Bế tắc bủa vây nhiều phụ nữ Trung Quốc
Kết hôn sớm, mâu thuẫn với gia đình chồng, không được phép học cao hơn... khiến nhiều phụ nữ nông thôn ở Trung Quốc tìm lối thoát bằng cách tự tử.
Theo tờ The Telegraph (Anh), Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện có tỉ lệ phụ nữ tự tử cao hơn nam giới (cao hơn từ 25%-40% mỗi năm).
Thống kê của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 500 phụ nữ Trung Quốc tự tử hằng ngày trong năm 2009. Nếu con số này không đổi cho đến giờ thì hơn 1,2 triệu phụ nữ Trung Quốc tự tìm đến cái chết trong 7 năm qua.
Số vụ tự tử của phụ nữ sống ở nông thôn cao gấp 4-5 lần so với ở thành thị. Điều này phần nào cho thấy cuộc sống khắc nghiệt đối với phụ nữ ở vùng nông thôn.
Cái chết bi thảm của 6 người trong một gia đình ở nông thôn tại tỉnh Cam Túc hồi tháng trước đã khơi lại cuộc tranh luận về tình trạng đói nghèo và nạn tự tử của phụ nữ Trung Quốc.
Một phụ nữ tên Dương Khải Lan, 28 tuổi, đã ra tay sát hại 4 đứa con nhỏ rồi uống thuốc độc tự tử. Chồng cô, làm việc xa nhà khi thảm kịch xảy ra, đã tự sát một tuần sau đó.
Bà Hạ Liên Hoa, người sáng lập Trung tâm Phát triển Văn hóa phụ nữ nông thôn, cho biết những bi kịch tương tự không còn là chuyện hiếm ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Thực tế là phụ nữ ở nông thôn thường kết hôn sớm và đến sống cùng gia đình chồng. Tại đó, họ phải tuân thủ những quy định mới của nhà chồng nên mâu thuẫn giữa hai bên thường nổ ra.
Dù vậy, ly hôn lại là chuyện hiếm ở nông thôn. “Phụ nữ đã kết hôn nhưng trở về nhà mẹ đẻ sinh sống là điều đáng xấu hổ cho cả gia đình họ” - Bà Hạ giải thích. Không quá ngạc nhiên khi phụ nữ nông thôn trong độ tuổi từ 15-34 có nguy cơ tự tử cao nhất tại Trung Quốc.
Thêm vào đó, tự tử còn được xem là một cách để giải quyết vấn đề tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, như chứng tỏ sự vô tội khi trong nhà có xung đột.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy tỉ lệ phụ nữ tự tử ở Trung Quốc đang giảm dần. Trong quá khứ, phụ nữ nông thôn kết hôn thường chỉ sống ở nhà chồng và không có nhiều không gian để “trút giận”.
Giờ đây, phụ nữ chiếm khoảng 50% lao động di cư tại các thành phố Trung Quốc. Do tác động của chính sách một con, quy mô các gia đình cũng nhỏ hơn.
Gánh nặng nuôi con cũng giảm bớt nên phụ nữ có thêm thời gian để làm chuyện khác hoặc ra ngoài làm việc. Dù vậy, đối với những phụ nữ như Dương và gia đình cô, những thay đổi này diễn ra quá ít và quá muộn.
LL