Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Thuật toán trí tuệ nhân tạo và chuyện gỡ rối tơ lòng

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thuật toán trí tuệ nhân tạo và chuyện gỡ rối tơ lòng

    Thuật toán trí tuệ nhân tạo và chuyện gỡ rối tơ lòng



    ​Trong tình yêu, tai hại nhất hẳn là sự ngộ nhận, còn tiếc nuối nhất là khi người ta “bật đèn xanh” mà mình chẳng hề hay biết. Nhìn dưới lăng kính khoa học công nghệ, đây là kết quả của việc thiếu dữ liệu về đối phương. Vừa may, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) lại khá giỏi trong việc phân tích dữ liệu rồi đưa ra phán đoán.​

    Bạn đang ruột rối tơ vò không biết người kia đang có tình ý với mình hay “anh/em chỉ muốn làm bạn tốt của nhau”? Thay vì ngồi đếm cánh hoa cúc “yêu, không yêu” như các cụ, ta có thể nhờ AI xem qua ta và người ấy đã nói với nhau những gì, rồi thuật toán sẽ phán đấy là yêu hoặc không yêu.

    Ứng dụng AI vào chuyện lạ đời như vậy, tưởng là nói chơi nhưng lại là một nhánh nghiên cứu nghiêm túc. Và không chỉ một mà nhiều app đã được phát triển, giúp người dùng “gỡ rối tơ lòng”.

    Thầy phán tình duyên

    “Người bạn thầm thương trộm nhớ thích bạn đến mức nào? Ứng dụng của chúng tôi chuyên phân tích các mối quan hệ thông qua tin nhắn để giúp bạn biết người khác cảm thấy thế nào về mình, một cách bí mật”.

    Đó là lời rao của Crushh, ứng dụng di động (hiện chỉ có phiên bản Android) chỉ cần đọc qua các đoạn chat của người dùng với người khác là có thể cho điểm mối quan hệ giữa hai người theo thang từ 0-5.

    Ứng dụng còn phân tích được cả mức độ gắn bó (người ta có hay nhắn cho bạn không, mỗi lần nhắn có trả lời ngay không) và mức độ quan tâm (người ấy có hay dùng các biểu tượng emoji và những “lời có cánh” không).

    Theo video tự giới thiệu, Crushh sẽ là “quân sư” đáng tin cậy, giống như việc bạn đưa điện thoại cho một người bạn thân, nhờ đọc các tin nhắn của mình và người mình đang lăn tăn chẳng rõ tình ý thế nào rồi đưa ra nhận xét khách quan, vì người ngoài thường “sáng mắt” hơn.

    Khi chúng ta đang trong một mối quan hệ, các cảm xúc và khao khát của ta thường che mờ các dấu hiệu vốn rất rõ ràng - Es Lee, người tạo ra Crushh, nói với The Guardian - AI có thể nhận ra các dấu hiệu đó và đưa ra đánh giá khách quan đáng tin cậy”.

    Nếu người bạn thân bị bắt làm “quân sư quạt mo” có lúc sẽ nổi nóng vì cứ phải làm tư vấn viên bất đắc dĩ, thì Crushh nhẫn nại phân tích các cuộc chuyện trò của người dùng 24/24 giờ, ghi chép lại kết quả phân tích mỗi ngày và sẽ phát thông báo reo vui khi mối quan hệ chuyển biến tích cực, chẳng hạn từ “bạn thích người ta hơn” sang “người ấy thích bạn hơn”.

    Một ưu điểm khác mà thuật toán trội hơn con người, theo Lee, là việc AI đã được nạp dữ liệu của hàng ngàn người, vì thế có thể thấy những gì mà con người có thể bỏ qua hoặc hiểu lầm.

    Giả sử một người đàn ông 40 tuổi đang nhắn tin qua lại với một cô gái 25 tuổi luôn trả lời muộn, không dùng emoji và nội dung tin nhắn thường “nhạt”, bạn sẽ cho rằng anh ấy không thích cô gái kia? “Crushh biết rằng đó là cách một người 40 tuổi nhắn tin và nó hoàn toàn không có nghĩa người đàn ông đó không hứng thú với cô gái này” - Lee nói.

    Một ứng dụng khác cũng do Es Lee phát triển là Mei, được xem là “trợ lý tình cảm” cho người dùng. Phiên bản Android của Mei, ra mắt tháng 9-2018, dùng thuật toán phân tích các đoạn chat để ước đoán mức độ “hợp cạ” giữa bạn và người mà bạn thường nhắn tin, sau đó chấm điểm 5 đặc tính tính cách của người đó (mức độ hướng ngoại, dễ chịu, cởi mở, tận tâm và nhạy cảm).

    Đến giữa tháng 9-2019, Mei mới có bản dành cho iOS, phiên bản này cũng có tính năng tương tự: đánh giá khả năng đối phương có thích ta hay không với thang điểm 100. Hiện ứng dụng chỉ hỗ trợ WhatsApp vì ứng dụng chat này cho phép xuất nội dung trò chuyện thành file văn bản để “nạp” vào Mei dễ dàng.


    Tin hay không tin

    Theo Lee - cha đẻ của Crushh và Mei, việc phát triển các thuật toán AI phân tích nội dung chat để đo mức độ tình cảm xuất phát từ nhu cầu có thật, khi anh chứng kiến bạn mình bị người khác “cho lên đường” sau khi hẹn hò một lần.

