Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Khi lịch sử bị nhìn lệch … (kỳ 1)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khi lịch sử bị nhìn lệch … (kỳ 1)

    By Chương Quân







    Danh tướng
    Lý Thuấn Thần (Yi Sun-sin) – nguồn _www.kccro.ro






    Bầu trời Hán Thành (Seoul) vào ngày tôi lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở Kim Chi vần vũ, xám xịt. Người bạn Hàn quốc bận bịu không thể đến đón tôi tại sân bay, cũng may là có dặn dò địa chỉ khách sạn nên tôi đón xe bus đến thẳng và nhận phòng đã đặt sẵn. Một chút xám xịt của ngày hôm ấy dường như để tạo nên sự bất ngờ tương phản khi tôi “đối diện” với một phần dĩ vãng xán lạn nơi xứ Hàn. Dĩ vãng ấy của họ khiến cho tôi giật mình nghĩ lại, và không khỏi ngậm ngùi trước lịch sử nước Việt đã bị viết lệch, nhìn lệch.


    Chương Quân






    1.


    Người bạn Hàn dẫn tôi đến thăm quảng trường Quang Hóa Môn (Gwanghwamun) ở trung tâm thủ đô Hán Thành. Một tượng đài cao lồng lộng thu hút mọi tầm nhìn của du khách. Ðó là danh tướng Lý Thuấn Thần (Yi Sun-sin, 1545-1598), trở thành người anh hùng bất tử với chiến công đập tan hải quân Nhật vào cuối thế kỷ 16. Tôi tôn trọng niềm ngưỡng mộ của Kim, anh bạn xứ Hàn khi anh kể vắn tắt về người anh hùng thủy quân. Tôn sùng võ tướng, tôi nghĩ, ở đâu chẳng có, và điều này chẳng xa lạ gì với tâm thức người Việt.


    Anh chàng Kim chỉ tay về phía một tượng đài khác, cũng nằm trong quảng trường Quang Hóa Môn, bằng một niềm ngưỡng mộ còn sâu thẳm hơn. Lại là một võ tướng, với chiến công hiển hách gấp bội chăng? Tôi đến gần pho tượng. Phong thái ung dung, khuôn mặt nhân hậu của pho tượng có sức quyến rũ lạ thường. Ðó là tượng đài vua Lý Thế Tông (Sejong, 1387-1450). Thành tựu lớn nhất của nhà vua là cải cách văn tự, ban hành bộ chữ cái Hangul (vào năm 1446) ký âm tiếng Hàn (được dùng cho đến hiện nay), bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía những “sĩ phu” bảo thủ và tôn sùng văn hóa Hán tự trong nước.


    Bảo trợ văn tự, văn hóa – trong tâm thức người Hàn quốc – được xem là một công trạng lẫm liệt, vì vậy, Thế Tông (Sejong) đã trở thành anh hùng bất tử!





    Vua Lý Thế Tông (Sejong), người ban hành bộ chữ cái Hangul – nguồn _rockandseoulmusings.wordpress.com




    Vua Thế Tông còn được biết đến là người bảo trợ những phát minh khoa học. Dưới thời trị vì của ông, Tưởng Anh Thực (Jang Yeong-sil) có những phát minh xuất chúng như đồng hồ nước, đồng hồ mặt trời, đặc biệt là máy đo lượng mưa (“vũ lượng kế”, vào năm 1442) đầu tiên trên thế giới. Vua Thế Tông phong Tưởng làm quan cho dù Tưởng không biết tụng vanh vách “Tứ thư”, “Ngũ kinh” cũng không giỏi làm thơ “phun châu nhả ngọc” ca ngợi thánh hiền. Lúc bấy giờ, nhiều quan chức trong triều đã phản đối trước việc phong chức quan cho một kẻ tiện dân như Tưởng Anh Thực.


    Kiến thiết đất nước hữu hiệu bằng những phát minh khoa học kỹ thuật – trong cách nhìn lịch sử của người Hàn – được xem là một công trạng còn hơn cả công trạng quân sự. Nhà vua Thế Tông được lưu danh muôn thuở là bởi viễn kiến “nhìn xa trông rộng”.








    2.


