Vợ chồng tôi đã làm gì sai mà bố mẹ chồng nghiệt ngã?
Kính thưa quý báo!
Hai năm vừa qua, gia đình tôi đã trải qua những biến cố không tưởng tượng nổi. Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại xảy ra với gia đình tôi tồi tệ đến thế. Tôi quyết định kể lại câu chuyện này bởi vì, thú thật, tôi vẫn còn choáng váng và rất buồn bực trước những cư xử nghiệt ngã kỳ lạ của bố mẹ chồng.
Mọi chuyện bắt đầu từ Rằm tháng Bảy năm kia, vợ chồng tôi và hai đứa con gái còn nhỏ từ Sài Gòn về quê thăm gia đình đôi bên ở ngoài Trung. Thường thì mỗi năm vợ chồng con cái tôi về quê thăm nhà hai lần: Một lần vào dịp Tết Nguyên đán và một lần vào dịp Rằm tháng Bảy, các cháu được nghỉ hè và đó cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, nên vợ chồng tôi thường tổ chức cho cả gia đình về quê nhân thể cúng Rằm và dâng hương cho tổ tiên hai bên nội ngoại.
Vợ chồng tôi học xong đại học, ở quê nhà không xin được việc làm nên bàn tính, dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp. Cũng may, có tấm bằng đại học, chúng tôi từ hai bàn tay trắng, tìm việc, mày mò làm lụng vất vả kiếm sống và sau 15 năm lập nghiệp ở nơi đất khách quê người, chúng tôi đã có chút của nả, xây dựng được một ngôi nhà nhỏ 4 tầng, khang trang, ở trong một quận nội thành, ngoài ra còn dành dụm mua được một miếng đất và gửi được một số tiền tiết kiệm để sống thoải mái, không phải lấn cấn lo việc cơm áo gạo tiền.
Vợ chồng tôi đều là con đầu lòng của cả hai bên nội ngoại, nên đều nhận trách nhiệm nuôi các em ăn học đại học khi các em thi đậu, vào học trong Sài Gòn. Các em ra trường thì nhà tôi thu xếp, xin việc cho các em để các em có công ăn việc làm ổn định. Bố mẹ hai bên ở ngoài Trung đều nghèo và đều đông con nhưng vợ chồng tôi không quản ngại việc đó, hết lòng thay cha mẹ hai bên để nuôi các em.
Con gái đầu lòng của chúng tôi hết sức thông minh. Cháu đoạt học sinh giỏi cấp quốc gia cả hai môn là Toán và tiếng Anh. Trong dịp về lần này chúng tôi nhắm tạ ơn tổ tiên, kính báo lên tổ tiên là con gái của chúng tôi đã được học bổng toàn phần của Canada. Trong khi làm thủ tục cho con sang Canada du học, vợ chồng tôi đưa hai con về quê chơi để tạ ơn tổ tiên và cầu bình an cho các con.
Đúng rằm hôm ấy, sau khi họ hàng bên chồng cúng vái nhà thờ họ xong, bác trưởng tộc mời mọi người họp để bàn chuyện xây nhà thờ Tổ. Ở quê, việc xây nhà thờ Tổ rất quan trọng, mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải chia đầu người ra để đóng góp tiền bạc. Quê chúng tôi ở miền Trung nghèo khó, gia cảnh các cô, các chú, các bác tuy có khá hơn trước nhưng cũng chưa khấm khá gì nhiều.