    Lee kể với tạp chí WIRED là mình đã xem các đoạn chat của bạn với cô gái đó trên smartphone và phát hiện ra bạn mình đã hiểu sai ngụ ý của nàng trong một cuộc trò chuyện. Theo Lee, nhắn tin cũng có những tín hiệu ngầm tương tự như cử chỉ cơ thể khi trò chuyện trong đời thật, cần nhận ra và “bắt đúng sóng”, nếu không muốn mối quan hệ “tiêu tùng”.

    Đối phương luôn trả lời ngay mỗi khi nhận tin nhắn hay chờ một lúc? Người đó có dùng các dấu biểu cảm khi chat không? Tôi cho rằng các thuật toán AI có thể nhận ra và phân tích các yếu tố như vậy” - Lee giải thích.

    Nhưng độ chính xác của các “quân sư” AI này đến đâu? Tác giả phần mềm đã dùng Crushh để đưa lời khuyên khi phân vân nên hẹn hò ai giữa hai người phụ nữ mà anh “không rõ nghĩ gì về tôi”.

    Kết quả bất ngờ: người Lee nghĩ có tình ý với mình lại bị app cho điểm thấp hơn người mà anh ngỡ chẳng hứng thú gì với anh. Lee làm theo lời khuyên của Crushh, hẹn hò với người phụ nữ mà anh đã định chia tay nếu tự nghe theo con tim của mình.

    Tác giả bài viết trên The Guardian cũng thử dùng Crushh phân tích tin nhắn giữa mình và chồng, kết quả là “người này thích người kia bằng nhau”. Cây bút Arielle Pardes của WIRED lại dùng Mei để phân tích nhiều đoạn chat với các đối tượng khác nhau.

    Kết quả: người được cho là có tình cảm với tác giả nhất là “cậu bạn thời thơ ấu của tôi vốn là một người đồng tính”. Cũng dễ hiểu vì những người thân thiết khi trò chuyện với nhau đương nhiên sẽ không ngại dùng lời lẽ ngọt ngào, tần suất nhắn tin cho nhau cũng thường xuyên.

    Kết quả thử nghiệm của Pardes cũng cho thấy khuyết điểm của các thuật toán tư vấn tình yêu, song như mọi ứng dụng AI khác, những người phát triển chúng tin rằng càng dùng nhiều, càng nạp nhiều dữ liệu thì AI sẽ tự học và càng hoàn thiện hơn.

    Tương lai và bảo mật

    Trở lại chuyện tình cảm yêu đương, điều quan trọng nhất vẫn là đưa ra quyết định đúng. Ứng dụng tìm bạn hẹn hò Tinder cho người dùng quyết định quẹt trái (bỏ qua) hay quẹt phải (lựa chọn), nhưng trong tương lai, có thể AI sẽ làm thay khâu lựa chọn này cho con người.

    Chính Sean Rad, đồng sáng lập Tinder, đã vẽ ra viễn cảnh đó tại một hội nghị năm 2017: “Ta sẽ không còn phải xem xét từng ứng viên để xem cần quẹt trái hay phải, mà Tinder sẽ nói với ta rằng có một cô gái ở dưới phố mà thuật toán của ứng dụng này biết chắc cả hai sẽ hợp nhau. Tinder cũng sẽ biết cả hai đều thích ban nhạc nọ và nắm được lịch diễn của nhóm nhạc đó, rồi đề xuất mua vé giùm để cả hai đi xem buổi diễn khi hẹn hò".

    Rad thừa nhận điều này “hơi đáng sợ nếu nó thật sự diễn ra, nhưng tôi nghĩ điều đó là không tránh khỏi”.

    Thật vậy, sau hai năm, triển vọng các thuật toán AI có thể chọn đối tác tình cảm hoàn hảo nhờ tổng hợp lượng thông tin khổng lồ, từ tuổi tác, giới tính, nơi ở, xu hướng tình dục đến lịch sử mua hàng trên mạng, tài khoản mạng xã hội, danh sách nhạc trên Spotify ngày càng trở nên gần với hiện thực hơn bao giờ hết.

    Các thuật toán cuối cùng sẽ hiểu về một người còn hơn bạn bè, gia đình người đó, thậm chí hơn cả chính họ” - Michal Kosinski, phó giáo sư Trường kinh doanh ĐH Stanford (Mỹ) nói với Bloomberg.

    Điểm khác biệt lớn nhất giữa AI và một chuyên gia tư vấn là con người, theo Kosinski, chính là “các thuật toán có thể học từ kinh nghiệm của hàng tỉ người, trong khi một người bình thường chỉ có thể rút kinh nghiệm từ chính họ và một nhóm nhỏ bạn bè”.

    Lee, người đã tạo ra Mei và Crushh, dĩ nhiên cũng tin vào tương lai đó hơn ai hết. “Khi bạn có đủ dữ liệu, các thuật toán có thể lập cả một bách khoa toàn thư về đối tượng mà bạn muốn tìm hiểu” - Lee nói với WIRED.

    Mối bận tâm duy nhất khi cậy nhờ AI chuyện tư vấn tình cảm là tính riêng tư. Các đoạn chat dĩ nhiên có không ít thông tin nhạy cảm, mang chúng giao cho bên thứ ba không phải là chuyện dễ. Mei thông báo rõ với người dùng dữ liệu của họ sẽ được chuyển về máy chủ của app, và khuyên người dùng không nên tiếp tục dùng Mei “nếu bạn cảm thấy không thoải mái với điều đó”.

    (ST)
Working...
X