Nhìn vào vũ trụ, hẳn ai cũng phải “tâm phục khẩu phục” Đấng Tạo Hóa. Ngài quả là tuyệt vời, bởi vì vạn vật do Ngài dựng nên rất giản đơn, nhưng lại vô cùng phong phú.
Thực vậy, theo quan niệm của đông phương, thì thuở ban đầu chỉ có âm và dương. Hai thái cực này hoàn toàn khác biệt và trái ngược nhau, nhưng lại luôn thu hút lẫn nhau để nảy sinh vạn vật :
- Nhất âm, nhất dương chi vi đạo.
Cũng thế, theo quan niệm của Cựu ước, Đấng Tạo hóa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Cả hai kết hiệp thành vợ chồng mà sinh ra con đàn cháu đống, kéo dài dòng giống con người trên mặt đất này cho đến tận cùng thời gian.
Còn nói theo kiểu tân cổ giao duyên, đông tây hòa hợp, thì người nam mang tính dương, còn người nữ mang tính âm. Nam nữ tuy khác biệt nhưng lại hấp dẫn lẫn nhau, để tạo thành một mái ấm gia đình.
Trong mái ấm này, cần phải có sự hài hòa cân đối bởi vì nếu âm mà thịnh thì ắt dương phải suy. Và ngược lại, nếu dương mà thịnh thì ắt âm phải suy. Chồng mà hiền thì vợ thường….dữ. Chồng mà gầy thì vợ thường…mập!!!
- Thế gian được vợ hỏng chồng,
Có đâu mà được tiên rồng cả đôi.
Tự bản chất, đờn ông với đờn bà vốn đã khác biệt. Thế nhưng, những khác biệt này không phải để đối kháng và hủy diệt lẫn nhau, như nước với lửa, như bóng tối với ánh sáng, nhưng là để bổ túc lẫn cho nhau. Chẳng hạn người đờn bà vốn yếu đuối thì đã có cái sức mạnh của người đờn ông bổ túc. Người đờn ông vốn nóng nảy thì đã có sự dịu hiền của người đờn bà dập tắt.
Ngay cả giữa đờn ông với đờn ông và giữa đờn bà với đờn bà cũng đã có những khác biệt, bởi vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Mỗi người là một mầu nhiệm, chẳng ai giống ai.
Hơn thế nữa, nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Cái rắc rối, đó là con người không thể sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, nhất là với những người thân yêu. Ngay từ ban đầu, Đấng Tạo hóa cũng đã tỏ rõ điều ấy :
- Người đờn ông ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên cho nó một người trợ giúp…
Hai thực thể khác biệt từ bên trong đến bên ngoài, hai con người chẳng giống nhau từ tâm hồn đến thân xác, thế mà bây giờ lại được nhốt chung trong cùng một mái nhà để làm nên một gia đình, thì chắc hẳn sẽ không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội, những hiểu lầm, chả thế mà cha ông chúng ta ngày xưa đã bảo :
- Chén bát trong rổ còn có lúc xô xát huống lọ là vợ chồng với nhau.
Hay như bọn con nít ngoài đường vốn thường nghêu ngao :
- Anh như con chó, em như con mèo, hai con cắn nhau…
Vì thế, hôm nay gã thử phân tích xem khi anh chồng mà giận, thì chị vợ thường phản ứng như thế nào ? Tuy nhiên trước khi mổ xẻ vấn đề, chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng dung nhan anh chồng cái đã. Vậy bàn dân thiên hạ đã nhìn anh chồng ra sao ? Và đã thế nào là một anh chồng ?
Thiên hạ vốn cho rằng anh chồng là người đờn ông chung sống với người đờn bà sau khi đã cưới hỏi theo phong tục và làm giá thú theo luật định, hoặc có khi lờ tít, cứ việc ăn ở với nhau mà chẳng cần cưới hỏi, hay giá thú giá thiếc nào sốt. Đó là cái định nghĩa chung chung về anh chồng. Tuy nhiên, nếu đi vào lãnh vực chuyên môn, gã nhận thấy những bậc chuyên gia mỗi vị lại hiểu anh chồng một cách khác nhau theo sự méo mó nghề nghiệp của mình.
Đối với nhà khảo cổ, thì anh chồng là một thứ đồ cổ ít có giá trị đối với chị vợ, nhưng biết đâu lại vô giá đối với kẻ khác. Chính vì thế mà sơ hở một tí là có thể mất chồng như chơi. Người ta cho rằng trên đời này có ba thứ càng cũ lại càng quí, đó là rượu cũ, sách cũ và bạn cũ. Nhưng mà anh chồng, dưới mắt chị vợ sau nhiều năm chung sống, không chừng lại bị ngán tới cần cổ, như ngán cơm nếp nát vậy. Thế nhưng, khi thò chân bước ra ngoài xã hội, anh chồng ấy, nếu được trang bị bằng một tí tiền và một tí quyền, thị lại trở thành vô giá, thiên hạ sẵn sàng nhào tới ăn có, như mèo mù vớ cá rán, ngủ gật gặp được chiếu manh.
Đối với ông bác sĩ, thì anh chồng là một thứ vi khuẩn đã nhờn thuốc nên rất khó trị. Đúng thế, vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thì chị vợ nói gì anh chồng cũng phải nghe, chỉ cần một liều thuốc nhẹ cũng chữa chạy được. Đúng là :
- Lệnh ông không bằng cồng bà.
- Vợ muốn là trời muốn.
Thậm chí có anh chồng còn cảm thấy lương tâm áy náy và cắn rứt khi cãi lời vợ, vì thế đã vào tòa giải tội mà xưng thú :
- Thưa cha, con đã trót dại không vâng lời vợ con phỏng là mười lần.
Còn lâu ngày sau khi cưới, loại vi khuẩn này đã quen với thuốc nên không còn phương thức trị liệu. Nói năng cứ như dùi đục chấm nước mắn, rồi lại còn chủ trương : nhất lý, nhì lì, tam ì, tứ ẩu nữa mới đáng ghét không cơ chứ.
