Mâm ngũ quả ngày Tết
Ngày Tết là ngày đầu tiên của năm mới và quan trọng nhất là bày biện, dâng cúng lễ vật lên bàn thờ của gia đình để cầu lộc, tài cho năm mới.
Ban thờ của mỗi gia đình ngày Tết thường có đôi câu đối đỏ, cặp bánh chưng xanh, cành đào, cành mai, các loại hoa ngũ sắc và chính giữa nổi bật nhất là mâm ngũ quả thật to và đẹp.
Mâm ngũ quả từ ngàn xưa được người Việt Nam mình gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay vẫn được thể hiện trang trọng nhất trên bàn thờ. Nó mang ý nghĩa thật lớn lao, để dâng cúng cha trời – mẹ đất (là thiên nhiên), dâng cúng tổ tiên (là ghi nhớ công ơn sinh thành) cầu nguyện cho gia đình được hưởng phúc lộc bình an, bốn mùa cát khánh.
Đó chính là truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt Nam. Theo triết học Phương Đông cổ, người Á Đông biết vận dụng “ngũ hành” thuận theo sự vận hành của qui luật tự nhiên, sự vận chuyển của bốn mùa trong chu kỳ một năm. Ý nghĩa cuội nguồn của mâm ngũ quả là tư duy triết lý nhân sinh của người Việt, thông qua hình thể và màu sắc hoa quả mong muốn sự hòa hợp môi trường thiên nhiên với đời sống con người.
Ngũ hành là các hành như sau:
- Hành thổ là đất, là trung tâm đặt màu vàng
- Hành mộc là màu xanh ứng với mùa xuân mát mẻ
- Hành hỏa là màu đỏ ứng với mùa hè nóng bức
- Hành kim là màu trắng ứng với mùa thu khô khan
- Hành thủy là màu đen ứng với mùa đông ảm đạm.
Đẻ mâm quả thể hiện ngũ hành, người ta khéo chọn nải chuối xanh có các quả chĩa lên như những mầm xanh mùa xuân. Trong lòng nải chuối là một quả bưởi vàng tượng trưng cho trái đất tròn. Các gia đình theo đạo Phật lại thích bày quả phật thủ vàng (một loại quả có 10 cánh múi chụm lên như 10 ngón tay, dân gian gọi là tay Phật). Phật thủ với cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Loại quả thứ ba màu đỏ mang ánh nắng chói chang mùa hè, ta thấy có quả thanh long hoặc cam giấy, cũng có nhà lại cắm ớt đỏ vào giữa khe quả chuối xanh trông thật đẹp mắt. Loại quả thứ tư màu trắng như quả doi thể hiện thể hiện mùa thu và cuối cùng mùa đông của hành thủy được bày bằng những quả màu đen hoặc hơi tối như quả mận đen, quả táo đỏ sẫm.
Mỗi địa phương có sản vật hoa quả nào thì lại được bày mâm ngũ quả theo phong tục của nơi đấy. Ở miền Bắc mâm ngũ quả có chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, quất vàng, ớt đỏ, táo sẫm và doi trắng. Ở miền Trung mâm ngũ quả còn có thêm chùm dừa non màu xanh. Còn ở miền Nam khí hậu nóng có nhiều hoa quả hơn, mâm ngũ quả rất nhiều loại quả có đủ năm màu: dưa hấu xanh ruột đỏ, dừa gọt vỏ có màu trắng, đủ đủ vàng, vài quả xoài xanh chín dần có màu vàng, thanh long đỏ và lại có cả mấy quả sung xanh với mong ước cả năm được “vừa đủ xài vừa xung túc”.
Như vậy, mâm ngũ quả ngày Tết có năm loại quả tượng trưng cho bốn giai đoạn vận hành của chu kỳ một năm với chủ ý rất rõ ràng thể hiện mùa nào thức ấy và cầu được cuộc sống no đủ. Mâm ngũ quả được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn người đi trước, cũng là sự nhắc nhở cho chúng ta sống và làm việc thuận theo quy luật sinh trưởng của tự nhiên bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.
Đây chính là một niềm tin với sự hiểu biết về quy luật tự nhiên. Một sự cầu mong hợp lý là nếp sống nhân hòa trong gia đình và xã hội, là nét đặc trưng của văn hóa người Việt rất cần được phát huy và bảo tồn bản sắc.
Mách nhỏ: Cách bày mâm ngũ quả truyền thống là nải chuối được đặt dưới cùng, đỡ toàn bộ các trái cây khác, quả bưởi đặt chính giữa, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau tạo thành màu sắc sinh động. Trên các loại quả đều còn nguyên cuống lá xanh làm cho mâm ngũ quả càng tươi ngon, đẹp mắt.
Nhungbh (/vzone.vn)