Tinh tế văn hóa ẩm thực Việt.
Khách du lịch đến Việt Nam đánh giá: người Việt sành ăn và rất sáng tạo trong ăn uống. Sau đây là một vài minh chứng cho việc đó, để bạn giới thiệu ẩm thực Việt biết cách tự hào.
Khách du lịch đến Việt Nam đánh giá: người Việt sành ăn và rất sáng tạo trong ăn uống.
Sau đây là một vài minh chứng cho việc đó, để bạn giới thiệu ẩm thực Việt biết cách tự hào.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam, kể một câu chuyện trong cuộc đời làm ngoại giao của mình: Năm đó tôi tiếp đoàn khách của Bỉ. Tôi đã dẫn họ đi thăm thú và tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Khi họ ra về đã nói với tôi: Bà đã làm ngoại giao hiệu quả. Khái niệm ngoại giao hiệu quả của bà rất đúng với cả hoạt động du lịch.
Giới thiệu nét đẹp văn hóa, nhất là văn hóa ẩm thực là sứ mệnh của những người làm du lịch. Đến mỗi vùng miền, người ta có thể nhớ một chút ấn tượng về cảnh đẹp, về những dịch vụ. Nhưng họ sẽ nhớ cả đời mùi vị những món ăn bản địa mà họ đã được thưởng thức.
Người Việt rất sáng tạo trong ẩm thực. Điều kiện tự nhiên của các vùng miền rất phong phú nên thực phẩm đa dạng, trong đó có những thực phẩm, cây rau gia vị không xuất phát từ Việt Nam nhưng lại “bén duyên” mảnh đất này như thể nó sinh ra phải ở trên vùng đất ấy. Ví như cây rau mùi, cà rốt, su hào, súp lơ, bắp cải, đậu Hà Lan…
Ẩm thực Việt rất hài hòa và cởi mở với nhiều phong cách nhưng lại rất thuần Việt. Ăn món ăn Việt có cảm giác ấm cúng và thân thiện. Đó không phải là một cảm giác trên lý thuyết, chúng ta có những dẫn chứng cụ thể từ chính những món ăn được coi là quốc hồn, quốc túy của dân tộc.
Bát bóng đãi khách, đặc sản của người Tràng An
Trong những mâm cỗ truyền thống của người Tràng An xưa, người Hà Nội nay, không thể thiếu được bát bóng bì. Đó là một trong những món ăn đặc trưng của người Hà Nội.
Nguyên liệu của canh bóng gồm bóng bì (bì lợn khô), tim lợn, xương ống, tôm, nấm (mộc nhĩ và nấm hương), cà rốt, xu hào, bông cải, đậu Hà Lan, trứng gà (hoặc trứng cút). Gia vị có: Muối, tiêu, đường, hành lá, mùi, gừng, chút rượu trắng.
Như vậy, nguyên liệu và gia vị của món ăn có rất nhiều loại xuất phát không phải nguyên liệu từ Việt Nam như cà rốt, xu hào, bông cải, đậu Hà Lan, mùi. Nhưng món ăn vẫn là món đặc trưng và cổ truyền của người Việt. Đó là nhờ sự sáng tạo của những người đầu bếp Việt Nam. Người Pháp khi sang Việt Nam đã từng nhận xét: chỉ với một cái chảo, một cái xoong mà người Việt có thể nấu ra bao nhiêu món.
Bì lợn là thứ mà người phương Tây bỏ đi khi chế biến thực phẩm. Nhưng bì lợn khô làm canh đãi khách của người Hà Nội với sự kết hợp nguyên liệu, gia vị độc đáo, nó trở thành món ăn sang trọng mà chính người phương Tây vốn khoa học trong ăn uống phải mê.
Phở Việt, món ăn được xếp hạng món ăn ngon nhất thế giới
Trước thời kỳ Pháp sang xâm lược Việt Nam, người Bắc Kỳ không ăn thịt bò nhiều, có chăng chỉ ở những mâm cỗ hiếm hoi. Ở xứ này, có chăn trâu, bò nhưng dùng để làm nông nghiệp. Và trâu thân thiện với cách nghĩ, cách nhìn của người Việt hơn vì được nuôi nhiều hơn. Nếu có thịt thì người ta ăn thịt trâu và quen với việc đó.
