Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

DNTS's collections 4

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Học... Đi Bộ

    Cuối cùng, tôi cũng quyết định đăng ký học... đi bộ để lấy bằng. Bà xã cằn nhằn: "Anh đúng là dở hơi. Ai đời đi bộ mà cũng học, rồi thi lấy bằng như đi xe...".

    Mặc kệ, phụ nữ nói hơi đâu để ý. Biết đâu mai mốt người ta phổ cập luật đi bộ, mình khỏi phải học! Tôi giả bộ năn nỉ:

    - Em không thấy người ta xem mảnh bằng quan trọng cỡ nào sao? Có người vì cái bằng mà phải... học đại. Vả lại, thành phố cũng đang thí điểm nhiều phố đi bộ như ở nước ngoài. Học để biết đi đứng thế nào mà xe không đụng mình. Chuyện đi thi để lấy bằng lái xe là xưa rồi. Mình phải học đi bộ trước để đón đầu!

    - Tui phải sợ... cái miệng lưỡi của anh luôn - Bả nói - Muốn ngăn nào được ngăn nấy hà! Sẵn anh đi khám sức khoẻ luôn xem lục phủ ngũ tạng có vấn đề gì không?

    Tôi sung sướng biết chừng nào trước cái gật đầu của bà xã. Thế là tôi chạy một mạch đến nhà văn hóa ghi danh vào lớp học... đi bộ. Thời gian học diễn ra trong... một buổi, cơ bản cũng giống như học để thi lấy bằng lái xe hai bánh, kể cả việc phải đội mũ bảo hiểm khi đi đường. Người dạy giải thích: “Chuyện này nghe hơi lạ, nhưng rồi cũng sẽ quen thôi. Nếu lỡ vì lý do nào đó mà ngã, không sợ bị chấn thương sọ não; nhánh cây gãy, nước bọt "từ trên trời rơi xuống" cũng không ảnh hưởng đến đầu”... Nghe cũng hay hay.

    Cầm mảnh bằng... đi bộ trong tay, tôi khoe bà xã. Bả bĩu môi:

    - Có bằng rồi nhắm có áp dụng được những gì đã học không mới quan trọng.

    Tôi cười trừ. Một hôm, trên đường đi bộ từ chợ về nhà, tôi tạt vào quán giải khát uống ly nước ngọt. Ngồi uống nước mà đội nón bảo hiểm hơi kỳ, tôi giở ra để xuống chiếc ghế trống bên cạnh. Do chưa quen, đến khi đi quên mất cái nón bảo hiểm. Khi anh cảnh sát giao thông hỏi giấy tờ tôi mới sực nhớ thì đã... muộn rồi.

    - Anh đã vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên tuyến đường bắt buộc, nên đành phải giam phương tiện...

    - Vậy là tôi bị giam à? - Tôi ngạc nhiên.

    - Đúng vậy! Cũng giống như xe hai bánh thôi, giam 10 ngày - Anh cảnh sát giao thông trả lời.

    Thế là tôi được đưa về ngôi nhà tạm không có vách trên bãi đất trống. Ở đó có rất đông người như tôi. Tôi xin phép anh cảnh sát giao thông điện thoại về báo cho vợ con biết. Anh ta lắc đầu:

    - Anh thấy mấy chiếc xe giam ở bãi đất trống bên cạnh chịu cảnh dãi nắng dầm mưa có báo về cho ai biết đâu! Các anh ở trong nhà là may lắm rồi...

    Tôi hoảng hốt, vùng vẫy la lớn: "Em ơi! Em ơi! Anh ở đây này!" đến khản cổ rồi... thức giấc. Bà xã lay tôi: "Anh mơ gì la lớn vậy?". Chẳng lẽ khai thật, đành vớt vát câu "nịnh đầm": "Thấy em đi lạc, anh gọi lại ấy mà!".

    ST !
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

    Comment


    • Ôi ! Điện Thoại Di Động

      Đại Văn Mỗ là tay chơi đủ loại, sau này chơi cả điện thoại di động (ĐTDĐ). Hiệu nào, kiểu nào mới nhất Mỗ đều sưu tập. Hôm nay mới mua cái V.Fone có quay phim 60 phút, Mỗ sẽ làm video clip người tình bốc lửa, với dự định sau này sẽ đưa lên mạng nếu em bỏ anh trai già theo kép nhí.

      Sau khi trăm phần trăm rượu X.O có pha huyết tôm hùm, Đ.V.Mỗ dò số, bấm máy. Bên đầu máy kia vừa có tiếng “Alô” thì Mỗ liền nói ngay:

      - Đến khách sạn Hải Dê, phòng 35 đường...

      Ra lệnh xong, Mỗ cúp máy trước cặp mắt thán phục của chiến hữu nhậu. Mỗ nhún vai chứng tỏ mình đã từng có những cuộc hẹn như thế.

      Đúng hẹn, Mỗ đến ngay khách sạn, lấy phòng và nằm chờ. Một lát sau, có tiếng gõ cửa.

      Mỗ nói vọng ra:

      - Vào đi em!

      Mỗ đứng dậy, dang hai tay ra chào đón. Nhưng khi cửa mở, Mỗ lắp bắp:

      - Ủa... em...

      Trước mặt Mỗ thay vì một em mảnh mai, lại là thân hình đồ sộ của vợ. Bà Mỗ ỏn ẻn:

      - Sao hôm nay anh lại hẹn lên khách sạn vậy?

      Nhanh trí, Mỗ đáp:

      - Lâu lâu đổi không khí cho nó sung vậy mà...

      Khi xem lại điện thoại, Mỗ mới biết mình bấm nhầm số: Thay vì bấm số điện thoại em gái, Mỗ lại bấm nhầm số của gấu mẹ.

