Điều trị trầm cảm không dùng thuốc
Chị H, một phụ nữ 57 tuổi, ngồi lặng lẽ bên mâm cơm gia đình, dường như cố ăn thật nhanh để được trở về giường, nằm quay mặt vào tường. Đó là những giây phút hiếm hoi khi người nhà phải rất lựa lời khuyến khích, chị mới ra khỏi giường và ngồi dậy vì hầu như cả ngày cả đêm chị nằm trong giường tối, không trò chuyện với ai và rất sợ khách đến nhà.Cộng tác viên xã hội hướng dẫn người trầm cảm sử dụng Sổ tay Kỹ năng Kiểm soát Trầm cảm.
Thậm chí bữa ăn hàng ngày cũng là cả một cực hình với chị. Trước đây chị vốn là một người năng động, hoạt bát, vui nhộn. Sau một cơn bão tình tình, chị rơi vào tình trạng trầm cảm triền miên, mất ngủ, mất hết mọi thú vui trong cuộc sống, trở thành một người lặng lẽ, thu mình lại và thậm chí không thể thực hiện những sinh hoạt bình thường mỗi ngày cho chính mình.
Ông D, năm nay trên 80 tuổi, người đã sống với bệnh trầm cảm hàng chục năm nay, cho biết vào những giai đoạn nặng, ông sợ khách, nằm suốt ngày trong phòng tối “suy ngẫm sự đời” và luôn có cảm giác bất lực, thậm chí thường có ý nghĩ muốn kết thúc cuộc đời vì chẳng có gì đáng sống. Tại Việt Nam vào những năm 80, hiểu về trạng thái trầm cảm như một diễn tiến của bệnh tâm thần trong người dân còn rất thiếu vì thế chỉ đến khi tình trạng này trở nên rất nặng ông mới được đưa tới bệnh viện tâm thần.
Là một trí thức từ thời Pháp, sau ba tháng điều trị, khi ra viện ông D tự tìm hiểu về trầm cảm và tự “làm công tác tư tưởng với chính mình” để chống chọi với căn bệnh này. Nhờ kết hợp dùng thuốc để giúp cân bằng thành phần trong máu, ông đã kiểm soát được trầm cảm và có cuộc sống an bình nhiều năm qua.
Với những trường hợp giống chị H, hay ông D, việc thuyết phục những người bị trầm cảm đã ở giai đoạn nặng đi gặp bác sĩ để được điều trị là cả một việc vô cùng khó khăn, vì thế giới chuyên khoa tâm thần cho rằng việc biết sớm là điều rất quan trọng.
Thực trạng bệnh trầm cảm tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các bệnh tâm thần trong đó chính là lạm dụng rượu bia, trầm cảm và bồn chồn chiếm 1/6 người bệnh tại Việt Nam, và tỉ lệ này là cao hơn so với tỉ lệ trung bình trên thế giới. Thế nhưng con số y bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo về sức khỏe tâm thần lại thấp hơn rất nhiều so với các nước khác.
Theo một nghiên cứu năm 2011, trong số các nước có thu nhập thấp như Việt Nam xếp thứ 144 trên phương diện chăm sóc sức khỏe tâm thần, với tỉ lệ cứ 100.000 người dân mới có 1,7 bác sĩ tâm lý và 11,5 nhân viên tâm lý.
Bác sĩ Vũ Công Nguyên, Phó Giám đốc Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cho biết sức khỏe tâm thần tại Việt Nam hiện còn ít được quan tâm và cụ thể chưa có điều tra chính thức về tình trạng trầm cảm.
"Đứng ở góc độ điều tra trong nước về trầm cảm thì rất tiếc là cho tới nay chính phủ Việt Nam hay chưa có tổ chức nào có thể đưa ra một con số chính thức, nhưng ở góc độ nhỏ thì đã có một số nghiên cứu được áp dụng và tập hợp các nghiên cứu đó thì tỉ lệ trầm cảm ở Việt Nam khoảng từ 8-15%, dựa trên bộ công cụ đánh giá", bác sĩ Nguyên nói.
Ông cho biết việc trình dự án "Kiểm soát trầm cảm dựa vào cộng đồng" vì nó là "loại hình bệnh tâm thần có thể can thiệp ở trong cộng đồng mà người bác sĩ hay nhân viên y tế không cần phải được đào tạo chuyên khoa tâm thần vẫn có thể can thiệp được trong khi đáp ứng được nhu cầu cần chọn lĩnh vực nào dễ can thiệp, dễ giới thiệu cho cộng đồng, dễ lan rộng, và ít tiền khi các bác sĩ ở tuyến cơ sơ hay cộng đồng ở Việt Nam hầu như ít được đào tạo, hoặc có kiến thức rất hạn hẹp, về sức khỏe tâm thần."
