Biến đổi khí hậu đã nhấn chìm 5 đảo trên Thái Bình Dương
Theo tạp chí The Guardian, 5 hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã biến mất do hiện tượng nước biển dâng và xói mòn gây ra. Các nhà nghiên cứu tại Úc đã có những xác nhận khoa học đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu trên bờ biển Thái Bình Dương.
Những hòn đảo biến mất là một phần của quần đảo Solomon, quần đảo đã chứng kiến mực nước biển dâng lên 10mm mỗi năm trong vòng 2 thập kỉ qua. Đây là nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí trực tuyến về môi trường Environmental Research Letters.
Những hòn đảo biến mất có kích thước từ 1 đến 5 ha, bao gồm Kakatina, Kale, Rapita, Rehana và Zollies. Các hòn đảo này không có con người sinh sống nhưng có các thảm thực vật nhiệt đới rậm rạp bao phủ. Tuy nhiên, hai trong số 5 hòn đảo đã bị cuốn trôi một phần xuống biển, các nhà nghiên cứu tìm thấy toàn bộ những ngôi làng đã bị phá hủy và người dân buộc phải di dời chỗ ở. Nhà nghiên cứu cũng cho biết, 1 hòn đảo trong số đó mang tên Nuatambu là nơi cư ngụ của 25 gia đình nhưng một nửa diện tích sinh sống và 11 ngôi nhà cũng đã biến mất.
Phần còn lại của một trong sáu hòn đảo bị xói mòn tại Solomon.
Nghiên cứu cũng đặt ra những câu hỏi về vai trò của chính phủ trong việc lập kế hoạch di dời cho người dân. Người đứng đầu Hội đồng Thảm họa Quốc gia Quần đảo Solomon phát biểu: "Cần kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ từ các đối tác phát triển và các cơ chế tài chính quốc tế như Quỹ Green Climate". Quỹ Green Climate, một phần của Công ước khung Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thành lập nhằm giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu. Quần đảo Solomon cũng nằm trong 175 quốc gia đã ký một thỏa thuận toàn cầu tại Paris nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cũng cho biết việc tái định cư bộc phát của người dân cũng đang là vấn đề rất nghiêm trọng. Một số cư dân trên đảo Nuatambu đã di chuyển đến các đảo láng giềng hoặc các hòn đảo núi lửa cao hơn, những cư dân khác lại buộc phải rời khỏi đảo Narato. Sirilo Sutaroti, 94 tuổi di cư từ đảo Narato cho biết: "Nước biển đã bắt đầu xâm chiếm đất liền, chúng tôi buộc phải di chuyển lên đỉnh đồi và xây lại những ngôi làng đã bị cuốn trôi".
Đa số các hòn đảo tại Solomon đều nằm dưới thấp và dễ bị ngập khi nước biển dâng.
Theo khampha