      Bài học thứ nhất: Phải xem kỹ số trước khi gọi.

      oOo

      Mỗ thường xuyên nhận được những cú điện thoại bất ngờ vì số ĐTDĐ của Mỗ thuộc loại số đẹp.

      - Alô anh... đó hả?

      - Không phải! - Mỗ gắt.

      - Thôi xạo hoài.

      - Cô lộn số rồi.

      Cụp...

      Một lát sau, điện thoại lại reo vang. Mỗ gắt:

      - Tôi đã bảo cô lộn số rồi.

      - Vậy anh là ai?

      - Tôi phải khai tên với cô sao?

      - Tôi muốn biết anh là ai?

      - Đây là nhà tang lễ, có bán cả quan tài. Mua một tặng một, cô đặt mấy cái?

      Thế là máy tắt cái cụp!

      * Bài học thứ tư: Gặp những kẻ hỏi han sỗ sàng, ta cứ nói là nơi bán quan tài hoặc nhà tang lễ là xong.

      oOo

      Trước đó không lâu, Mỗ bị một trận gần khùng với bà vợ cũng vì cái điện thoại không có nắp đậy.

      Đang xem chương trình TV “Người gầy giảm béo”, bà Mỗ nhận được điện thoại của ông Mỗ gọi. Bà biết chồng bà hay “ngẫu hứng” trong tình yêu lắm nên không lấy làm ngạc nhiên. Bà bấm máy trả lời:

      - Alô... alô... gì đó... anh?

      Bà Mỗ “Alô, álồ...” liên tục, nhưng không nghe ông Mỗ trả lời. Bỗng dưng bà nghe giọng cô gái ỏn ẻn:

      - Chắc sợ vợ lắm hả?

      Bà Mỗ nghe tiếng ông Mỗ trả lời:

      - Còn khuya. Chỉ cần anh hét một tiếng là bả rét liền... Anh là chúa tể trong gia đình, là vua, là sếp...

      Bực mình, bà Mỗ tắt máy điện thoại. Giận lắm, nên bà Mỗ kiên trì ngồi đợi chồng về. Khi Mỗ vừa về đến nhà, bà Mỗ nổ liền:

      - Kính chào chúa tể sơn lâm, kính chào ông vua, kính chào sếp... tôi nghe tiếng ông là tôi rét liền... Nổ với mấy con bán bia ôm cho dữ há... Sao không đi luôn đi!

      Mỗ ngớ ra:

      - Ủa, sao em biết vậy...?

      Sáng dậy kiểm tra lại điện thoại thì Mỗ mới biết là do ĐTDĐ không có nắp mà Mỗ lại quên khóa máy, nhét vào túi quần: Vô tình, Mỗ chạm vào nút gọi nhanh cài đặt riêng số của bà Mỗ, nên bà Mỗ nhận được điện thoại.

      * Bài học thứ hai: Nên khóa máy ĐTDĐ khi dùng loại không có nắp đậy.

      oOo

      Nhưng cũng có những lúc ông Mỗ bị oan, oan tình mà không thể biện bạch được...

      Đêm đó là một đêm khá tình tứ của hai vợ chồng Mỗ. Cả hai đang ở giai đoạn khúc dạo đầu thì ĐTDĐ lại reo. Vừa cầm máy lên thì Mỗ đã nghe giọng nói của một người con gái từ đầu dây bên kia:

      - Anh ơi, anh tha lỗi cho em. Em biết làm vậy là sai lầm, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy...

      - Alô, cô tìm ai?

      - Anh đừng giận em. Em biết đúng là anh rồi, anh đừng giả bộ là không phải anh nha...

      Mỗ tắt máy. Một lát sau chuông điện thoại lại reo vang. Không biết là ai, Mỗ bật máy, và vẫn giọng cô ấy khóc ào ạt từ bên kia đầu dây:

      - Tại sao anh nỡ bỏ em...

      Cô gái ấy vừa nói vừa khóc. Bắt đầu thấy lạ, Mỗ cứ để máy nghe. Một lúc sau, cô gái nói:

      - Chiều nay, anh cho em gặp ở chỗ cũ nhé, lúc 5 giờ...

      Mỗ gật gù:

      - Ờ, 5 giờ chiều mai, chỗ cũ.

      Bà Mỗ nghe ông Mỗ hẹn, bèn đay nghiến:

      - Ông hẹn với con nào vậy hả?

      - Ai mà biết con nào! Mình hẹn để nó yên tâm, khỏi gọi cho mình nữa. Chắc lộn số rồi...

      Thuyết phục, thề thốt mãi, ông Mỗ mới yên thân được với bà Mỗ.

      * Bài học thứ ba: Không nên mở máy di động ở những nơi riêng tư, nhất là khi đi toa-lét.
      ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

      ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

      ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

      Comment


      • Đời Tỷ Phú

        Khi tôi nhận được giấy báo nhập học từ trường Y, bố tôi bảo: “Bố đã gọi điện cho chú Ba, bạn cũ của bố, con lên thành phố cứ đến nhà chú mà ở. Con sẽ học được nhiều điều từ chú Ba, chú ấy là một tỷ phú nhưng sống rất bình dân”.

        Cảm giác sẽ được trọ trong nhà của một tỷ phú làm tôi cứ bồn chồn, đến thành phố là tôi gọi xe ôm thẳng tới cái địa chỉ mà bố đã ghi cẩn thận trong giấy. Bố tôi nói quá đúng, chú Ba đúng là một tỷ phú bình dân.

        Với quần soọc và áo thun ba lỗ, chú vừa bưng cà phê cho khách vừa toét miệng cười với tôi. Căn nhà không rộng lắm của chú được tận dụng tầng dưới để bán cà phê và tầng trên để ở. Được cái là nó khá dài nên tôi được bố trí một phòng nho nhỏ ở đằng sau.