Điều trị trầm cảm không dùng thuốc
Bác sĩ Nguyễn Trung Chiến, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, người trực tiếp thực hiện việc đào tạo của dự án cho các nhân viên y tế ở tỉnh cho biết ngoài ra dự án còn có Sổ tay hướng dẫn các kỹ năng trầm cảm mục đích nâng cao nhận thức cho người trầm cảm đồng thời nâng cao phương thức hướng dẫn kiểm soát trầm cảm cho người bệnh.
Bác sĩ, nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội được đào tạo việc sàng lọc sớm người trầm cảm
Ba yếu tố chính để người bệnh thực hiện gồm:
a) Bắt đầu lại cuộc sống vì thường họ bị mất ham thích đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn cho bệnh nhân những hoạt động cần thiết.
* Chọn ra được các hoạt động phù hợp nhất để thay đổi cuộc sống của mình
* Đặt ra mục tiêu thực tế lên kế hoạch thực hiện
* Thực hiện các mục tiêu này và việc thực hiện được nhân viên xã hội và cộng tác viên tình nguyện hỗ trợ và cùng với họ thực hiện
* Xem lại các mục tiêu sau 2 tuần, có thực hiện được hay không để điều chỉnh
b) Suy nghĩ tích cực: Người trầm cảm thường suy nghĩ tiêu cực thậm chí nghĩ tới chuyện tự tử nên hướng dẫn
* Học cách nhận biết suy nghĩ tiêu cực.
* So sánh suy nghĩ với người xung quanh và hoàn cảnh dẫn tới suy nghĩ đó và học cách thách thức các suy nghĩ đó để thay thế bằng suy nghĩ tích cực.
c) Giải quyết vấn đề: Giúp bệnh nhân
* Lựa chọn vấn đề mà người trầm cảm cần ưu tiên để thực hiện giải quyết chúng, ưu tiên những vấn đề nhỏ trước và giúp họ suy nghĩ hành động để giải quyết chúng,
* Làm sao để người trầm cảm năng động trong suy nghĩ
* Hướng dẫn người bệnh so sánh các hành động mà họ đưa ra, như ba hành động mà họ đưa ra thì hành động tốt nhất với họ là hành động không phụ thuộc vào người khác, chính là bản thân, phải thực tiễn và dễ thực hiện không tốn kém và
* Phải lập chương trình thực hiện,
* Đánh giá và trên cơ sở đó khuyến khích người bệnh để thấy được những tiến bộ của họ trong quá trình này.
Việc chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc là do hiện nay tại các bệnh chuyên khoa tâm thần tuy có hỗ trợ tâm lý nhưng thực sự đưa tâm lý trị liệu và điều trị không dùng thuốc điều trị bệnh trầm cảm hay tâm thần thì chưa có mà hầu hết vẫn sử dụng thuốc.
"Chúng tôi hướng tới nguyên nhân gây ra và điều trị trầm cảm nhẹ, vừa nhằm can thiệp sớm và ngăn chặn ngay từ đầu, để người bệnh không biến thành bệnh nặng rất khó trị, tiền cho thuốc rất đắt và cho bệnh nhân rất cao, không phải chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả hệ thống y tế," bác sĩ Nguyên giải thích.
Đây cũng là điều bác sĩ Nguyễn Trung Chiến có chung quan điểm: "Để phát hiện sớm thì phải ở cộng đồng và nếu áp dụng ở tất cả các tỉnh thành thì ngay ở trạm chăm sóc sức khỏe ban đầu, tức ở trạm y tế xã đã có thể khám và thanh lọc bệnh trầm cảm. Như vậy việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nếu được thực hiện từ sớm để điều trị kịp thời."
Bác sĩ Chiến cho biết qua việc điều trị bệnh nhân từ 16 trạm y tế xã, sau 3 tháng điều trị bằng liệu pháp không dùng thuốc, có tới 80% số bệnh nhân có tiến bộ rõ rệt, dựa trên phiếu đánh giá trầm cảm tiêu chuẩn thế giới đã được Việt hóa.
Rào cản
Chưa kể dùng thuốc tâm thần không phải giống như uống kháng sinh, dùng một đợt, sau khi khỏi là dừng, mà thuốc tâm thần đã dùng sẽ phải dùng gần như trọn đời, bác sĩ Vũ Công Nguyên nói.
"Đứng trên góc độ quyền lợi của người bệnh và bác sĩ dự phòng thì tôi có quan điểm chỉ dùng thuốc khi nào không còn con đường nào khác, đặc biệt bệnh tâm thần.
"Nhìn chung đào tạo ngành y tế, trước đây tập trung vào đào tạo bác sĩ lâm sàng để cứu chữa các bệnh về thể chất, và hầu như chưa quan tâm hay không có trường lớp đào tạo về tâm thần," bác sĩ Nguyên cho biết.
