Đêm Giao Thừa nhớ Mẹ
Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm vui.....
Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây lúa cũng được ăn tết như người. Tôi dẫn ba đứa em, cuốn áo bông vào rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra sông, sông trốn vào sương mà lưng lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt, rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng xóm chia phần thịt lợn.
Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ lương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ.
Note: hình trong bài này là minh họa
Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào sưởi ấm.
Có những khuya cả nhà ngủ cả, mẹ bảo nhỏ vào tai tôi như thế. Có lúc, mẹ tủi thân, lặng đi, đoạn ôm lấy bốn đứa con còn bé dại hỏi : chúng mày có thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to : thương ! Mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ khóc, sợ quá cùng khóc theo.
Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn tôi ra bến xe lên đường đi vào cõi…tử, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng. Tôi ngoái nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu ngõ vậy. Tôi ù té chạy, sợ quay lại sẽ không thể đi khỏi cái xã quê hương mình, nơi cán bộ xã đầy đọa tôi vì lý lịch, không cho đi đại học, bắt ở nhà làm tổ trưởng gánh phân bắc ( phân người), phải đút lót mười con gà mới được gọi nhập ngũ… Tôi đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…
Rằng mấy đứa con chính là di tượng của mẹ còn sống động, còn bay nhảy trên mặt đất. Tôi không hề ngủ gật và nằm mơ như thuở xưa. Nhưng gió bấc đã đến và thổi bay mẹ tôi đi về cõi khác mất rồi. Người Việt mình có câu :” Sinh dữ, tử lành”. Ngày tết, trước giao thừa, là dịp chúng ta tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà đã khuất. Mẹ đã hóa thành nấm cỏ xanh ngoài đồng vắng sau làng. Cỏ ấy ngày xưa mẹ từng dạy tôi cầm liềm cắt về nuôi trâu ăn lấy sức kéo cày. Nay mẹ lại biến thành nấm đất nuôi cỏ xanh. Chỉ có đội kèn dế là ở mãi bên mẹ để cử hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, những bài ca Requiem, kinh cầu hồn của tạo vật.
Tôi từng làm đóm mạ chạy ra đồng, xách giỏ cua đỡ mẹ. Con cua cắp để lại càng trên tay, lên bờ, lặng người, rứt càng cua ra khỏi tay rồi mẹ mới ngồi đau. Đôi bàn tay búp măng của mẹ lúc nào cũng đầy vết cua cắp, vết ngạnh cá trê đâm, vết gai từ các chà cá cào xước.
Những móng tay, móng chân mẹ nào có được sơn son đỏ như phụ nữ đô thị bây giờ. Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất. Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…
Giao thừa đến rồi đó mẹ. Ở phía bên kia của cuộc sống, mẹ không cần ai mừng tuổi đâu.
Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời, các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô. Nơi con người bước vào cuộc đời, vất vả cực nhọc kiếm sống, hạnh phúc, khổ đau rồi lại trở về, như những đứa con về với mẹ vĩnh hằng.
Sài Gòn những ngày tết tha phương cầu thực
Trần Mạnh Hảo