Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

An ninh sân bay trong thời bất ổn

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • An ninh sân bay trong thời bất ổn

    An ninh sân bay trong thời bất ổn


    Một phụ nữ trẻ tiến gần đến cửa an ninh sân bay. Cô mang một đôi giày boot cao gót, kính mát sành điệu và đeo thắt lưng lớn bản rộng hợp với chiếc túi xách thời trang của cô. Tuy nhiên tất cả sự hào nhoáng đó sắp sửa biến mất.


    Giày cao gót, thắt lưng và bóp được đặt lên một khay nhựa và bỗng chốc người phụ nữ đó trông rất giống một dân nhà giàu thích đi du lịch.


    Soi chiếu an ninh


    Có lẽ cô cũng được yêu cầu bước vào máy soi chiếu toàn bộ cơ thể bằng X-quang.


    Tùy vào công nghệ mà giới an ninh sân bay có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ có thể trên một màn hình mà trên đó có thể cô hiện ra không còn một mảnh vải che thân. Ít nhất máy quét cũng giúp cho cô khỏi bị khám xét trực tiếp bằng tay trừ phi trên người cô có vật thể khả nghi.


    Đó là quy trình mà những người đi lại bằng máy bay thường xuyên đã rất quen thuộc – một trong những thủ tục được cho là cần thiết để di chuyển bằng đường hàng không.


    “Mọi người càng có xu hướng nghĩ rằng mình bị đối xử như súc vật ở sân bay,” ông Gus Hosein, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Privacy International, nói.


    “Điều mà chúng ta đã chứng kiến trong nhiều năm qua là mức độ an ninh ở quy mô lớn và các công nghệ ngày càng buồn cười một cách đáng lo ngại lại đang được áp dụng mà không cân nhắc nhiều.”


    Tuy nhiên các chuyên gia an ninh tin rằng công nghệ ngày càng phát triển này là có lý do.
    Ông Eric Zanin, phó chủ tịch cao cấp của một trong những công ty quét hình ảnh an ninh hàng đầu có tên là Analogic, nói rằng các công nghệ an ninh và các biện pháp quét cơ thể phải tiếp tục được thực hiện chỉ vì ‘để đối phó với các nguy cơ đang biến đổi’.


    Điều bực mình?


    An ninh sân bay là một trong những khía cạnh đáng ghét nhất của việc đi lại bằng đường hàng không, theo một khảo sát do Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) thực hiện.


    Các sân bay đã nhận ra được điều này và một số đang nỗ lực để giúp cho việc hành khách bị khám xét, soi chiếu cơ thể hay việc vali bị lục lọi càng ít gây khó chịu càng tốt trong khi vẫn duy trì mức độ kiểm soát gắt gao như trước.



    Điều phiền hà nhất là thời gian xếp hàng chờ đợi, kế đến là việc phải lấy ra các thiết bị điện tử, việc hạn chế chất lỏng và yêu cầu cởi thắt lưng và giày. Việc để tay lên khám người không phải là một vấn đề cũng như việc sử dụng máy quét toàn bộ cơ thể.


    Việc dùng máy soi chiếu cơ thể được cho là giúp giảm thời gian xếp hàng chờ đợi và cải thiện an ninh.


    Biện pháp này được đưa vào sử dụng lần đầu vào năm 2007 để thay thế hay bổ sung cho các máy dò kim loại nhưng sau đó bắt đầu được sử dụng rộng rãi sau âm mưu cho nổ một chuyến bay trên bầu trời Detroit bất thành hồi năm 2009 với một quả bom được qua được cửa an ninh bằng cách giấu trong quần lót.


    Cơ quan đứng sau việc đưa máy soi chiếu cơ thể vào sử dụng là Cơ quan An ninh Hàng không Hoa Kỳ. Có hai loại máy soi chiếu hiện đang được sử dụng: loại sử dụng sóng không phát xạ ion để tạo ra các hình ảnh ba chiều và máy quét dùng tia X-quang.


    Xâm phạm quyền riêng tư


    Tuy nhiên, lúc đầu những máy quét này đã làm tăng rất nhiều thời gian chờ đợi bởi vì mỗi khi máy quét phát hiện ra vật thể gì đó khả nghi thì nó sẽ phát ra tiếng báo động. Điều này sẽ khiến cho hành khách tiếp tục bị khám xét bằng tay.