Đối với nhân viên ngân hàng, thì anh chồng là kẻ chuyên môn vay nóng, nhưng lại không có khả năng chi trả. Đúng thế, khi cần tiền thì cái miệng anh ta dẻo quẹo, nhưng khi đòi lại thì cứ khất lần khất lượt, từ từ cái đã, chẳng hiểu đến đời ông Bành Tổ nào mới trả cho xong.
Đối với nhà ngôn ngữ thì trước khi cưới, anh chồng là người rất “chịu khó” nhưng sau khi cưới anh ta trở thành một người rất…”khó chịu”. Thực vậy, trước khi cưới anh chồng rất ư là ga lăng, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách chiều chuộng…tất tật đều dễ thương chi lạ. Tuy nhiên hãy đợi đấy, sau ngày cưới anh ta mới để lộ chân tướng vũ phu chi cục mịch của mình. Có những anh chồng, trước khi cưới qua nhà vợ, hiền lành như con gái, rượu chẳng biết uống, thuốc chẳng biết hút…Thế mà sau khi cưới anh ta hóa kiếp thành dân bợm nhậu, uống rượu như hũ chìm. Có những anh chồng, trước khi cưới qua nhà vợ, việc gì cũng lăn xả vào làm, còn sau khi cưới ấy hở, lười chảy thây, chẳng muốn động ngón tay lay thử một ly, một tí nào sốt. Quả thực trước khi cưới anh ta rất chịu khó, còn sau khi cưới anh ta lại là người rất khó chịu.
Đối với bác nông dân, thì anh chồng là loại thóc giống, nếu không tranh thủ “xạ” gấp, thì có nguy cơ bị hàng xóm vay mất.
Dĩ nhiên còn rất nhiều định nghĩa khác nữa, tùy theo góc độ của từng người. Tuy nhiên, bằng đó mà thôi cũng đủ để cho thấy anh chồng là một thực thể rất ư phức tạp. Nhưng xét cho cùng, đôi khi anh ta cũng là kẻ đáng thương và tội nghiệp lắm lắm.
Cái đáng thương và tội nghiệp thứ nhất, đó là anh ta phải lo lắng cho ngày mai, như một câu danh ngôn đã bảo :
- Người đờn bà chỉ lo lắng về tương lai cho đến khi chị ta lấy được anh chồng. Còn người đờn ông thì ngược lại, anh ta chẳng bao giờ lo lắng về tương lai cho đến khi anh ta lấy được chị vợ.
Điều đó có nghĩa là một khi đã lấy vợ, anh chồng phải chí thú làm ăn, nai lưng ra mà xây đắp tương lai. Đối với những anh thanh niên choai choai, hay phá làng phá xóm, các cụ già thường khuyên cha mẹ chúng như sau :
- Cứ cưới vợ cho nó là xong tuốt luốt.. Vợ nó sẽ dạy nó. Và nó chẳng còn quậy phá nữa.
Lo lắng về tương lai, thì cũng có nghĩa anh chồng phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm cho được nhiều tiền. Hay nói cách khác : cơm áo gạo tiền chính là cái đáng thương và tội nghiệp thứ hai cho các anh chồng.
Với tiêu chuẩn tiền bạc, anh chồng bị đánh giá như sau :
- Anh chồng thành công là anh chồng kiếm được số tiền lớn hơn số tiền chị vợ tiêu xài.
Cũng vì luôn bị tương lai ám ảnh và tiền bạc xâu xé, nên anh chồng thường có những cơn giận chẳng đâu vào với đâu, hay chẳng có lấy một lý do chính đáng nào sốt. Cũng giống như cơn giận của anh chàng voi đực đối với chị voi cái trong câu chuyện sau đây.
Có hai vợ chồng nhà voi đang sống yên ổn và hạnh phúc trong một sở thú tại Nữu Ước. Thế rồi một buổi sáng đẹp trời nọ, chú chuột nhắt bỗng xuất hiện. Nhìn thấy chú chuột nhắt, chị voi cái bèn hoảng sợ, chạy tới chạy lui và rống lên từng hồi. Anh voi đực tức giận trước cảnh tượng ấy, nên đưa mắt nhìn trừng trừng. Cuối cùng, như không cầm nổi cơn bực bội của mình, anh voi đực đã xông thẳng vào chị voi cái và dùng cặp ngà của mình mà hất tung chị voi cái xuống một cái hố bên cạnh đó, khiến cho mấy chục người phải vất vả, dùng ván và xe mới trục được chị voi cái lên khỏi miệng hố. Lúc bấy giờ, anh voi đực có vẻ hối hận, đứng nhìn mà cặp mắt lại ươn ướt.
Chỉ vì một chú chuột nhắt mà gia đình nhà voi suýt đi tới chỗ tan vỡ. Cũng vậy trong đời sống vợ chồng, lắm khi chỉ vì những mâu thuẫn, những bất đồng nho nhỏ, mà nếu không biết cư xử một cách khôn khéo, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Vậy mỗi khi anh chồng mà giận, thì chị vợ thường phản ứng như thế nào ?
Phản ứng thứ nhất :
Chồng giận thì vợ làm lơ,
Mặc cho bực bội, phe lờ như không.
Có thể nói được rằng đây là phản ứng của những chị vợ vừa ngây thơ lại vừa vô tư, hay nói một cách khác, đây là phản ứng của những chị vợ “trẻ con”, chưa muốn làm người lớn. Anh chồng bực bội tức tối cũng mặc kệ, chị vợ vẫn cứ tỉnh bơ, vô tư cười nói, vô tư ca hát, vô tư ăn hàng, làm như chẳng có gì xảy ra dưới mái nhà thân yêu. Lúc nào chị vợ cũng tỏ ra ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác. Cho dù nhà hàng xóm có cháy, thì chị vợ vẫn cứ bình chân như vại.
Những chứng từ trong bài này, gã trích dẫn ở báo “Phụ nữ Chủ nhật” để làm cho rõ những phản ứng sẽ được trình bày.
“Anh H, một công chức, vốn là người trầm tính, thường khi gặp phải điều gì phật ý, anh ít nói ra. Không nói ra, nhưng vẻ bực dọc lại lộ rõ trên khuôn mặt và cử chỉ của anh. Ngặt nỗi, cô vợ anh lại chẳng hề để ý cũng chẳng nói chẳng rằng, cứ kiểu chồng giận thì vợ…làm lơ.
