Mùng 5 tháng 5 ăn bánh ú tro
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày mùng năm tháng năm là Má Tư lại bắt đầu chuyện gói bánh.
Bánh má gói có hai loại: loại mặn là bánh ú bá chạng nhân thịt heo-trứng muối, còn loại nhân ngọt và không nhân là bánh ú nước tro.
Bánh ú nước tro má Tư gói bằng lá tre, nếp được ngâm trong nước tro tàu. Ngày xưa má hay tự dùng tro củi cho vào một cái khạp nhỏ rồi cho nước vào ngâm tro trong vòng một tháng, sau đó chiết nước tro ra, dùng loại nước tro tự ngâm để làm bánh.
Bây giờ nấu bằng bếp ga không có tro để ngâm nên má thay bằng nước tro tàu, chất lượng vẫn như nhau. Chiếc bánh của má Tư gói vẫn vàng và trong, ăn dẻo và hơi dai, dĩ nhiên là không có cho hàn the đâu nhá, công thức làm bánh ú tro của má Tư như sau:
Nguyên liệu:
1kg nếp
3 muỗng canh nước tro tàu
Cách làm:
Nếp ngâm nước cho nở, ngâm chừng nửa ngày, sau đó xả lại nước hai ba bận
Cho nếp vào thau, ước chừng 1 chén cơm nước pha với 3 muỗng canh nước tro tàu, quậy đều rồi cho vào thau nếp trộn đều, để qua đêm
Hôm sau mang nếp ra xả lại nước vài lần để ráo, trộn vào 1 muỗng canh dầu ăn, xóc đều là gói được.
Bánh ú tro nhân đậu đỏ
Làm nhân đậu đỏ cho bánh ú tro:
500g đậu đỏ
Dường vàng 200g
Dầu ăn 1 muỗng canh
Đậu đỏ ngâm qua đêm cho nở, rửa sạch nấu chín, tán hay xay nhuyễn.
Cho chảo lên bếp, cho 1 muỗng dầu ăn rồi trút đường vào chảo, đảo đều và cho đậu vô xào đến khi đường tan là được, cho ra tô để nguội vo viên rồi mang gói bánh.
Theo một anh bạn chuyên môn nấu bánh ú tro giao bán ở các chợ, nếu muốn bánh được giòn giòn thì khi bánh nấu được một nửa thời gian, cho vào 1-2 muỗng hàn the, tùy nồi bánh to hay nhỏ và tiếp tục nấu đến khi bánh chín
Sau khi để nguội tháo ăn, bánh sẽ có độ giòn nhưng theo mình nghĩ nếu làm ở nhà ăn thì không nên cho hàn the, vì dù gì thì đây cũng là một loại hóa chất ăn nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Chúc các bạn thành công
Bài và ảnh Richangyinshi