Đời nay cho rằng việc ăn nói là một nghệ thuật. Ăn sành điệu, nói lịch thiệp là chìa khóa của thành công trong giao tiếp xã hội. Việc ăn, nói của một người thể hiện giai tầng của người ấy. Con người thì ai cũng phải ăn để mà sống, nói để người khác biết mình muốn gì. Nhưng cuộc sống cũng lắm người sống để mà ăn và nói không cần ai hiểu, tạo thành xã hội phức tạp nhất hành tinh là xã hội loài người.
Nên không phải bây giờ mà từ xa xưa, ông bà ta đã dạy con cháu phải, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Còn nhớ khi nghe cô giáo giảng về câu tục ngữ trên cho cả lớp nghe như vịt nghe sấm vì đám trẻ trâu thì biết gì ngoài khoai lùi, ốc luộc. Đào được củ khoai thì lùi vào tro bếp còn ấm cho chín để ăn, bắt được vài con ốc thì luộc với lá sả là có ăn. Cuộc sống dân dã không làm khó chân quê bằng chữ nghĩa mơ hồ trong ca dao, tục ngữ một thời. Nhưng vẫn nhớ cô giáo dạy ăn phải biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Ngồi vào bàn ăn phải biết vai vế của mình để chọn chỗ ngồi thích hợp. Khi ăn phải xem chừng nồi cơm vơi đến đâu rồi, thức ăn trên mâm còn nhiều hay ít để sẵn sàng buông đũa ngay khi chưa no, để nhường nhịn cho những thành viên trong gia đình vì chung một mái nhà, là người thân ruột thịt của nhau. Nhường nhịn cho những thành viên chung mâm khi đã trường thành, ra ngoài xã hội vì “miếng ăn quá khẩu thì tàn”, miếng ăn không phải là vấn đề gì lớn để hay cần tranh đua.
Ăn không buông thả cho việc khoái khẩu vì nếu cứ chăm bẩm vào món ngon, không nhường nhịn người lớn kẻ nhỏ là ăn hỗn, thể hiện sự thiếu giáo dục khiến người khác chê cười cha mẹ không biết dạy. Khi trưởng thành, ra ngoài xã hội cũng không được ai coi trọng với cách ăn uống hàm hồ, thiếu tế nhị. Lịch sự khi ăn cũng là nét văn hoá như khi muốn chan canh thì gác đôi đũa xuống cạnh mâm để cầm cái vá múc canh, không vừa cầm đũa vừa cầm vá trên tay cùng lúc mà quơ hết mâm cơm, cản trở người khác gắp thức ăn là bất lịch sự, thể hiện sự thiếu giáo dục gia đình về cách ăn uống. Bữa ăn của người châu Á nói chung, người Việt nói riêng thường ăn chung mâm nên vật dụng dùng chung như cái vá múc canh thì không cho vào miệng mình, không thọc đũa riêng vào khay thức ăn, rổ bún, hũ gia vị đã có đôi đũa, hay cái thìa dùng chung như hũ ớt xay, hũ đồ chua…
Khi nói phải biết, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không nói lời miệt thị người khác, không nói lời điêu ngoa, không dựng chuyện để xúc phạm hay gây tổn thương người khác. Phải hiểu tục ngữ ca dao là tinh hoa, là văn hoá chắt lọc nên không tùy tiện dùng mà phải suy xét, cân nhắc bối cảnh, quan hệ trước khi dùng đến câu tục ngữ “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Khi nào phải lựa lời mà nói, khi nào không ngại nói ra sự thật là bản lĩnh của người có văn hoá, kinh nghiệm của người từng trải.
Cũng đừng khéo nói quá tới sáo rỗng, lố bịch. Nói lời tâng bốc cho vui lòng người đối thoại cũng đừng tâng bốc quá lố thành trơ trẽn, nịnh bợ, không làm tăng giá trị người được tâng bốc nhưng làm hạ thấp giá trị người nói lời tâng bốc quá trớn.
