Điểm danh 5 món ăn vặt đặc trưng Sài Gòn
Có thể nói từ sáng tới đêm, dân ăn vặt Sài thành chẳng bao giờ sợ lỡ bữa, cứ bước chân ra khỏi cửa hoặc thậm chí chả phải đi đâu, quà vặt luôn phục vụ mọi nơi mọi lúc.
Sài Gòn vốn là mảnh đất cho dân tứ phương về đây lập nghiệp. Chính vì thế, có thể nói nơi đây hội tụ mọi tinh hoa ẩm thực Việt. Bài viết này chỉ đề cập món quà vặt, bởi nó là món ăn dân dã của mọi gia đình và cũng là phương cách mưu sinh của bao người nghèo ít vốn.
Trong một cuốn sách viết về du lịch Sài Gòn có đề cập đến những món ăn vặt phổ biến của Sài Gòn xưa là: bột chiên, há cảo, gỏi đu đủ (hay còn gọi là gỏi khô bò), bò bía, phá lấu…
Ngày nay, thực đơn ăn vặt của Sài Gòn đã dài ra rất nhiều bao gồm: bánh tráng trộn, cá viên chiên, bò viên chiên, bánh tiêu, bánh bột lọc… Xin giới thiệu một số món ăn vặt mà người Sài Gòn ưa chuộng.
1. Bột chiên
Người Sài Gòn ai mà không biết bột chiên mới là chuyện lạ. Đầu tiên chỉ là những khối bột được cắt sẵn vuông vức, trắng nõn đem chiên trên một chảo nóng.
Dầu để chiên chỉ là một muỗng dầu bé, đủ để bột không dính vào trong chảo, không giống như khi người ta chiên đậu phụ dầu ngập đầy chảo. Đợi đến khi bột vàng đều sẽ đập vào chảo một quả trứng gà. Đảo đều tay cho đến khi trứng chín là vừa ăn.
Phía trên đĩa bột chiên được trang trí một bên là màu đỏ của tương ớt, một bên là màu trắng hồng của đu đủ thái sợi, kế đến là chén xì dầu nâu nâu đã được pha dấm, đường vừa miệng với chút ớt cay cay…
Bột chiên ăn vào vừa có độ giòn của lớp vỏ bột bên ngoài, dừa có độ dẻo của lớp bột chín bên trong, thêm hương vị của trứng gà thơm thơm, béo béo, quả thật là một món ăn lạ mà hấp dẫn.
Bột chiên được khởi nguồn rất bình dân, có mặt từ chiếc xe nhỏ ven đường đến các quán ăn, nhà hàng sang trọng. Tùy từng nơi mà bột được chế biến khác nhau một chút từ nguyên liệu cơ bản là bột gạo và bột sắn, loại bột có tính mát và độ kết dính cao. Món ăn này tuy đơn giản nhưng khi nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, mấy dễ ai quên.
Giới thiệu cho bạn một địa điểm bán bột chiên khá ngon và lạ là ở đường Nguyễn Án (Nguyễn Trãi quẹo phải, gần trường Mạch Kiếm Hùng. Vị bột ở đây rất lạ, không giống loại bột chiên thường ăn. Ngoài ra đường Võ Văn Tần (đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám quẹo sang) cũng là một con đường bột chiên nổi tiếng ở Sài Gòn.
Một đĩa bột chiên tùy từng nơi mà có giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng
2. Há cảo
Há cảo là món ăn chơi dễ chế biến và không gây nặng bụng. Đây là một trong những món ăn vặt của người Sài Gòn xưa. Há cảo là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng nguyên liệu cũng như cách làm thì lại rất gần với người Việt Nam.
Muốn há cảo ngon thì trong từng công đoạn làm bánh đều phải tỉ mẫn. Vỏ bánh thường được làm từ bột gạo, bột năng, bột sắn dây. Tuy nhiên, làm bằng bột sắn dây sẽ làm bánh trong hơn. Sau đó là thêm vào một ít nước, một muỗng muối và bắt đầu nhào nặn.
Càng nhào mịn bao nhiêu bánh càng trong và dai bấy nhiêu. Nhân bánh thường làm bằng thịt hoặc tôm băm nhuyễn. Nhân bánh ngon hay dở tùy vào việc người làm ướp gia vị có đều tay hay không.
Há cảo có hai loại là há cảo chiên và há cảo hấp. Há cảo hấp có vỏ dai dai sừng sực, chấm chút nước tương với tương ớt rất ngon. Há cảo chiên lại đem đến vị giòn giòn vui miệng. Miếng há cảo bé bé, nhân thịt ngọt, ăn với rau sống là đúng khẩu vị lại không bị ngấy.
Muốn ăn há cảo đúng vị phải sang khu phố người Hoa ở Quận 5. Tại đây, bước chân vào quán ăn nào của người Hoa bạn cũng có thể thưởng thức được hương vị há cảo ngon tuyệt.
Một dĩa há cảo tùy theo nhân bánh và cửa hàng bán mà có giá khác nhau, thường từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng.
3. Phá lấu
Nếu bạn đã từng ăn phá lấu ở Sài Gòn chắc bạn không thể nào quên được mùi vị đặt trưng . Nồi phá lầu nóng hổi sền sệt , miếng phá lấu chắm với nước mắm me, ăn kèm với bánh mì, nghe thôi đã thấy thòm thèm.