    Mỗi khi nhìn về lịch sử ngàn năm độc lập tự chủ (tính từ năm 938 lập nên nhà Ngô kéo dài cho đến năm 1862 khi nhà Nguyễn buộc phải ký hòa ước nhượng ba tỉnh miền Ðông, đánh dấu người Việt không còn thủ đắc chủ quyền trên toàn lãnh thổ), trăm người như một đều nhắc đến những chiến công đánh thắng quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh cùng những danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Quang Trung… Cơ hồ ký ức về ngàn năm tự chủ của dân tộc Việt Nam là ký ức về chuỗi dài sống trong chinh chiến; cơ hồ giấc ngủ của người Việt chẳng bao giờ được yên vì chiến tranh chống ngoại xâm phương Bắc, và ám ảnh chinh chiến đi vào cả giấc mộng để mơ làm người hùng Hưng Ðạo đại vương, mơ làm người Quang Trung…


    Thực sự, những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm phương Bắc đã cướp đoạt thời gian sinh tồn của người Việt hết bao năm? Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ phải lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng tổng thời gian cho các cuộc chiến tranh chống giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh, khi cộng lại chưa đầy 23 năm (*: xem bản liệt kê thời gian cho từng cuộc chiến tranh ở cuối bài)!


    Chỉ 23 năm trong suốt chiều dài gần ngàn năm (925 năm, từ năm 938 đến năm 1862), nghĩa là có đến 900 năm người Việt không phải chống chọi với giặc Tàu. Nếu trừ đi khoảng hai trăm năm nội chiến (nhà Mạc với Hậu Lê, Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn đánh nhau với chúa Nguyễn rồi chúa Trịnh), người Việt cũng còn lại gần 700 năm để học hỏi kinh nghiệm dựng nước.


    Chẳng lịch sử nào được xem là bình thường nếu suốt năm suốt tháng, năm này sang năm nọ cứ mải mê vào khói lửa chinh chiến. Lịch sử chỉ trở nên lành mạnh khi phần lớn thời gian là dành cho hòa bình, cho kiến thiết, và quả thật lịch sử VN cũng có được sự lành mạnh chứ chưa đến nỗi. Nhưng, liệu cái nhìn về lịch sử VN có được lành mạnh, cân bằng hay chưa?


    … Tôi đã đến thăm Bảo tàng lịch sử Hán Thành, và nhìn thấy những đoàn học sinh tíu tít vào bảo tàng, bọn trẻ đang “lội ngược dòng lịch sử” để từ đó bọn trẻ nuôi ước mơ cho hiện tại. Nhờ người bạn họ Kim hỏi han, tôi nhận được vài câu trả lời của bọn trẻ. Ðứa mơ “làm danh tướng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần)”, đứa khác mơ “vua Sejong (Thế Tông)”, đứa khác ngưỡng vọng “mơ làm Jang Yeong-sil (Tưởng Anh Thực)”…


    Còn thiếu niên, ngay cả thanh niên Việt Nam thì sao? Kẻ mơ “làm người Quang Trung”, người khác ngưỡng vọng Trần Hưng Ðạo… Tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy ai mơ làm Trạng Lường Lương Thế Vinh (nổi danh nhà toán học với công trình “Ðại thành toán pháp” được giảng dạy trong suốt bốn thế kỷ); chẳng thấy ai mơ làm Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) góp công lớn trong nỗ lực cổ súy văn tự riêng cho người Việt bằng chữ Nôm; đặc biệt, chúa Nguyễn Hoàng (cùng với một số chúa Nguyễn kế tục) khai phá Ðàng Trong mở rộng gấp đôi bờ cõi, giao thương với quốc tế khiến cho phương Nam trở thành sự lựa chọn chiến lược phát triển cho toàn nước Việt – buồn thay, có rất nhiều bạn trẻ ngơ ngác không biết chút gì về công trạng của Nguyễn Hoàng!





    Chúa Nguyễn Hoàng, người mở đầu cho khai phá Đàng Trong, mở rộng gấp đôi bờ cõi nước Việt- nguồn _pda.vietbao.vn16




    Giấc mơ, nói cho cùng, không có công cũng chẳng có tội. Lỗi lầm lớn nhất nằm ở cách trình bày lịch sử (khiến cho giấc mơ cũng tiêm nhiễm theo): lịch sử đã bị nhìn lệch, viết lệch!






    CQ (baotreonline)







  • #2
    Khi lịch sử bị nhìn lệch … (kỳ 2)

    By Chương Quân - October 23, 2016





    Các cuộc chinh chiến chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc Tống – Nguyên – Minh – Thanh, như đã nói ở bài 1, không đủ lâu để quy giản (không chính xác) lịch sử ngàn năm trở thành chuỗi liên miên đánh giặc, nhưng vừa đủ để rút ra sự cảnh tỉnh.