Vậy là mặc chồng, chồng giận, mặc vợ, vợ…cứ tỉnh bơ. Chồng không thố lộ, vợ chẳng chịu hỏi han, khiến gia đình như có chiến tranh lạnh, không khí nặng nề kéo dài dăm bữa, nửa tháng là thường, cho đến khi cả hai chịu hết xiết mới nhân một cớ nào đó mà lẳng lặng…giảng hòa.
Qua những lần giận nhau như thế, cả hai vẫn chưa xác định được ai là người phải xuống nước…trước ai. Đôi khi anh H lẩn thẩn nghĩ :
- Quái ! Bực dọc điều gì, sao mình không chịu nói phứt ra cho nhẹ gánh ?
Cô vợ của H đôi lúc cũng bần thần :
- Ừ, phải chi bữa đó mình chịu quan tâm hỏi ảnh giận gì, thì đâu phải chịu cảnh lạnh lùng, rồi trách ảnh…giận dai !”
Phản ứng thứ hai :
Chồng giận thì vợ lầm lì,
Chẳng cần lý sự, cứ ì là xong.
Có thể nói được rằng đây là phản ứng của hàng cao thủ võ lâm, hay của những chị vợ dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Nó không còn vô tư đơn sơ và vô tư ngây thơ nữa, nhưng là cả một chiến lược rất tinh vi, rất nặng đô khiến cho phe địch bị sập bẫy, phải tự ý cầu hòa. Ấy là chưa nói tới nhiều khi còn phải năn nỉ ỉ ôi tới gẫy cả lưỡi nữa là đàng khác.
Anh chồng mà giận ấy hở, chị vợ bèn lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, sa sầm nét mặt và ủ dột như chiếc bánh bao chiều, hay sưng thành, một cục, một đống. Cậy miệng cũng chẳng nói được một chữ. Bất bạo động, nhưng cũng bất hợp tác.
Có một chị vợ kia đã thẳng thừng nói với anh chồng đang khoa chân múa tay, la hét om xòm, như sau :
- Để xem mèo nào thắng mèo nào. Liệu có chịu nổi sự được lạnh lùng của tôi thì hãy giận, bằng không thì….biến đi cho rồi.
“Người ta thường được nghe chị X kể lại một cách đầy kiêu hãnh là anh chồng chị lúc nào cũng phải chịu lép vế trước sự “kiên cường” của vợ. Dù đúng dù sai, mà sai thường nhiều hơn đúng, hễ chồng “lỡ giận”, là chị…đổ lì, đổ bê tông bằng khuôn mặt lạnh dưới 0oC và thái độ dấm dẳng chua lè, bất hợp tác trong mọi lãnh vực của đời sống vợ chồng. Và để phục hồi cái không khí đầm ấm cho gia đình, anh X thường phải xuống nước trước một cách thành khẩn, mới được vợ tha cho.
Chị X luôn tự hào về loại vũ khí hiệu nghiệm của mình, đâu biết rằng anh X chồng chị lâu dần như người bị dồn vào bước đường cùng, có lần thẩn thờ tâm sự :
- Không thể nào và hình như không còn cách nào góp ý vớ bả được, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tình trạng này cứ kéo dài, không biết rồi…sẽ dẫn tới đâu.”
Phản ứng thứ ba :
Chồng giận thì vợ nổi xung,
Đổ dầu vào lửa, đùng đùng…uỵch nhau.
Nếu hai phản ứng trên được gọi là phản ứng ngầm và lạnh, thì phản ứng thứ ba này phải được coi là phản ứng nổ và nóng. Chồng cũng ghê mà vợ cũng gớm. Quả là xứng đôi vừa lứa.
Nếu chồng nóng như Trương Phi, thì vợ cũng dữ chẳng kém gì sư tử Hà Đông. Nếu chồng nói một, thì lập tức vợ cũng trả đũa, phản pháo lại gấp hai. Nếu chồng quẳng nồi niêu, thì lập tức vợ cũng ném bát đĩa. Nếu chồng mày với tao, thì lập tức vợ cũng tao với mày. Nếu chồng đấm với đá, thì lập tức vợ cũng cào với cấu. Nếu chồng thượng cẳng chân, thì lập tức vợ cũng hạ cẳng tay.
Nếu chồng hét, thì lập tức vợ cũng gào và hậu quả đương nhiên sẽ xảy ra, đó là láng giềng phải nghe. Cả hai đều hành động theo đúng cung cách mà ngày xưa các cụ đã diễn tả :
- Chồng giận, vợ giận, thì dùi nó quăng.
“Chuyện của vợ chồng anh Bảy thợ hồ là một điển hình về chiến tranh nóng, chiến tranh…tóe lửa giữa các vì sao, trong những gia đình mà hễ chồng giận thì vợ cũng…nổi xung. Anh Bảy tính vốn nóng như lửa, ngặt nỗi chị Bảy, vợ anh, cũng chẳng vừa, nên nhà họ thường xuyên nổ ra chiến sự, khiến mấy đứa con bị văng miểng, mà hàng xóm cũng bị vạ lây.
Chuyện đĩa bay, chén bể, nồi móp giữa họ là chuyện bình thường, xảy ra như cơm bữa. Chồng một tiếng, thì vợ…ba tiếng. Chồng văng tục, thì vợ…tục văng, đốp chát trả theo không kém cạnh.
Công bằng mà nói thì lắm lúc nội vụ chỉ do anh Bảy vô cớ mắng chửi lãng òm, thế là chị Bảy bụp lại ngay, đáp trả dữ dội bằng những lời lẽ nặng nề. Cả hai đã phải mấy lần vác đơn ra tòa xin ly dị, rồi được hòa giải, rồi lại…
Anh Bảy khi được hỏi thường tìm cớ lảng tránh, còn chị Bảy thì thở ra :
- Tánh tui nó vậy, nhiều lúc nghĩ cũng bậy, nhưng…sửa hổng đặng, biết sao bây giờ.
Có người bảo :
- Gẫm ra cũng chí lý.