Sau khi bàn bạc, dự kiến xây nhà thờ Tổ hết khoảng 300 triệu đồng không kể công thợ vì trong họ hàng có nhiều người rất giỏi tay nghề, họ tự nguyện làm không tính công. Xong, trước khi tính toán cụ thể từng gia đình phải đóng bao nhiêu, bác trưởng tộc nhìn nhà tôi và hỏi: “Sao nào, anh trưởng chi phía bên ông bà Hai, đi làm ăn xa ở trong Sài Gòn nghe nói khá lắm, anh xung phong đóng góp xây nhà thờ Tổ bao nhiêu cho bà con họ hàng ở ngoài nì đỡ phải đóng nào?”. Nhà tôi đứng lên, mọi người vỗ tay. Cái vỗ tay đó khiến nhà tôi cảm thấy bắt buộc mình phải đóng góp thật khá, coi như đỡ cho mọi người, bởi vậy nhà tôi xin đóng một phần ba tức 100 triệu đồng, mọi người lại vỗ tay ào ào. Sau khi nhà tôi phát biểu xong, tự dưng bố mẹ chồng tôi nổi đóa lên. Bố chồng tôi lập tức đứng dậy phản đối việc con trai cả của ông đóng 100 triệu. Ông đùng đùng nổi giận, chỉ thẳng vào mặt con trai: “Mày đừng tưởng mày giàu có mà kênh kiệu! Mày cậy mày nhiều tiền hả? Đồng tiền của mày là đồng tiền dơ bẩn, ăn gian nói dối trong khi buôn bán, thứ tiền của quân ăn cướp! Không có tiền của mày họ hàng cũng đóng góp được!”.
Nói xong, bố chồng tôi tiếp tục chỉ tay vào mặt tôi là con dâu đang ngồi cạnh đấy, xỉa xói: “Mày là hạng con dâu không biết đẻ. Đẻ toàn một thứ con gái! Ngay đến con chó giữ nhà nó còn biết đẻ cả con cái lẫn con đực huống chi con người! Mày là thứ đàn bà vô dụng, sanh con một bề!” Chửi bới hai vợ chồng tôi đã đời rồi bố mẹ chồng tôi đùng đùng bỏ về trước sự ngỡ ngàng của họ hàng và sự chết sững không nói nên lời của vợ chồng tôi.
Tối hôm ấy, tuy giận lắm nhưng vợ chồng tôi cũng trở về nhà bố mẹ chồng thì bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà. Mẹ chồng tôi mắng: “Chúng mày tưởng chúng mày có tiền nên muốn làm gì thì làm hả? Em trai chúng mày ở trong ấy chưa có nhà để ở, sao chúng mày không cho nó miếng đất rồi cho nó tiền xây nhà mà lại dâng cho cả họ? Bố mày tiếc tiền, tức lắm nên mới chửi chúng mày ngay trước mặt mọi người như vậy đấy!”.
Tội nghiệp hai đứa con gái của chúng tôi, chúng không có mặt trong cuộc họp nên chẳng hiểu gì cả, cứ ngớ ra, so lại một chỗ. Đêm ấy, vợ chồng, con cái chúng tôi phải ra khách sạn để ngủ. Chồng tôi cũng tự ái và mắc cỡ với vợ là có bố mẹ xử sự quá thô bạo và vô lý, nên hôm sau kêu xe đưa vợ con lên nhà ông bà ngoại chơi hai bữa rồi bay thẳng vào Sài Gòn, không trở lại nhà bố mẹ nữa.
Sau lần về quê đáng buồn ấy được một tháng thì chúng tôi làm xong thủ tục cho cháu lớn đi du học Canada. Tuy rất giận nhưng trước khi cháu đi, tôi cũng khuyên cháu gọi điện thoại về quê chào ông bà nội. Ông nội không trả lời còn bà nội thì ừ hử rồi cúp máy cái rụp.
Kể từ đó, giữa gia đình tôi và gia đình bố mẹ chồng rất căng thẳng. Chúng tôi xa quê, ở trong Sài Gòn không có họ hàng thân thích gì cả nên việc bị bố mẹ hiểu lầm khiến chồng tôi hết sức buồn phiền. Chồng tôi gọi điện thoại nói chuyện với cậu em trai – tức cậu em mà chúng tôi đã nuôi ăn học suốt 6-7 năm trời – và nhắc lại rằng ngày trước anh chị đã nói với chú, chỉ hỗ trợ cho chú ăn học xong đại học, lo cho chú có công ăn việc làm, sau đó chú phải phấn đấu, tự lo lấy cuộc sống của mình. Anh chị dành dụm mua được miếng đất, đấy là của để dành để đề phòng trường hợp cháu lớn du học, khi nào cần đến thì bán đi lấy tiền cho đỡ phải lo. Vậy mà bố mẹ không hiểu, mắng anh chị tại sao không cho em lại đi dâng 100 triệu đồng xây nhà thờ Tổ. Cậu em trai nhà tôi im lặng nghe, không nói gì cả.
