
Gạo dùng để nấu cơm phải chọn loại gạo dẻo, thơm, ngon được vò kỹ dưới vòi nước, để ráo. Dừa cũng phải chọn loại trái ngọt nước, thường thì người ta sẽ nấu cơm bằng dừa xiêm. Dừa xiêm để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy).
Khi trái dừa đã được lấy hết nước, phần lõi giữ nguyên, cho một lượng gạo làm sao để lúc cơm chín nở đầy là vừa. Tiếp theo rót nước dừa săm sắp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Cơm dừa muốn ngon thì lượng nước và gạo phải vừa khéo, nếu ít quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Vì thế nấu cơm dừa nếu là người làm quen tay thì chỉ cần nghe thấy mùi thơm từ nồi hấp bay ra là biết cơm chín hay chưa mà không cần mở nắp.
Cơm dừa nấu chín vẫn phải để trong nồi hấp nhằm giữ cho cơm được nóng, và hạt cơm không bị đổi màu (cơm hay bị sậm màu, hoặc có màu tím khi ra không khí).
Tôm được bắt lên từ ao hồ, kênh rạch khi rim ăn cùng cơm nấu trong trái dừa mới hợp gu
Bao giờ cũng thế ăn cơm dừa vẫn thường kèm theo một dĩa tôm rang mới đúng điệu. Tôm ở đây phải là tôm đất (được bắt lên từ ao hồ, kênh rạch) mới ngon. Tôm mua về dùng kéo cắt đầu đuôi, rửa sạch để ráo, ướp với chút muối, nước mắm, đường cho thấm.
Phi thơm hành trút tôm vào xào, khi tôm ngã sang màu đỏ thì nêm thêm gia vị và một chút nước cốt dừa vào để tôm được giòn, béo và thơm. Rim cho tới khi tôm khô se lại là được.
Ăn cơm hấp nước dừa phải ăn nóng. Có nhấp nháp miếng cơm dừa, nhai giòn giòn con tôm đất mới cảm nhận được hết cái mùi thơm, vị ngon ngọt, béo bùi trong từng hạt cơm và thịt tôm.
Nếu có dịp về Bến Tre bạn hãy nhớ tìm và thưởng thức món cơm hấp nước dừa này nhé.
Theo ihay
Comment