Béo bùi đuông leo đọt dừa
Đuông là ấu trùng dạng sâu của loài bọ cánh cứng (kiến, bọ rầy…) thường sống, đục phá phần mềm bên trong ngọn cây như: dừa, chà là, cau…nhưng nhiều nhất vẫn ở trên cây dừa, nên dân gian mới gọi là đuông dừa.
Quá trình hình thành con đuông trải qua nhiều giai đoạn, vào dịp sinh sản các loài bọ cánh cứng leo lên ngọn cây dừa, chà là, cau… đẻ trứng vào. Ấu trùng lớn lên rồi hóa thành đuông, to cỡ đầu ngón tay, màu trắng hay vàng nhạt, thân chứa đầy sữa, cầm vào mềm nhũn và có cảm giác hơi “ghê” tay.
Đuông dừa có màu vàng nhạt, thân chứa đầy sữa, mập tròn, mềm nhũn
Theo kinh nghiệm dân gian thì chỉ cần nhìn lên ngọn cây dừa, là có thể biết có đuông hay không. Vì khi có đuông kiểu gì đuông cũng đục khoét ngọn non, làm cây bị héo rồi đổ gục xuống. Chặt ngọn cây, chẻ ra người ta sẽ tìm thấy những con đuông, gần giống nhộng tằm ở trong đó. Thường trên thân cây dừa bị đuông phá có thể có hàng trăm con đuông, còn trên thân cây chà là, hay cau thì chỉ có một, hoặc hai con.
Món đuông tẩm nước mắm này không phải ai cũng có thể ăn tự tin ngay lần đầu được mời thưởng thức
Đuông bắt được “liều” chiên trong chảo dầu, ăn thử thì thấy ngọt, bùi, béo, thơm khó có món ăn nào sánh được…Từ đó đuông bỗng nhiên trở thành đặc sản của người dân xứ dừa Bến Tre, các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và trong làng ẩm thực Việt.
Đuông có nhiều cách để ăn như chiên, rang, nướng, luộc, hấp, làm gỏi nhưng độc đáo nhất vẫn là ăn sống. Để con đuông còn sống lúc vừa mới bắt được từ trên ngọn cây, ngắt bỏ đầu đen, thả vào trong chén nước mắm, ăn để cảm nhận hết hương vị lạ miệng, ngọt, béo, bùi nơi đầu lưỡi.
Đuông chiên dầu được cho là rất ngon thơm. Chỉ việc thả đuông trong chảo dầu, đảo chín tái, rưới thêm chút nước mắm lên cho đậm đà. Ăn nóng, càng nhai càng thấy vị ngọt, béo, bùi.
Đuông dừa chiên vàng thơm, ngon, bùi, béo - Ảnh: Đoàn Xuân
Ngoài ra có thể rang đuông giống như rang nhộng tằm, để nhâm nhi với ly rượu hoặc ăn với cơm trắng. Phi hành cho thơm, đảo đuông chín, nêm thêm gia vị muối, nước mắm cho vừa miệng.
Đuông cũng được lăn bột chiên, nướng trong ống tre trên than hồng, luộc với nước dừa tươi, đồ ăn với xôi, nấu cháo...
Dù có chế biến theo cách nào thì đuông vẫn giữ được hương vị ngọt, bùi, béo, thơm nơi đầu lưỡi, làm người thưởng thức thích thú rồi thèm nhớ lúc nào không hay.
Theo ihay
Comment