Bánh tôm Hồ Tây
Ai đã từng đến Hà Nội chắc sẽ háo hức được một lần tìm đến bánh tôm nóng Tây Hồ, để có dịp thưởng thức thứ đặc sản có một không hai của đất này. Chỉ cần một lần thế thôi cũng đã thành ấn tượng. Bởi một lẽ ăn bánh tôm Hồ Tây đâu chỉ phải là ăn để mà ăn mà còn để ngắm trời, ngắm đất, ngắm người, ngắm cảnh.
Thưởng thức bánh tôm trong khung cảnh hoàng hôn mùa hạ thì thật tuyệt. Này nhé, con tôm nước ngọt Hồ Tây vừa chín tới phổng phao màu hồng lựu nằm trên mặt chiếc bánh vàng ươm, nhai cứ ròn tan như miếng bánh đa vừa nướng. Vị tôm ngọt mà thơm cộng với cái giòn và ngậy của bánh, chấm với nước mắm dấm chua cay, phảng phất hương cà cuống ruộng đồng ven đô cho ta cái cảm giác ngọt tê dịu dàng nơi đầu lưỡi. Cứ thế nhai tan một miếng, nhấp một hơi bia lạnh, hít thở qua hơi gió thoảng qua đượm mùi mỡ béo ngậy, thơm từ lò bếp lọt ra mà thả lòng mình thanh thản tận hưởng bánh và gió hồ mát rời rợi, để rồi lục tìm trong trí nhớ thấp thoáng đâu đó câu chuyện huyền tích Trâu Vàng lạc mẹ đã đầm mình làm nên sóng nước Hồ Tây hôm nay.
Bánh tôm Hồ Tây đã từ lâu đi vào tuổi học trò. Mấy ai đi học trường Bảo Hộ xưa (nay là trường Chu Văn An) lại không biết mùi bánh tôm nóng trước cổng trường. Bây giờ không còn bà hàng bánh tôm trước cổng trường nữa mà đã có một nhà hàng bánh tôm đồ sộ sang trọng. Thời đại công nghiệp đã xoá nhoà hình ảnh người chao bột, rán bánh để cho người ăn "bâu" quanh, "gạ" chuyện và chờ "chộp" lấy cái bánh đầu tiên vừa chín tới cho mình. Cái thú ngồi xem người rán bánh bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Người dân Hà Nội cũng đã dần quen với ngồi bàn cao, ghế tựa, uống bia, ăn bánh cắt sẵn từ trong lò. Cái khẩu vị của người ăn bánh tôm xưa bây giờ đã đã bị đánh rơi ở đâu, từ lúc nào, nhưng cũng chẳng mấy ai bận tâm tìm lại. Có lẽ với người Hà Nội biết ăn và sành ăn thì hình thức bán hàng chỉ là thứ yếu, mà cái quan trọng là bánh tôm Hồ Tây vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị cổ truyền của nó, để cho bất cứ ai muốn thưởng thức cũng phải bất ngờ cảm nhận được mùi vị ngon lành của bánh tôm rất nóng, rất ròn, rất thơm ngậy với thứ nước chấm pha có nghề với đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.
Nguồn : Ẩm thực Việt Nam
Comment