Câu chuyện không dừng lại ở đấy mà bố chồng tôi tiếp tục gọi điện thoại vào chửi chồng tôi là quân ngu xuẩn, anh em ruột thịt không thương, đem tiền dâng cho cả họ. Ông còn dọa sẽ viết thư cho Quản lý thị trường ở trong Sài Gòn điều tra xem vợ chồng tôi mua gian bán lận thế nào mà mới 15 năm đã xây được nhà, mua được đất, có tiền cho con du học, ông sẽ kiện cho chúng tôi trắng mắt, không còn đất sống nữa. Chồng tôi hậm hực: “Nó được học bổng của Canada chứ lấy tiền đâu mà du học. Ở cái đất Sài Gòn này, mình không bằng móng chân người ta chứ giàu có gì mà kiện với chẳng kiện, hơi động một tí là tố cáo nhau theo kiểu quan liêu bao cấp ngày trước. Đấy, kiện đi, có mà người ta vứt vào sọt rác. Ngay đến mình buôn bán cả chục năm nay còn chả biết Quản lý thị trường Sài Gòn ở chỗ nào huống chi ngoài ấy!” Chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao bố chồng tôi tự nhiên lại trở nên hung hăng mất hết tính người như vậy. Trước đây, dù ông có khó tính, khắt khe và hay đòi hỏi quyền lợi vật chất từ con cái song cũng chưa bao giờ bộc lộ sự vô lý quá mức như vậy.
Lễ Vu lan năm ngoái, chồng tôi bận công việc, tôi đem đứa con gái thứ hai về quê nhưng chỉ ở bên ông bà ngoại chứ không về nhà bố mẹ chồng. Kể từ lần bị chửi là thứ đàn bà vô dụng, đẻ con một bề, tôi tức lắm, tôi nghĩ rằng người ta làm đến tổng thống Mỹ, tổng thống Nga như ông Bush, ông Obama, ông Putin mà sinh toàn con gái thì cũng phải chịu chứ cái thứ tôi đáng kể gì. Tôi cũng muốn sinh con trai cho có nếp có tẻ lắm chứ, nhưng trời cho sao thì nhận vậy, con nào cũng là con, không cần phân biệt.
Mùa hè năm ngoái, con gái út chúng tôi chẳng may đổ bệnh. Tự nhiên không hiểu sao cháu mắc một căn bệnh lạ về dây thần kinh, các bệnh viện Việt Nam không chẩn đoán được, tôi phải đem cháu sang Canada chữa trị, nhân đó thăm đứa con gái lớn luôn một thể.
Biết cháu bị bệnh, ông bà ngoại luôn luôn gọi điện thoại qua hỏi thăm sức khỏe và bệnh tình của cháu, còn ông bà nội thì không được một lời. Đã vậy tôi còn nghe bà con ở quê cho biết bố chồng tôi nói đáng đời hai đứa khốn nạn đó, “co cóp cho cọp nó tha”, lần này con bệnh cứ gọi là sạch bách của cải. Nghe tin mà tôi buồn muốn chảy nước mắt.
