Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nước Mỹ một tuần đầy máu và nước mắt

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nước Mỹ một tuần đầy máu và nước mắt

    By Vũ Hiến - July 13, 2016







    Cờ rũ tại Dallas City Hall sau vụ nổ súng chết người của 5 nhân viên cảnh sát. nguồn tagthebird.com








    Người Mỹ bắt đầu một tuần bằng Lễ Độc lập để kỷ niệm ngày đất nước Hoa Kỳ giành được tự do từ tay người Anh cách đây đúng 240 năm, nhưng rồi sau đó đã kết thúc bằng bạo động và cho đến nay người dân Mỹ vẫn chưa hết sửng sốt, kinh hoàng và một lần nữa khóc than cho những cái chết đầy sự vô lý.


    Trong ba đêm với ba vụ bắn giết và kết quả là bảy người bị thiệt mạng. Sau khi một tay súng phục kích và xả hàng loạt đạn vào những nhân viên cảnh sát tại Dallas trong đêm Thứ Năm 7/7, giết chết năm cảnh sát đồng phục và làm bị thương sáu cảnh sát khác, sau ba ngày đầy phẫn nộ về hai vụ hai thanh niên da đen bị cảnh sát bắn chết không có lý do chính đáng và thậm chí sau chưa đầy một tháng kể từ vụ tàn sát tại một hộp đêm ở Orlando, cả nước Mỹ đã phải đau buồn và tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với nước Mỹ?





    Bản đồ vụ tấn công cảnh sát tại Dallas – nguồn abcnews.go.com






    Trong cuộc họp báo tại Ba Lan, nơi diễn ra cuộc họp của các quốc gia thuộc tổ chức NATO, Tổng thống Barack Obama gọi vụ bắn giết cảnh sát là “một vụ tấn công tồi tệ, có tính toán và hèn hạ.”


    Tuần lễ bắt đầu bằng ngày 4/7, ngày mà người dân Mỹ mỗi năm trưng cờ sao sọc rợp trời để cùng nhau ăn mừng và nhắc nhở nhau về những nguyên tắc căn bản mà họ đã luôn bảo vệ bằng mọi giá kể từ ngày lập quốc: tự do và công bằng cho tất cả mọi người dân. Sau một loạt những vụ khủng bố liên tiếp tấn công ở nhiều nơi trên thế giới, các giới chức an ninh đã hết sức đề cao cảnh giác. Ngày Thứ Hai trôi qua không xảy ra bất trắc.





    Alton Sterling và cảnh sát Baton Rouge, Louisiana – nguồn thevillagessuntimes.com






    Rồi bước sang ngày Thứ Ba, thậm chí chưa tới một tiếng đồng sau khi ngày Lễ Ðộc Lập chuyển qua thành ngày 5/7, một đoạn video quay từ chiếc điện thoại di động ghi lại hình ảnh một cảnh sát da trắng tại Baton Rouge, Louisiana bắn chết một người đàn ông da đen tên Alton Sterling bên ngoài một cửa tiệm buôn bán nhỏ, nơi mà người da đen này vẫn thường đứng bán những chiếc đĩa CD. Ðoạn video được đưa lên mạng cho thấy cảnh sát đã bắn nhiều phát đạn vào người Sterling sau khi ông này đã bị cảnh sát vật ngã xuống nền đất. Một lần nữa đoạn video gây xôn xao dư luận như đã từng xảy ra nhiều lần trong mấy năm qua liên quan đến những vụ việc đáng tiếc trong đó cảnh sát da trắng làm thiệt mạng người da đen bằng cách này hay cách khác gây nên cuộc khủng hoảng quan hệ giữa cảnh sát và người dân Mỹ nói chung.