Biết sai, thì phải biết sửa. Sửa gấp không đặng, thì sửa từ từ, mỗi lần một chút. Vợ sửa trước, mới mong chồng có cơ hội phục thiện để cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình.”
Phản ứng thứ tư :
Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở, rằng anh giận gì ?
Có thể nói được rằng đây là loại phản ứng mang tính cách xây dựng hơn cả, khả dĩ hóa giải được cơn giận của anh chồng.
Như trên chúng ta đã trình bày : va chạm, xích mích, bất đồng là chuyện đương nhiên của cuộc sống vợ chồng. Không va chạm, không xích mích, không bất đồng mới là chuyện bất bình thường, cần phải xét lại.
Tuy nhiên điều quan trọng, đó là phản ứng của chị vợ trong lúc “hữu sự”. Nếu biết cư xử một cách tế nhị và khéo léo, thì sau cơn mưa trời lại sáng, sau cơn giận, anh chồng sẽ yêu thương nhiều hơn. Thật đúng với chiến thuật :
- Lùi một bước để tiến tới hai bước.
Trong lúc anh chồng bị tẩu hỏa nhập ma, cơn giận bốc lên đùng đùng, thì việc chị vợ cần phải làm ngay, đó là hãy tiết kiệm lời nói, như người xưa đã từng dạy :
- Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời chẳng khê.
Thực vậy, đạn bắn xuống bùn, chẳng công phá được chi. Trước sự yên lặng của chị vợ, anh chồng la hét mãi, quát tháo mãi cũng sẽ mỏi mồm, tới một lúc sẽ tự động tắt đài, êm ru bà rù.
Sự yên lặng của chị vợ trong hoàn cảnh này, quả là quí hơn vàng, hơn bạc. Bởi vì nếu không yên lặng, thì chắc chắn hậu quả sẽ khó mà lường nổi. Sau cơn giận, gia đình chỉ còn là một bãi chiến trường với những đổ vỡ và tan hoang. Bởi vì :
- Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.
Tuy nhiên, yên lặng không có nghĩa là cam lòng chịu vậy. Trái lại, trong những lúc thuận tiện, chị vợ nên dùng những lời nói ôn tồn và thành thực để nhắc bảo. Lúc bấy giờ, những lời nói êm dịu của chị vợ như rót vào tai, khiến anh chồng dễ dàng chấp nhận, nhờ đó giúp nhau thăng tiến bản thân, mà vẫn giữ được bàu khí hòa thuận cho gia đình. Bởi vì :
- Mật ngọt thì chết ruồi.
Hay như một câu danh ngôn cũng đã bảo :
- Người ta bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, còn hơn là bằng cả một thùng giấm chua.
“Hạnh phúc biết bao cho những ai được tắm mình giữa bàu khí gia đình trong ấm ngoài êm. Và đó cũng là phần thưởng quí giá cho những người vợ biết khéo léo, mềm mỏng và thông minh trước những cơn giận, dù đôi khi…kỳ cục của chồng mình.
Ai đó đã từng nói rằng : nụ cười của phụ nữ có thể làm thay đổi cả thế giới, huống hồ là đối với…anh chồng bẳn tính của mình. Nhưng nói thế không có nghĩa người vợ phải luôn lép vế, khuất phục trước chồng bởi bất cứ lý do nào. Vì theo các chuyên gia về tình yêu hôn nhân và gia đình, đồng thời cũng theo kinh nghiệm của các người chị, người mẹ có một mái ấm tuyệt vời, thì cái sự làm lành cũng chính là thứ vũ khí quan trọng để bảo vệ và tôn tạo hạnh phúc gia đình.”
Để kết luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện như sau :
Có hai vợ chồng nọ, hồi còn trẻ họ sống rất yêu thương và hạnh phúc, nhưng khi đã về già, thì lại thường xuyên lục đục và cãi vã nhau suốt ngày. Ông nói một thì bà nói hai. Ông nói hai thì bà nói ba. Và ông nói ba thì bà nói tới bảy, tám, chín, mười…Cuối cùng, chẳng ai chịu nhận mình là kẻ có lỗi.
Người hàng xóm thấy vậy bèn góp ý :
- Trên núi kia có một vị sư bào chế được một thứ thuốc giúp cho nhiều gia đình được êm ấm thuận hòa.
Bà nghe lời, bèn đi lên núi tìm gặp vị sư. Sau khi nghe trình bày, vị sư liền trao cho bà một chai thuốc và nói :
- Đây là một loại thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Hễ khi nào ông gây sự, bà chỉ cần ngậm một ngụm ở trong miệng, không được nuốt và cũng chẳng được nhổ ra, cho tới khi ông không còn nói nữa, rồi mọi chuyện sẽ được ổn thỏa và tốt đẹp.
Bà hăm hở xuống núi. Thế nhưng vừa về tới đầu ngõ, thì ông từ trong nhà vội chạy ra, nét mặt hầm hầm và nói như quát :
- Bà rúc ở cái xó xỉnh nào mà giờ này mới vác xác về. Đi mà lo cơm nước, không thì liệu hồn đấy.
Nghe vậy, bà liền tợp một ngụm thuốc, ngập ở trong miệng đúng như lời căn dặn của vị sư. Thấy bà chẳng đáp lời, một lúc sau ông cũng lặng thinh.
Bà hết sức vui mừng và thầm nghĩ :
- Đây quả là một thứ nước thần rất hiệu nghiệm.
Khi bà bắt đầu vo gạo để thổi cơm, thì ông lại la :
- Làm gì mà chậm như rùa vậy.
Bà toan cãi lại, nhưng nhớ tới lời căn dặn của vị sư, bèn tợp một ngụm thuốc trong miệng. Thấy bà không cãi lại, ông đành phải im luôn. Từ đó hai ông bà dần dần trở lại cuộc sống êm ấm và hạnh phúc của hồi còn trẻ. Thứ nước thần hay thuốc gia truyền ấy, chẳng qua chỉ là nước lã mà thôi.
Kinh nghiệm ngàn đời cho chúng ta thấy :
- Một sự nhịn là chín sự lành.
Trong cuộc sống vợ chồng, nhiều lúc phải nhường. Mà đã nhường thì nhiều lúc cũng phải nhịn. Mà đã nhịn thì nhiều lúc cũng phải cắn răng chịu nhục, nhưng đó lại là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc.
