Cá leo mùa chăn gối khi nước vào đồng.
Cá leo là một loài cá da trơn trong họ cá nheo, sống nhiều trong các sông hồ lớn. Cá leo ở Châu Đốc, An Giang thường có nhiều khi nước nhảy bờ bắt đầu mùa nước nổi.
Theo nhiều người dân có kinh nghiệm lâu năm ở đây, loài cá này có nhiều ở Biển Hồ bên Campuchia và cứ đến mùa nước về đồng, cũng là mùa trăng hoa, chúng theo nước về đồng vì tập tính thích làm tình trên nước cạn. Cuộc trăng hoa của chúng thường diễn ra tập thể hàng chục cặp khi nước lé đé trên mặt ruộng. Và vì nước cạn, cá lớn – con lớn nhất có thể dài đến 2m – nên chuyện gối chăn này ầm ĩ cả một vùng. Cá leo được đánh giá là làm tình sôi nổi và dữ dội nhất trong các loài cá mà người ta được biết. Bởi thế cho nên, người dân An Giang mới có từ rượt bắt cá leo.
Ảnh: Thanh Hảo
Tác giả Trần Văn, kể trong Chuyện đồng quê: “Rượt bắt cá leo bằng những cái nôm, thường là những người khoẻ mạnh và rất nhanh nhẹn, hai tay hai cái nôm.
Trời mưa lất phất, trên nền trời có trăng non là thời điểm thuận lợi nhứt để rượt bắt cá leo. Người ta đứng yên một chỗ tại vùng nước cạn, nơi có nhiều cá leo di chuyển. Hai tay hai nôm chuẩn bị sẵn sàng ra quân.
Cô cậu cá leo từ dưới kinh rạch phóng lên, mơn trớn nhau tung toé nước trắng xoá, chạy đến đâu người ta đều nhận biết đến đó. Không phải một cặp mà hàng chục cặp rượt đuổi nhau thật hào hứng. Chỗ nào nước hơi sâu chỉ thấy được đường dợn sóng của cá leo đang di chuyển; còn chỗ nước cạn, nông, kỳ, lưng cá leo bày lên chạy ngờ ngờ trông đã con mắt. Nhiều khi cô cậu mải mê rượt đuổi, quần nhau chạy rướn leo lên bờ, mắc cạn.
Ngoài khô cá leo bán nhiều ở Biển Hồ Campuchia, người dân Châu Đốc còn làm mắm cá leo như là thức ăn để lâu.
Như Trần (Theo SGTT)
Comment