    Khi lịch sử bị nhìn lệch di sản đi vào khánh kiệt


    Có không ít người cho rằng chẳng đáng bận tâm cho lắm nếu loanh quanh trong những giấc mơ chăm bẳm vào đánh nhau trong khi vắng bặt giấc mơ dựng nước, xây đắp văn hóa, kiến thiết kinh tế. Hậu quả của cách thức chúng ta nhìn lệch và viết lệch lịch sử, thực ra, đáng lo ngại hơn nhiều!ài học thiết thực trước hết phải là nhận diện/vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của bọn Trần Ích Tắc thời đại. Kẻ nối giáo cho giặc thường là “tác nhân” khởi động cho bất cứ cuộc xâm chiếm nào.


    Lịch sử, lẽ ra, là hợp lưu của nhiều dòng chảy trên các lĩnh vực khác nhau trong sự đa dạng của tiến trình phát triển. Văn chương chảy theo quy luật của tiến trình ngôn ngữ, kỹ thuật chảy theo dòng của tiến trình phát minh và dựa trên toán học, mỹ thuật ngoằn ngoèo qua những thác ghềnh của nhận thức về cái đẹp… Nhưng, sử Việt ghi chép chủ yếu dựa theo thời cuộc xoay vần của vua chúa mà thôi, nghĩa là quy chiếu về triều đình. Phát triển thơ văn bị đóng khung trong cách phân kỳ triều đại (thơ văn đời Lý, thơ văn đời Trần…), mà lẽ ra là phải được phân kỳ trong sự biến thiên của thi pháp, của trường phái văn chương.


    Nói cách khác, lĩnh vực quyền lực chính trị bao trùm tất cả, giới chính khách quan quyền trở thành bộ mặt nổi bật nhất trong lịch sử. Các danh tướng lỗi lạc, nói cho cùng, cũng vẫn là quan quyền triều đình, thuộc địa hạt chính trị.


    Thoạt nhìn lịch sử như vậy, không sai. Nhưng, bị lệch trầm trọng.


    Hàng triệu người, trong đó có những tài năng kiệt xuất trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đều góp sức tạo nên hợp lực cho cả dân tộc Việt thăng tiến. Nào đâu phải chỉ có vua, chỉ có các chính khách mà làm nên cả thời kỳ lịch sử?


    Cách nhìn, cách viết lịch sử quy chiếu vào thăng trầm của triều đại, của quyền lực chính trị, cách nào đó, là bộc lộ não trạng tôn sùng quyền lực chính trị trên hết.


    Sự tôn sùng chính trị thái quá dẫn đến cái nhìn chật hẹp, thiếu tầm viễn kiến, và trong nhiều trường hợp là phản văn minh và phi nhân bản.


    Câu chuyện về giáo sĩ Alexandre de Rhodes (tên Việt là Ðắc Lộ; sinh năm 1591 hoặc 1593, mất năm 1660) cho chúng ta một dẫn chứng thế nào là sự nhiễm độc “lập trường chính trị” trong lĩnh vực văn hóa. Giáo sĩ Ðắc Lộ đã đi vào lịch sử văn hóa nước Việt bằng công trạng hệ thống hóa, phổ biến chữ quốc ngữ Việt Nam đến với thế giới qua các ấn bản tại Rome: cuốn Tự điển An Nam – Bồ Ðào Nha – Latin và cuốn Phép giảng tám ngày vào năm 1651.





    Giáo sĩ Đắc Lộ với công trạng hệ thống hóa, phổ biến chữ quốc ngữ




    Dai dẳng trong nhiều thập niên, nhiều người mệnh danh là nhà nghiên cứu dưới “ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê” không ngừng công kích giáo sĩ Ðắc Lộ là mượn chữ quốc ngữ để tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân (?). Ðắc Lộ có mặt tại VN trong 20 năm (1625-1645), trong khi chính phủ Pháp mãi sau năm 1820 mới bắt đầu dòm ngó đến việc chinh phục các thuộc địa, riêng đối với VN thì mãi đến năm 1858 Pháp mới nổ súng xâm lược. “Râu ông cắm cằm bà” sai lệch đến hai thế kỷ. Một kiểu tra tấn lý lịch ngược đời và ngược ngạo: người sinh ra ở thế kỷ 17 phải chịu trách nhiệm cho hành vi của kẻ hậu sinh vào thế kỷ 19!


    Không thể nói khác hơn là thiếu lương thiện, “ăn cháo đá bát” đối với Giáo sĩ Ðắc Lộ.


    Thử nhìn qua nước Nhật. McArthur, người buộc nước Nhật phải đầu hàng, nhưng “một kẻ thù” như ông lại được người Nhật tôn vinh là anh hùng trong lịch sử Nhật Bản thời hiện đại – “Nhờ Tướng MacArthur gieo trồng hạt giống dân chủ mà chúng tôi bước trên con đường hòa bình và thịnh vượng” (Thủ tướng Yoshida).