    Chẳng lâu sau người ta cũng bắt đầu tự hỏi rằng những máy quét này thực sự nhìn thấy những gì, nhất là sau khi truyền thông đăng tải một bức ảnh của bà Susan Hallowell, người đứng đầu của Cơ quan An ninh Hàng không.



    Bức ảnh này cho thấy bà xuất hiện trong máy quét và hiện ra gần như lõa lồ. Điều này đã khiến cho nhiều tổ chức bảo vệ sự riêng tư đứng lên phản đối.


    Chẳng lâu sau giới chức thừa nhận rằng công nghệ này cần phải được giảm mức độ đi một ít. Cho đến giữa năm 2013 loại máy quét này – mỗi chiếc có giá khoảng 175.000 Mỹ kim – đã biến mất khỏi các phi trường của Mỹ.


    Ở hầu hết những nước khác các máy quét này cũng không còn được sử dụng nữa. Chúng được thay thế bằng máy vi sóng chạy một phần mềm đảm bảo sự riêng tư cho hành khách gọi là Nhận diện Mục tiêu Tự động.


    Thay vì chiếu những hình ảnh thấy hết, chúng đưa ra hình ảnh cơ thể giống như ảnh hoạt hình có nhận diện vị trí của một vật thể khả nghi tiềm tàng để cho các nhân viên an ninh tiếp tục khám xét bằng tay.


    Các sân bay hy vọng rằng các biện pháp mới này sẽ giúp các hàng khách bớt quan ngại, ông Chris Goater, giám đốc truyền thông của IATA, nói.


    Khám xét bằng tay


    Nhưng khi đó, người ta không thật sự lo lắng đến như thế về những gì mà máy quét có thể nhìn thấy được, ông Steve Wood, người dạy về thương mại quốc tế và luật khủng bố tại Đại học Leeds Beckett ở Anh quốc, cho biết.


    Ông đã dành bốn năm nghiên cứu về những trải nghiệm của các hành khách hàng không ở Anh và phát hiện ra rằng thật sự hầu hết mọi người không thật sự quan tâm.



    Trong một khảo sát được tiến hành với 711 người, có 77% nói họ hoan nghênh cách biện pháp quét cơ thể bổ sung và chỉ có 11% cho rằng biện pháp này xâm phạm quyền riêng tư của họ.
    Đây có lẽ là do đã có sự chuyển sang sử dụng cách khám xét bằng tay thô bạo hơn, ông Wood nói.


    “Bản thân tôi đã ba lần bị khám xét như vậy và tôi nghĩ rằng ở gần vùng háng họ khám xét kỹ lưỡng hơn và vùng eo bị đôi tay của các nhân viên an ninh rờ tới rờ lui. Biện pháp khám bằng tay này xâm phạm sự riêng tư nhưng tôi cho rằng nó có tác dụng.”


    Đương nhiên quy trình kiểm tra an ninh khác nhau theo từng sân bay.


    Lấy máy tính ra khỏi vali và để tất cả chất lỏng trong một túi ni lông trong suốt giờ đây là quy trình tương đối chuẩn mực để kiểm tra hành lý xách tay trên khắp thế giới.



    Tuy nhiên, một số sân bay còn muốn quét kiểm tra tất cả giày, chẳng hạn như sân bay Frankfurt ở Đức đã yêu cầu hành khách lấy ra bất kỳ thiết bị sạc điện nào.




    Tối ưu hóa thời gian


    Do đó để giảm thời gian xếp hàng chờ đợi, các sân bay giờ đây đã đưa vào sử dụng quy trình có thể được xem là tối ưu hóa thời gian xử lý công việc dựa trên Hệ thống An ninh Thông minh do IATA phát triển.


    Tại phi trường Gatwick của London chẳng hạn, hành khách được hướng dẫn xếp theo nhiều hàng khác nhau tại mỗi băng chuyền của máy quét X-quang. Điều này khiến cho việc phân hành lý của khách ra hiệu quả hơn.


    Trong khi đó, ở phía kia của cửa kiểm tra an ninh, hành khách được cho nhiều dãy bàn khác nhau để gói ghém lại hành lý với vách ngăn giữa các hành khách tạo cho họ cảm giác riêng tư.