        Không cần đợi lâu, tôi được tận mắt chứng kiến ngay bữa ăn trưa của nhà tỷ phú, rất đơn giản nếu không muốn gọi là đạm bạc. Như vậy, bài học đầu tiên tôi có được là không nên rút tiền từ ngân hàng để đi chợ mua thức ăn.

        Hai vợ chồng chú Ba chỉ có một đứa con trai đang học cấp II, buổi sáng chú Ba bán cà phê, thím Ba bán bún bò. Ngay buổi chiều đầu tiên ấy, chú Ba hỏi tôi: “Mày có nhậu được không?”. Tôi đáp: “Dạ, có nhưng cháu chỉ uống được một ít”.

        Chiều hôm ấy chú Ba gọi thêm ông bạn hàng xóm và mua về nửa lít rượu đế với ít khô cá đuối. Bữa nhậu vui vẻ này dạy cho tôi bài học thứ hai: “Những người xài tiền chùa mới nhậu sang, còn những tỷ phú chân chính như chú Ba thì chủ yếu là xài rượu đế”.

        Những ngày sau đó, khi trò chuyện với tôi, chú Ba thường kể về gương các nhà tỷ phú. Ví dụ như một tỷ phú bên Mỹ đi xe hơi cũ đáng ra đã nằm ở bãi rác; một ông khác thì thường ăn sáng bằng bánh mì không nhân. Một tỷ phú Anh đi xem bóng đá trốn vé; một ông ở Pháp chỉ uống rượu vang hạng bét. Càng ngày tôi càng sáng ra, thế thì tỷ phú bên mình lấy cá đuối làm mồi nhậu là sang lắm rồi.

        Nhiều lúc tôi muốn hỏi chú Ba gửi tiền trong nước hay ở ngân hàng Thụy Sĩ. Tuy nhiên nếu tôi có tiền tỷ như chú Ba thì tôi sẽ không lúi húi bưng bê cà phê cho khách, dạ dạ luôn miệng và tôi càng không để cho vợ mình phải bán bún bò vất vả thế. Tất nhiên nghĩ như tôi thì không thể thành tỷ phú được. Tôi nhẩm tính, nếu mình ra trường có việc làm ngay với thu nhập 3 triệu một tháng thì nếu không ăn không tiêu, chắc chắn chừng 30 năm thôi mình đã có cả tỷ đồng!

        Nhưng việc chú Ba không chịu mua máy vi tính cho thằng Tí là tôi phản đối khá gay gắt. Tôi đưa ra hàng loạt cái lợi với đầy đủ những lời giải thích rất khoa học nhưng chú Ba vẫn tỷnh bơ: “Cái máy tính đến 5 triệu đồng, cần gì thì cứ ra ngoài tiệm Internet mỗi giờ có ba ngàn”. Tôi lại được một bài học nữa từ nhà tỷ phú: không nên đầu tư một số tiền lớn vào một việc mà khả năng thu hồi vốn rất mù mờ.

        Một thời gian sau, thím Ba ốm liên tục, không bán bún bò buổi sáng được. Một mình chú Ba vừa bán cà phê vừa chăm sóc cho thím rất vất vả. Tôi bàn với chú: “Sao chú không cho người ta thuê mặt bằng, đỡ phải vất vả?”. Chú Ba đáp: “Mặt bằng nhà chú cho thuê mỗi tháng chỉ được hơn 1 triệu, làm sao đủ chi tiêu cho gia đình”. Có nghĩa là lãi tiền gửi ngân hàng chú Ba không bao giờ rút ra mà để dành cho thằng Tí sau này. Thật là một người cha biết lo xa.

        Một hôm chú đưa thím Ba đi bệnh viện về có vẻ rất lo âu. Tôi hỏi: “Bệnh tình của thím thế nào hả chú?”. Chú buồn rầu: “Bệnh thím không khó chữa, chỉ tốn nhiều tiền”. Tôi nhìn chú thay cho câu hỏi, chú nói: “20 triệu” rồi nhìn ra cửa, vẻ thân thờ.

        Tôi nghĩ 20 triệu thì có thấm vào đâu so với tiền tỷ của chú. Chỉ có thế mà chú lo lắng quả là quá đáng, tôi càu nhàu: “Chú lên ngân hàng rút đại vài chục triệu mà lo cho thím”. Chú Ba nhìn tôi ngạc nhiên: “Tiền ở đâu trong ngân hàng mà rút?”. Tôi cười: “Chú giấu cháu làm gì, bố cháu bảo chú là tỷ phú mà”.

        Chú Ba chợt hiểu ra và nhếch mép cười: “Ừ, chú là tỷ phú thật, căn nhà của chú không biết từ đâu mà người ta định giá là hơn tỷ bạc, cả dãy phố này đều là tỷ phú hết. Mà tỷ phú kiểu này thì cái thành phố này có hơn một nửa là tỷ phú. Trong đó cái loại tỷ phú không có tiền chữa bệnh như chú thì nhiều vô kể”.

        ST !
        ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

        ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

        ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

        Comment


        • Nhà Nhà Khoa Bảng

          Gia đình Hai Heo và Ba Bò thuộc loại giàu có nhất cái làng vùng ven này. Hai căn nhà lầu nằm đối mặt nhau ở đầu con đường vào làng chính là của họ. Ngày xưa khi còn có tục đốt pháo đêm giao thừa, bà con trong làng năm nào cũng có dịp thưởng thức cuộc “đấu pháo” của hai ông láng giềng.

