Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tản mạn cuối năm 2015

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tản mạn cuối năm 2015

    Tản mạn cuối năm 2015





    Trong buổi tối giá lạnh của mùa Đông El Nino, chợt cảm thấy tâm hồn như chùng xuống, mặc dầu mới tuần trước đây, cùng với vài tỷ người mừng kính Thiên Chúa giáng trần để cứu nhân loại. Điều làm cho tâm bất an là tuy Tin Mừng mà Thiên Chúa mang xuống trần gian đem lại cho người ta nhiều hy vọng, nhưng thực tế, nhìn chung quanh vẫn thấy con người vẫn chìm trong khổ đau, sự Ác vẫn hiện diện một cách trắng trợn và người ngay lành vẫn bị chà đạp, bị giết một cách thảm thương. Thiên hạ vẫn giết lẫn nhau vì tình, vì tiền hay vì tư thù; kẻ ác vẫn cắt cổ người lương thiện, kẻ có vũ khí và quyền lực trong tay vẫn chà đạp lên nhu cầu Sống Bình An của con người, các nhà lãnh đạo độc tài vẫn bao vây tư tưởng, vẫn cấm đoán người dân phát biểu theo ý mình. Vậy, sự kiện Thiên Chúa hạ sinh có phải là một thất bại không? Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa có phải là một ảo tưởng của Người Cha nhân từ, muốn cứu con cái mình, nhưng lực bất tòng tâm không?

    Câu hỏi này, hình như khó nhận được câu trả lời thích ứng, cho nên, số người tin theo đạo Chúa, mỗi ngày mỗi vơi. Nhiều nhà thờ đóng cửa. Nhiều địa hạt Công Giáo khai phá sản. Người đi tu thì ít hơn người bỏ tu hoặc vẫn còn tu nhưng đi chệch hướng với đường đi của Thiên Chúa. Nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội sống lơ là, mũ ni che tai, lo xây nhà thờ to lớn, mặc cho tiếng thở vất vả trong đời sống tối tăm của con chiên vẫn đều đặn bên tai mình. Nếu cứ đà diễn tiến này, thì chẳng bao lâu nữa, đạo Chúa hay ngay cả các Tôn Giáo hiền hòa khác sẽ trở thành những kỷ niệm truyền thống của nhân loại vào thập kỷ 3000. Người ta sẽ không còn tin theo một tôn giáo nào nữa, mà chỉ tin vào sức mạnh của chính mình. Lúc đó, thế giới sẽ thành một nơi hỗn mang, man rợ như những thế kỷ đầu tiên của con người Neanderthals, đã biến mất khoảng 40,000 năm trước đây.

    Nhưng thực tế có phải bi quan như thế không?



    Không! Thật sự không phải như vậy. Nếu nhìn sâu vào vấn đề khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta thấy có một câu hỏi chính: Khổ đau đến từ đâu?

    Có hai loại khổ đau: khổ đau chủ quan (hay khổ đau nội tại) và khổ đau khách quan (hay khổ đau ngoại xâm). Khổ đau chủ quan đến tự nội tâm của chính con người. Có những người luôn sống bằng ảo vọng, bằng sự mê say, ham thích những điều vượt quá tầm tay của mình nên lúc nào cũng thấy khổ. Học ít, đi làm lương kém, nhìn thấy bạn bè hay những người khác giầu sang thì cảm thấy khổ. Yêu người không yêu mình thì đau buốt tim gan. Có con cái hư hỏng vì lỗi của mình không giáo dục đến nơi đến chốn thì chán nản. Ăn uống không điều độ sinh bệnh tật thấy đau đớn cả ngày. Đôi khi ăn chay trường, sống hiền hòa mà bỗng dưng mắc bệnh, thì bất mãn với ông Trời. Bố mẹ bất tài, nghèo khổ, làm con cái khổ theo. Cũng có những trường hợp dồi dào khả năng, chịu thương chịu khó, nhưng số kiếp vất vả, làm hoài không khá, thì kêu “Trời ơi! Sao nhẫn tâm đến thế?” Dân gian mình thường hay nói: Người ấy nghèo khổ quá! “Nghèo” thì luôn đi đôi với “Khổ”! Đó là những cái Khổ đau nội tại, phát sinh từ chính tư tưởng của mình rồi chi phối hành động của con người, làm cho người ta thấy Khổ.