Nói lời thật lòng cũng phải tùy người, tình thân, quan hệ ở mức độ nào? Không nên nói thật lòng với người quen sơ, sẽ tác dụng ngược với sự thật hiển hiện là sự phũ phàng như thấy một người quen biết sơ, ăn mặc không phù hợp với tang lễ thì cứ mặc họ, đừng nói thẳng vào mặt họ là về nhà thay đồ đi cha nội. Ở đây là đám ma chứ không phải đám cưới. Nếu người ấy hiểu biết thì đã không ăn mặc như thế đi viếng đám ma, nếu cô nọ có hiểu biết thì đã không ăn mặc hở hang đến Phật chau mày khi cô viếng chùa. Khi tình thân không đủ thì đừng nói thẳng với họ về việc ăn mặc không phù hợp của họ, bởi chỉ tạo ra một trận cãi vã không cần thiết vì nếu hiểu biết thì họ đã không ăn mặc như thế đi viếng chùa hay viếng đám ma. Là người hiểu biết thì họ không cãi cối cãi chày, ngụy biện cho hành vi khiếm nhã của họ.
Không nói với người phụ nữ, “nhìn chị với con gái chị như hai chị em”. Bởi được lòng bà mẹ một thì mất lòng cô gái tới mười. Không bông đùa nhìn hai vợ chồng nọ như cha con vì tự ái cá nhân không phân biệt nam nữ, già trẻ… Tóm lại nghệ thuật nói thì người câm là thầy của những bậc thầy. Bởi không nói, chả ai bảo mình bị câm thì hà cớ gì cứ phải nói nhiều cho thêm đắc tội.
Đến việc học gói mới nhiêu khê, nhìn đòn bánh tét tròn đều, dây buộc thẳng thớm như buộc bằng máy, nhìn vuông bánh chưng vuông vức như đúc bằng khuôn, dây lạt buộc đều như dùng thước kẻ để phân ô đủ biết người thực hiện khéo tay và kỹ tính dường nào mà học hỏi họ vì đó là một nét văn hoá trong xã hội về việc của cho và cách cho. Bảo người hàng xóm: Tôi biếu ông bà cặp bánh chưng ăn tết, nhưng cặp bánh không ra hình hài nên người được cho cũng không muốn nhận vì ngộ nhận mình bị xem thường.
Học gói ngoài nghĩa cụ thể để gói quà khi cho tặng ai, hình thức không phản ánh nội dung bên trong nhưng nói lên sự tôn trọng. Mà sự tôn trọng không thể mua bằng tiền, muốn người khác tôn trọng mình thì không có cách khác là mình tôn trọng họ trước. Học gói trong cõi phàm không phí thời gian, không uổng công sức với bản chất con người thích được tôn trọng. Học gói mang nghĩa bóng trong ca dao tục ngữ là sống phải biết gói ghém, liệu cơm gắp mắm. Người không biết gói ghém cuộc sống cho phù hợp với hoàn cảnh sẽ lâm cảnh phóng túng, tùy tiện; cuộc sống thiếu trước hụt sau là không thể tránh khỏi.
Học gói không hề dễ khi tìm hiểu ý nghĩa trong tục ngữ ca dao, “khéo gói thì no khéo co thì ấm”. Nên học mở cũng nhiêu khê không kém. Nhìn một người lột trái chuối từ tốn thành ba hay bốn mảnh vỏ chuối xoè ra như đóa hoa trên tay, khẽ bóc mấy sợi gân chuối mang vị chát bỏ đi, rồi bẻ trái chuối lấy một lóng vừa miệng, ăn hết lóng này bẻ lóng khác cho đến hết trái chuối. Cũng là ăn hết trái chuối, nhưng mở trái chuối thanh nhã, từ tốn và lịch thiệp, ăn trái chuối ngoài việc ngon miệng, no bụng người ăn nhưng không làm chướng mắt người nhìn. Nếu phải nhìn một người bẻ trái chuối, rồi tước vỏ nham nhở, ngấu nghiến thô bỉ. Họ cũng ăn hết trái chuối ngon miệng, no bụng, bỏ mặc sự tởm lợm của người chứng kiến họ ăn mà thành một thành phần không được xem trọng trong xã hội loài người.