Cuối cùng, các bác sĩ Canada cũng tìm ra căn nguyên bệnh của con gái tôi và đã điều trị khiến con tôi dần dần bình phục, trở lại bình thường. Hôm tiễn hai mẹ con tôi ra sân bay trở về Việt Nam, đứa con gái lớn cầm tay tôi, ứa nước mắt dặn dò: “Thôi mẹ ạ, ông bà nội già rồi, dù có đối xử với mẹ thế nào mẹ cũng đừng buồn, cứ bỏ qua tất cả là xong hết. Con ở bên này xa gia đình nên nhớ nhà lắm, thấy tình cảm gia đình là trên hết, giá ông bà nội có chửi con con cũng không để ý”. Tôi rất ngạc nhiên, con tôi mới ra nước ngoài chưa đầy một năm mà đã có cái nhìn rộng rãi của người văn minh như vậy hay sao? Chẳng bù cho chúng tôi, ở cái đất nước nghèo khó, luôn luôn kèn cựa nhau, ghét bỏ nhau một cách thiển cận, ngay người trong gia đình cũng sẵn sàng coi nhau như kẻ thù. Con tôi “người lớn” như thế tôi rất mát ruột và thấy sinh con gái hay sinh con trai thì cũng thế thôi, miễn sao chúng biết phân biệt lẽ phải.
Từ ngày đứa con gái thứ hai của chúng tôi được điều trị, trở lại khỏe mạnh bình thường, tôi rất biết ơn trời đất, tổ tiên ông bà nên năng đi chùa, ăn chay niệm Phật. Đôi khi, tôi cũng muốn đưa con về quê thăm ông bà ngoại vì bố mẹ tôi già rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa, nhưng theo tôi biết thì ông bà nội vẫn còn ghét vợ chồng tôi, không muốn cho chúng tôi về. Chả lẽ về thăm bố mẹ đẻ mà không thăm bố mẹ chồng? Điều đó khiến tôi khó nghĩ nên cứ nấn ná, không rủ nhà tôi về quê. Không về, mang tiếng với họ hàng là con cái mà hận thù đối với bố mẹ, còn nếu về, chắc ông bà nội cũng chẳng vui vẻ gì nên tôi không về. Tôi biết bỏ mặc cha mẹ ở ngoài ấy nhà tôi áy náy lắm. Tôi thương tôi một thì thương nhà tôi mười. Nhiều lúc tôi tự hỏi vợ chồng tôi đã làm gì sai khiến bố mẹ chồng tôi đối xử nghiệt ngã với vợ chồng tôi như vậy. Nếu biết, tôi sẽ quỳ xuống xin lỗi ông bà và sẽ sửa chữa để gia đình được vui vẻ như cũ và nhà tôi khỏi buồn về tội vẫn còn phiền giận bố mẹ.
QT - Sài Gòn
Lời tòa soạn
Bạn Q.T. thân mến!
Câu chuyện bạn kể thật xót xa. Chúng tôi không thể trả lời nổi câu hỏi là vợ chồng bạn đã làm gì sai và sai ở chỗ nào đến nỗi bố mẹ chồng phải chửi mắng gần như từ bỏ gia đình bạn.
Thật ra, trên đời này, trường hợp khắc nghiệt như bố mẹ chồng của bạn không phải là không có. Mới đây, vụ ban đêm đổ xăng lên giường đốt cả gia đình người con trai ở Hải Phòng làm chết cháy hai đứa cháu gái và ngay chính ông nội là người đốt cũng bị chết cháy, đều phát xuất từ mâu thuẫn gia đình, mà chủ yếu là bố chồng ghét con dâu do sinh con một bề “không biết đẻ con trai”. Nhà có 6 người thì bà nội, con trai, con dâu bị phỏng rất nặng chưa biết có sống nổi hay không; ông nội và 2 cháu gái chết; gia đình hoàn toàn tan nát. Thảm kịch khủng khiếp đó là do cái quan niệm cổ điển, lạc hậu, đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Nếu bạn cần có một lời khuyên, chúng tôi sẽ khuyên bạn hãy dẹp bỏ lòng tự ái, chủ động tha thứ cho bố mẹ chồng và khuyến khích chồng, cùng chồng trở về quê thăm bố mẹ để xóa bỏ những hiểu lầm, những định kiến, những ác cảm trong lòng bố mẹ chồng, giống như cô bé con gái bạn ở Canada đã nói. Thân mến, chúc bạn thành công. -Tòa soạn
Đoàn Dự ghi chép
đọc để rút tỉa thêm kinh nghiệm
Kính thưa quý báo!