    Nhưng thật ra, có sự Khổ nội tại như thế không? Giả dụ những người Khổ đau đó mà ở chung với nhau trong cùng một môi trường, mỗi người có một nỗi khổ của mình, thì có thấy Khổ không? Thưa: Không! Tình cảm Khổ Đau chỉ xuất hiện khi có một đối tượng khác không Khổ đau đứng gần, thì mới có sự SO SÁNH giữa sự thiếu thốn của mình với sự đầy đủ của người khác, thì mình mới thấy khổ! Có những cô lái đò, áo quần khâu vá chằng đụp, suốt ngày vất vả nhưng lúc nào cũng có nụ cười trên môi vì quan niệm của người ấy là “biết đủ là đủ” (Tri túc, tiện túc, hà thời túc). Cô lái đò không so sánh mình với ai, nên lúc nào cũng vui. Những người khác, một khi đã thấm nhuần một Chân Lý mà Đức Phật đã chỉ ra: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ! Bốn cái Khổ mà con người không thể tránh được, thì sẽ không thấy Khổ, nhất là nếu biết “diệt” cái “dục” tức là lòng muốn của mình đi, cũng sẽ không bao giờ biết đến chữ Khổ nữa. Như vậy, Khổ Đau chỉ là một tư tưởng nẩy sinh khi có sự So Sánh, Đối Chiếu mà thôi. Nếu nhân loại không So Sánh, Đối Chiếu với bất cứ ai, thì sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình Khổ!

    Còn Khổ Đau Khách Quan (hay Khổ Đau Ngoại Xâm) đến từ bên ngoài con người đập thẳng vào trái tim nhân loại. Khổ đau khách quan đến từ những tổ chức, những cá nhân không còn nhân tính, lúc nào cũng muốn áp đặt sức mạnh thô bạo, ác độc của mình lên những con người yếu đuối, không vũ trang, để thể hiện quyền uy của mình, để cho thiên hạ sợ mà phải thờ kính mình. Từ vị trí được tôn sùng, mà kẻ ác thấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc vị kỷ mà người lương thiện lại thấy là gớm ghiếc. Ở chỗ nào có đất, có con người, mà ý niệm Tự Do, Nhân Quyền không được kẻ ác có vũ khí chấp nhận, ở nơi đó, con người bị đàn áp, bị đánh đập, giam giữ, thậm chí bị giết, bị cắt cổ, bị ăn bom đạn.


    Đời sống con người ở những nơi này thật vô nghĩa. Như ở Việt Nam, nhà cầm quyền ỷ vào bạo lực của mình mà áp đặt một chế độ phi nhân bản, một chế độ vô cảm với hạnh phúc của con người, một chế độ của Những Con Người Lãnh Đạo Robot, không có tư duy, chỉ cử động theo những chương trình cài đặt (program) đòi ăn, ngủ, vệ sinh, tiêu tiền, làm tình, nói láo, kiếm tiền thật nhiều cho dù phải bán cả Tổ quốc của mình, bất chấp danh dự, nhân phẩm, và giá trị của một con người. Nói theo kiểu bình dân, những lãnh đạo Cộng Sản là những động vật chỉ biết đớp, hít, hưởng thụ và tiêu hóa, ngoài ra không có một chút giá trị gì của một con người. Nếu so sánh những kẻ lãnh đạo đó với những động vật có tình cảm khác, thì lãnh đạo Cộng Sản còn thua những con chó trung thành, liều chết bảo vệ chủ nhà mà người ta từng tạc tượng và quý mến.