Học mở ở một cảnh giới nào đó là học cách thưởng thức nghệ thuật gói. Thiên nhiên ban tặng trái chuối thì người ăn chuối phải biết quý trọng sự gói tinh tế của tạo hoá, sự hình thành quả chuối có thẩm mỹ cao của tự nhiên. Mở gói quà tặng của người bạn, ngoài ý nghĩa, giá trị vật chất của món quà tặng, còn mở ra tâm tư, tình cảm của người gói từ việc chọn quà, chọn màu giấy, loại giấy gói quà; cách gói quà mang nhiều thông điệp tới người nhận nên người xé toạc gói quà để mau chóng biết được món quà tặng bên trong là gì, sẽ không bao giờ nhận biết được thông điệp, tâm tình của người gói quà, người tặng quà.
Màu giấy gói, màu mực viết lời chúc mừng, chia buồn… nét chữ viết rất quan trọng trong việc tặng quà nên ông bà xưa mới dạy lại con cháu việc học ăn học nói học gói học mở. Gói trọn tâm tình qua món quà đơn sơ nhưng có ý nghĩa, việc gói quà mang thông điệp qua màu giấy gói nhã nhặn, cách gói cẩn trọng như sự tôn trọng… biết đâu người nhận mở quà xúc động với chân tình sẽ mở lòng từ bi, rộng lòng tha thứ. Nếu chỉ là món quà bình thường trong quan hệ bình thường thì sự coi trọng nhau cũng đã nâng lên tầm cao mới.
Những gì học từ nhỏ không phải hiểu từ đó mà chính cuộc sống về sau mới dần hiểu ra những dạy bảo đơn giản nhưng mang triết lý sống phong phú của tiền nhân. Bây giờ nhìn người lớn ngoài nhà hàng, khi vào ăn thì họ biết kéo ghế ra ngồi, nhưng khi ăn xong thì mấy người còn nhớ được bài học công dân giáo dục thuở nhỏ là đẩy cái ghế vào gầm bàn lại. Nhìn hầu hết những đứa trẻ bây giờ thường xé toạc gói quà để mau chóng lấy được món quà tặng bên trong, bởi cha mẹ chúng cũng làm thế trước mắt chúng từ khi chúng có ý thức. Nên ở nhà, chúng kéo cái ghế ra ngồi ăn. Ăn xong xách đít đi, đứa biết dọn cái tô chúng ăn bỏ vào bồn rửa chén đã được khen là ngoan vì cha mẹ chúng cũng đã làm thế với bà ngoại, bà nội của chúng. Ngoài nhà hàng là việc của những người phục vụ phải sắp xếp lại bàn ghế sau khi thực khách rời đi.
Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội thì con người ngày càng suy đồi từ khi không còn môn học “công dân giáo dục” trong trường tiểu học. Nhưng con người hiện đại luôn tự tin là người xưa quá rắc rối, rườm rà… Nhưng họ lại đối xử khác với người bạn ghé nhà chơi, sau khi uống ly trà, ly rượu. Anh bạn cáo từ ra về với việc đẩy cái ghế anh ta kéo ra ngồi vào vị trí cũ, người gia chủ sẽ nói lời thật lòng, “lúc nào anh rảnh, ghé nhà tôi chơi nữa nha…” Khác với người bạn ghé nhà chơi tới lúc ra về cứ xách đít đi thôi. Gia chủ sẽ nói, “Cảm ơn anh ghé thăm.” Quan hệ không khá hơn mà tệ đi so với trước kia vì gia chủ mang suy nghĩ, một thực khách ngoài nhà hàng gom góp rác thải của mình cho gọn lại trên bàn ăn, đẩy cái ghế ngồi vào vị trí cũ sau khi ăn xong bỗng thấy họ tử tế, có giáo dục hơn hẳn người ăn mặc sang trọng nhưng chỉ vứt vài đồng tiền típ xuống bàn ăn, xuống đống rác của họ để lại, mặc kệ cái ghế họ ngồi cản trở lối đi của người khác vì cái ghế đã hết giá trị lợi dụng đối với họ.
Học ăn học nói học gói học mở đã thay đổi theo trào lưu tiến hoá hay đạo đức suy đồi là tùy theo mắt nhìn, góc nhìn của mỗi người. Mỗi ngày đi làm về, tôi thường phải đẩy một hoặc hai cái ghế bàn ăn vào vị trí cũ cho những người vô tư của thời đại mới, thời đại con người chỉ cần quan tâm đến việc kiếm tiền. Gia phong, gia giáo, truyền thống, nhân văn… đều là lạc hậu đối với họ.
