Cờ đỏ ‘biến mất’ trong các cuộc biểu tình
Người dân Hà Nội xuống đường biểu tình vụ cá chết, ngày 1/5/2016.
Người dân Hà Nội xuống đường biểu tình vụ cá chết, ngày 1/5/2016.
Biến mất
Quan sát rất kỹ từng chi tiết qua nhiều video về cuộc biểu tình môi trường nổ ra ngày 1/5/2016 tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương khác, một ký giả quốc tế thường trú tại Việt Nam đã nêu ra một nhận xét tinh tế với tôi: không còn thấy cờ đỏ – quốc kỳ Việt Nam – như vẫn thường hiện diện trong nhiều cuộc biểu tình trước đây.
Tôi cũng ngạc nhiên như anh. Trong đất nước ngày càng trở nên quá bất thường về biến động tâm trạng chính trị này, có những điều mà mắt thường không thể nhìn thấy được, dù hình ảnh của chúng chợt lồ lộ nơi công cộng vào một lúc nào đó ta khó ngờ nhất.
Nhận định của ký giả trên đã được xác nhận bởi những người tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5.
Từ nhiều góc ở nhiều khu vực, kể cả những góc khuất, người ta đều hầu như không nhận ra bóng dáng quốc kỳ Việt Nam được đám đông biểu tình sử dụng. Những tấm ảnh có thấp thoáng cờ đỏ và cờ búa liềm lại chỉ là cờ được các nhà dân và trụ sở công quyền phô ra vào dịp lễ 30 tháng Tư, 1 tháng Năm theo chỉ đạo bắt buộc của chính quyền địa phương.
Còn trong đám đông biểu tình ngày 1/5 vừa qua, thậm chí còn không nhận ra ai mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Thay cho cờ đỏ là những khẩu hiệu biểu tình và màu xanh da trời – tượng trưng cho ý nghĩa bảo vệ môi trường.
Ký giả trên lại đặt câu hỏi với tôi: vì sao cuộc biểu tình ngày 1/5 – trùng với một dịp lễ được xem là trọng đại của chế độ cộng sản ở Việt Nam – nhưng người biểu tình lại không “mượn” cờ đỏ để mong làm dịu thái độ căng thẳng và trấn áp của “các lực lượng giữ gìn trật tự công cộng”?
Trong nhiều cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai ở nhiều vùng, dân oan cũng thường dùng cờ đỏ và hình HCM. Cuộc biểu tình chống tham nhũng vào năm 1997 trên diện rộng nhiều tỉnh ở miền Bắc, khởi phát từ Thái Bình, là một bộ phim bát ngát hình ảnh cờ đỏ. Đến năm 2005, sau 10 năm tung hoành của các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực chính trị về thu hồi và chiếm đất vô lối của nông dân lẫn thị dân, phong trào khiếu kiện tập thể đã biến thành những đám đông phản kháng với cờ đỏ dẫn đầu. Trong một ít trường hợp, cán bộ tiếp dân và lực lượng cưỡng chế đã tỏ ra chùn bước trước rừng cờ đỏ.
Tương tự, hình HCM và bàn thờ mà dân oan khiếu kiện đưa ra cũng không còn khiến lực lượng cưỡng chế đất “xúc động”. Một số ghi nhận đã cho thấy ngay cả hình HCM cũng bị giằng giật đến nhàu nát. Khá nhiều minh họa đã lộ hình tại Dương Nội (Hà Nội), Văn Giang (Hải Dương) ở miền Bắc và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ…
Chán ghét chế độ
Vì sao lại có sự trống vắng quốc kỳ đến mức kỳ lạ trong biểu tình ở Việt Nam?
Ý kiến rất đa chiều, thậm chí trái chiều.
Có người lý giải: cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 là vì môi trường chứ không phải mục tiêu chính trị nên không nhất thiết phải giương cờ đỏ lên. Người này “hành nghề” dư luận viên.
Nhưng nhiều người khác lại phản bác: giương cờ đỏ mà “chúng nó” còn chà đạp thì giương làm gì!
Hẳn người lý giải về lý do môi trường để không dùng cờ đỏ là phần nào có lý. Nhưng cũng không thể phủ nhận một tán thán từ những người khác: “Chán cái chế độ này lắm rồi! Có mang theo cờ cũng chẳng có chút ý nghĩa nào!”.
Phẫn nộ nhất là những dân oan đã hoàn toàn tay trắng và hàng ngày phải lê lết trước trụ sở tiếp dân ở Hà Nội, TP.HCM để đòi lại một chút công lý. Hầu hết những người dân này đều đã bị công an Việt Nam thẳng tay đánh đập, bắt nhốt và vò nát quốc kỳ.
Ký giả quốc tế lại nêu ra một nhận xét với tôi: Rất có thể, tâm lý quá thất vọng đối với chế độ cầm quyền đã khiến nhiều người dân và cả cán bộ về hưu không còn mấy tha thiết với lá cờ đỏ. Tâm lý chán ghét và đang tìm cách phản ứng với chế độ lại dần chuyển thành tâm lý xa rời hoặc quên lãng một biểu tượng vốn có là cờ đỏ.
Theo quan điểm của ký giả này, biểu tượng chỉ là biểu tượng, chẳng có tội lỗi gì hết. Tội lỗi từ con người cầm quyền mà ra. Anh cũng lấy bài học ở những nước Đông Âu để chứng minh rằng một khi chính quyền và cảnh sát hành xử quá ác độc với người dân, ngay cả những công dân “yêu nước” cũng trở nên thù địch với chính biểu tượng mà trước đó còn ăn sâu vào lòng họ.
Rồi anh hỏi tôi: Thế sắp tới tình hình biểu tượng quốc kỳ ở Việt Nam sẽ ra sao?
Tôi nhìn anh như hỏi lại. Giống nhiều người khác, từng một thời tôi đã tự hào về lá cờ đỏ sao vàng, nhưng bây giờ thì lại cảm thấy nó xa lạ. Những người hàng xóm, có cả công chức, đã nói với tôi rằng nếu không bị “phường” bắt buộc, họ sẽ không muốn treo cờ đỏ vào các dịp lễ chính trị. Với họ, chuyện cờ quạt chỉ còn thuần túy mang màu sắc chế độ chứ chẳng mang lại “cơm no áo ấm” cho người dân, đặc biệt là người nghèo.
Không khó để hình dung rằng với diễn biến tâm lý đang thay đổi bằng gia tốc ngày càng lớn trong dân chúng và cả cán bộ, ngay cả những cuộc biểu tình chống Trung cộng ở Việt Nam trong thời gian tới cũng chỉ xuất hiện cờ đỏ với mật độ thưa hơn hẳn hình thức biểu tình trước đây.
Phạm Chí Dũng