          Khi trò đốt pháo đã bị cấm hoàn toàn, một thời gian dài ông Hai và ông Ba chẳng có trò gì để đấu với nhau cho thỏa ý. Trong làm ăn, xem ra ông nào cũng giỏi. Lò mổ heo của ông Hai làm ăn ngày càng khấm khá thì lò mổ bò của ông Ba cũng chẳng kém. Rồi bỗng một ngày đẹp trời, cả hai ông chợt nhận ra rằng thằng quí tử duy nhất của nhà mình nhất định phải giỏi hơn thằng con trai lão hàng xóm đáng ghét. Và thế là họ lại lao vào một cuộc thi, tất nhiên lần này qui mô hơn hẳn cái trò đốt pháo năm xưa.

          Thế là ngay từ bậc tiểu học, hai cậu ấm đã được lệnh luôn phải là học sinh xuất sắc. Điều này có vẻ quá dễ, chẳng cần cố gắng lắm hai thằng nhóc cũng lọt vào danh sách 35 em xuất sắc trên tổng số 40 học trò của lớp. Cuộc thi xem ra có phần nhàm chán ở giai đoạn đầu, thỉnh thoảng thằng nhỏ con nhà Hai Heo học có yếu hơn một tí nhưng rồi nhờ sự thăm viếng chu đáo của ông bố nên thầy giáo cũng không nỡ xếp cậu học trò vào diện học sinh... giỏi, thế là xuất sắc...

          Ngày tháng trôi qua êm đềm cho đến lúc cả hai quí tử chuẩn bị thi vào đại học. Lần này mệnh lệnh được ban ra cương quyết hơn: bằng mọi giá phải đậu. Mỗi nhà huy động bôn ông thầy dạy thêm môn toán, sáu cô giáo dạy thêm môn vật lý và hai vị tiến sĩ kèm riêng môn hóa học... Tỉ số cho hiệp đấu này lại là 1-1. Hai quí tử đều đậu vào đại học.

          Thế là lệnh mới lại được ban ra: học hết đại học này phải tiếp tục học... đại học khác, học cho đến khi nào có... nhiều bằng cấp hơn mới thôi.

          Hai thằng con hiếu thảo cứ thế so kè nhau mà học cho đến lúc mỗi thằng đều có ba cái bằng đại học thì hai ông già hiếu thắng lần lượt rủ nhau sang thế giới bên kia để tiếp tục ganh đua.

          Vài năm sau, trên một tờ báo lớn, bài viết của một phóng viên danh tiếng đã làm xôn xao dư luận xã hội. Bài viết khá dài và được đặt ở một vị trí trang trọng với nhan đề: “Chủ lò mô với ba bằng đại học”. Có cả ảnh chụp cái bàn thờ của ông bố với chân dung rạng rỡ và phía dưới là ba tấm bằng tốt nghiệp đại học của quí tử xếp một hàng ngay ngắn.

          Bài viết có ngay tác dụng, sau đó người ta thấy xuất hiện nhiều chủ trại gà có hai bằng đại học, chủ lò gạch có bôn bằng đại học hoặc chủ cửa hàng thịt chó có năm bằng đại học. Thêm nữa, có anh lái xe ôm tốt nghiệp trường giao thông vận tải, chị bán bún riêu đã qua đại học sư phạm, bà bán tạp hóa có bằng cử nhân kinh tế, em gái bán báo vừa tốt nghiệp trường báo.

          ST !
          ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

          ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

          ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

          Comment


          • Hai Lúa Tìm " Của Lạ "

            Hai Lúa sinh ra trong một gia đình nông dân, mười mấy đời làm ruộng. Lớn lên, học hết cấp 2 thì Hai Lúa bỏ học về nhà làm bạn với con trâu cái cày.
            Tưởng cuộc đời cứ thế trôi đi, ai dè năm vừa rồi Hai Lúa được “lên đời” sau khi có quy hoạch một khu công nghiệp ngay trên quê hương Hai Lúa. Số tiền đền bù cho mỗi nhà lên đến mấy tỉ. Thế là người người đổi xe, nhà nhà đổi... nhà!

            Sau khi mua xe, sắm điện thoại, xây lại nhà cửa và vô số đồ đắt tiền trong nhà, Hai Lúa chợt thấy thèm cái món... “nợ đời”! Bởi lâu nay do nhà nghèo nên không có cô nào thèm để ý, nay túi rủng rỉnh Hai Lúa quyết định lên thành phố tìm hoa, xả láng một phen. Địa điểm mà Hai Lúa chọn là một quán “Karaoke mát mẻ”. Sau khi lựa kỹ “hàng”, Hai Lúa chọn một em trông xinh nhất có vẻ mặt rất... lúa, nguyên nét ngơ ngác của dân tỉnh lẻ. Thật là nai vàng rơi vào tay... trâu nước!

            Qua một đêm rượu và tình say bí tỉ, Hai Lúa thức dậy thì đã 10h sáng. Nhìn quanh căn phòng của nhà nghỉ, “nai vàng” biến mất, thậm chí không thấy bất cứ đồ vật nào cô ta để lại. Quần áo và chiếc “va- li số” của Hai Lúa nằm vất vưởng.

            Hai Lúa sờ túi quần (dùng gối đầu), vẫn còn cái ví với mấy trăm ngàn, chắc cô ta sợ lấy ví sẽ làm Hai Lúa thức dậy. Nhưng cái túi đựng vàng thì nằm nhăn nhúm giữa phòng.

            Hai Lúa cười sằng sặc, cười như điên như dại. Sau khi cười chán chê, anh chàng nông dân bật nắp chai bia, tu một hơi rồi lẩm bẩm:

            - Không biết cô ta sẽ làm gì với mấy thỏi vàng giả ấy nhỉ?!

