Mặn nồng cá bống kho tiêu cuối mùa mưa
Sài Gòn với những cơn mưa rả rích chợt làm người xa quê chạnh lòng nhớ tới món ngon mẹ nấu mỗi dịp cuối hạ đầu thu, trong đó không thể không kể đến những bát cá bống kho tiêu đậm đà, dân dã...
Ngày ấy, ở miền Tây cứ vào cuối tháng bảy âm lịch, khi những đợt mưa cuối cùng trút xuống cũng là lúc nhà nhà rầm rộ đua nhau ra sông cất chài, kéo lưới vớt cá. Mùa nước nổi, dòng sông nổi bột phù sa đục ngầu, tôm cá từ nơi thượng nguồn theo con nước đổ về, cả làng nhờ đó mà có thêm miếng ăn. Lũ trẻ con chúng tôi cũng lăng xăng cầm rổ rá đi theo phụ giúp cha một phần, phần nữa là để tranh thủ kiếm thêm “của ngon vật lạ” cho riêng mình.
Cá bống, sản vật vùng ven sông miền Tây.
Chỉ độ vài tiếng sau khi rảo thuyền quanh sông đặt lưới, cha đã câu về đủ các loại cá: từ cá mại, cá ngạnh, cá diếc,... và có cả những con cá bống tươi roi rói. Loại cá bống cát ở quê tôi khá thon nhỏ, chỉ bằng chừng ngón tay trỏ nhưng nổi tiếng là ngọt thịt, cộng thêm thời điểm này vốn là mùa sinh sản của cá bống. Biết chị em chúng tôi đặc biệt mê ăn cơm trắng với cá bống kho, cha lẳng lặng lựa những con cá tròn mẩy, bụng căng ních trứng và đặt vào một rổ riêng. Số còn lại, cha nhờ chị hàng cá nhà bên ra chợ bán giúp, kiếm thêm ít đồng ra đồng vào.
Cá bống đem về, thoạt tiên sẽ được mẹ cho vào rổ, lấy một ít lá sả hái ở vườn rau sau nhà, kèm thêm một ít muối sống và xoa nhẹ cho cá sạch vảy, hết nhớt. Mẹ bảo công đoạn này phải làm vừa đều tay vừa nhẹ nhàng, để bụng cá đầy trứng không bị bung vỡ. Sau đó, mẹ cho cá vào tộ (nồi) đất, rưới nước mắm xăm xắp, ướp đường, một ít nước màu và vài củ hành xắt nhuyễn. Cá thường được ướp từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ, cho gia vị thấm đều, cá săn cứng, thịt dai dẻo hơn.
Kho cá bống nghe thì đơn giản, nhưng đảo cá, thêm bớt lửa thế nào đều phụ thuộc vào tay nghề người chế biến. Mẹ thường nhóm củi cho vừa lửa khi bắt đầu kho; lúc nồi cá sôi lên thì để lửa liu riu cho nước kho đặc lại dần. Mẹ ít khi nêm tiêu ngay từ đầu, mà chờ đến khi nước kho gần cạn hết mới rắc đều tiêu khắp nồi. Sau đó, mẹ rưới thêm vài muỗng mỡ nhỏ rồi nhanh tay bắc ra khỏi bếp. Lúc này nồi cá dậy mùi thơm nức, những con cá bống được kho cong, hòa với lớp nước kho màu vàng cánh gián, nhìn rất ngon mắt!
Cá bống kho tiêu, món quà quê giản dị, gần gũi mà đầy trân quý.
Giữa mùa lũ, có một nồi cá bống kho tiêu, với đám rau sống tươi xanh có sẵn trong vườn, vài nhúm xoài xanh, dưa leo, cùng nồi cơm trắng nấu bằng gạo nàng thơm thì thật không gì sánh bằng. Lũ trẻ con chúng tôi chỉ chực lúc mẹ bày cơm ra chõng là sà vào ăn, nghe vị cá bống mặn mòi, thơm béo quyện với vị tiêu cay nồng nơi đầu lưỡi.
Món cá bống kho tiêu đưa cơm rất nhiều, thường phải đến hai, ba bát. Ăn hết cá, lại cho cơm trắng vào nồi, trộn với kho quẹt, vừa ăn vừa hít hà vì thèm và... cay. Những lúc ấy, cha cười xòa, xoa đầu chúng tôi. Mẹ cũng cười, nhưng đôi mắt thì canh cánh một nỗi buồn, khi quần quật mưu sinh vẫn không lo nổi cho những đứa con đang tuổi háu ăn một bữa cơm chu tất...
Người dân quê tôi còn có thêm một đặc sản: bánh tráng (bánh đa) nướng cuộn cá bống kho tiêu. Cũng công đoạn chế biến như thế, nhưng mẹ thường lựa những con cá bống nhỏ chừng ngón tay út, ướp nước mắm ít hơn, thêm tiêu (nhưng không quá nhiều để nồi cá khỏi đắng), bắc lên bếp củi, để lửa nhỏ chừng hai, ba tiếng, cho đến khi lớp nước kho cạn hết, những con cá bống khô cong, cứng lại, hơi cháy xém.
Bánh tráng nướng nhúng ướt, cuốn với rau sống và cá bống kho, nhai cả thịt lẫn xương cũng là một món ăn khoái khẩu với lũ trẻ chúng tôi, nhất vào những năm nước lũ lên sớm, vụ mùa không gặt kịp, đâm ra thiếu gạo, thiếu khoai...
Dạo nọ, tôi bước vào một nhà hàng lớn giữa thành phố Sài Gòn, giật mình khi cầm thực đơn và thấy cái tên cá bống kho tiêu nằm ngay trang đầu. Chợt mừng sao khi món ăn của quê nhà nay được nâng niu ở nơi đất khách, và bồi hồi như vừa gặp lại một người bạn thuở thơ ấu đã lâu ngày xa nhau...
Theo VnExpress