Chuyện phiếm của Gã Siêu.
Thực vậy, theo quan niệm của đông phương, thì thuở ban đầu chỉ có âm và dương. Hai thái cực này hoàn toàn khác biệt và trái ngược nhau, nhưng lại luôn thu hút lẫn nhau để nảy sinh vạn vật :
- Nhất âm, nhất dương chi vi đạo.
Cũng thế, theo quan niệm của Cựu ước, Đấng Tạo hóa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Cả hai kết hiệp thành vợ chồng mà sinh ra con đàn cháu đống, kéo dài dòng giống con người trên mặt đất này cho đến tận cùng thời gian.
Còn nói theo kiểu tân cổ giao duyên, đông tây hòa hợp, thì người nam mang tính dương, còn người nữ mang tính âm. Nam nữ tuy khác biệt nhưng lại hấp dẫn lẫn nhau, để tạo thành một mái ấm gia đình.
Trong mái ấm này, cần phải có sự hài hòa cân đối bởi vì nếu âm mà thịnh thì ắt dương phải suy. Và ngược lại, nếu dương mà thịnh thì ắt âm phải suy. Chồng mà hiền thì vợ thường….dữ. Chồng mà gầy thì vợ thường…mập!!!
- Thế gian được vợ hỏng chồng,
Có đâu mà được tiên rồng cả đôi.
Tự bản chất, đờn ông với đờn bà vốn đã khác biệt. Thế nhưng, những khác biệt này không phải để đối kháng và hủy diệt lẫn nhau, như nước với lửa, như bóng tối với ánh sáng, nhưng là để bổ túc lẫn cho nhau. Chẳng hạn người đờn bà vốn yếu đuối thì đã có cái sức mạnh của người đờn ông bổ túc. Người đờn ông vốn nóng nảy thì đã có sự dịu hiền của người đờn bà dập tắt.
Ngay cả giữa đờn ông với đờn ông và giữa đờn bà với đờn bà cũng đã có những khác biệt, bởi vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Mỗi người là một mầu nhiệm, chẳng ai giống ai.
Hơn thế nữa, nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Cái rắc rối, đó là con người không thể sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, nhất là với những người thân yêu. Ngay từ ban đầu, Đấng Tạo hóa cũng đã tỏ rõ điều ấy :
- Người đờn ông ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên cho nó một người trợ giúp…
Hai thực thể khác biệt từ bên trong đến bên ngoài, hai con người chẳng giống nhau từ tâm hồn đến thân xác, thế mà bây giờ lại được nhốt chung trong cùng một mái nhà để làm nên một gia đình, thì chắc hẳn sẽ không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội, những hiểu lầm, chả thế mà cha ông chúng ta ngày xưa đã bảo :
- Chén bát trong rổ còn có lúc xô xát huống lọ là vợ chồng với nhau.
Hay như bọn con nít ngoài đường vốn thường nghêu ngao :
- Anh như con chó, em như con mèo, hai con cắn nhau…
Vì thế, hôm nay gã thử phân tích xem khi anh chồng mà giận, thì chị vợ thường phản ứng như thế nào ? Tuy nhiên trước khi mổ xẻ vấn đề, chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng dung nhan anh chồng cái đã. Vậy bàn dân thiên hạ đã nhìn anh chồng ra sao ? Và đã thế nào là một anh chồng ?
Thiên hạ vốn cho rằng anh chồng là người đờn ông chung sống với người đờn bà sau khi đã cưới hỏi theo phong tục và làm giá thú theo luật định, hoặc có khi lờ tít, cứ việc ăn ở với nhau mà chẳng cần cưới hỏi, hay giá thú giá thiếc nào sốt. Đó là cái định nghĩa chung chung về anh chồng. Tuy nhiên, nếu đi vào lãnh vực chuyên môn, gã nhận thấy những bậc chuyên gia mỗi vị lại hiểu anh chồng một cách khác nhau theo sự méo mó nghề nghiệp của mình.
Đối với nhà khảo cổ, thì anh chồng là một thứ đồ cổ ít có giá trị đối với chị vợ, nhưng biết đâu lại vô giá đối với kẻ khác. Chính vì thế mà sơ hở một tí là có thể mất chồng như chơi. Người ta cho rằng trên đời này có ba thứ càng cũ lại càng quí, đó là rượu cũ, sách cũ và bạn cũ. Nhưng mà anh chồng, dưới mắt chị vợ sau nhiều năm chung sống, không chừng lại bị ngán tới cần cổ, như ngán cơm nếp nát vậy. Thế nhưng, khi thò chân bước ra ngoài xã hội, anh chồng ấy, nếu được trang bị bằng một tí tiền và một tí quyền, thị lại trở thành vô giá, thiên hạ sẵn sàng nhào tới ăn có, như mèo mù vớ cá rán, ngủ gật gặp được chiếu manh.
Đối với ông bác sĩ, thì anh chồng là một thứ vi khuẩn đã nhờn thuốc nên rất khó trị. Đúng thế, vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thì chị vợ nói gì anh chồng cũng phải nghe, chỉ cần một liều thuốc nhẹ cũng chữa chạy được. Đúng là :
- Lệnh ông không bằng cồng bà.
- Vợ muốn là trời muốn.
Thậm chí có anh chồng còn cảm thấy lương tâm áy náy và cắn rứt khi cãi lời vợ, vì thế đã vào tòa giải tội mà xưng thú :
- Thưa cha, con đã trót dại không vâng lời vợ con phỏng là mười lần.
Còn lâu ngày sau khi cưới, loại vi khuẩn này đã quen với thuốc nên không còn phương thức trị liệu. Nói năng cứ như dùi đục chấm nước mắn, rồi lại còn chủ trương : nhất lý, nhì lì, tam ì, tứ ẩu nữa mới đáng ghét không cơ chứ.
Đối với nhân viên ngân hàng, thì anh chồng là kẻ chuyên môn vay nóng, nhưng lại không có khả năng chi trả. Đúng thế, khi cần tiền thì cái miệng anh ta dẻo quẹo, nhưng khi đòi lại thì cứ khất lần khất lượt, từ từ cái đã, chẳng hiểu đến đời ông Bành Tổ nào mới trả cho xong.