Nghĩa là món phở Việt sẽ ra đời ít nhất từ giữa thế kỷ 19. Và không lâu sau đó, nó được công nhận là món không thể không ăn khi đến Việt Nam.
Phở là sự kết hợp tinh túy của rất nhiều trường phái ẩm thực nổi tiếng trên thế giới. Chính vì thế mà nó thân thiện với tất cả mọi người. Nước phở nấu theo kiểu của Trung Hoa, coi trọng tính ngọt sâu và bổ dưỡng của nước xương ninh. Gia vị đặc trưng của người Việt. Bánh phở theo kiểu mì, bánh của cả người Việt và người Hoa. Thịt thì lại theo kiểu ăn của phương Tây: trần thịt bò và cho vào bát. Cũng có nhiều loại phở, ngon nhất và phổ biến nhất là phở bò và phở gà.
Những tinh túy, ngon, ngọt, thơm, người Việt đã biết kết hợp lại với nhau tạo thành món ăn được xếp hạng ngon nhất thế giới.
Dưa góp, món bình dân của người Việt tạo sự ngạc nhiên cho khách du lịch
Người phương Tây ăn những đồ chiên thường đi kèm với mayonais vừa béo, vừa ngán. Người Trung Hoa ăn đồ chiên cũng với những đồ… khó tiêu. Nhưng người Việt biết cách ăn, biết cách điều hòa các món ăn nên đã ăn đồ chiên với các loại dưa góp vừa kích thích ăn ngon miệng, vùa giúp tiêu hóa tốt.
Ban đầu, món dưa của người Việt chỉ dừng lại ở một vài loại rau, quả để lên men. Người Việt rất thích muối các loại quả để chua: cà muối, sung muối… Sau này giao thoa văn hóa, những loại rau, củ quả vào Việt Nam, chúng ta muối rất nhiều loại rau… có thể muối: rau cần muối, bắp cải muối, xu hào muối, dưa chuột muối…
Món dưa góp là loại dễ ăn, mà khách trong nước, nước ngoài đều thích ăn. Nguyên liệu, tùy theo những loại có sẵn mà mọi người có thể chọn: đu đủ xanh, xu hào, dưa chuột, cà rốt, hành tây… Những nguyên liệu này hầu hết được thái mỏng, theo hình hoa hay những hình đẹp theo con mắt sáng tạo của người chế biến.
Những nguyên liệu này sau khi được bóp mềm với muối sẽ được ướp với các loại gia vị: tỏi, ớt, mùi. Sau đó người ta pha nước sôi để nguội với nước chanh (giấm), đường, muối, nước mắm. Đợi cho các loại gia vị ngấm nguyên liệu thì có đĩa dưa góp chua chua, giòn giòn, thanh mát.
Hài hòa lẩu Việt
Người phương Đông thích ăn lẩu. Theo những đầu bếp, nơi được coi là xuất phát món lẩu là Quảng Đông, Trung Quốc. Đến bây giờ, lẩu nổi tiếng trên thế giới là lẩu Thái và lẩu Trung Quốc. Nhưng lẩu Việt lại hấp dẫn du khách bởi những món lẩu rất riêng: lẩu cua đồng, lẩu cá, …
Ban đầu, lẩu du nhập vào Việt Nam chỉ là cách người ta nấu nồi nước, bỏ những khúc cá vào nấu lên và cho gia vị, rau vào ăn kèm. Cách ăn đó giờ người ta gọi là cá nấu thuyền chài.
Các loại lẩu Việt cũng phong phú: lẩu bò nõn, lẩu gầu bò, lẩu lòng trâu, lẩu tim gan, lẩu nấm, lẩu thập cẩm, lẩu cua đồng, lẩu vịt om sấu, thậm chí cả lẩu chó… Không ở đâu có cách ăn lẩu mà đập trứng vịt lộn, rồi cho… mắm tôm vào nồi lẩu. Người nước ngoài rất sợ mắm tôm của người Việt, nhưng khi ăn với lẩu, không thấy ai phàn nàn mà chỉ… gật gù khen ngon.
Theo Amthucviet