Một ví dụ về tình trạng thiếu bác sĩ ngành tâm thần, ví dụ như khóa tốt nghiệp trường Y năm 1993 có 270 bác sĩ ra trường nhưng không có một ai học về tâm thần.
"Thu nhập của bác sĩ ngành tâm thần thấp hơn rất nhiều so với bác sĩ khoa sản, khoa ngoại, khoa nhi, hay răng hàm mặt vì thế tại sao lại chọn ngành tâm thần? Bác sĩ chữa cho bệnh nhân tâm thần gần như không có thu nhập gì thêm ngoài kinh phí của nhà nước. Nói tóm lại bác sĩ tâm thần tại Việt Nam thu nhập ít nhất, nghèo nhất, và chính từ tâm thần đã bị kỳ thị ngay cả trong ngành y.
"Có lẽ đấy là một trong những lý do rào cản khi bác sĩ quyết định chọn chuyên ngành và nhiều người không muốn học chuyên khoa tâm thần trừ khi bị ép buộc. Chẳng hạn sau khi học đa khoa và về bệnh viện làm, nhưng vì khoa tâm thần thiếu bác sĩ nên bị/được phân công và không thể từ chối. Lúc đó mới học chuyên khoa để trở thành bác sĩ tâm thần."
Bộ Y tế hoàn toàn nhận thức được vấn đề thiếu bác sĩ tâm thần trầm trọng nhưng bác sĩ tại Việt Nam cả các ngành khác cũng còn thiểu và đặc biệt số lượng các bác sĩ được đào tạo bài bản là rất thiếu. Tuy nhận thức được thực trạng đó nhưng chính sách để thay đổi thì chưa có và có lẽ trong năm năm tới cũng chưa có thay đổi gì nhiều.
Kỳ thị
Theo bác sĩ Vũ Công Nguyên cho biết tình trạng kỳ thị với người tâm thần vẫn còn rất nặng nề, nhiều gia đình có người nhà bị bệnh tâm thần đã tìm cách gửi vào các trung tâm tâm thần ở huyện .v.v. và không muốn giữ ở nhà đặc biệt khi trong nhà còn những người trẻ khác chưa lập gia đình vì sợ rằng anh chị em người đó có thể khó lập gia đình.
Bệnh nhân tại bệnh viện Nhi, Hà Nội.
"Tình trạng này là do đôi khi sau khi điều trị và được về cộng đồng nhưng người bệnh không được cấp thuốc liên tục và đều đặn, nên rơi vào tình trạng được gọi là "đứt thuốc", mà lý do có thể là vì ngân sách nên chậm trễ vài tháng, hay tình trạng "tắc bọp" tức tháng có tháng không, hay thay thuốc mà không báo cho bệnh nhân, tháng trước lĩnh màu hồng, tháng sau lại màu khác nên bệnh nhân không dám uống," bác sĩ Nguyên nói.
"Đây chính là một trong những yếu tố làm cho kỳ thị với bệnh tâm thần ở cộng đồng không giảm đi. Vì vậy cần bảo đảm thuốc phải có đều đặn, như cho phép trạm y tế xã được dùng bảo hiểm y tế để chi trả cho thuốc đã được bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê đơn, như vậy mới tránh tình trạng tái phát và từ đó mới giúp giảm kỳ thị ở cộng đồng," bác sĩ Nguyên nói.
Thiếu ngân sách
Chương trình sức khỏe tâm thần của Bộ Y tế hiện đang bị cắt giảm rất nhiều. Viện tâm thần trung ương cho biết năm ngoài đa bị cắt 60% kinh phí và khả năng sẽ còn bị cắt tiếp.
"Với chương trình quốc gia mà còn bị cắt như vậy, e rằng khó có thể nhân rộng việc chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng nếu không có kinh phí quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam trở thành nước có kinh tế trung bình thì tài trợ của các nước sẽ càng ngày càng giảm đi."
Theo bác sĩ Nguyên cần cần phải có kế hoạch hay biện pháp đối phó trước tình trạng cắt giảm kinh phí trầm trọng khi chính phủ chưa có năng lực tài chính để những hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.
Được biết hiện nay trong ngành y tế một số chuyên gia hàng đầu đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết sớm bệnh trầm cảm và họ cũng đang tìm cách thay đổi phương cách điều trị, tuy nhiên ở Việt Nam thay đổi này không thể diễn ra nhanh được mà "có lẽ phải cần 3-5 năm nữa mới có thể có những thay đổi thực sự ở bệnh viện để áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc" như mô hình thử nghiệm của dự án "Kiểm soát trầm cảm dựa vào cộng đồng".
Dựa trên những kết quả của Dự án “Kiểm soát Trầm cảm Dựa vào Cộng đồng”, dự án đã chính thức được GCC tài trợ và SFU, Phad cùng Molisa đang làm các thủ tục phê duyệt từ chính phủ Việt Nam chấp thuận và thi hành dự án tại Việt Nam.
Hà Mi