HỌ LÀ NHỮNG ANH HÙNG
Trải qua mấy đợt dịch virus Vũ Hán, đợt dịch này ở Việt Nam là đợt có số lượng người nhiễm cao nhất, những người liên quan F1, F2 nhiều nhất. Những con số tăng lên hàng ngày, vùng nào cũng có dịch. Cao điểm là ở Bắc Giang. Sài Gòn có dân số đông nhất nước và mối nguy hiểm lan truyền dịch bệnh cũng nguy hiểm nhất. Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhưng xem ra chưa dập được dịch. Cả nước hướng về Bắc Giang và cả nước cũng tự bảo vệ mình để mong thoát dịch.
Trong tình cảnh ấy, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế là những người trực tiếp ở tuyến đầu. Nếu hiểu chống dịch như chống giặc thì đội ngũ ấy đều đã có mặt trên mặt trận. Họ có sợ nhiễm bệnh không? Họ có sợ chết không? Sợ chứ. Họ là những con người bình thường mà. Họ cũng có gia đình, vợ chồng con cái, cha mẹ như chúng ta. Nhưng vì nhiệm vụ, họ sẵn sàng lên đường như người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường trong thời chiến.
Để chiến đấu họ phải mặc một bộ đồ bảo hộ PPE, phải mất 15 phút cho việc trang bị. Rồi thêm đôi bốt nhựa, khẩu trang, kính chắn, mũ bảo hộ, quần áo, rồi găng tay, rồi lại thêm một lớp bao ngoài để bảo vệ. Nhiều lúc trong cơn mưa, chỉ cần bộ áo mưa chúng ta đã thấy khó chịu rồi.
Giờ đây những người bác sĩ, y tá, cán bộ y tế và những người tình nguyện phải mang bộ đồ bảo hộ đấy ngày này qua ngày khác giữa nhiệt độ của mùa hè. Bộ đồ ấy như một lò lửa đốt cháy con người, nó là thử thách sự chịu đựng của mỗi cá nhân. Mồ hôi khắp người, mồ hôi đầy mặt, toàn thân cứ hâm hấp nhầy nhụa. Khát không dám uống nước vì phải nín tiểu, ăn cho qua bữa để lấy sức tiếp tục làm việc.
Một ngày phải xét nghiệm hàng trăm con người trong không khí oi bức và đầy lo âu của mọi người. Mệt mỏi và căng thẳng. Xem trên báo những hình ảnh chụp những tấm lưng phồng dộp, bong tróc vì bí mồ hôi. Những bữa ăn vội vã và khuôn mặt mệt mỏi của những người nhân viên xét nghiệm, những đôi mắt thất thần khi cởi bỏ chiếc mũ bảo hộ để thở chút khí trời.
Nhìn xót xa quá! Rất nhiều người đã ngã quỵ, kiệt sức. Nhìn họ nằm lăn lóc vì quá mệt không còn lết được nơi trú sau một ca làm việc, cuộc sống của họ hoàn toàn bị đảo lộn, ta mới thấy hết những hi sinh của họ. Trong hàng ngũ ấy, có những bà mẹ phải đành xa con còn bé để lên đường, nỗi nhớ con như thắt tim, nhưng phải đành. Có người cha mẹ già đang lâm trọng bệnh, lo lắng cho bệnh tình của người thân chỉ biết gọi qua điện thoại.
Đồ bảo hộ cũng hiếm hoi và giá đắt nên cố gắng mặc vì mỗi lần thay là phải bỏ. Nhiều người đã mắc bệnh ngoài da, hạ calci, gục ngã. Nhất là chị em phụ nữ, giữ sạch sẽ cơ thể là việc rất quan trọng nhưng trong hoàn cảnh này, đành chịu. Khổ nhất là những người đến tháng, khó chịu vô cùng. Đấy chính là sự hi sinh. Chúng ta có thể gọi họ là những anh hùng.
Chúng ta đang được ở nhà vì giãn cách, được bấm máy điều hoà khi nóng, được bấm quạt máy khi oi bức, được thở không khí thoải mái, được ngồi thảnh thơi ăn bữa cơm với gia đình, được ôm con vào lòng trong giấc ngủ. Xin đừng quên họ. Đừng quên những giọt mồ hôi, đừng quên đôi tay bỏng rát, đừng quên nỗi nhớ con đến thắt lòng của người mẹ, nỗi lo cha mẹ đến quặn ruột của những người con, đừng quên những thiệt thòi mà đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế tuyến đầu phải chịu đựng.
Hãy thôi lên mạng chửi bới, bới móc nhau đi. Hãy thôi nhân danh này nọ để tự tâng bốc mình đi. Hãy thôi khoe khoang đi. Hãy thôi những thị phi không đáng có.
Thôi đừng sân si hơn thua. Thôi chen lấn nhau giành giật lưu trữ thực phẩm, thôi tụ họp chè chén, cầu nguyện. Hãy nghĩ về họ, hãy hướng về họ, những người gần ở bên ta đang thầm lặng để cứu chính chúng ta. Hãy tự ý thức bảo vệ mình để mọi người được bình an trong cơn đại dịch này.
Mong cơn dịch mau chóng qua đi. Để những người ở tuyến đầu lại được trở về cuộc sống bình thường, làm những công việc bình thường của họ, được chăm sóc con cái, được phụng dưỡng cha mẹ già, bởi họ cũng là những con người, sức người có hạn, nhưng trong khoảnh khắc này họ đành phải hi sinh. Hãy xem họ là những anh hùng. Xin cám ơn các bạn đã quên mình vì mọi người. Chúng tôi không bao giờ quên các bạn.
1.6.2021
DODUYNGOC