Đối với nhà ngôn ngữ thì trước khi cưới, anh chồng là người rất “chịu khó” nhưng sau khi cưới anh ta trở thành một người rất…”khó chịu”. Thực vậy, trước khi cưới anh chồng rất ư là ga lăng, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách chiều chuộng…tất tật đều dễ thương chi lạ. Tuy nhiên hãy đợi đấy, sau ngày cưới anh ta mới để lộ chân tướng vũ phu chi cục mịch của mình. Có những anh chồng, trước khi cưới qua nhà vợ, hiền lành như con gái, rượu chẳng biết uống, thuốc chẳng biết hút…Thế mà sau khi cưới anh ta hóa kiếp thành dân bợm nhậu, uống rượu như hũ chìm. Có những anh chồng, trước khi cưới qua nhà vợ, việc gì cũng lăn xả vào làm, còn sau khi cưới ấy hở, lười chảy thây, chẳng muốn động ngón tay lay thử một ly, một tí nào sốt. Quả thực trước khi cưới anh ta rất chịu khó, còn sau khi cưới anh ta lại là người rất khó chịu.
Đối với bác nông dân, thì anh chồng là loại thóc giống, nếu không tranh thủ “xạ” gấp, thì có nguy cơ bị hàng xóm vay mất.
Dĩ nhiên còn rất nhiều định nghĩa khác nữa, tùy theo góc độ của từng người. Tuy nhiên, bằng đó mà thôi cũng đủ để cho thấy anh chồng là một thực thể rất ư phức tạp. Nhưng xét cho cùng, đôi khi anh ta cũng là kẻ đáng thương và tội nghiệp lắm lắm.
Cái đáng thương và tội nghiệp thứ nhất, đó là anh ta phải lo lắng cho ngày mai, như một câu danh ngôn đã bảo :
- Người đờn bà chỉ lo lắng về tương lai cho đến khi chị ta lấy được anh chồng. Còn người đờn ông thì ngược lại, anh ta chẳng bao giờ lo lắng về tương lai cho đến khi anh ta lấy được chị vợ.
Điều đó có nghĩa là một khi đã lấy vợ, anh chồng phải chí thú làm ăn, nai lưng ra mà xây đắp tương lai. Đối với những anh thanh niên choai choai, hay phá làng phá xóm, các cụ già thường khuyên cha mẹ chúng như sau :
- Cứ cưới vợ cho nó là xong tuốt luốt.. Vợ nó sẽ dạy nó. Và nó chẳng còn quậy phá nữa.
Lo lắng về tương lai, thì cũng có nghĩa anh chồng phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm cho được nhiều tiền. Hay nói cách khác : cơm áo gạo tiền chính là cái đáng thương và tội nghiệp thứ hai cho các anh chồng.
Với tiêu chuẩn tiền bạc, anh chồng bị đánh giá như sau :
- Anh chồng thành công là anh chồng kiếm được số tiền lớn hơn số tiền chị vợ tiêu xài.
Cũng vì luôn bị tương lai ám ảnh và tiền bạc xâu xé, nên anh chồng thường có những cơn giận chẳng đâu vào với đâu, hay chẳng có lấy một lý do chính đáng nào sốt. Cũng giống như cơn giận của anh chàng voi đực đối với chị voi cái trong câu chuyện sau đây.
Có hai vợ chồng nhà voi đang sống yên ổn và hạnh phúc trong một sở thú tại Nữu Ước. Thế rồi một buổi sáng đẹp trời nọ, chú chuột nhắt bỗng xuất hiện. Nhìn thấy chú chuột nhắt, chị voi cái bèn hoảng sợ, chạy tới chạy lui và rống lên từng hồi. Anh voi đực tức giận trước cảnh tượng ấy, nên đưa mắt nhìn trừng trừng. Cuối cùng, như không cầm nổi cơn bực bội của mình, anh voi đực đã xông thẳng vào chị voi cái và dùng cặp ngà của mình mà hất tung chị voi cái xuống một cái hố bên cạnh đó, khiến cho mấy chục người phải vất vả, dùng ván và xe mới trục được chị voi cái lên khỏi miệng hố. Lúc bấy giờ, anh voi đực có vẻ hối hận, đứng nhìn mà cặp mắt lại ươn ướt.
Chỉ vì một chú chuột nhắt mà gia đình nhà voi suýt đi tới chỗ tan vỡ. Cũng vậy trong đời sống vợ chồng, lắm khi chỉ vì những mâu thuẫn, những bất đồng nho nhỏ, mà nếu không biết cư xử một cách khôn khéo, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Vậy mỗi khi anh chồng mà giận, thì chị vợ thường phản ứng như thế nào ?
Phản ứng thứ nhất :
Chồng giận thì vợ làm lơ,
Mặc cho bực bội, phe lờ như không.
Có thể nói được rằng đây là phản ứng của những chị vợ vừa ngây thơ lại vừa vô tư, hay nói một cách khác, đây là phản ứng của những chị vợ “trẻ con”, chưa muốn làm người lớn. Anh chồng bực bội tức tối cũng mặc kệ, chị vợ vẫn cứ tỉnh bơ, vô tư cười nói, vô tư ca hát, vô tư ăn hàng, làm như chẳng có gì xảy ra dưới mái nhà thân yêu. Lúc nào chị vợ cũng tỏ ra ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác. Cho dù nhà hàng xóm có cháy, thì chị vợ vẫn cứ bình chân như vại.
Những chứng từ trong bài này, gã trích dẫn ở báo “Phụ nữ Chủ nhật” để làm cho rõ những phản ứng sẽ được trình bày.
“Anh H, một công chức, vốn là người trầm tính, thường khi gặp phải điều gì phật ý, anh ít nói ra. Không nói ra, nhưng vẻ bực dọc lại lộ rõ trên khuôn mặt và cử chỉ của anh. Ngặt nỗi, cô vợ anh lại chẳng hề để ý cũng chẳng nói chẳng rằng, cứ kiểu chồng giận thì vợ…làm lơ.
