Mùa Sầu Riêng
Tháng Năm sầu riêng vào vụ, rất nhiều nhà vườn đã lời to trong mùa nghịch đầu năm. Đối với nhiều nhà nông, đó là sự bất công, vậy mà trong email, chú Tám Rô ở “đảo sầu riêng” Ngũ Hiệp, Tiền Giang không than vãn mà chỉ buồn buồn viết rằng “ông trời cho vào tay này lấy lại tay kia”. Mà thôi, tuy có giảm giá nhiều nhưng người trồng sầu riêng trên cù lao Ngũ Hiệp không đến nỗi lỗ trắng tay, vẫn còn lời đầu tư cho mùa vụ năm tới.
Tôi quen chú Tám Rô từ nhiều năm trước nhân chuyến lang thang thăm thú các vườn trái cây của tỉnh Tiền Giang. Người ta ví von cù lao Ngũ Hiệp là “vương quốc sầu riêng”, có người gọi là “đảo sầu riêng”. Cái tên “đảo sầu riêng” nghe hay hơn. Ở đảo mới “sầu riêng”, chứ cả một vương quốc mà sầu riêng nỗi gì? Trái sầu riêng còn cả một câu chuyện cổ tích oan tình éo le, nên buồn, nên sầu thì ra cù lao chơi với sông nước, buồn với trời với mây thì quả là hợp tình hợp cảnh!
Nhiều nhà vườn ở cù lao Ngũ Hiệp trồng sầu riêng hạt lép thay cho sầu riêng khổ qua
Trên cù lao rộng hơn hai ngàn mẫu này, nhà nào cũng chỉ trồng toàn một thứ sầu riêng. Sầu riêng khổ qua vị hơi nhẫn, da xanh, trái nhỏ, hột to nhưng cho nhiều trái lại dễ chăm sóc, bán nhanh, hiệu quả không thua gì sầu riêng hột lép Cái Mơn đắt tiền.
Sầu riêng mỗi năm một mùa. Nhưng người làm vườn vẫn có thể bắt cây hai năm cho ba vụ trái. Đây là cả kinh nghiệm làm vườn mà chú Tám bao năm đã làm trên vườn nhà mình. Nhiều người bảo làm vậy là vắt kiệt sức cây, năng suất sẽ giảm. Chú Tám không nghĩ như vậy, chú chăm sóc từng ly từng tí, kiểm tra từng nách lá, chân bông. Vài cây trong vườn nhóm bệnh thối trái, hay lá héo tàn vì nấm đen, nhện đỏ là chú đã lo chạy thuốc, thức hôm thức khuya chăm sóc muốn mờ con mắt.
Chú Tám dẫn tôi vào vườn đầy trái đeo cành thật thích. Chẳng biết trái nào sống trái nào chín. Nhìn cái trái gai tua tủa nhọn hoắc như con cá nóc phùng mang dễ làm người không sống ở vườn như tôi rụt rè tránh né. Sầu riêng trái vụ đơm bông trong mùa rộ trái để đến những tháng cuối năm bắt đầu cho trái. Sầu riêng ép trái vụ sẽ có trái ít hơn theo mùa vụ, nhưng giá cao gấp đôi. Hơn nữa có thể cần cho nhu cầu tiêu dùng không để dội chợ rớt giá ở mùa chính. Bông sầu riêng đơm nụ từng chùm trên thân, nụ bông tựa trái dâu ta. Cánh hoa nở trắng nhẹ mùi hương ngây. Bông nhiều nhưng không phải vì thế mà ra nhiều trái. Lớp rụng, lớp người làm vườn ngắt bỏ những bông đậu trái èo uột chỉ giữ lại chừng vài ba trái non tròn trĩnh, mơn xanh. Giống sầu riêng khổ qua có thể kết hơn trăm trái mỗi mùa. Trái xum xuê đâu chỉ nhờ dinh dưỡng phân bón, nước ngọt phù sa, mà còn cả mồ hôi của người chăm sóc.
Bông sầu riêng- nguồn hoangdieubaxuyen australia.com
Tôi nhớ cảnh nắng chiều đã héo trong đám mây mùa mưa hiu hắt. Cha con chú Tám bảo ở lại ngủ tối nghe sầu riêng rụng lịch bịch trong vườn cho vui. Đó là âm thanh của mùa trĩu quả, là sẻ chia niềm vui của người làm vườn trúng mùa. Nhưng biết sao được cái bụng no nê, lại thích đi về. Sợ chú buồn, nên mang một thùng sầu riêng về để nhớ.
Và tôi nhớ nhất cái thùng sầu riêng, đem chia cho mấy người bạn ở Sài Gòn, ăn xong tưởng được khen nào ngờ cả đám bảo cơm sầu riêng thì chỉ một lớp nhưng hạt thì to bằng ngón cẳng cái, nấu hột ăn chơi khỏi ăn cơm. Thì đã bảo rồi, sầu riêng khổ qua, hột to cơm ít, ăn chơi lấy thảo chứ chẳng lẽ người làm nông cực khổ tặng quà cây nhà lá vườn lại không mang về người ta buồn chết.
