Trung đoàn biệt kích Nhật Bản bị cá sấu xóa sổ
Sự kiện này diễn ra vào ngày 19/2/1945. Theo báo cáo của đại tá quân đội Nhật Bản Yasu Yunuko vừa được giải mật, “đơn vị chỉ còn 20 lính và 3 sĩ quan trở về được từ vùng đầm lầy ngập mặn Ramree”.Người lính sống sót sau vụ tấn công của cá sấu
Tháng 2/1945, quân đội Nhật Bản - đồng minh của nước Đức phát xít trong Thế chiến II đã thực hiện các cuộc phản công ở tất cả các vị trí chiến lược, bao gồm cả cái gọi là mặt trận phía Tây - Nam. Vị trí then chốt trên mặt trận này là cơ sở pháo binh tầm xa đặt trên cao điểm Johan ở đảo Ramree của Myanmar. Đây chính là nơi xuất phát những cuộc tấn công rất hiệu quả vào các tàu đổ bộ của Anh.
Sau khi tình báo quân sự của Mỹ - Anh phát hiện được mục tiêu, Hải đoàn đổ bộ tác chiến số 7 của Hải quân Anh đã quyết định coi việc tiêu diệt bằng được mục tiêu này là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình.
Để bảo vệ căn cứ pháo binh, Nhật đã điều đến đảo Ramree một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của quân đội - Trung đoàn Biệt kích số 1, đơn vị hoàn hảo nhất để chống lại lực lượng bộ binh cơ động của đối phương.
Chỉ huy lực lượng Hải quân Anh tại đây là Andrew Uayert, một sĩ quan rất tháo vát và xảo quyệt. Andrew cử một đơn vị trinh sát luồn sâu vào trong đảo, nơi có các đầm lầy ngập mặn. Sau khi biết chắc rằng việc đi lại trong rừng đước rất khó khăn và ở đầm lầy này nhung nhúc cá sấu, ông quyết định dùng nghi binh để thu hút bằng được quân Nhật tới khu vực đó.
Vì không biết dự định của cấp trên, viên thiếu tá chỉ huy đơn vị trinh sát đã phản đối: "Chúng tôi không được cấp quân phục và vũ khí để vượt đầm lầy. Trái lại, quân Nhật được trang bị quần áo chuyên dụng và rất nhiều dao, kiếm. Chúng ta sẽ mất tất cả". Andrew vui vẻ đáp: "Tin tôi đi, cậu sẽ sống…". Đúng là một tính toán đáng sợ trong lựa chọn chiến thuật.
Đầm lầy trên đảo Ramree, Myanmar
Sau đó, đơn vị của Nhật Bản theo đội hình chiến đấu tiến sâu vào trong đảo, các sĩ quan chỉ huy rất mừng tưởng rằng họ mạnh hơn đối phương. Andrew ra lệnh cho các binh lính Anh rút lui dần ra phía bờ biển, sau khi để lại một lực lượng nhỏ tinh nhuệ dưới sự yểm trợ của pháo binh.
Trong hai giờ, từ trên đồi cao, những người lính Anh thản nhiên chứng kiến quá trình tan rã nhanh chóng của một đơn vị quân Nhật hùng hậu, được trang bị vũ khí đầy đủ. Trung đoàn biệt kích thiện chiến nhất với 1.215 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và được tuyển chọn kỹ lưỡng, nhiều lần chiến thắng đối phương có sức mạnh vượt trội, được các đối thủ đặt cho biệt danh là "Cơn lốc", kết cục, đã bị lũ cá sấu nuốt sống. Hơn 20 binh sĩ và sĩ quan sống sót, những người thoát khỏi cạm bẫy - những cái hàm cá sấu khủng khiếp, đã bị người Anh bắt làm tù binh.
Sự kiện này đã đi vào lịch sử thế giới. Sách Kỷ lục Guinness đã ghi nhận đây là một thảm kịch có "số lượng lớn nhất các ca tử vong của con người do động vật gây ra".
"Gần 1.000 binh sĩ Nhật đã cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng hải quân Anh đổ bộ vào khu vực cách bờ biển 10 dặm thuộc vùng đầm lầy ngập mặn, nơi sinh sống của hàng nghìn con cá sấu. 20 người sau đó bị bắt làm tù binh, còn hầu hết đã bị cá sấu ăn thịt. Tình trạng khủng khiếp của những người lính rút lui càng tồi tệ hơn vì họ còn bị rất nhiều bọ cạp, muỗi nhiệt đới tấn công" - Sách Guinness đã ghi lại như vậy.
Cá sấu nước mặn khổng lồ
Nhà nghiên cứu tự nhiên Bruce Wright, cựu lính thủy của Anh, từng tham chiến tại Ramree khẳng định rằng cá sấu đã ăn thịt phần lớn các binh sĩ phát xít Nhật.
Đến nay, cá sấu nước mặn vẫn được coi là động vật ăn thịt nguy hiểm và hiếu chiến nhất trên trái đất. Trên các bờ biển Australia các vụ tấn công của cá sấu nước mặn làm chết nhiều người hơn so với các vụ tấn công của cá mập trắng khổng lồ - loài mà người dân vẫn lầm tưởng coi là động vật nguy hiểm nhất. Loài bò sát này có những miếng cắn mạnh nhất trong thế giới động vật, những con cá sấu lớn có thể cắn với một lực trên 2.500 kg.
Tại Indonesia, một con cá sấu nước mặn lớn đã ngoạm vào cổ, kéo xuống nước và giết chết con ngựa đực nặng một tấn có sức kéo 2.000 kg. Bộ hàm của nó có khả năng nghiền nát xương sọ của con trâu hay cái mai rùa chỉ trong vài giây
Hoàng Tuất
Comment