    Không đầy 48 tiếng sau đó, một vụ bắn chết người khác xảy ra, lần này là một nhân viên cảnh sát Minnesota đã bắn nhiều phát đạn lên thân thể của một thanh niên da đen có tên Philando Castile sau khi ra hiệu cho anh thanh niên này dừng xe lại bên lề đường vì lý do một bóng đèn phía sau xe bị hư và sau khi người thanh niên da đen này cho cảnh sát biết anh có mang súng hợp pháp trên người và xin phép cho anh với tay lấy chiếc ví có đựng bằng lái. Vụ việc sau đó là cô bạn gái ngồi ở băng ghế bên cạnh đã đưa đoạn video quay trực tiếp lên mạng xã hội Facebook cho thấy cảnh người thanh niên này nằm sõng soài run rẩy trên băng ghế phía sau tay lái trong khi máu trào ra ướt hết cả ngực áo.







    Philando Castile -nguồn parstoday.com




    Những cuộc biểu tình do phong trào Black Lives Matter bùng nổ khắp nơi, tiếng nói và thông điệp của họ lần này cũng không khác chi so với những thông điệp trước đây được gửi đi sau những cái chết vô lý của những người đàn ông da đen gây ra bởi cảnh sát kể từ năm 2012.


    Trong đêm Thứ Năm 7/7, một cuộc biểu tình như trên cũng đã diễn ra tại trung tâm thành phố Dallas, một cuộc tuần hành quy tụ khoảng 800 người thuộc đủ mọi sắc dân được lực lượng cảnh sát thành phố theo dõi và bảo vệ an ninh rất kỹ. Người biểu tình hô to những khẩu hiệu như “không có công lý, không có hoà bình” và “đưa tay lên, đừng bắn.”


    Cuộc biểu tình được mô tả là ôn hoà và chuẩn bị kết thúc vào lúc 9 giờ tối thì bất ngờ nhiều tiếng súng vang lên.







    Micah Xavier Johnson – nguồn heavy.com






    Và cũng giống như những vụ bắn giết trước đó đã đưa tới vụ biểu tình trên, nhiều cảnh đọ súng hung bạo giữa hung thủ và cảnh sát đã được ghi lại trong video, sự khủng khiếp của nó được phô bày tường tận từng chi tiết, được chiếu trực tiếp một cách sống động và man rợ trên các trang mạng xã hội Facebook, Periscope, Twitter và Instagram.


    Nhiều đoạn video từ các nhân chứng tại hiện trường cho thấy hình ảnh nhân viên cảnh sát phải chạy tìm chỗ ẩn núp phía sau những chiếc xe hơi, trong khi những ánh đèn xanh đỏ vẫn đang quay trên đầu họ. Âm thanh của những tràng đạn liên thanh hoà cùng tiếng la hét hãi hùng và tiếng còi hụ.


    Nhưng ghê rợn nhất có lẽ là đoạn video quay lại cảnh hung thủ, trên tay cầm một khẩu súng dài loại bán tự động, di chuyển nhanh lẹ giữa những cột trống của toà nhà cạnh lối đi bộ của trung tâm thành phố trước khi áp sát và sau đó lạnh lùng bắn thẳng từ phía sau lưng, rồi nhiều phát nữa tiếp theo trong khi thân xác của người cảnh sát đang đổ gục xuống.


    Cảnh sát tìm cách siết chặt vòng vây và từ từ dồn hung thủ vào trong một góc của tầng hai khu đậu xe nằm bên cạnh trường Ðại học El Centro ở góc đường Main và Lamar.


    Cuộc điều đình sau đó giữa hai bên diễn ra để cảnh sát tìm cách thuyết phục hung thủ buông súng. Cuộc thương thuyết được mô tả là đã thất bại vì hung thủ nhất quyết tử thủ chứ không chịu đầu hàng. Vào lúc 1 giờ 26 phút sáng ngày Thứ Sáu 8/7, một tiếng nổ lớn vang lên phát ra từ khu đậu xe nơi hung thủ ẩn núp. Sau tiếng nổ, tất cả còn lại là im lặng.