Ai cũng biết phá lấu là một món ăn quen thuộc của người Hoa. Món phá lấu quen thuộc nhất được làm bằng bao tử và ruột non heo như phổi, gan, tim heo và cả bò nữa vẫn được dùng làm phá lấu với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm.
Nước phá lấu được nấu từ nước cốt dừa, vừa ngọt lại béo. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và châm thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Nấu cho đến khi nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được.
Món phá lấu chỉ có dùng cây xiên từng miếng lên ăn mới ngon chứ điệu đàng dùng đũa, dĩa hay muỗng lại có cảm giác như vị ngon giảm đi một nửa. Nước chấm ăn kèm, ngoài nước hầm xăm xắp chung với phá lấu còn phải có thêm chén nước mắm chua chua ngọt ngọt, hòa quyện vào nhau thật đậm đà.
Chung cư Nguyễn Đình Chiểu (đường Hoàng Sa, phường Đakao, quận 1) là một địa điểm bán phá lấu nổi tiếng từ trước đến nay. Một phần từ 8.000 đồng -20.000 đồng.
4. Gỏi khô bò
Gỏi khô bò đích thị xuất phát từ đường phố, là một món ăn dân dã quen thuộc của học sinh và người bình dân. Nhưng chẳng biết từ khi nào, gỏi khô bò đã đặt chân vào các nhà hàng sang trọng hoặc các đám tiệc linh đình, thế mới biết món ăn đạm bạc này có sức hấp dẫn như thế nào.
Gỏi khô bò là một món ăn đơn giản, dễ chế biến. Đi ăn gỏi khô bò cũng chẳng phải đợi lâu. Vừa gọi món đã có ngay một đĩa gỏi khô bò đầy màu sắc mà ngon miệng. Khô bò thường là loại phổ bò qua chế biến và ướp gia vị kỹ càng, không giống như loại khô làm từ thịt bò được đóng gói bán sẵn trong các siêu thị.
Gỏi khô bò phải ăn với đu đủ bào. Đu đủ được bào sợi, ngâm nước muối để khử mủ vào tăng độ giòn. Phía trên được trang trí bởi mấy cộng rau răm thái nhỏ, tăng mùi vị và tạo màu sắc bắt mắt thanh nhã, lại thêm mấy hạt đậu phụng rang vàng giòn rụm.
Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Nước gỏi ngon thường được pha giữa giấm, nước tương và nước ớt. Tùy theo liều lượng pha mà ra hương vị ngon hay dở. Ăn gỏi khô bò không thấy no, rất nhẹ bụng mà lại kích thích vị giác.
Muốn ăn gỏi khô bò ngon có thể đến công viên Lê Văn Tám (đường Võ Thị Sáu). Quán gỏi của ông Năm bán ở đây rất được lòng mọi người. Đặc biệt là ăn gỏi khô bò trong khuôn viên công viên Lê Văn Tám rợp bóng cây sẽ cho bạn một cảm giác rất thư thái và thú vị.
Một đĩa gỏi khô bò giá 10.000 đồng đến 15.000 đồng
5. Bò bía
Người mới đến Sài Gòn thường nhầm lẫn bò bía với gỏi cuốn và bì cuốn. Cứ nhìn những chiếc xe đẩy ngoài đường, sau khung kính là những chiếc cuốn be bé, trắng trắng xanh xanh thoạt nhìn rất giống nhau. Thật khó để nhận ra đâu là gỏi cuốn, bì cuốn với bò bía.
Bò bía là tên phiên âm từ tiếng Quảng Đông, trong thành phần của nó không có bất kỳ món nào chế biến từ bò như tên gọi. Đặc điểm để nhận dạng bò bía chính là ở thành phần của nó. Bò bía thường được cuốn với thành phần chính là lạp xưởng, tép khô, xà lách. Ngoài ra còn có trứng vịt luộc và củ sắn.
Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản và dễ làm. Đây là món khá quen thuộc với người miền Nam. Chỉ cần cuốn hỗn hợp nhân ở trên vào trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía đúng nghĩa.
Tuy nhiên, khi cuốn bò bía đòi hỏi bánh tráng phải mỏng nhưng có đủ độ dai để khi cuốn không bị rách. Người cuốn phải khéo tay thì cuốn bò bía mới đẹp mắt và hấp dẫn.
Bò bía ngon ở nước chấm. Tương hột được chưng lên là món chấm không thể thiếu của bò bía miền Nam. Nước chấm phải vừa đủ ngọt của đường, hơi cay của ớt, beo béo của dầu và bùi bùi của đậu phọng. Người lần đầu ăn loại nước chấm này sẽ thấy vị thật lạ, nhưng đã ăn một lần thì rất khó quên hương vị nước chấm này.
Bất kỳ con đường nào ở Sài Gòn cũng có thể bắt gặp một xe bò bía dạo. Ăn bò bía thường là mua về nhà ăn, các quán bán bò bía thường không ngon bằng các xe bò bía ven đường. Giá một cuốn bò bía chỉ 2.000 đồng, ngon mà lại cực rẻ.
Khiếu Nguyệt (Theo afamily)