Nhớ cơm rượu Tết Đoan Ngọ.
Mùa hè đến, tức là đã tháng năm rồi đấy. Thế là thời điểm tôi chờ đợi nhất trong năm cũng đến. Cái thời điểm giống như bao đứa trẻ khác, tôi được nghỉ hè, được lê la đánh chuyền, đánh đáo, chơi ô ăn quan... Và thích nhất là được ăn cơm rượu nếp ngoại làm.
Ảnh: ttvnol
Giống như phong tục của những gia đình Việt Nam khác, mỗi dịp chuẩn bị Tết mồng năm tháng năm là bà tôi lại thổi một nồi cơm gạo nứt, ủ men làm cơm rượu cho cả nhà ăn trừ sâu bọ. Ngoại tôi bảo, tháng năm là bắt đầu vào hè, trời nóng nhưng ẩm, cũng là mùa sâu bọ sinh sôi rất nhiều. Bởi vậy mới có tục giết sâu bọ, vào ngày Tết Đoan Ngọ, sáng dậy mọi người không ăn đồ như thường ngày vội mà thường ăn cơm rượu nếp hay một số trái cây mùa hè như mận, vải…thì giun sán, sâu bọ trong bụng sẽ chết hết.
Ngoại tôi ủ cơm rượu cầu kỳ lắm. Gạo thổi phải là loại nếp cái, đã nhặt cẩn thận, hạt nào hạt nấy chắc, mẩy, cái bụng căng ra nhìn đã thích mắt. Không giống như gạo dùng để thổi xôi ăn thường ngày, gạo để ủ men chỉ sát qua một lần, những mảy cám gạo vẫn còn bám lại, gạo xay như thế bà gọi là gạo nứt.
Ảnh: vietfun
Sau khi thổi thành cơm, bà xới ra mâm, đợi cơm nguội dần rồi rắc lên những lớp men đã giã thành dạng bột trắng xóa. Công đoạn cuối cùng chỉ là cho tất cả vào túi ni lông ủ kín, đợi khi cơm ngấm men, tỏa mùi thơm ngào ngạt là được. Tuy vậy do nhà nhiều trẻ con, bà không bao giờ ủ cơm rượu quá sớm, bởi làm thế cơm ngấm men sẽ thành rượu rất cay. Thậm chí, để bọn tôi ăn không bị “say” bà còn cho vào chút đường. Vì thế, cơm rượu bà làm vừa ngọt, vừa thơm mà ăn nhiều cũng không có cảm giác nóng ran nơi cổ họng. Bát cơm rượu đó không giống những bát cơm rượu tôi đã có lần ăn của mấy chị bán dạo quanh phố.
Chẳng cần biết có diệt được sâu bọ hay không, riêng tôi cứ thấy bà lục đục ủ cơm rượu từ mấy ngày trước là trong lòng đã háo hức lắm rồi. Háo hức vì được ăn cơm rượu là một phần, phần cũng vì nhà tôi có tục đi Tết ông bà sáng mồng năm. Thế là sau khi được chén no nê bát cơm rượu thơm, ngọt pha chút cay nồng của ngoại tôi lại được về quê thăm nội.
Ảnh: muivi
Đó là những kí ức thơ ấu tôi không bao giờ quên. Giờ đây, mỗi năm cứ đến độ Tết Đoan Ngọ, không được ở nhà háo hức chờ bát cơm rượu nếp của bà nhưng tôi vẫn thấy nao nao, vẫn xốn xang cái tâm trạng của đứa trẻ mong Tết. Đó cũng là những phút giây hiếm hoi tôi được sống lại những cảm giác của một tâm hồn thơ dại, ngây ngô. Cám ơn vì đã có Tết Đoan Ngọ, cám ơn bát cơm rượu nếp đã cho tôi được sống là chính tôi.
MonngonHanoi.com