Sau hàng nghìn năm vùi mình trong tầng băng vĩnh cửu ở tây bắc Siberia, con voi mamút bé nhỏ giờ đây được đưa lên mặt đất, và có thể là mẫu vật tốt nhất thuộc thể loại này.
Cái xác đóng băng đã được gửi tới Nhật Bản để nghiên cứu chi tiết. Con voi cái 6 tháng tuổi này được tìm thấy trên bán đảo Yamal của Nga và được cho là chết cách đây 10.000 năm. Mắt và vòi của nó còn nguyên vẹn, cùng với một vài túm lông trên cơ thể.
Voi mamút là thành viên đã tuyệt chủng của họ nhà voi. Những con trưởng thành thường có ngà cong và phủ một lớp lông dài bên ngoài cơ thể.
Mẫu vật cao 130 cm, nặng 50 kg, được định tuổi ở cuối kỳ Băng hà cuối cùng, thời điểm mà các loài thú lớn đang biến mất khỏi trái đất. "Về trạng thái bảo tồn, đây có thể là phát hiện giá trị nhất thế giới", Alexei Tikhonov, phó giám đốc Viện Động vật học thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, nhận định.
Cho đến nay, người ta mới chỉ biết đến 3 mẫu vật khác của voi ma mút chưa trưởng thành. Một vài nhà khoa học đang hy vọng rằng việc tìm thấy tinh trùng hoặc các tế bào nguyên vẹn chứa ADN có khả năng di truyền sẽ giúp tái tạo lại loài voi mamút, thậm chí nhân bản chúng.
Comment