Thông Báo
Collapse
No announcement yet.
người sài gòn yêu nước vì hay thiếu nước
Collapse
X
-
TP.HCM: “choáng” với đề xuất tăng giá nước
TT - Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có tờ trình gửi Sở Tài chính TP.HCM đề xuất phương án tăng giá nước sạch. Đề xuất này gây “choáng” không chỉ vì tăng cao (từ 24-86% tùy theo đối tượng, định mức), mà còn vì Sawaco chưa giải quyết được bài toán thất thoát...
Biểu đồ thất thoát nước sạch tại TP.HCM từ năm 1999-2008 - Ảnh: N.C.T. (Đồ họa: Như Khanh)
Nghe đọc toàn bài
Người dân sẽ phải “chuẩn bị tinh thần” cho việc tăng giá nước nếu đề xuất trên được thông qua.
Tăng chóng mặt
Theo phương án do Sawaco đề xuất, mức giá áp dụng cho đối tượng sinh hoạt sử dụng đến 10m3/hộ/tháng là 4.500 đồng/m3, sử dụng trên 10m3/hộ/tháng được áp giá 7.900 đồng/m3, khác với cách tính hiện hành (4m3/người/tháng giá 2.700 đồng/m3, từ 4-6m3/người/tháng giá 5.400 đồng/m3, trên 6m3/người/tháng giá 8.000 đồng/m3).
Theo Sawaco, cách tính mới sẽ không phân biệt đối tượng có hộ khẩu thường trú hay diện KT3. Nhưng mức giá này so với giá trong định mức đang áp dụng thì tăng đến 75% (tính cả thuế giá trị gia tăng). Không chỉ vậy, giá nước ngoài định mức đang áp dụng có hai mức (5400-8.000 đồng/m3) thì theo phương án đề xuất chỉ còn một mức là 7.900 đồng/m3. Nếu so với qui định đang áp dụng, mức giá này cũng tăng đến 24%.
Trong khi đó, mức giá tính cho đối tượng ngoài sinh hoạt cũng “chóng mặt”, tăng cao nhất đến hơn 86%. Cụ thể đơn giá theo phương án đề xuất áp dụng cho các nhóm đối tượng: đơn vị sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể là 8.000 đồng/m3 (giá đang áp dụng từ 4.500- 6.000 đồng/m3), tăng từ 33% đến hơn 86%. Riêng mức giá tính cho đối tượng kinh doanh, dịch vụ là 13.000 đồng/m3, so với mức giá cũ (8.000 đồng/m3) thì mức giá đề xuất tăng 62,5%.
Trong khi tỉ lệ thất thoát nước lên đến 42,54% (năm 2008), việc tăng giá nước chưa thuyết phục. Trong ảnh: nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn khắc phục sự cố bể đường ống trên tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: Q.Khải
Mỗi hộ chỉ có... 2,5 người
Việc xác định định mức theo hộ/tháng chứ không phải theo nhân khẩu/tháng như trước đây theo Sawaco sẽ hạn chế được các thủ tục đăng ký về định mức, cũng như việc điều chỉnh định mức khi có thay đổi về nhân khẩu như cách tính hiện nay (khách hàng phải liên hệ với các đơn vị cấp nước để làm thủ tục). Tuy nhiên, cách tính này chỉ lợi cho ngành nước mà gây thiệt cho khách hàng.
Chẳng hạn, theo quy định đang áp dụng, mỗi người được hưởng định mức 4m3 (giá 2.700 đồng/m3). Theo cách tính hiện nay, mỗi gia đình trung bình có bốn nhân khẩu (người), định mức được hưởng tối thiểu là 16m3/tháng. Theo cách tính mới của Sawaco (10m3/hộ/tháng) thì mỗi hộ gia đình chỉ còn lại định mức 2,5 người. Do đó một hộ dân không chỉ bị tăng giá 75% trong định mức (dưới 10m3) mà còn bị tính lũy tiến thêm ở số lượng nước xài vượt 10m3 (giá 7.900 đồng/m3).
Ví dụ, một khách hàng có bốn nhân khẩu, mỗi tháng xài trung bình là 25m3. Theo cách tính cũ, số tiền mà khách hàng phải trả trong tháng là 94.400 đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường, phí nước thải). Cùng với khối lượng nước sử dụng như trên nhưng được áp theo giá trong phương án đề xuất, số tiền khách hàng phải trả lên đến 163.500 đồng (tăng hơn 73%/tháng). Chưa kể trường hợp những hộ có nhiều nhân khẩu, số lượng nước sử dụng trong tháng nhiều hơn thì số tiền phải trả hằng tháng sẽ còn tăng kinh khủng.
Thất thoát gia tăng vẫn đề xuất tăng giá
Trong các hội thảo về giá nước sạch trước đây, Sawaco cho biết nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá nước là do sự biến động theo chiều hướng tăng của các chi phí sản xuất nước sạch. Cụ thể như giá thành sản xuất nước bình quân của năm 2007-2008 so với 2004-2005 tăng 39%. Chi phí giá thành bình quân để sản xuất nước sạch của năm 2007-2008 gần 6.000 đồng/m3. Theo nội dung của tờ trình với Sở Tài chính, Sawaco cho rằng giá thành sản xuất 1m3 nước hiện nay tăng lên đến 7.500 đồng/m3 nhưng khi bán lại cho người dân thấp hơn nhiều!