Hai năm vừa qua, gia đình tôi đã trải qua những biến cố không tưởng tượng nổi. Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại xảy ra với gia đình tôi tồi tệ đến thế. Tôi quyết định kể lại câu chuyện này bởi vì, thú thật, tôi vẫn còn choáng váng và rất buồn bực trước những cư xử nghiệt ngã kỳ lạ của bố mẹ chồng.
Mọi chuyện bắt đầu từ Rằm tháng Bảy năm kia, vợ chồng tôi và hai đứa con gái còn nhỏ từ Sài Gòn về quê thăm gia đình đôi bên ở ngoài Trung. Thường thì mỗi năm vợ chồng con cái tôi về quê thăm nhà hai lần: Một lần vào dịp Tết Nguyên đán và một lần vào dịp Rằm tháng Bảy, các cháu được nghỉ hè và đó cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, nên vợ chồng tôi thường tổ chức cho cả gia đình về quê nhân thể cúng Rằm và dâng hương cho tổ tiên hai bên nội ngoại.
Vợ chồng tôi học xong đại học, ở quê nhà không xin được việc làm nên bàn tính, dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp. Cũng may, có tấm bằng đại học, chúng tôi từ hai bàn tay trắng, tìm việc, mày mò làm lụng vất vả kiếm sống và sau 15 năm lập nghiệp ở nơi đất khách quê người, chúng tôi đã có chút của nả, xây dựng được một ngôi nhà nhỏ 4 tầng, khang trang, ở trong một quận nội thành, ngoài ra còn dành dụm mua được một miếng đất và gửi được một số tiền tiết kiệm để sống thoải mái, không phải lấn cấn lo việc cơm áo gạo tiền.
Vợ chồng tôi đều là con đầu lòng của cả hai bên nội ngoại, nên đều nhận trách nhiệm nuôi các em ăn học đại học khi các em thi đậu, vào học trong Sài Gòn. Các em ra trường thì nhà tôi thu xếp, xin việc cho các em để các em có công ăn việc làm ổn định. Bố mẹ hai bên ở ngoài Trung đều nghèo và đều đông con nhưng vợ chồng tôi không quản ngại việc đó, hết lòng thay cha mẹ hai bên để nuôi các em.
Con gái đầu lòng của chúng tôi hết sức thông minh. Cháu đoạt học sinh giỏi cấp quốc gia cả hai môn là Toán và tiếng Anh. Trong dịp về lần này chúng tôi nhắm tạ ơn tổ tiên, kính báo lên tổ tiên là con gái của chúng tôi đã được học bổng toàn phần của Canada. Trong khi làm thủ tục cho con sang Canada du học, vợ chồng tôi đưa hai con về quê chơi để tạ ơn tổ tiên và cầu bình an cho các con.
Đúng rằm hôm ấy, sau khi họ hàng bên chồng cúng vái nhà thờ họ xong, bác trưởng tộc mời mọi người họp để bàn chuyện xây nhà thờ Tổ. Ở quê, việc xây nhà thờ Tổ rất quan trọng, mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải chia đầu người ra để đóng góp tiền bạc. Quê chúng tôi ở miền Trung nghèo khó, gia cảnh các cô, các chú, các bác tuy có khá hơn trước nhưng cũng chưa khấm khá gì nhiều.