Vậy là mặc chồng, chồng giận, mặc vợ, vợ…cứ tỉnh bơ. Chồng không thố lộ, vợ chẳng chịu hỏi han, khiến gia đình như có chiến tranh lạnh, không khí nặng nề kéo dài dăm bữa, nửa tháng là thường, cho đến khi cả hai chịu hết xiết mới nhân một cớ nào đó mà lẳng lặng…giảng hòa.
Qua những lần giận nhau như thế, cả hai vẫn chưa xác định được ai là người phải xuống nước…trước ai. Đôi khi anh H lẩn thẩn nghĩ :
- Quái ! Bực dọc điều gì, sao mình không chịu nói phứt ra cho nhẹ gánh ?
Cô vợ của H đôi lúc cũng bần thần :
- Ừ, phải chi bữa đó mình chịu quan tâm hỏi ảnh giận gì, thì đâu phải chịu cảnh lạnh lùng, rồi trách ảnh…giận dai !”
Phản ứng thứ hai :
Chồng giận thì vợ lầm lì,
Chẳng cần lý sự, cứ ì là xong.
Có thể nói được rằng đây là phản ứng của hàng cao thủ võ lâm, hay của những chị vợ dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Nó không còn vô tư đơn sơ và vô tư ngây thơ nữa, nhưng là cả một chiến lược rất tinh vi, rất nặng đô khiến cho phe địch bị sập bẫy, phải tự ý cầu hòa. Ấy là chưa nói tới nhiều khi còn phải năn nỉ ỉ ôi tới gẫy cả lưỡi nữa là đàng khác.
Anh chồng mà giận ấy hở, chị vợ bèn lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, sa sầm nét mặt và ủ dột như chiếc bánh bao chiều, hay sưng thành, một cục, một đống. Cậy miệng cũng chẳng nói được một chữ. Bất bạo động, nhưng cũng bất hợp tác.
Có một chị vợ kia đã thẳng thừng nói với anh chồng đang khoa chân múa tay, la hét om xòm, như sau :
- Để xem mèo nào thắng mèo nào. Liệu có chịu nổi sự được lạnh lùng của tôi thì hãy giận, bằng không thì….biến đi cho rồi.
“Người ta thường được nghe chị X kể lại một cách đầy kiêu hãnh là anh chồng chị lúc nào cũng phải chịu lép vế trước sự “kiên cường” của vợ. Dù đúng dù sai, mà sai thường nhiều hơn đúng, hễ chồng “lỡ giận”, là chị…đổ lì, đổ bê tông bằng khuôn mặt lạnh dưới 0oC và thái độ dấm dẳng chua lè, bất hợp tác trong mọi lãnh vực của đời sống vợ chồng. Và để phục hồi cái không khí đầm ấm cho gia đình, anh X thường phải xuống nước trước một cách thành khẩn, mới được vợ tha cho.
Chị X luôn tự hào về loại vũ khí hiệu nghiệm của mình, đâu biết rằng anh X chồng chị lâu dần như người bị dồn vào bước đường cùng, có lần thẩn thờ tâm sự :
- Không thể nào và hình như không còn cách nào góp ý vớ bả được, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tình trạng này cứ kéo dài, không biết rồi…sẽ dẫn tới đâu.”
Phản ứng thứ ba :
Chồng giận thì vợ nổi xung,
Đổ dầu vào lửa, đùng đùng…uỵch nhau.
Nếu hai phản ứng trên được gọi là phản ứng ngầm và lạnh, thì phản ứng thứ ba này phải được coi là phản ứng nổ và nóng. Chồng cũng ghê mà vợ cũng gớm. Quả là xứng đôi vừa lứa.
Nếu chồng nóng như Trương Phi, thì vợ cũng dữ chẳng kém gì sư tử Hà Đông. Nếu chồng nói một, thì lập tức vợ cũng trả đũa, phản pháo lại gấp hai. Nếu chồng quẳng nồi niêu, thì lập tức vợ cũng ném bát đĩa. Nếu chồng mày với tao, thì lập tức vợ cũng tao với mày. Nếu chồng đấm với đá, thì lập tức vợ cũng cào với cấu. Nếu chồng thượng cẳng chân, thì lập tức vợ cũng hạ cẳng tay.
Nếu chồng hét, thì lập tức vợ cũng gào và hậu quả đương nhiên sẽ xảy ra, đó là láng giềng phải nghe. Cả hai đều hành động theo đúng cung cách mà ngày xưa các cụ đã diễn tả :
- Chồng giận, vợ giận, thì dùi nó quăng.
“Chuyện của vợ chồng anh Bảy thợ hồ là một điển hình về chiến tranh nóng, chiến tranh…tóe lửa giữa các vì sao, trong những gia đình mà hễ chồng giận thì vợ cũng…nổi xung. Anh Bảy tính vốn nóng như lửa, ngặt nỗi chị Bảy, vợ anh, cũng chẳng vừa, nên nhà họ thường xuyên nổ ra chiến sự, khiến mấy đứa con bị văng miểng, mà hàng xóm cũng bị vạ lây.
Chuyện đĩa bay, chén bể, nồi móp giữa họ là chuyện bình thường, xảy ra như cơm bữa. Chồng một tiếng, thì vợ…ba tiếng. Chồng văng tục, thì vợ…tục văng, đốp chát trả theo không kém cạnh.
Công bằng mà nói thì lắm lúc nội vụ chỉ do anh Bảy vô cớ mắng chửi lãng òm, thế là chị Bảy bụp lại ngay, đáp trả dữ dội bằng những lời lẽ nặng nề. Cả hai đã phải mấy lần vác đơn ra tòa xin ly dị, rồi được hòa giải, rồi lại…
Anh Bảy khi được hỏi thường tìm cớ lảng tránh, còn chị Bảy thì thở ra :
- Tánh tui nó vậy, nhiều lúc nghĩ cũng bậy, nhưng…sửa hổng đặng, biết sao bây giờ.
Có người bảo :
- Gẫm ra cũng chí lý.
Biết sai, thì phải biết sửa. Sửa gấp không đặng, thì sửa từ từ, mỗi lần một chút. Vợ sửa trước, mới mong chồng có cơ hội phục thiện để cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình.”