    Phi trường Schiphol ở Amsterdam sử dụng hệ thống tương tự để đưa đồ lên các khay khám xét và giúp giảm thời gian chờ đợi, trong khi một hệ thống scan tự động mới thực hiện việc đánh giá ban đầu những thứ chứa trên khay và chiếu hình ảnh cho nhân viên an ninh chỉ khi nào nó phát hiện ra một vật thể khả nghi.


    Điều này có nghĩa là các nhân viên an ninh phải kiểm tra ít hình ảnh hơn, cho phép họ tập trung vào những hình ảnh cần lưu tâm.



    Những hành lý nào cần phải kiểm tra lại lần hai sau đó được tách ra khỏi dãy những khay đã được cho qua và phải đi qua một máy X-quang nữa. Khi đó hành lý không cần phải được đưa lại vào máy X-quang. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và thực tế hơn.


    Mục đích của việc này không chỉ làm cho việc kiểm tra an ninh nhanh hơn, khu vực an ninh mới của phi trường Schiphol được thiết kế để tạo ra sự yên tĩnh với cây cối và các vật liệu giảm tiếng ồn, trần ốp gỗ và nhiều ánh sáng trời hơn.


    Các nhân viên an ninh phải được huấn luyện lại. Họ phải học không chỉ về an ninh mà còn là cách đối xử thân thiện đối với hành khách.


    Sẽ có máy soi chiếu chất lỏng?


    Và sau cùng thì công nghệ máy soi chiếu cũng giúp mọi thứ tiện lợi hơn, ông Goater nói. “Sẽ đến lúc, các máy soi chiếu chất lỏng và máy tính xách tay sẽ giúp hành khách có thể để những thứ này trong vali của họ mà không phải lấy ra,” ông nói.


    Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã có giải pháp.


    Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico, Hoa Kỳ, đã sáng chế ra một hệ thống gọi là MagRay dựa trên công nghệ quét được sử dụng trong y khoa – kết hợp giữa chiếu X-quang và cộng hưởng từ trường hạt nhân vốn được sử dụng trong công nghệ MRI.



    “Chúng tôi kết hợp hai biện pháp này để phân biệt các chất lỏng vô hại với các chất lỏng nguy hiểm,” bà Michelle Espy, một nhà vật lý ở Los Alamos và là người đứng đầu dự án MagRay, cho biết. Việc thử nghiệm biện pháp này đã được đón nhận một cách tích cực ở sân bay Albuquerque, bà nói.


    Trong khi đó, công ty Analogic đã sử dụng hệ thống quét 3D để kiểm tra hành lý xách tay. Hệ thống này dựa trên công nghệ quét CT trong y khoa, tức công nghệ chụp hình ảnh cắt lớp. Họ đang thử nghiệm công nghệ này tại sân bay Luton của London và sân bay Schiphol của Amsterdam.


    Nhưng từ giờ cho đến khi công nghệ mới được triển khai ở quy mô lớn, chúng ta vẫn phải nhét những món đồ vệ sinh vào những chiếc túi ny lông trong suốt.


    Kiểm tra hộ chiếu


    Kiểm tra hộ chiếu là một điều phiền toái nữa đối với các hành khách mặc dù trong vòng một vài năm qua các cơ quan kiểm soát biên giới đã ngày càng trở nên được kỹ thuật số hóa và tự động hóa với các cửa kiểm tra hộ chiếu bằng máy tính và máy móc xử lý thông tin của hành khách.


    Goater tin rằng sự xuất hiện của công nghệ sinh trắc đã giúp củng cố an ninh hàng không rất nhiều.


    “Nếu một người nào đó có thể đổi hộ chiếu với ai đó mà họ có ngoại hình giống thì họ có thể vượt qua trạm kiểm soát bằng mắt thường nhưng công nghệ quét võng mạc sẽ phát hiện ra họ,” ông nói.


    Các cửa hộ chiếu điện tử cũng giúp làm thủ tục nhanh chóng cho hành khách. Chẳng hạn như sân bay Gatwick tự hào là đã giảm thời gian chờ đợi cho hành khách xuống dưới năm phút nhờ vào công nghệ nhận diện khuôn mặt.







    Katia Moskvitch

Working...
X