Sầu riêng khổ qua “dở ẹc” điều này không chối cãi. Ấy vậy mà tôi đã viết tặng cho chú Tám cũng như những nông dân cù lao Ngũ Hiệp bài tạp văn “Đảo sầu riêng” để nhớ cái tình, cái công khó nhọc của người trồng sầu riêng khổ qua da xanh. Có lần tôi nói điều này với chú Tám Rô sau khi chú sắm được cái computer liên lạc khi tôi trở về bên kia bờ đại dương. Chú đang thay đổi giống sầu riêng RI 6 cơm vàng hột lép. Trái cho ít hơn nhưng nhờ cha con chú chăm sóc mấy năm, thu huê lợi cũng nhiều, chứ không như sầu riêng khổ qua lượng nhiều chất ít. Trái cây muốn ra thị trường tiêu thụ mạnh phải ngon, phải đạt phẩm chất thương mại mới đến tay người mua. Bây giờ nhiều người tiêu dùng mặc dù là trong nước vẫn yêu cầu chất phải cao, trái ngon mới tiêu thụ được, mới lên được kệ siêu thị hay xuất cảng ra nước ngoài.
Vựa thu mua sầu riêng và bán ra thị trường
Chú Tám cũng biết điều này nên mạnh dạn thay đổi phương cách làm ăn truyền thống của nhà nông nhỏ lẻ. Và tôi cũng mừng khi nghe chú nói, bây giờ ở Ngũ Hiệp mọi nhà chuyển qua trồng sầu riêng giống Thái, cơm vàng ngon ngọt, thu nhập mỗi mùa cũng kha khá. Nghe mà mừng cho người nông dân, tuy sầu riêng vùng Nam bộ chưa xuất cảng ra thị trường nước ngoài được nhưng tiêu thụ trong nước cũng không đến nỗi “ế ”. Do vậy vụ mùa năm nay tuy rớt giá nhưng vườn nhà chú Tám không đến nỗi phấp phỏng không biết lấy tiền đâu đầu tư cho mùa vụ tới.
Chú kể cù lao Ngũ Hiệp, nơi bắt nguồn xuất xứ của loại sầu riêng “trước đây thì thích sau này thì chê”. Cù lao Ngũ Hiệp nằm trên vùng đất phù sa và là nơi đầu tiên sầu riêng khổ qua xanh được chở đến, cách đây hàng trăm năm. Giờ mùa sầu riêng khổ qua xanh đã hết và có thể sẽ trở thành “mùa sầu riêng không trở lại”. Hầu hết người dân trên cù lao này đã chặt các cây khổ qua xanh và giảm lượng cây trồng xuống chỉ còn 10% vụ mùa. Thay vào đó, họ ghép cành giâm từ các hạt giống sầu riêng hạt lép của Cái Mơn lên gốc cây sau khi đốn hạ, với hy vọng tăng gấp đôi thu nhập. Một số phải chờ mất bốn năm để thu hoạch những trái đầu tiên. Nhiều người khác bỏ đi làm công nhân nhà máy cho đến khi có thể thu hoạch trở lại - có lẽ là sẽ mất hai năm nữa.
Sầu riêng chuyển đi bán vào vựa
Mong là vậy mới hy vọng có lối thoát cho trái sầu riêng của vùng đất sông nước Nam bộ, nơi sinh ra giống sầu riêng thăng trầm qua nhiều giai đoạn. Trái sầu riêng vùng Ngũ Hiệp chưa đi xa lắm, giỏi lắm chỉ lẩn quẩn xuất cảng sang mấy nước châu Âu với số lượng ít. Trái lại một cơ hội mới mở ra với những vùng đất miền Đông (Đồng Nai, Lâm Đồng) với giống sầu riêng Thái Mong Thon có cái tên Dona (Đồng Nai) xuất cảng sang thị trường Mỹ từ ba năm nay với số lượng còn hạn chế. 300 tấn sầu riêng mỗi năm còn là con số lẻ của sản lượng thu hoạch trong một mùa sầu riêng.
Được như thế là một bước tiến trong việc xuất cảng trái cây vào thị trường Bắc Mỹ. Trong mail chú Tám viết, Tiền Giang mình tự hào là xứ sở trái cây của đồng bằng sông Cửu Long nhưng mới có thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, rồi vú sữa Vĩnh Kim đã chu du sang Mỹ, Canada. Còn nhiều thứ trái cây khác vẫn phải chờ nhiều điều kiện vì người nông dân xứ mình chưa thực hiện được cách trồng theo tiêu chuẩn khắt khe của GAP toàn cầu (Good Agricultural Practices). Nghe những lời tâm sự của một lão nông mới tập tành sử dụng computer gởi mail mà thấy sự cố gắng vươn lên của chú Tám. “Có computer mình mới có cơ hội theo dõi thông tin khắp nơi, nhất là những gì liên quan đến cái nghề trồng trọt của nước người ta để mà học hỏi. Tiếng Anh tiếng u không biết gì ráo nhưng nhìn hình ảnh trên youtube người ta làm nông thấy phát thèm... Bà con người Việt làm vườn ở Florida sao nhẹ nhàng quá, lại có thể làm du lịch cho khách thăm viếng, thấy trên video mà mong cho bà con làm vườn xứ mình cũng được như vậy...”.
Việc phát triển cây sầu riêng trên cù lao Ngũ Hiệp vẫn mang tính chất manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm và thường xuyên bị rơi vào tình huống “được mùa mất giá”. Hy vọng mùa sầu riêng trong những năm tới có thể thay đổi gì không?
TN (baotreonline)