Sau khi bàn bạc, dự kiến xây nhà thờ Tổ hết khoảng 300 triệu đồng không kể công thợ vì trong họ hàng có nhiều người rất giỏi tay nghề, họ tự nguyện làm không tính công. Xong, trước khi tính toán cụ thể từng gia đình phải đóng bao nhiêu, bác trưởng tộc nhìn nhà tôi và hỏi: “Sao nào, anh trưởng chi phía bên ông bà Hai, đi làm ăn xa ở trong Sài Gòn nghe nói khá lắm, anh xung phong đóng góp xây nhà thờ Tổ bao nhiêu cho bà con họ hàng ở ngoài nì đỡ phải đóng nào?”. Nhà tôi đứng lên, mọi người vỗ tay. Cái vỗ tay đó khiến nhà tôi cảm thấy bắt buộc mình phải đóng góp thật khá, coi như đỡ cho mọi người, bởi vậy nhà tôi xin đóng một phần ba tức 100 triệu đồng, mọi người lại vỗ tay ào ào. Sau khi nhà tôi phát biểu xong, tự dưng bố mẹ chồng tôi nổi đóa lên. Bố chồng tôi lập tức đứng dậy phản đối việc con trai cả của ông đóng 100 triệu. Ông đùng đùng nổi giận, chỉ thẳng vào mặt con trai: “Mày đừng tưởng mày giàu có mà kênh kiệu! Mày cậy mày nhiều tiền hả? Đồng tiền của mày là đồng tiền dơ bẩn, ăn gian nói dối trong khi buôn bán, thứ tiền của quân ăn cướp! Không có tiền của mày họ hàng cũng đóng góp được!”.
Nói xong, bố chồng tôi tiếp tục chỉ tay vào mặt tôi là con dâu đang ngồi cạnh đấy, xỉa xói: “Mày là hạng con dâu không biết đẻ. Đẻ toàn một thứ con gái! Ngay đến con chó giữ nhà nó còn biết đẻ cả con cái lẫn con đực huống chi con người! Mày là thứ đàn bà vô dụng, sanh con một bề!” Chửi bới hai vợ chồng tôi đã đời rồi bố mẹ chồng tôi đùng đùng bỏ về trước sự ngỡ ngàng của họ hàng và sự chết sững không nói nên lời của vợ chồng tôi.
Tối hôm ấy, tuy giận lắm nhưng vợ chồng tôi cũng trở về nhà bố mẹ chồng thì bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà. Mẹ chồng tôi mắng: “Chúng mày tưởng chúng mày có tiền nên muốn làm gì thì làm hả? Em trai chúng mày ở trong ấy chưa có nhà để ở, sao chúng mày không cho nó miếng đất rồi cho nó tiền xây nhà mà lại dâng cho cả họ? Bố mày tiếc tiền, tức lắm nên mới chửi chúng mày ngay trước mặt mọi người như vậy đấy!”.
Tội nghiệp hai đứa con gái của chúng tôi, chúng không có mặt trong cuộc họp nên chẳng hiểu gì cả, cứ ngớ ra, so lại một chỗ. Đêm ấy, vợ chồng, con cái chúng tôi phải ra khách sạn để ngủ. Chồng tôi cũng tự ái và mắc cỡ với vợ là có bố mẹ xử sự quá thô bạo và vô lý, nên hôm sau kêu xe đưa vợ con lên nhà ông bà ngoại chơi hai bữa rồi bay thẳng vào Sài Gòn, không trở lại nhà bố mẹ nữa.
Sau lần về quê đáng buồn ấy được một tháng thì chúng tôi làm xong thủ tục cho cháu lớn đi du học Canada. Tuy rất giận nhưng trước khi cháu đi, tôi cũng khuyên cháu gọi điện thoại về quê chào ông bà nội. Ông nội không trả lời còn bà nội thì ừ hử rồi cúp máy cái rụp.
Kể từ đó, giữa gia đình tôi và gia đình bố mẹ chồng rất căng thẳng. Chúng tôi xa quê, ở trong Sài Gòn không có họ hàng thân thích gì cả nên việc bị bố mẹ hiểu lầm khiến chồng tôi hết sức buồn phiền. Chồng tôi gọi điện thoại nói chuyện với cậu em trai – tức cậu em mà chúng tôi đã nuôi ăn học suốt 6-7 năm trời – và nhắc lại rằng ngày trước anh chị đã nói với chú, chỉ hỗ trợ cho chú ăn học xong đại học, lo cho chú có công ăn việc làm, sau đó chú phải phấn đấu, tự lo lấy cuộc sống của mình. Anh chị dành dụm mua được miếng đất, đấy là của để dành để đề phòng trường hợp cháu lớn du học, khi nào cần đến thì bán đi lấy tiền cho đỡ phải lo. Vậy mà bố mẹ không hiểu, mắng anh chị tại sao không cho em lại đi dâng 100 triệu đồng xây nhà thờ Tổ. Cậu em trai nhà tôi im lặng nghe, không nói gì cả.
