Tương tư rau muống
Rau tuy dân dã bình dị nhưng lại làm mát lòng những ai đã từng thưởng thức.
Rau muống, một cái tên không mấy xa lạ trong các bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi lần đi xa lại nhớ, lại thương. Bát canh xanh mát ấy như một thỏi nam châm giúp mỗi người xa quê luôn mong ngóng để rồi tương tư mỗi khi nhớ về quê nhà
“Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Rau muống chỉ là một loại rau xanh thường ngày nhưng sao người ta phải nhớ thương đến thế? Câu thơ ví von, ẩn dụ đủ điều như để khéo kéo cho thấy loại rau này luôn phảng phất hương quê, tuy dân dã bình dị nhưng lại làm mát lòng những ai đã từng thưởng thức.
Không phải chỉ ở những miền quê mới có rau muống. Rau muống có ở cả thành thị lẫn nông thôn, thoáng nhìn mớ rau xanh mướt, nõn nà, mềm yếu người ta cứ nghĩ chúng khó trồng và tốn nhiều công chăm sóc nhưng thực chất, rau muống lại là loại cây có sức sống rất bền, dễ tồn tại và phát triển được ngay cả dưới nước lẫn trên cạn.
Rau muống từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 20 ngày, chúng được trồng chủ yếu bằng thân cây hoặc gieo hạt. Người ta cắt phần cây rau muống già, cấy xuống phần đất đã được xới tơi, trộn với phân bón và tưới nước thường xuyên, dần dần cây tạo rễ, bắt đầu phát triển, khi cây có nhiều nhánh, sẽ cắt dần và tiếp tục bón phân để thu hoạch những lần sau. Nếu muốn trồng dưới nước thì chỉ cần cấy chúng vào vật dụng tùy thích, sau đó thả xuống ao, hồ, khi chúng phát triển sẽ mọc lan ra vùng bên cạnh. Ở các thành phố, khi diện tích có hạn nhưng mọi người lại muốn có luống rau sạch để ăn thì chỉ cần một ít đất mùn trộn chung với phân bón cho vào thau, gieo hạt xuống và khỏa đất lại, tưới nước đều ngày hai lần cây sẽ nảy mầm và lớn nhanh.
Không đắt đỏ như các loại thực phẩm khác, rau muống có giá thành tương đối ổn định, ăn không ngán và có thể dùng nấu canh, xào hay làm gỏi đều được. Không chua cũng chẳng đắng, chúng giòn giòn, thanh thanh, rất dễ kích thích vị giác. Chỉ cần luộc chín là đã có món rau chấm nước mắm cho bữa cơm thêm ngon miệng, bên cạnh đó còn tận dụng được nước luộc để làm canh. Rau muống xào thịt bò hay canh chua muống cũng là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt loại rau này là người bạn khó có thể thiếu khi ăn lẩu, vịt nấu chao, bún riêu, bún bò Huế… Dù chế biến theo cách nào đi nữa thì hương vị quê nhà vẫn cuốn hút mọi giác quan của người thưởng thức.
Bên cạnh vị ngon, rau muống còn được xem là nguồn thực phẩm có chứa nhiều canxi, sắt, protein, vitamin C, B… cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Rau muống cũng dùng để chữa một số bệnh thường gặp như cầm máu, giải nhiệt, đau đầu, kiết lỵ, nóng ruột, ợ chua…
Gỏi khô bò rau muống
Nguyên liệu:
Rau muống: 300g
Bắp chuối bà: 300g
Rau răm: 20g
100g bò khô, 50g đậu phộng rang, 1 quả ớt sừng
Nước trộn gỏi: Cho 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê ớt băm, 1 thìa cà phê ớt băm, ½ thìa súp đường, ¼ thìa cà phê bột ngọt, 3 thìa súp nước mắm, 1 thìa súp nước cốt chanh vào bát khuấy tan đều.
Cách làm:
Rau muống cắt gốc, nhặt bỏ lá, rửa sạch, tước sợi, ngâm qua nước muối pha loãng, vớt ra để ráo nước
Bắp chuối bào rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng, vớt ra để ráo nước
Khô bò xé nhỏ. Rau răm nhặt rửa sạch, xắt nhỏ. Ớt sừng bỏ hạt, xắt sợi. Đậu phộng giã hơi giập
Cho rau muống, rau chuối bào, rau răm vào thố, rưới đều nước trộn gỏi lên trên, bóp nhẹ để các loại rau thấm nước trộn khoảng 2 phút, sau đó cho khô bò, đậu phộng, ớt sừng xắt sợi vào trộn đều
Dọn gỏi ra đĩa, dùng ngay.
Comment