    Tôi muốn nhắc thêm câu chuyện về Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký, 1837-1898). Hơn 41 năm về trước, bức tượng danh nhân Pétrus Ký tọa lạc tại công viên phía sau nhà thờ Ðức Bà. Thế rồi… bức tượng bị bứng đi. Một nền chính trị thực dụng và thiển cận rắp tâm xóa trắng ký ức về một biểu tượng văn hóa lỗi lạc!


    Lịch sử VN tìm đâu ra một vị bác học về ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký? Lúc sinh thời, ông được bình chọn là “1 trong 18 nhà bác học thế giới” của thế kỷ 19, được trân trọng ghi danh vào biên niên sử danh nhân toàn cầu trong Tự điển Larousse. Chính trị cộng sản cùng với “nền học thuật” của họ (tôi mở ngoặc kép với hai chữ học thuật, vì làm sao có học thuật thực sự khi thiếu vắng sự độc lập mà chỉ minh họa “bưng bô” cho quan điểm chính trị), trong hàng chục năm qua, liên tục đả kích nhà bác học Petrus Ký là “theo Tây”. Một thể chế ngày càng lộ ra tình trạng phụ thuộc Trung Quốc trên mọi mặt, phụ thuộc một cách thảm hại, kẻ “theo Tàu” như vậy lại đòi lên mặt dè bỉu người “theo Tây”. Chưa bao giờ có một sự mỉa mai lịch sử đến vậy!


    Do sự tôn sùng quyền lực chính trị, đảng cộng sản VN bằng mọi giá tôn vinh Hồ Chí Minh là người có công đầu đối với ngành báo chí. Hàng năm giới báo chí nội địa kỷ niệm “ngày thành lập báo chí” gắn với sắc lệnh của Hồ Chí Minh, sau này họ sửa thành “báo chí cách mạng” cho đỡ trơ trẽn. Bởi vì Pétrus Ký mới là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ VN với tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Ðịnh báo (năm 1865), ông được coi là “ông tổ nghề báo VN”.








    Một vài người bạn ngoại quốc của tôi, trong đó có anh chàng họ Kim xứ Hàn, lấy làm ngạc nhiên vì sao VN có một nhà bác học tầm cỡ thế giới đến vậy mà không tôn vinh? Họ không thể ngờ nổi ở VN cho phép sự kỳ thị dựa trên “quan điểm chính trị” vốn dĩ là thiển cận và bất dung để xỉa xói, thọc ngoáy vào lĩnh vực văn hóa rộng lớn và bao dung.


    Khi lịch sử bị nhìn lệch, viết lệch theo chiều hướng tôn sùng quyền lực/quyền lợi chính trị, di sản nước Việt của chúng ta ắt rơi vào cảnh nghèo nàn. Ðó đã là, đang là một thực tế, và nếu còn kéo dài thì từ nghèo nàn sẽ đi vào khánh kiệt.






    (*) Xem bảng liệt kê tóm tắt dưới đây:


    – Nhà Tiền Lê với Lê Đại Hành chống giặc Tống (từ tháng 1 đến tháng 4 năm 981);


    – Nhà Lý với hai lần đánh giặc Tống: lần đầu đánh phủ đầu ngay trên đất Tống (từ tháng 10 năm 1075 đến tháng 3 năm 1076), lần sau chống lại giặc Tống tràn sang (từ tháng 1 năm 1077 đến tháng 3 năm 1077);


    – Nhà Trần với ba lần đại thắng giặc Nguyên Mông: lần đầu từ ngày 17 tháng 1 cho đến ngày 28 tháng 1 năm 1258; lần hai từ tháng 1 năm 1285 đến tháng 6 năm 1285; lần ba từ tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288.


    – Nhà Hồ chống lại giặc Minh tràn qua từ tháng 4 năm 1406 đến tháng 6 năm 1407. Sau đó đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, đây là giai đoạn duy nhất trong suốt gần ngàn năm tự chủ nước Việt mới rơi trở lại vào tay giặc Tàu! Nhưng cũng ngắn ngủi, chỉ sau 20 năm liên tục khởi nghĩa chống lại ách đô hộ, người Việt đã giành lại độc lập vào năm 1427;


    – Tây Sơn đại phá giặc Thanh tràn qua nước Việt từ cuối tháng 10 âm lịch năm 1788 cho đến mồng 5 Tết Kỷ Sửu 1789.







    CQ (baotreonline)






    Comment

    Working...
    X