Câu chuyện không dừng lại ở đấy mà bố chồng tôi tiếp tục gọi điện thoại vào chửi chồng tôi là quân ngu xuẩn, anh em ruột thịt không thương, đem tiền dâng cho cả họ. Ông còn dọa sẽ viết thư cho Quản lý thị trường ở trong Sài Gòn điều tra xem vợ chồng tôi mua gian bán lận thế nào mà mới 15 năm đã xây được nhà, mua được đất, có tiền cho con du học, ông sẽ kiện cho chúng tôi trắng mắt, không còn đất sống nữa. Chồng tôi hậm hực: “Nó được học bổng của Canada chứ lấy tiền đâu mà du học. Ở cái đất Sài Gòn này, mình không bằng móng chân người ta chứ giàu có gì mà kiện với chẳng kiện, hơi động một tí là tố cáo nhau theo kiểu quan liêu bao cấp ngày trước. Đấy, kiện đi, có mà người ta vứt vào sọt rác. Ngay đến mình buôn bán cả chục năm nay còn chả biết Quản lý thị trường Sài Gòn ở chỗ nào huống chi ngoài ấy!” Chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao bố chồng tôi tự nhiên lại trở nên hung hăng mất hết tính người như vậy. Trước đây, dù ông có khó tính, khắt khe và hay đòi hỏi quyền lợi vật chất từ con cái song cũng chưa bao giờ bộc lộ sự vô lý quá mức như vậy.
Lễ Vu lan năm ngoái, chồng tôi bận công việc, tôi đem đứa con gái thứ hai về quê nhưng chỉ ở bên ông bà ngoại chứ không về nhà bố mẹ chồng. Kể từ lần bị chửi là thứ đàn bà vô dụng, đẻ con một bề, tôi tức lắm, tôi nghĩ rằng người ta làm đến tổng thống Mỹ, tổng thống Nga như ông Bush, ông Obama, ông Putin mà sinh toàn con gái thì cũng phải chịu chứ cái thứ tôi đáng kể gì. Tôi cũng muốn sinh con trai cho có nếp có tẻ lắm chứ, nhưng trời cho sao thì nhận vậy, con nào cũng là con, không cần phân biệt.
Mùa hè năm ngoái, con gái út chúng tôi chẳng may đổ bệnh. Tự nhiên không hiểu sao cháu mắc một căn bệnh lạ về dây thần kinh, các bệnh viện Việt Nam không chẩn đoán được, tôi phải đem cháu sang Canada chữa trị, nhân đó thăm đứa con gái lớn luôn một thể.
Biết cháu bị bệnh, ông bà ngoại luôn luôn gọi điện thoại qua hỏi thăm sức khỏe và bệnh tình của cháu, còn ông bà nội thì không được một lời. Đã vậy tôi còn nghe bà con ở quê cho biết bố chồng tôi nói đáng đời hai đứa khốn nạn đó, “co cóp cho cọp nó tha”, lần này con bệnh cứ gọi là sạch bách của cải. Nghe tin mà tôi buồn muốn chảy nước mắt.