            ST !
            ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

            ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

            ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

            Comment


            • Kinh Nghiệm Tình Trường

              Hay nói cách khác, đây là "Chuyện kể chiều thứ 7", vì có thể tối nay bạn cần nhớ kinh nghiệm xương máu này.
              Tôi đã từng đọc ở đâu đó truyện cười về những anh chàng dại dột khi đi “cưa gái”.

              Có anh chàng khi vào nhà cô bạn gái, thấy con chó nhảy xổ ra sủa ông ổng rồi nhe răng doạ, anh chàng quát: “Tao thách... cả nhà mày cắn tao đấy”! Hậu quả, ai cũng rõ.

              Tôi cũng không khờ đến nỗi gặp bố của bạn gái lại: “Mời bác xơi điếu thuốc cho thơm miệng”. Để rồi gặp cụ khó tính sẽ được nghe: “Không có thuốc của cậu miệng tôi... thối chắc?”. Không cái dại nào giống cái dại nào.

              Cho nên, lần ấy đến nhà bạn gái chơi, thấy bố nàng đang chặt tre, tôi vội ra phụ giúp, miệng còn nhanh nhảu:

              - Bác cứ vào nhà nghỉ ngơi, cháu làm một loáng xong ngay!

              Ông cụ tủm tỉm đi vào. Còn lại một mình, tôi hì hục chặt, kéo... mồ hôi dầm dề. Chao ôi, thảo nào các cụ bảo “Thứ nhất chặt tre, thứ nhì ve gái”, gian nan vô cùng. Mãi mà tôi mới chặt và kéo được 2 cây tre ra khỏi bụi.

              Cứ đà này có khi qua đêm tôi vẫn chưa xong việc, mà tôi đến đây có phải để... chặt tre đâu? Thế là đành phải dùng mẹo để trốn việc vậy: Lấy hết sức bình sinh, tôi lao đầu vào cây tre đực to nhất...

              Nghe tiếng kêu của tôi, mọi người trong nhà chạy ra, bố nàng hoảng hốt:

              - Trời ơi, bị tre đập vào đầu phải không? Máu chảy kìa, lấy bông băng thuốc đỏ ra đây!

              Mặc dù được chính tay nàng băng bó, và uống khá nhiều thuốc, tôi vẫn phải mang cục u to tướng trên đầu hơn một tháng (tại lao đầu mạnh quá)! Bù lại, cuối cùng thì tôi đã lấy được lòng cả nhà, và được cưới nàng làm vợ.

              Hôm rước dâu, bố vợ tôi gọi tôi ra một góc, bảo:

              - Bố rất khâm phục con, nhưng con “hơi bị” dại.

              - Về chuyện gì ạ?

              - Về chuyện chặt tre hôm nọ ấy! Con biết dùng “khổ nhục kế” là tốt! Nhưng không cần lao đầu vào cây tre. Ngày trước, bố chỉ cần dụi mắt một lúc cho nước mắt chảy ra, rồi nói là bị cành tre quệt vào. Thế mà cũng cưới được mẹ vợ con bây giờ đấy thôi! Hình như trong tiệc hôm đó, mặt của chú rể “đỏ tưng bừng” cho dù không uống giọt rượu nào

              ST !
              ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

              ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

              ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

              Comment


              • " Con Dê " Nhà Tôi

                Gia đình nọ nuôi một đàn dê, do chăm sóc tốt nên con nào cũng béo mập. Nguồn sữa dê là thu nhập trong nhiều năm liền của cả nhà.
                Trong đàn dê cả trăm con ấy có năm con dê đực, nhiệm vụ của chúng chỉ là ăn cỏ và... không nói ra thì ai cũng biết.

                Một hôm, con dê đực khoẻ nhất đột nhiên lăn ra ốm. Nó ăn uống vẫn bình thường nhưng hay thở khò khè, thỉnh thoảng lại khạc khạc có vẻ rất khó chịu.

                Sau khi tìm đủ mọi cách tự chữa cho con dê ấy không được, bà chủ nhà quyết định mang mời một bác sĩ thú y đến nhà. Vị bác sĩ đến, khám cho con dê xong, hỏi:

                - Nó ăn uống bình thường phải không, thưa bà?

                - Vâng!

                - Thế thì con dê nhà bà không mắc bệnh gì cả.

                - Nhưng tại sao nó thở khó khè và khạc nhổ liên tục – Bà chủ nhà thắc mắc.

                - À, chuyện đó là do nó có tật ngửi và cắn lông dê cái, lông dê cái trôi vào miệng làm nó khó thở và muốn khạc nhổ.

                Bà chủ nhà nghe xong thì sắc mặt chuyển ngay sang màu tím:

                - Trời ơi! Vậy bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao tuần nào lão chồng tôi cũng lên thành phố rồi.

                - Chắc ông nhà chăm sóc đàn dê?

                - Không! Dê là do tôi chăm.

                - Vậy thì ông lấy thích lên thành phố có liên quan gì đến bệnh tật của con dê này?

                - Vì lão ta ăn uống bình thường, nhưng tối nào lão cũng thở khò khè, còn ban ngày thì lão lại khạc nhổ liên tục!


                ST !
                ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                Comment


                • Chó Ngáp Phải... Riềng

                  Có người nói: Hình phạt lớn nhất đối với người đa thê là phải chịu “cực hình” nhiều hơn những người đàn ông khác! Câu này, đàn ông ai cũng biết. Cho nên:

                  Có một anh chàng tiều phu đi đốn củi cùng vợ, chẳng may vợ anh ta ngã xuống hồ sâu, mất hút. Anh chàng tội nghiệp đứng trên bờ khóc thút thít.