Phản ứng thứ tư :
Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở, rằng anh giận gì ?
Có thể nói được rằng đây là loại phản ứng mang tính cách xây dựng hơn cả, khả dĩ hóa giải được cơn giận của anh chồng.
Như trên chúng ta đã trình bày : va chạm, xích mích, bất đồng là chuyện đương nhiên của cuộc sống vợ chồng. Không va chạm, không xích mích, không bất đồng mới là chuyện bất bình thường, cần phải xét lại.
Tuy nhiên điều quan trọng, đó là phản ứng của chị vợ trong lúc “hữu sự”. Nếu biết cư xử một cách tế nhị và khéo léo, thì sau cơn mưa trời lại sáng, sau cơn giận, anh chồng sẽ yêu thương nhiều hơn. Thật đúng với chiến thuật :
- Lùi một bước để tiến tới hai bước.
Trong lúc anh chồng bị tẩu hỏa nhập ma, cơn giận bốc lên đùng đùng, thì việc chị vợ cần phải làm ngay, đó là hãy tiết kiệm lời nói, như người xưa đã từng dạy :
- Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời chẳng khê.
Thực vậy, đạn bắn xuống bùn, chẳng công phá được chi. Trước sự yên lặng của chị vợ, anh chồng la hét mãi, quát tháo mãi cũng sẽ mỏi mồm, tới một lúc sẽ tự động tắt đài, êm ru bà rù.
Sự yên lặng của chị vợ trong hoàn cảnh này, quả là quí hơn vàng, hơn bạc. Bởi vì nếu không yên lặng, thì chắc chắn hậu quả sẽ khó mà lường nổi. Sau cơn giận, gia đình chỉ còn là một bãi chiến trường với những đổ vỡ và tan hoang. Bởi vì :
- Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.
Tuy nhiên, yên lặng không có nghĩa là cam lòng chịu vậy. Trái lại, trong những lúc thuận tiện, chị vợ nên dùng những lời nói ôn tồn và thành thực để nhắc bảo. Lúc bấy giờ, những lời nói êm dịu của chị vợ như rót vào tai, khiến anh chồng dễ dàng chấp nhận, nhờ đó giúp nhau thăng tiến bản thân, mà vẫn giữ được bàu khí hòa thuận cho gia đình. Bởi vì :
- Mật ngọt thì chết ruồi.
Hay như một câu danh ngôn cũng đã bảo :
- Người ta bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, còn hơn là bằng cả một thùng giấm chua.
“Hạnh phúc biết bao cho những ai được tắm mình giữa bàu khí gia đình trong ấm ngoài êm. Và đó cũng là phần thưởng quí giá cho những người vợ biết khéo léo, mềm mỏng và thông minh trước những cơn giận, dù đôi khi…kỳ cục của chồng mình.
Ai đó đã từng nói rằng : nụ cười của phụ nữ có thể làm thay đổi cả thế giới, huống hồ là đối với…anh chồng bẳn tính của mình. Nhưng nói thế không có nghĩa người vợ phải luôn lép vế, khuất phục trước chồng bởi bất cứ lý do nào. Vì theo các chuyên gia về tình yêu hôn nhân và gia đình, đồng thời cũng theo kinh nghiệm của các người chị, người mẹ có một mái ấm tuyệt vời, thì cái sự làm lành cũng chính là thứ vũ khí quan trọng để bảo vệ và tôn tạo hạnh phúc gia đình.”
Để kết luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện như sau :
Có hai vợ chồng nọ, hồi còn trẻ họ sống rất yêu thương và hạnh phúc, nhưng khi đã về già, thì lại thường xuyên lục đục và cãi vã nhau suốt ngày. Ông nói một thì bà nói hai. Ông nói hai thì bà nói ba. Và ông nói ba thì bà nói tới bảy, tám, chín, mười…Cuối cùng, chẳng ai chịu nhận mình là kẻ có lỗi.
Người hàng xóm thấy vậy bèn góp ý :
- Trên núi kia có một vị sư bào chế được một thứ thuốc giúp cho nhiều gia đình được êm ấm thuận hòa.
Bà nghe lời, bèn đi lên núi tìm gặp vị sư. Sau khi nghe trình bày, vị sư liền trao cho bà một chai thuốc và nói :
- Đây là một loại thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Hễ khi nào ông gây sự, bà chỉ cần ngậm một ngụm ở trong miệng, không được nuốt và cũng chẳng được nhổ ra, cho tới khi ông không còn nói nữa, rồi mọi chuyện sẽ được ổn thỏa và tốt đẹp.
Bà hăm hở xuống núi. Thế nhưng vừa về tới đầu ngõ, thì ông từ trong nhà vội chạy ra, nét mặt hầm hầm và nói như quát :
- Bà rúc ở cái xó xỉnh nào mà giờ này mới vác xác về. Đi mà lo cơm nước, không thì liệu hồn đấy.
Nghe vậy, bà liền tợp một ngụm thuốc, ngập ở trong miệng đúng như lời căn dặn của vị sư. Thấy bà chẳng đáp lời, một lúc sau ông cũng lặng thinh.
Bà hết sức vui mừng và thầm nghĩ :
- Đây quả là một thứ nước thần rất hiệu nghiệm.
Khi bà bắt đầu vo gạo để thổi cơm, thì ông lại la :
- Làm gì mà chậm như rùa vậy.
Bà toan cãi lại, nhưng nhớ tới lời căn dặn của vị sư, bèn tợp một ngụm thuốc trong miệng. Thấy bà không cãi lại, ông đành phải im luôn. Từ đó hai ông bà dần dần trở lại cuộc sống êm ấm và hạnh phúc của hồi còn trẻ. Thứ nước thần hay thuốc gia truyền ấy, chẳng qua chỉ là nước lã mà thôi.
Kinh nghiệm ngàn đời cho chúng ta thấy :
- Một sự nhịn là chín sự lành.
Trong cuộc sống vợ chồng, nhiều lúc phải nhường. Mà đã nhường thì nhiều lúc cũng phải nhịn. Mà đã nhịn thì nhiều lúc cũng phải cắn răng chịu nhục, nhưng đó lại là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc.
Chuyện phiếm của Gã Siêu.