5 món quà vặt Việt Nam"hot" trên báo nước ngoài.
Khi nói đến "thiên đường" quà vặt ở Việt Nam, "thượng đế" hẳn không thể không nhắc đến các món bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh gối và gỏi cuốn.
Dưới đây là một số món quà vặt ở Việt Nam được "show" trên CNNGo:
Bánh xèo
Nhắc tới bánh xèo, nhiều người nghĩ ngay đến hương vị giòn rụm của bánh xèo miền Nam. Bánh có hình dạng giống với bánh crepe, được rán với thịt lợn, tôm, giá và được tô điểm bằng rau sống tươi. Đây được coi là một món bánh truyền thống của người Việt Nam. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh có cách chế biến và hương vị riêng. Thường thì có hai phong cách chính là bánh xèo giòn và bánh xèo dai. Bánh xèo ăn kèm với rau sống và chấm với nước mắm chua ngọt.
Để thưởng thức loại bánh này như người dân bản địa, bạn hãy cắt bánh thành từng miếng vừa ăn, cuốn trong bánh đa nem hay lá rau diếp, nhúng bánh vào nước chấm đặc biệt mà đầu bếp chuẩn bị. Bạn hãy tìm đến quán bánh xèo nổi tiếng ở địa chỉ 46A Đinh Công Tráng, quận 1, SG, để thưởng thức hương vị khó quên của món bánh này.
Bánh khọt
Loại bánh có hương vị đặc biệt và xinh xắn này được tìm thấy ở ba miền với thành phần giống hệt nhau nhưng có khác về kích cỡ. Thông thường một chiếc bánh khọt được đựng trong một chiếc đĩa nhỏ, vừa miệng ăn. Phần vỏ giòn bên ngoài được là từ sữa dừa, với nhân tôm, đậu, hành. Quán bánh khọt nổi tiếng ở SG là quán Cô Ba Vũng Tàu, 59B Cao Thắng, quận 3.
Bánh chuối
Bánh chuối là món ăn vặt thường xuất hiện khi trời trở gió và lúc đó, khi ta nhìn thấy đâu đó ở góc ngã ba, ngã tư đường phố Hà Nội xuất hiện những hàng bánh chuối.
Muốn có chiếc bánh ngon, dẻo, thơm mùi chuối, lại có màu sắc hấp dẫn cũng khá công phu. Đầu tiên, người ta phải chọn được những quả chuối tây to, dài, tròn mập, màu vàng phủ đều ôm lấy quả rồi bóc vỏ, cắt đôi theo chiều dọc. Sau đó, người làm cho từng miếng chuối vào túi ni lông ép dẹt để đảm bảo độ dai của bánh.
Bột là khâu quan trọng khi làm bánh chuối. Nếu chỉ làm toàn bột mỳ, bánh không thơm; chỉ bột gạo tẻ bánh không ngon; chút bột nếp bánh không xốp... nên người ta trộn ba thứ ấy mỗi thứ một ít, thêm một ít bột nở, một ít đường và một lượng nhỏ phẩm màu thực phẩm. Tiếp đó, họ đổ nước vào pha theo tỷ lệ thích hợp sao cho chúng có độ sền sệt, ủ độ hai tiếng, tạo lớp men nhẹ, tăng độ dính kết của bột.
Cho mỡ vào chảo đun sôi, quệt miếng chuối vào lớp bột sao cho bột phủ đều bao lấy miếng chuối. Thả miếng chuối vào chảo mỡ đang sôi. Đợi khi bánh chín, mặt bánh có màu nâu đỏ.
Ngoài loại bánh chuối đơn thuần này, nhiều hàng còn dùng khoai lang sống thái chỉ rán cùng cùng lát chuối để rán. Bên cạnh bánh chuối, người ta còn làm ra bánh chuối lạc và bánh chuối hấp. Bánh chuối dân giã kể trên được bán nhiều ở đường cơm nguội gần khách sạn Thắng Lợi, đoạn đường vào phủ Tây Hồ.
Bánh gối
Giống với bánh bao, bánh gối không có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng món ăn vặt này đã trở nên phổ biến từ rất lâu và cũng là một trong những món ăn vặt "đầu bảng" của mùa đông. Ở Hà Nội, bánh gối ở phố Lý Quốc Sư là một địa chỉ rất nổi tiếng. Vỏ bánh vàng ruộm, giòn và dai; nhân bánh được trộn từ những nguyên liệu gần giống với chả nem, gồm có thịt băm, miến, nấm tai mèo và trứng, làp xường.
Món ăn vặt này kết hợp với bát nước chấm được pha rất "chuẩn" là sự hấp dẫn khó cưỡng với thực khách.
Gỏi cuốn
Là một phiên bản của nem rán, gỏi cuốn ngày càng được ưa chuộng nhờ sự tươi ngon lại tốt cho sức khỏe khi bạn đã thưởng thức quá nhiều món rán ở Việt Nam. Một chiếc gỏi cuốn đúng cách bắt đầu từ những lá xà lách tươi rói, tiếp đến là thịt thái lát mỏng, dùng kèm các loại rau sống như rau mùi, khế chua, dứa, chuối xanh... cuộn chặt tay và gọn gàng, chấm ngập nước mắm chanh ớt. Bạn có thể tìm thấy đủ loại gỏi cuốn tại Quán ăn Ngon, 18 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Yên Chi
Đất Việt
Đất Việt