                  Rồi Bụt hiện ra. Anh chàng kể lể sự tình, Bụt nghe xong lặn xuống hồ, lát sau dắt lên một cô gái xinh như mộng, mắt lúng liếng gợi tình, ba vòng đều đạt chuẩn Hoa hậu. Bụt hỏi:

                  - Vợ con đây phải không?

                  - Dạ đúng rồi ạ! Xin cảm ơn Bụt!

                  Bụt giận tím mặt, quát:

                  - Ta nhớ không nhầm, người chính là tên tiều phu lần trước rơi rìu xuống hồ này. Ta đưa rìu vàng, rìu bạc ngươi đều không nhận, chỉ nhận rìu sắc đích thực của ngươi. Lần này thấy gái đẹp làm mờ mắt phỏng?

                  Anh chàng sụp xuống vái:

                  - Con nhớ chứ. Sau đó Bụt thưởng cho con hai chiếc rìu vàng và bạc. Cho nên lần này con... rút kinh nghiệm.

                  - Rút thế nào?

                  - Báo cáo Bụt! Con xin kể dài dòng một tí. Trước đây con quen một cô gái, cô ấy cũng ngon, à quên, cũng xinh như cô này, lại hiền lành ngoan ngoãn, nói năng nhỏ nhẹ.

                  - Ừ!

                  - Con nghĩ kiếp tiều phu lấy được vợ như thế khác gì “chó ngáp phải ruồi” (xin lỗi Bụt). Nhưng một thời gian sau, mụ vợ con đã trở nên chua ngoa đanh đá, nó oánh chồng như bổ củi, chửi hàng xóm như tế sao. Thế là đời con coi như “chó ngáp phải... riềng” rồi!

                  - Thế liên quan gì đến chuyện này?

                  - Có chứ ạ! Nếu con không nhận cô này, Bụt lại đưa cô khác lên và con lại bảo không phải. Cuối cùng Bụt đem vợ con lên, rồi thưởng cả hai cô đầu tiên cho con nữa. Bụt ơi!

                  - !!!

                  - Con “ngáp” phải một “củ riềng” đã khổ rồi, Bụt cho con thêm hai “củ riềng” nữa thì con chết mất. Cho nên con phải nhận ngay để tránh... hậu quả. Mong Bụt thông cảm!

                  Thở dài thương xót, Bụt phất tay áo... biến mất!

                  ST !
                  ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                  ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                  ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                  Comment


                  • Tin Vịt : Định Nghĩa " Phim Con Heo "

                    Ngoài ra, tin về “tình phố” và bài toán khi li dị vợ cũng rất đáng đọc để... cười!

                    Tên của nàng Thơ

                    Một anh chàng rất mê truyện Kiều, mê các từ láy và mê thơ. Vì vậy chàng quyết định làm quen, tìm hiểu và yêu một cô gái tên Thơ. Sau một thời gian “khám phá” nhau, một lần ngồi lẩy Kiều chàng nảy ra ý định đặt “nghệ danh” cho người yêu theo 3 tiêu chí: Có gốc từ truyện Kiều, là từ láy và có ý nghĩa. Cuối cùng người yêu của chàng được mang “nghệ danh” là… Lơ Thơ. Chàng tỏ ra rất tâm đắc với cái tên này, còn nàng lúc đầu cũng tỏ ra hào hứng nhưng sau đó thì tỏ thái độ ngờ vực. “Hai cái từ Lơ Thơ nghe như là anh ấy đang tả… mật độ dầy mỏng, ít nhiều của… một cái gì đó… nghe nó cứ… gờn gợn thế nào ấy” – Thơ tâm sự.

                    *
                    * *

                    Bình đẳng giới

                    Một nhà báo nữ trong bài “Bình đẳng giới” viết: “Chúng ta cứ hô hào bình đẳng giới như vậy thôi chứ thực ra rất khó có thể vượt qua cái quan niệm bao đời của dân tộc. Ngay từ trong giao tiếp hàng ngày người ta cũng đã “bất bình đẳng giới”, ví dụ: Nói anh chị không ai nói chị anh. Nói Đi họp Phụ huynh chứ không ai nói Đi họp Mẫu tỷ cả. Thậm chí nếu đảo lộn trật tự “Bố mẹ anh” thành “Mẹ bố anh” thì đã hoàn toàn thành một câu chửi… không khéo đánh nhau to. Thế mới biết chúng ta còn “bất bình đẳng giới” lắm!...”.

                    *
                    * *


                    Tình phố

                    Một anh chàng người Hà Nội sợ người khác đọc và hiểu được nhật ký của mình nên anh ta viết “mã hóa” như sau: “Anh là một thanh niên rấtĐại Cồ Việt và hơi bị Lê Đại Hành. Gặp em lần đầu và bị Bích Câu. Em nói thẳng muốn anh là Hàng Bồ của em. Anh cảm thấy rất Nguyễn Khoái và cực kỳ Đội Cấn rồi dần dần Khương Thượng không chịu nổi. Hẹn hò em lần đầu ở Hàng Chiếu, em đã Đặng Mai, sau đó chúng là đám cưới. Thời gian đầu phải nói là anh rất Lê Trực, nhưng do em Hàng Hành nhiều quá dần dà anh trở nên rất Hàng Bún, cuối cùng làLê Văn Hưu ở tuổi 39, bây giờ em có muốn anh cũng xin Yên Bái.

                    *
                    * *

                    Bỏ vợ vì bài toán kinh tế

                    Một chuyên gia kinh tế mới li dị vợ, tòa buộc mỗi tháng anh ta phải chu cấp cho vợ cũ 120 đô la. Tuy vừa không có vợ vừa phải trả tiền chu cấp hàng tháng nhưng anh ta tỏ ra rất sung sướng. “Tính kỹ ra thì đây là một bài toán rất kinh tế, bởi tuy mất 120 đô la mỗi tháng nhưng bù lại cước điện thoại hàng tháng lại giảm được 200 đô la”.