    Trong cuộc họp báo vào sáng Thứ Sáu, cảnh sát trưởng David Brown cho biết hung thủ tên là Micah Xavier Johnson, 25 tuổi, chưa từng có một tiền án nào trước đó và cũng không có liên hệ với bất cứ một tổ chức nào, đã bị tử thương do một quả bom cảnh sát sử dụng một máy robot đưa vào sát nơi hung thủ ẩn núp và cho phát nổ. Cảnh sát Dallas còn bắt giữ thêm ba kẻ bị tình nghi khác nhưng sau đó nói rõ là chỉ một mình Johnson thực hiện vụ bắn giết.


    Kết quả của vụ bắn giết trên là năm cảnh sát bị tử thương: Michael Krol, 40 tuổi, Brent Thompson, 43 tuổi, Patrick Zamarripa, 32 tuổi, Lorne Ahrens, 48 tuổi và Michael Smith, 55 tuổi.


    Trong cuộc điều đình thất bại giữa cảnh sát và hung thủ, Micah Johnson nói rằng anh rất giận việc cảnh sát đã bắn chết những thanh niên da đen ở những thành phố khác trên đất Mỹ – là nguyên do đã đưa tới đám đông đủ mọi sắc dân đổ ra đường phố Dallas bắt đầu bằng một cuộc biểu tình ôn hoà để rồi kết thúc bằng cuộc bắn giết cảnh sát tệ hại nhất kể từ sự kiện khủng bố 11/9 vào năm 2001.


    Sự thật là chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được khi nào hoặc tại sao lòng thù hận người da trắng âm ỉ trong con người Micah Xavier Johnson bỗng nhiên bùng cháy và đẩy anh ta vào một vụ bắn giết những cảnh sát da trắng đang làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh cho những người đi biểu tình.


    Có thể là trong một lần chạm trán với cảnh sát tại thành phố Richardson một năm trước đây sau khi một người nào đó đã gọi báo cáo rằng có một người đàn ông trông có vẻ khả nghi đang ngồi trong chiếc xe Chevy Tahoe tại một khu thương mại.


    Có thể là từ một cuộc gặp gỡ với một nhà tranh đấu có tiếng tăm của người da đen vào mùa xuân vừa qua. Hoặc từ lần anh ta tham dự một liên hoan phim về chủ đề Malcolm X, nhà lãnh đạo người da đen bị ám sát vào năm 1965.


    Từng là một quân nhân nhưng bị buộc rời khỏi quân đội sau khi bị cáo buộc là đã quấy nhiễu tình dục một nữ quân nhân khác, Johnson đã dùng kỹ năng học được từ quân đội để xả nỗi bực tức của mình bằng hàng loạt viên đạn nhắm vào những nhân viên cảnh sát mặc đồng phục với độ chính xác chết người.







    5 cảnh sát Dallas hy sinh khi thi hành công vụ, từ trái: Lorne Ahrens (48 tuổi), Michael Krol (40), Michael J. Smith (55), Brent Thompson (43) và Patrick Zamarripa (32 tuổi) – nguồn .nytimes.com






    Bạn bè và những người quen biết mô tả Johnson là một người tốt bụng mà trong mấy năm gần đây còn phải săn sóc cho một người em trai bị chứng bệnh chậm trí. Tuy nhiên, những người này cũng cho biết anh ta là người đam mê những loại vũ khí có sức công phá mạnh và thích đời sống quân đội, ít nhất là từ năm cuối ở bậc trung học.


    Ðến nay nước Mỹ vẫn chưa có câu trả lời để chấm dứt cái vòng xoay tưởng chừng như không bao giờ ngưng của những vụ đổ máu, bạo động, khủng bố cùng những hình ảnh làm xé nát tâm can người dân từ Louisiana đến Minnesota đến Texas của một đất nước đang trong tình trạng đầy tuyệt vọng, với nhiều nỗi đớn đau cần được xoa dịu, sự thịnh nộ cần được giải trừ và nỗi bất công cần được giải quyết. Hy vọng rồi đây nước Mỹ sẽ vượt qua được những khó khăn đó vì đất nước này đã có sẵn một hệ thống luật pháp công minh, một thể chế dân chủ vững vàng và quyền công dân được hiến pháp bảo vệ.










    HV (baotreonline)






Working...
X