Trong khi đó, ông Võ Văn Đường - nguyên giám đốc Công ty Cấp nước TP.HCM (tên trước đây của Sawaco) - cho rằng nếu làm tốt công tác chống thất thoát thì không cần phải tăng giá nước, bởi thực tế khi một đơn vị sản xuất ra 1m3 nước đến với người tiêu dùng chỉ còn 600-700 lít thì bắt buộc phải tính giá cao để bù lại phần thất thoát.
Cụ thể: năm 1999 tỉ lệ thất thoát nước là 34%, sang năm 2000 vọt lên 37%, năm 2001 chựng lại mức 37% thì sang năm 2002 lên 38,3%, năm 2003 là 35% thì đến năm 2004 lại vọt lên gần 42%, năm 2005 giảm còn khoảng 34%. Trong năm 2006-2007, tỉ lệ thất thoát nước có nhiều con số báo cáo không thống nhất, dao động từ 34-38%. Đến năm 2008, tỉ lệ thất thoát nước vọt lên con số kỷ lục 42,54%. Đây là một trong những mức thất thoát cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, với tổng công suất trên toàn địa bàn TP khoảng 1,3 triệu m3/ngày thì mỗi ngày Sawaco để thất thoát hơn 500.000m3 nước sạch (gần gấp đôi công suất Nhà máy nước Tân Hiệp). Nếu tính mức giá thành để Sawaco sản xuất ra 1m3 như hiện nay (7.500 đồng/m3) thì số thất thu khoảng 3,7 tỉ đồng mỗi ngày. Rõ ràng với số thất thoát rất lớn này thì việc tăng giá nước của Sawaco chưa thuyết phục.
Bảng so sánh giá nước
Theo quy định đang áp dụng
Nhóm
Ðối tượng sử dụng nước
Ðơn giá (đồng/m3)
1
Các hộ dân cư:
- Trong định mức (đến 4m3/người/tháng)
- Trên 4m3 đến 6m3/người/tháng
- Trên 6m3/người/tháng
2.700
5.400
8.000
2
Cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể
6.000
3
Ðơn vị sản xuất
4.500
4
Ðơn vị kinh doanh - dịch vụ
8.000
Theo phương án đề xuất tăng giá nước
Nhóm
Ðối tượng sử dụng nước
Giá tiêu thụ (đồng/m3)
I
Ðối tượng sinh hoạt
1
≤ 10m3/hộ/tháng
4.500
2
> 10m3/hộ/tháng
7.900
II
Các đối tượng phi sinh hoạt
3
Ðơn vị sản xuất, cơ quan hành chính
sự nghiệp, đoàn thể
8.000
4
Ðơn vị kinh doanh, dịch vụ
13.000
QUANG KHẢI
-
* Hà Nội: chưa tăng giá nước sạch
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển cho biết giá nước sạch trên địa bàn TP có thể sẽ được điều chỉnh nhưng không phải thời điểm hiện nay. Theo ông Hiển, phương án tăng giá nước phải được các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP tính toán kỹ, sau đó lập đề án chi tiết về các mức giá trình TP xem xét.
Giá nước áp dụng tại Hà Nội từ năm 2005 đến nay (đã có VAT và phí bảo vệ môi trường): nước dùng cho sinh hoạt các hộ dân cư (m3/hộ/tháng): 16m3 đầu tiên: 2.800 đồng/m3, từ trên 16m3 đến 20m3: 3.500 đồng/m3, từ trên 20m3 đến 35m3: 5.000 đồng/m3, từ trên 35m3: 7.500 đồng/m3; nước dùng cho các đơn vị hoạt động sản xuất vật chất: 4.500 đồng/m3; nước dùng cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, cơ quan ngoại giao, lực lượng vũ trang: 4.000 đồng/m3; nước dùng cho kinh doanh dịch vụ: 7.500 đồng/m3.
XUÂN LONG
* Gia Lai: giá nước sinh hoạt dự kiến tăng 50%
Công ty Cấp thoát nước Gia Lai cho biết đang xây dựng phương án để tăng giá nước sinh hoạt thêm 1.500 đồng/m3 so với hiện tại.
Giá nước sinh hoạt ở đây hiện là 3.000 đồng/m3; đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số 2.700 đồng/m3 (nếu trên 3m3/người/tháng sẽ tính 3.000 đồng/m3); cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể... 4.500 đồng/m3 và đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh là 6.500 đồng/m3.
H.LƯ
* Bình định: tăng giá nước sinh hoạt
Từ đầu tháng 1-2009, Công ty Cấp thoát nước Bình Định đã điều chỉnh giá nước máy sinh hoạt từ 4.100 đồng/m3 lên 4.700 đồng/m3; cơ quan hành chính sự nghiệp từ 5.300 đồng/m3 lên 6.200 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất từ 6.400 đồng/m3 lên 7.400 đồng/m3 và hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 12.700 đồng/m3 lên 15.800 đồng/m3.
N.TRẦN
* Sóc Trăng, Cà Mau: chuẩn bị tăng giá
Công ty Cấp nước tỉnh Sóc Trăng cho biết đang trình phương án tăng giá nước, tăng thêm 800 đồng/m3.
Tại Cà Mau, giá nước sinh hoạt thấp nhất được áp dụng đối với hộ dân có sổ hộ nghèo là 2.200 đồng/m3 và cao nhất vẫn là cơ sở dịch vụ 7.500 đồng/m3. Công ty Cấp thoát nước tỉnh cho biết đang lập phương án tăng giá nước trong vài tháng tới, giá bình quân khoảng 5.500 đồng/m3.
D.KHANG
Comment
Comment