                    *
                    * *

                    Định nghĩa phim con heo

                    Tổ chức “Phân loại và xếp hạng phim thế giới” định nghĩa: “Thể loại phim có rất ít diễn viên, hành động của diễn viên lặp đi lặp lại, lời thoại cực ngắn, ít, chủ yếu là những tiếng kêu, phục trang của diễn viên giản tiện, chi phí sản xuất phim thấp, doanh thu cao… đó chính là thể loại phim… con heo”.

                    ST !
                    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                    Comment


                    • Lý Do Vui Khiến Đàn Ông Thích " Phở "

                      Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tý hành, tý bánh hoặc thêm tý ớt cho mặn nồng.

                      Còn cơm, có gì trên mâm có gì xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng "không ăn thì thôi".

                      * Nếu xét về "thành phần cấu tạo" thì cơm và phở rất giống nhau, đều được làm chủ yếu từ... gạo tẻ. Phở có thịt có hành thì cơm có cũng có, đã vậy cơm còn hay hơn vì không bao giờ bị trộn... hàn the. Cơm cũng rẻ hơn và... no lâu hơn.

                      * Dân gian gọi vợ là cơm, bồ là phở. Nếu xét theo khoa học thì cách gọi đó chẳng xúc phạm ai cả vì hai "món" này đều có giá trị độc lập, chả cái nào cao hơn cái nào. Nhưng rõ ràng phở luôn luôn tượng trưng cho sự bay bướm. Ưu thế của phở so với cơm là quá rõ ràng trong chuyện tình ái, mặc dù nhiều lúc "phở" xấu hoặc già hơn "cơm".

                      * Đàn ông thèm "phở" vì ít được ăn phở. Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền, có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn.

                      * Đàn ông dùng cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, ấm áp đến nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc.

                      * No thì rất khó ăn thêm cơm. Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô.

                      * Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn cơm xong nhiều khả năng phải thu dọn và rửa bát đĩa.

                      * "Phở" không quán nào giống quán nào, thậm chí là không tô nào giống tô nào. Còn cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn.

                      * "Phở" có thể ăn chung với bạn bè. "Cơm" thì rất ít, phần lớn là ăn chung với... bà nấu cơm.

                      * Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gân.. tùy thực khách quyết định. Cơm thì do mụ nấu cơm quyết định.

                      * Nếu ăn phở nhiều tới mức độ trở thành khách quen, khách có thể ăn... nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, "cơm" sẽ dừng ngay.

                      * Bỏ tiệm "phở" này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ "cơm" thì phức tạp vô cùng.

                      ST !
                      ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                      ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                      ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                      Comment


                      • " Con Dê " Nhà Tôi

                        Gia đình nọ nuôi một đàn dê, do chăm sóc tốt nên con nào cũng béo mập. Nguồn sữa dê là thu nhập trong nhiều năm liền của cả nhà.

                        Trong đàn dê cả trăm con ấy có năm con dê đực, nhiệm vụ của chúng chỉ là ăn cỏ và... không nói ra thì ai cũng biết.

                        Một hôm, con dê đực khoẻ nhất đột nhiên lăn ra ốm. Nó ăn uống vẫn bình thường nhưng hay thở khò khè, thỉnh thoảng lại khạc khạc có vẻ rất khó chịu.

                        Sau khi tìm đủ mọi cách tự chữa cho con dê ấy không được, bà chủ nhà quyết định mang mời một bác sĩ thú y đến nhà. Vị bác sĩ đến, khám cho con dê xong, hỏi:

                        - Nó ăn uống bình thường phải không, thưa bà?

                        - Vâng!

                        - Thế thì con dê nhà bà không mắc bệnh gì cả.

                        - Nhưng tại sao nó thở khó khè và khạc nhổ liên tục – Bà chủ nhà thắc mắc.

                        - À, chuyện đó là do nó có tật ngửi và cắn lông dê cái, lông dê cái trôi vào miệng làm nó khó thở và muốn khạc nhổ.

                        Bà chủ nhà nghe xong thì sắc mặt chuyển ngay sang màu tím:

                        - Trời ơi! Vậy bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao tuần nào lão chồng tôi cũng lên thành phố rồi.

                        - Chắc ông nhà chăm sóc đàn dê?

                        - Không! Dê là do tôi chăm.

                        - Vậy thì ông lấy thích lên thành phố có liên quan gì đến bệnh tật của con dê này?

                        - Vì lão ta ăn uống bình thường, nhưng tối nào lão cũng thở khò khè, còn ban ngày thì lão lại khạc nhổ liên tục!


                        ST !
                        ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                        ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                        ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                        Comment


                        • Trước Cửa Hàng Bán Chuối

                          Nghe nói cửa hàng “Chuối 4 mùa” vừa nhập về mấy trăm nải chuối loại ngon nhất, nói “ngon nhất” nghĩa là sờ thì không cứng quá không mềm quá, và ăn rất... vừa miệng.

                          Nói đến chuyện mua bán chuối, tôi đố quý vị nào không liên tưởng đến chuyện... đối đáp giữa người mua và người bán. Vậy nên xin trích một số đoạn hội thoại trước cửa hàng:

                          - Này cô, chuối xịn đấy, không phải sờ nắn, lật lên lật xuống nhiều như vậy, làm nhũn hết của người ta.

                          - Thì cháu cũng phải chọn chứ.

                          - Nói khí không phải, chắc là cô có chồng rồi?

                          - Sao bác biết ạ?

                          - Thì nhìn cách chọn chuối của cô tôi đoán ra ngay thôi.

