Tiếng mưa rơi tí tách bên hiên nhà hàng xóm trông qua ô cửa sổ. Đồng hồ điểm 0 giờ rồi mà sao mình chẳng chợp mắt được. Đúng rồi, chiều nay gặp lại đám bạn học cũ. Cả đám bù khú nhau suốt buổi trong quán cà phê. Cô tiếp viên cũng chịu khó phục vụ cho đến mấy bình trà mà cả bọn vẫn chưa chịu rời khỏi quán .
Mắt dán chặt vào từng dòng chữ trong quyển tiểu thuyết văn học vừa được công bố đoạt giải Nobel, tôi cố đọc thêm vài trang nữa để tìm cảm giác đi vào giấc ngủ. Đêm nào tôi cũng tranh thủ đọc một đến hai chương sau khi thu xếp xong công việc của ngày vừa trôi qua. Chợt nghe “quân lính hành quân trên cái dạ dày” bởi tiếng “lóc cóc, lạch cạch cạch” của thằng nhóc bán mì gõ vọng vào từ con hẻm nhỏ. Chắc là đêm nay mưa, nó bán ế!
Như đang chực chờ sẵn, tôi vừa mở cửa nó mời ngay với giọng Quảng đặc sệt: “Anh ủng hộ em một tô nhé?”. Bởi biết tôi ghiền cái món khoái khẩu bình dân này nên đêm nào nó cũng lởn vởn quanh nhà. Đêm nào tôi thức khuya do thấy ánh sáng trong phòng hắt qua ô cửa sổ, nó biết chắc sẽ mời tôi được một tô. “Ừ, cho anh một tô có nhiều lát ớt nhé!”.
(hình minh hoạ)
Chưa đầy năm phút, tô mì gõ bốc khói ở ngay trước mặt có cả những lát ớt, tươi trông hấp dẫn. Lần nào cũng thế, tôi ngồi thưởng thức từng sợi mì vàng hươn óng mượt nồng mùi cay của ớt mà nghe hương vị thân quen chen vào ký ức. Lòng đau đáu nhớ về thời “sáng cơm bụi, chiều mì gõ”.
“Cho em một tô nhiều mì, chị nhé! Nhớ để nhiều lát ớt cay nữa nghen”. Vừa gọi mì tôi vừa xí chiếc ghế đẩu lùn, cố ý ngồi cạnh xe mì gõ cốt để chị chủ ưu tiên hơn. Lâu ngày, tôi trở thành “khách hàng thân thiết” của chị. Cứ mỗi chiều tan trường, nhìn thấy tôi thấp thoáng ở cổng trường đại học bên kia đường bước sang là chị chuẩn bị chọn cái tô to nhất. Biết tôi còn phải tranh thủ học thêm ngọai ngữ, vi tính ca tối nên chị ưu tiên lắm.
Lâu ngày thành quen. Có lần tôi nợ chị đến hơn chục tô, thấy tôi bẽn lẽn bên đường không dám sang, sợ ăn tiếp nợ chồng chất, chị vội bỏ khách băng qua đường nắm tay tôi kéo sang. Tôi ngượng đến chín người. Không biết chị có đòi nợ làm xấu mình chăng? Hôm ấy chị làm cho tôi một tô thật to, có lẽ đặc biệt hơn mọi khi.
Thấy tôi tần ngần, chị bảo: “Em ăn đi, hôm nay chị mời. Không tính tiền. Ok?”. Mọi người nhìn tôi rồi nhìn chị, mỗi người một suy nghĩ. Đợi khi thưa khách chị ghé vào tai tôi: “Chị hiểu sinh viên bọn em mà, có nhiều khó khăn lắm. Không tiền, em cứ đến chỗ chị ăn. Hôm nào gia đình gởi lên trả chị”.
Thấy tôi miên man suy nghĩ, chị tiếp: “Chị nói thật tụi em nghe, chị cũng từng sống trong cảnh nghèo, gặp nhiều khó khăn. Nghèo gặp nghèo lá hên chứ không có gì xấu hổ. Hạnh phúc có được khi biết giúp đỡ nhau thôi”. Nghe chị nói mà hai khóe mắt tôi đọng nước. Thấy chị nhìn chăm chăm vào mắt mình, tôi giả vờ: “Hôm nay chị để nhiều ớt cay cho em!”. Dường như chị đọc được suy nghĩ qua ánh mắt của tôi: “Em đi học nhé. Mai nhớ đến ủng hộ chị”.