Cuối cùng, các bác sĩ Canada cũng tìm ra căn nguyên bệnh của con gái tôi và đã điều trị khiến con tôi dần dần bình phục, trở lại bình thường. Hôm tiễn hai mẹ con tôi ra sân bay trở về Việt Nam, đứa con gái lớn cầm tay tôi, ứa nước mắt dặn dò: “Thôi mẹ ạ, ông bà nội già rồi, dù có đối xử với mẹ thế nào mẹ cũng đừng buồn, cứ bỏ qua tất cả là xong hết. Con ở bên này xa gia đình nên nhớ nhà lắm, thấy tình cảm gia đình là trên hết, giá ông bà nội có chửi con con cũng không để ý”. Tôi rất ngạc nhiên, con tôi mới ra nước ngoài chưa đầy một năm mà đã có cái nhìn rộng rãi của người văn minh như vậy hay sao? Chẳng bù cho chúng tôi, ở cái đất nước nghèo khó, luôn luôn kèn cựa nhau, ghét bỏ nhau một cách thiển cận, ngay người trong gia đình cũng sẵn sàng coi nhau như kẻ thù. Con tôi “người lớn” như thế tôi rất mát ruột và thấy sinh con gái hay sinh con trai thì cũng thế thôi, miễn sao chúng biết phân biệt lẽ phải.
Từ ngày đứa con gái thứ hai của chúng tôi được điều trị, trở lại khỏe mạnh bình thường, tôi rất biết ơn trời đất, tổ tiên ông bà nên năng đi chùa, ăn chay niệm Phật. Đôi khi, tôi cũng muốn đưa con về quê thăm ông bà ngoại vì bố mẹ tôi già rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa, nhưng theo tôi biết thì ông bà nội vẫn còn ghét vợ chồng tôi, không muốn cho chúng tôi về. Chả lẽ về thăm bố mẹ đẻ mà không thăm bố mẹ chồng? Điều đó khiến tôi khó nghĩ nên cứ nấn ná, không rủ nhà tôi về quê. Không về, mang tiếng với họ hàng là con cái mà hận thù đối với bố mẹ, còn nếu về, chắc ông bà nội cũng chẳng vui vẻ gì nên tôi không về. Tôi biết bỏ mặc cha mẹ ở ngoài ấy nhà tôi áy náy lắm. Tôi thương tôi một thì thương nhà tôi mười. Nhiều lúc tôi tự hỏi vợ chồng tôi đã làm gì sai khiến bố mẹ chồng tôi đối xử nghiệt ngã với vợ chồng tôi như vậy. Nếu biết, tôi sẽ quỳ xuống xin lỗi ông bà và sẽ sửa chữa để gia đình được vui vẻ như cũ và nhà tôi khỏi buồn về tội vẫn còn phiền giận bố mẹ.
QT - Sài Gòn
Lời tòa soạn
Bạn Q.T. thân mến!
Câu chuyện bạn kể thật xót xa. Chúng tôi không thể trả lời nổi câu hỏi là vợ chồng bạn đã làm gì sai và sai ở chỗ nào đến nỗi bố mẹ chồng phải chửi mắng gần như từ bỏ gia đình bạn.
Thật ra, trên đời này, trường hợp khắc nghiệt như bố mẹ chồng của bạn không phải là không có. Mới đây, vụ ban đêm đổ xăng lên giường đốt cả gia đình người con trai ở Hải Phòng làm chết cháy hai đứa cháu gái và ngay chính ông nội là người đốt cũng bị chết cháy, đều phát xuất từ mâu thuẫn gia đình, mà chủ yếu là bố chồng ghét con dâu do sinh con một bề “không biết đẻ con trai”. Nhà có 6 người thì bà nội, con trai, con dâu bị phỏng rất nặng chưa biết có sống nổi hay không; ông nội và 2 cháu gái chết; gia đình hoàn toàn tan nát. Thảm kịch khủng khiếp đó là do cái quan niệm cổ điển, lạc hậu, đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Nếu bạn cần có một lời khuyên, chúng tôi sẽ khuyên bạn hãy dẹp bỏ lòng tự ái, chủ động tha thứ cho bố mẹ chồng và khuyến khích chồng, cùng chồng trở về quê thăm bố mẹ để xóa bỏ những hiểu lầm, những định kiến, những ác cảm trong lòng bố mẹ chồng, giống như cô bé con gái bạn ở Canada đã nói. Thân mến, chúc bạn thành công. -Tòa soạn
Đoàn Dự ghi chép
đọc để rút tỉa thêm kinh nghiệm