Kinh nghiệm sinh tồn dạy tôi rằng, đường phố trước Tết là nơi nguy hiểm nhất, vì chỉ một va quệt nhỏ trên đường cũng có thể đưa bạn vào danh sách 5000 người xấu số.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 5000 người nhập viện chỉ sau 9 ngày nghỉ Tết vì đánh nhau.
Nắm đấm và vỏ chai vẫn là những khí cụ phổ biến nhất, khiến nhiều người tin rằng quy định chai đựng bia rượu phải làm bằng nhựa mỏng, nếu có, sẽ giảm đáng kể việc đổ máu ngày xuân.
Từ sâu thẳm, tôi ngưỡng mộ tinh thần thượng võ của người Việt.
Năm rồi tôi lái xe đi sắm hoa Tết thì thấy có đám đông tụ tập huyên náo.
Một đôi vợ chồng trẻ đang xắn tay quyết chiến, nguyên nhân theo nghe kể là do chị vợ "tỏ thái độ" khi sắp phải một tay chuẩn bị tiếp đón cả họ hàng đông đảo nhà chồng.
Chị vợ tóc xõa mắt viền đen như gấu trúc bị anh chồng ấn dúi đầu, lên gối những đòn dứt khoát, tiếng chân gã trai lực điền nện vào bụng vợ cứ bụp bụp như mở nút bần rượu vang trăm tuổi.
Người ta nói có hai kiểu phụ nữ Việt Nam điển hình dịp Tết, một là kiểu thâm quầng hai mắt do thức khuya dậy sớm chuẩn bị cỗ bàn cho tươm tất.
Kiểu hai là những người đấu tranh với chồng để không phải làm việc đó, và thường chỉ bị thâm một mắt mà thôi.
Vài người vào can kéo chị vợ ra chỗ an toàn, trong khi nhóm khác cố ghì người giữ tay anh chồng đang vận công đứng tấn.
Tức nước vỡ bờ, chị vợ phản đòn giơ chân nhắm thẳng mặt người bao năm tay kề gối ấp tung chiêu tán thủ của phái Sơn Đông áo tím hoa cà.
Tình nhân ngãi, nghĩa phu thê cùng với răng cửa, quai hàm, tất cả trong tích tắc đều rủ nhau vỡ vụn.
Nói theo quan điểm triết học thì bạo lực là tất yếu khi mọi thương thuyết không đi được đến kết quả khả quan.
Kinh nghiệm sinh tồn dạy tôi rằng, đường phố trước Tết là nơi nguy hiểm nhất, vì chỉ một va quệt nhỏ trên đường cũng có thể đưa bạn vào danh sách 5000 người xấu số được báo chí thống kê trên kia.
Bộ Y tế cho biết trong chín ngày nghỉ Tết Bính Thân, các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó ít nhất 13 trường hợp đã tử vong. Ảnh: VOV.
Nếu chịu khó theo dõi thông tin thời sự, các bạn hẳn sẽ giật mình khi nhận ra rằng, phân nửa hoặc hơn những trường hợp ẩu đả, đoạt mạng nhau đều diễn ra trong khi, hoặc có nguyên nhân từ ăn uống.
Với truyền thống "đói giỗ cha, no ba ngày Tết", thì hãy yên tâm rằng kinh tế càng phát triển, cuộc sống càng dư giả thì số người đánh nhau nhập viện đón xuân sẽ còn tăng nhanh và bền vững mỗi năm.
Một dân tộc không thích đọc sách, lười vận động, thì đương nhiên thú tiêu khiển vào dịp rảnh rỗi của thanh niên ngày Tết sẽ là nốc đầy bụng rượu cồn nấu sắn đứng chắn cổng làng, đón lõng xử lý những kẻ lạ mặt, nhìn đểu hay đi đường gây nhiều bụi.
Có một giả thuyết thú vị về tinh thần thể thao đối kháng của người Việt như thế này, sau mấy nghìn năm chiến tranh liên miên, chọn lọc tự nhiên chỉ để lại những nguồn gen nóng nảy, hung dữ nhất.
Và đánh nhau là cách đơn giản nhất để họ như có thể gào to lên rằng: "tôi không sợ một ai", thế thôi.
Ôi nếu cứ vung nắm đấm lên là thành anh hùng thì Kim Dung đã chẳng phải mất công ngồi viết truyện.
Mà tôi e rằng, với "võ công" đầy mình, Kim Dung cũng không dám sang Việt Nam ngày Tết vì sợ bỏ mạng ở cái xứ mà ai cũng có thể trở thành Kiều Phong, Âu Dương Phong sau khi nốc 3 xu rượu lá chuối chứa đầy Andehit.
theo Trí Thức Trẻ