Hôm nhận giấy báo của bưu điện, bố gửi tiền kèm theo lời nhắn: “Tháng này bố mẹ túng lắm, con nhận bấy nhiêu xài đỡ. Nhớ tiêu cẩn thận!”. Chạy thẳng đến xe mì gõ của chị đối diện cổng trường, tôi dốc sạch số tiền trong túi vừa nhận trả nợ chị. Hiểu tâm lý bọn trẻ, chị bảo: “Trả hết thì lấy cái chi em đi café với bạn bè. Nè, giữ lại một ít, chị cho nợ tiếp”.
Miệng nói tay làm, chị nhét tiền vào túi tôi: “Sinh viên bọn em không đi cà phê thì Sài Gòn này buồn tẻ, lặng lẽ lắm. Hôm nay cũng đi ngang mấy quán cà phê nên chị biết rành”. Lần này tôi ngồi ăn tô mì gõ mà nghe lòng mình như đang chìm trong niềm hạnh phúc của anh sinh viên nghèo xa quê. Rồi cảm nhận hạnh phúc không ở đâu xa, mà ở ngay quanh ta, ở chính những người xung quanh mình trong cách đối xử và biết quan tâm nhau trong tình người.
Bẵng đi một thời gian sau khi ra trường, tôi vì bận bịu với công việc tất bật nên không có dịp ghé lại ăn tô mì gõ hàng của chị, nhưng tôi vẫn đau đáu nhớ mùi ớt nồng thoảng trong làn khói bốc lên từ tô mì chị nấu như chỉ riêng mình tôi. Những hôm đi công tác xa về khuya, bỗng nghe tiếng “lóc lóc cóc, lạch lạch cạch” bên đường mà chợt giật mình, như thứ âm thanh đó là tài sản có giá trị lâu nay mình đánh mất, nay tìm thấy.
Dù hằng đêm tiếng gõ rao mì vẫn vang vang đâu đó ở cuối hẻm, góc phố nhưng mỗi lần âm thanh ấy lọt vào tai thì tôi phải tìm cách dõi xem nó đến từ hướng nào. Và âm thanh ấy như có gì thiêng liêng lắm, gắn bó lắm với tôi và với đất Sài Gòn này. Nó như một thành viên không thể thiếu trong đội hình đang ra trận.
Khi phố phường đang ở cao trào nhịp sống của ngày thì nó như một nốt nhạc hòa âm, điểm thêm trong khúc giao hưởng. Khi phố phường đang hồi tĩnh lặng, âm thanh ấy giống như khúc nhạc trỗi lên giữa khoảng lặng, thinh không.
Còn tôi thì gọi nó là một “giai điệu ẩm thực” tấu lên gọi mời những dân thị bình dân đang duy trì nhịp sống Sài Gòn về đêm. Âm thanh ấy như nói với vạn vật rằng: “Tôi cũng đang có mặt trong khúc nhạc cuộc đời”. Và nó vẫn vang lên, đồng hành khắp nơi trong nhịp sống sôi động của thành phố. Từ lâu “tiếng mì gõ trong đêm” đã trở thành một sắc màu văn hóa ẩm thực đặc trưng của phố thị Sài Gòn mà không dễ tìm thấy nơi nào có được.
Hôm có dịp ghé lại trường cũ, gặp lại tôi, chị mừng như bắt gặp đứa em đi xa mới về. Sợ không mời được tôi tô mì, sợ không đủ thời gian để kịp hỏi thăm nhau, chị vừa trách yêu vừa quảng cáo: “Công việc em làm giờ thế nào? Lâu nay em không ghé ủng hộ hàng chị. Mì chị bán giờ chất lượng hơn xưa nhiều nhưng giá vẫn vậy”. Vừa dứt lời thì tô mì nóng hổi của chị đã được đặt trước mặt tôi. Tôi đang ngắm nghía để cảm nhận một tình cảm chất phác, đơn sơ thấm đượm trong tô mì, chị lại giục: “Em ăn đi, hôm nay chị mời”.
(hình minh hoạ)
Việt Báo
Comment