    Từ những nhân vật lãnh đạo mà “nhân” ít hơn “vật” đó, mà con người sống trong xã hội ấy bị khổ đau triền miên. Có gì đau khổ hơn là bị cấm đoán suy tư, cấm đoán phát biểu? Có gì chán nản hơn là bị ép vào một guồng máy, đứng xếp hàng, hô to những khẩu hiệu nhàm chán: “Không gì quý hơn Độc Lập,Tự do! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng Chân lý ấy không bao giờ thay đổi!” mà thực tế là không có chút độc lập nào, không có chút Tự do nào! Đơn giản hơn, là những con người sống trong chế độ Cộng Sản nếu muốn sống thoải mái, không Đau Khổ, phải chửi rủa chính mình, đấu tố ông bà tổ tiên mình, phải xóa sạch lịch sử để được lãnh đạo thương và ban cho ngôi vị cao mà hưởng thụ! Thực tế, số người mê hưởng thụ như thế chỉ có một số ít, còn lại toàn dân thì đau khổ chập chùng, nhất là khi So Sánh cuộc sống Robot của mình với cuộc sống Tự do của dân tộc khác, hoặc của đồng hương mình đang sống trong xứ sở Tự Do!

    Vậy, nếu muốn thoát khỏi khổ đau khách quan như thế, con người phải tìm cách thoát khỏi cái guồng máy đó, phải tìm cách bứt dây chuyền, phá tan cái động cơ ép con người đứng vào dây chuyền robot ấy, nghĩa là phải lật đổ cái chế độ phi nhân, vô cảm ấy thì mới hết được Khổ đau. Ngoài ra không còn biện pháp nào khác. Những đề nghị như “người hải ngoại phải tự nguyện kêu gọi Hòa Giải Hòa Hợp với chế độ Cộng Sản” hoặc “phải về nước xây dựng trước rồi mới thay đổi chế độ chính trị sau” là những đề nghị xuẩn ngốc của những cái máy robot khác ở hải ngoại, được cài đặt những chương trình tiêu thụ và tiêu hóa, nhưng không được cài cái “Tâm” của Nhân Loại.

    Đến đây, thì một vấn đề khác nẩy sinh: khi sức lực Trần Thế của con người có giới hạn, thì phải nhờ đến một nguồn lực Siêu Nhiên: Thiên Chúa (hay Thượng Đế, ông Trời), là những Lực đã tác tạo ra con người hôm nay. Con người, trong cơn đau khổ, không thể oán trách Thiên Chúa là đã bỏ lơ loài người, vì thực tế, Thiên Chúa đã cho con người có Tự do suy nghĩ và hành động, nhưng Thiên Chúa không tạo ra chiến tranh, không khuyến khích bạo lực, và chẳng bao giờ hướng dẫn con người vào chỗ Đau Khổ! Chúa Giê Su nói: “Ta đến để đem sự sống vĩnh cửu cho trần thế!” nhưng chính con người đã giết Ngài, đã đánh đập Ngài, và treo Ngài lên thập giá. Từ đó, sự Ác cứ càng ngày càng phát triển một cách khủng khiếp. Trước khi Ngài xuống thế, tội ác đã dẫy đầy nhưng không tràn lan với một cường độ kinh hãi như sau khi Ngài lên trời. Những cuộc chiến sau này nổ ra với số người chết cả năm, sáu chục triệu, đẩy ra các bệnh dịch cũng chết cả chục triệu người và trong tương lai, một trận chiến bằng nguyên tử lực có thể tiêu diệt cả trái đất!

    Để đối phó với tai họa khổ đau ghê gớm như thế, chỉ còn cách làm Lành, lánh Dữ, và cầu nguyện. Làm chuyện Lành với những ai đau khổ bên mình, nhất là với những người Dân Oan trong nước. Làm chuyện trả ơn với những Thương Phế Binh bên nhà là những người đã hy sinh một phần thân thể cho lịch sử, cho Tổ Quốc. Và, cầu nguyện với hết cả tâm hồn của một người lương thiện, thì lúc đó, may ra Thiên Chúa mới động tâm mà giải tỏa nỗi khổ đau chập chùng của Dân Việt và đẩy nhóm lãnh đạo Cộng Sản “hèn với giặc, ác với dân” kia ra khỏi giang sơn mình, như lần Chúa Giê Su đã làm là đuổi bọn quỷ dữ ra khỏi thân xác của một người và nhập vào đàn heo, rồi cùng nhào xuống biển…



    Chu Tất Tiến

Working...
X