Cho đến hôm qua tôi mắc cười với câu chuyện nhỏ trong hãng. Người bạn Huế thường càm ràm người bạn Nam bộ, “ông ăn nói gì kỳ vậy, ông ăn nói cẩn thận hơn chút đi, làm ơn…” Chuyện chả có gì lớn khi giờ nghỉ, chúng tôi thường nghỉ tại chỗ làm vì phòng ăn, phòng nghỉ quá xa nên lười đi. Người bạn Nam bộ móc túi ra ba viên kẹo dừa, anh ta nói, “nè, mỗi người một cục, kẹo dừa Bến tre quê tui ngon vô địch thiên hạ.” Anh ta dúi vô tay viên kẹo, tôi cảm ơn, rồi để lại trên bàn. Anh ta dúi vào tay người bạn Huế viên kẹo dừa, bảo “Làm cục đi, ngon lắm”. Người bạn Huế trừng mắt, “kẹo thì gọi là viên, viên kẹo. Sao cái gì ông cũng gọi là cục. Tôi không ăn cục.”
Vậy là họ cãi nhau tới khi trên bàn chỉ còn một viên kẹo dừa. Người Bến tre hỏi người Huế, “Ông đớp hông? Không đớp tui đớp hết à nha…” Họ lại cãi nhau về từ “ăn” với từ “đớp”. Anh Bến tre cãi không lại anh Huế nên nói ngang, cãi theo luật rừng, “ông khó chịu hơn nẩu, cái gì ăn được mới ăn chứ, cục kẹo, cục thịt mới ăn chứ ai ăn cục cứt. Tự ông nghĩ như vậy rồi bắt bẻ tui. Ông nói có ai nghe được hết đâu, nhưng có ai bắt bẻ ông không? Tại sao tui phải nói là viên kẹo khi từ cha sanh mẹ đẻ, hết xóm làng tui gọi là cục kẹo. Ông nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi, không đớp thì nhịn thèm.”
Anh Huế lại phân bua. Tôi thành trọng tài của cuộc đấu khẩu diễn ra hầu như mỗi ngày và đề tài hôm qua là “ăn nói”. Anh Huế hỏi tôi ăn nói là gì, anh có ăn nói quá khó không? Tôi trả lời, “ăn nói là bệnh tật. Ăn nói đúng đắn là ăn và nói sao cho đừng bệnh tật.” Anh ấy bảo tôi khùng, rồi bỏ đi.
Nhưng giấu đầu lòi đuôi anh chàng ưa để bụng, ấm ức chịu không nổi nên giờ nghỉ sau anh nói tôi giải thích cho anh nghe. Tôi nói, “đơn giản thôi, cái gì ăn vào là bệnh, lời nào nói ra là tật. Hết tội lỗi trên trần gian này vừa khớp với hai chức năng của cái miệng là ăn và nói. Ăn viên kẹo dừa vào miệng là ăn đường, chất béo, hai thứ dẫn tới bệnh tiểu đường và mỡ máu. Nói ra bệnh tiểu đường và cao mỡ máu từ viên kẹo dừa là tật, tật hay nói. Tôi không nói, đâu ai bảo tôi câm. Có phải vì tôi đã nói ra nên bây giờ anh Bến tre ghét tôi vì đã nói kẹo dừa quê anh là mầm bệnh tiểu đường, béo phì và cao mỡ máu. Còn anh thì ghét tôi từ ban sáng vì nói ra điều anh không hiểu. Tại sao ăn nói là bệnh tật.
Bây giờ anh ghét tôi hơn vì anh đuối lý với giải thích: cái gì ăn vô là bệnh, nói ra là tật, trong khi anh rất thích ăn nói để chứng tỏ mình, anh bắt bẻ anh Bến tre ăn nói gì kỳ mà không hiểu đó là bệnh nan y của anh ấy. Anh ăn nói cầu kỳ hơn hơn bệnh tật của anh khó trị hơn. Còn tôi ăn nói khùng điên như anh nhận định nên bệnh tật của tôi thất thường…
Anh Huế cứng họng, anh Bến tre cười khoái chí, còn tôi tê dại với phát giác ăn nói là bệnh tật, nhưng sao không khép miệng lại được mà cứ ăn với nói cho chúng ghét…ST