                          - Hơ, hơ... Thôi cháu mua nải này, tiền đây ạ!

                          - Xin mời bác giai tiếp theo, bác chọn nhanh gớm nhẩy? Không như mấy bà mấy cô kia.

                          - Vâng! Bởi mục đích mua chuối của tôi khác họ.

                          - Khác thế nào bác?

                          - À, là tôi mua về để... ăn.

                          - Gớm, bác cứ đùa! Xin bác 10 ngàn, thối lại 1 ngàn cho câu đùa của bác. Nào, đến lượt cô. Sao chọn chuối mà chọn một tay, còn một tay để sau lưng vậy?

                          - Dạ, cháu đang cầm quả dưa chuột ấy mà...

                          - Sao cái cậu đứng sau đỏ hết cả mặt mũi lên vậy?

                          - ?!

                          - À, tôi biết rồi, dưa chuột của cô rơi từ đời nào rồi kìa, thôi chọn bằng hai tay đi cho thiên hạ nhờ.

                          - Vâng, vâng, vâng... Cháu lấy nải này.

                          - Ơ... sao đi nhanh vậy? Không lấy tiền thừa à? Cái nhà cô này lạ quá. Nào, đến lượt cậu. Ô hay, đứng thẳng lên mà chọn... cứ lom khom như quét nhà là sao vậy hả?

                          - Vâng... là cũng bởi vì... thẳng!

                          - Các cô các cậu bây giờ lạ quá, không còn hiểu mô tê gì nữa... Mời các bác mua chuối đi! Giống mới đấy! Chả có gì vừa ngon vừa rẻ bằng chuối đâu các bác ạ!


                          ST !
                          ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                          ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                          ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                          Comment


                          • " Người Phụ Nữ " Trong Đời Của Nhà Sư

                            Một lớp dạy diễn thuyết được tổ chức cho các nhà sư trẻ. Giáo sư là người thích nói về đề tài phụ nữ.

                            Bước vào lớp, giáo sư hơi ngại ngùng nhìn quanh, toàn những nhà sư trẻ với những khuôn mặt hết sức thánh thiện, ông không biết nên bắt đầu thế nào?

                            Sau một lúc phân vân, ông vẫn đi theo... đề tài phụ nữ. Tự tin bước lên bục giảng, giáo sư nói:

                            - Những năm đẹp nhất trong đời tôi đã trải qua trong vòng tay của một người phụ không phải vợ tôi!

                            Các nhà sư trẻ hoàn toàn bị sốc! Giáo sư tiếp tục:

                            - Và người phụ nữ đó là mẹ tôi!

                            Cả lớp nổ ra một trận cười và giáo sư tiếp tục giảng bài, sau đó kết thúc tốt đẹp.

                            Khoảng một tuần sau, một trong những nhà sư đã dự buổi xêmina kia quyết định dùng lối đùa vui đó trong bài thuyết giáo của mình. Vào một ngày chủ nhật, nhà sư trẻ lại gần bục giảng kinh một cách nhút nhát, cố gắng nhẩm lại câu chuyện vui trong đầu. Có vẻ như đầu óc không được tỉnh táo, vì đây là lần đầu thực tập.

                            Cầm micrô, nhà sư trẻ nói lớn:

                            - Những năm đẹp nhất của đời tôi trải qua trong vòng tay của một phụ nữ không phải vợ tôi!

                            Đám đông ngồi bên dưới bị sốc. Sau khi đứng trong gần 10 giây cố gắng nhớ lại đoạn thứ hai của câu nói vui, cuối cùng nhà sư trẻ thốt ra:

                            - Tôi... tôi không thể nhớ ra cô ta là ai!

                            - ?!!


                            ST !
                            ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                            ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                            ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                            Comment


                            • Những Ngôn Ngữ Dễ... Hiểu Nhầm

                              Có câu: "Chém cha không bằng pha tiếng". Nhưng ở đây không phải "pha tiếng", chỉ là liệt kê sơ sơ một số ngôn ngữ... "lệch pha" giữa hai miền Nam - Bắc mà thôi!

                              Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ
                              Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
                              Bắc mang thai, Nam có chửa
                              Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

                              Ôi! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
                              Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
                              Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
                              Nam mần Sơ Sơ, Bắc làm Lấy Lệ

                              Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
                              Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
                              Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
                              Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre

                              Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
                              Nam Cãi bai bải, Bắc Lý Sự ào ào
                              Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
                              Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

                              Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
                              Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
                              Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
                              Bắc kêu Quá dại, Nam bảo Ngu ghê

                              Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
                              Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
                              Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
                              Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh

                              Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
                              Bắc thích cứ Vồ, Nam ưng là Chụp
                              Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
                              Nam nói: mày đi! Bắc hô: cút xéo.

                              Bắc bảo: cứ véo! Nam: ngắt nó đi.
                              Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
                              Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!
                              Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác

                              Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
                              Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
                              Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay
                              Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó

                              Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
                              Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
                              Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi!
                              Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội

                              Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
                              Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
                              Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
                              Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy

                              Bắc quậy Sướng Phê, Năm rên Đã Quá!
                              Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc
                              Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
                              Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng

                              Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
                              Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
                              Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
                              Nam mê phiếm, Bắc thích đùa

                              Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
                              Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam: Thơm Thơm đậu phộng
                              Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
                              Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

                              Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
                              Bắc giấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
                              Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
                              Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ

                              Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
                              Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê xô
                              Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm
                              Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan

                              Bắc xuýt xoa "Cái Lan xinh cực!",
                              Nam trầm trồ "Con Lan đẹp hết chê!"
                              Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
                              Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu…

                              ST !
                              ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

                              ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

                              ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

                              Comment


                              • Hi hi .. Đúng dzậy thiệt chớ .. Coi nè .. So sánh đi ... Phở ngon hơn nhiều mà ...

                                Comment

                                Working...
                                X